Việc ban hành Chỉ thị quan trọng này nhằm đáp ứng yêu cầu về nâng cao hiệu quả của công tác phòng, chống tham nhũng, nhằm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác này, đề ra cụ thể bảy nhóm nhiệm vụ công tác trọng tâm.
Phóng viên Báo Nhân Dân dịp này trao đổi với ông Nguyễn Quang Thái, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) chung quanh nhiều nội dung được cán bộ, nhân dân quan tâm về hoàn thiện pháp luật về thu hồi tài sản tham nhũng, những giải pháp khắc phục những bất cập, khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện; phát huy hiệu quả công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, đơn vị có liên quan ở Trung ương và địa phương, trong đó có lĩnh vực thi hành án dân sự.
“Không có vùng cấm”
Trong những năm gần đây, nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng đã được phát hiện, điều tra, xét xử trên nguyên tắc “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” mang lại niềm tin của nhân dân đối với công cuộc phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước.
Ông Nguyễn Quang Thái cho biết: Quan điểm của Đảng và Nhà nước ta trong công tác phòng, chống tham nhũng hiện nay lấy phòng ngừa là chính; đồng thời tăng cường phát hiện, xử lý nghiêm hành vi tham nhũng đúng với tinh thần “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”. Đối với lĩnh vực thi hành án dân sự, ngoài việc kịp thời xử lý theo pháp luật tài sản đã kê biên, phong tỏa, tạm giữ trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, chấp hành viên phải tích cực xác minh, truy tìm và xử lý tài sản trong giai đoạn thi hành án và “không có vùng cấm” nào được đặt ra.
Thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế trở thành một yêu cầu tất yếu của công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng, đồng thời cũng là một trong những yếu tố quan trọng để đánh giá hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng.
Từ thực tiễn chỉ đạo công tác thu hồi tài sản tham nhũng thời gian qua, Tổng cục trưởng Thi hành án dân sự cho rằng, bước chuyển quan trọng nhất chính là sự thay đổi căn bản về nhận thức đối với nhiệm vụ thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế của các cấp, các ngành trong thời gian qua, với sự chỉ đạo nhất quán, quyết liệt, hiệu quả trong nhận thức và hành động từ Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Từ chuyển biến về nhận thức đã tạo ra những cú huých quan trọng trong hành động, đến kết quả.
Nhận định kết quả thu hồi tài sản tham nhũng trong những năm gần đây có nhiều chuyển biến tích cực, ông Nguyễn Quang Thái cho biết: Cùng với việc chứng minh tội phạm, các cơ quan tiến hành tố tụng đã tích cực chủ động áp dụng các biện pháp truy tìm, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, hạn chế để các đối tượng có liên quan tẩu tán, che giấu, hợp pháp hóa tài sản tham nhũng; tích cực động viên người phạm tội giao nộp tài sản để được hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật.
Giải pháp mạnh, giải quyết “gốc rễ”
Trong công tác thi hành án dân sự, Ban cán sự đảng, lãnh đạo Bộ Tư pháp đã quyết liệt, sát sao trong chỉ đạo đối với công tác thi hành án nói chung, công tác thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng nói riêng. Tổng cục Thi hành án dân sự và các cơ quan Thi hành án dân sự trên toàn quốc đã tích cực, chủ động áp dụng nhiều giải pháp đồng bộ, chủ động phối hợp các cơ quan hữu quan để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc khi xử lý tài sản kê biên để thu hồi tài sản.
Để giải quyết hiệu quả hơn công tác này, thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư, Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp năm qua nghiên cứu, trình Ban Bí thư đề án về tăng cường sự lãnh đạo của đảng đối với công tác thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng và kiến nghị Ban Bí thư ban hành Chỉ thị tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế với rất nhiều giải pháp.
Trong đó, giải pháp đầu tiên được xem như một nội dung rất quan trọng và có tính chất quyết định, theo ông Nguyễn Quang Thái, đó là đã xác định: công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế đây là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt trong quá trình thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng. Đây là vấn đề “gốc rễ”. Giải quyết từ gốc mới triệt để, hiệu quả. Mỗi cơ quan từ thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đều có chung nhiệm vụ vừa tìm ra sai phạm, tội phạm vừa có trách nhiệm chung đó là phải thu hồi tối đa tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Nhiệm vụ, kết quả hoạt động của cơ quan này là tiền đề cho cơ quan thực hiện nhiệm vụ tiếp theo và thực tế đã minh chứng sự thành công, hiệu quả của công tác này.
Do đó, công tác triển khai toàn diện, hiệu quả Chỉ thị của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng là nhiệm vụ chính trị quan trọng; bên cạnh đó, để khắc phục tình trạng bất cập của các quy định pháp luật, từ đó nghiên cứu đề xuất ban hành, sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật cho phù hợp.
Tịch thu tài sản không qua thủ tục kết tội
Việc thu hồi tài sản tham nhũng ở Việt Nam đang được thực hiện qua kênh truy tố, xét xử, có bản án sau đó mới kê biên, tịch thu tài sản. Điều này một số chuyên gia cho rằng sẽ khiến tội phạm tham nhũng có thời gian tẩu tán tài sản, hiệu quả thu hồi thấp và cần phải đổi mới theo hướng tịch thu tài sản không qua thủ tục kết tội để nâng cao tỷ lệ thu hồi tài sản.
Cơ chế thu hồi tài sản tham nhũng chủ yếu được thực hiện dựa trên các bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, cơ chế này với ưu điểm công khai, minh bạch, được phán quyết bằng một Tòa án có thẩm quyền, theo một trình tự thủ tục chặt chẽ. Theo Bộ luật Tố tụng hình sự hiện nay, không phải sau khi có bản án có hiệu lực pháp luật thì các cơ quan có thẩm quyền mới áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản của người phạm tội tham nhũng mà được thực hiện ngay từ giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử vụ án tham nhũng.
Đến giai đoạn thi hành án, cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền xác minh tài sản của người phải thi hành án để thu hồi tài sản cho Nhà nước, cá nhân, tổ chức. Do đó, cơ chế thu hồi tài sản tham nhũng thông qua thủ tục kết án hình sự, với ưu điểm công khai, minh bạch, được phán quyết bằng một Tòa án có thẩm quyền, theo một trình tự thủ tục chặt chẽ vẫn phải được coi là kênh chủ yếu để thu hồi tài sản tham nhũng.
Về cơ chế tịch thu tài sản không qua thủ tục kết tội, lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự đánh giá, đây là một cơ chế tịch thu tài sản mới, được coi là một trong những giải pháp trong pháp luật của một số quốc gia trên thế giới. Năm 2020, Bộ Tư pháp đã phối hợp các bộ, ngành có liên quan tiến hành nghiên cứu, xây dựng Báo cáo "Nghiên cứu đề xuất xây dựng quy định biện pháp tịch thu tài sản không thông qua thủ tục kết tội”.
Hiện nay, cơ chế tịch thu tài sản không qua thủ tục kết tội tiếp tục được nghiên cứu và đề xuất sửa đổi, bổ sung pháp luật có liên quan, với lộ trình, bước đi phù hợp với điều kiện, thực tiễn của Việt Nam, nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác tịch thu tài sản, đặc biệt là tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, rửa tiền.
Một số vụ việc điển hình đã thu hồi được số tiền lớn trong thời gian qua như: vụ Hứa Thị Phấn, cho đến nay đã thu hồi được hơn 12 nghìn tỷ đồng; vụ Phạm Công Danh, đã thu hồi được hơn 5.405 tỷ đồng; vụ Phan Sào Nam, thu hồi được gần 2.000 tỷ đồng. Đặc biệt, có vụ việc, cơ quan chức năng đã thu hồi được 100% số tiền thất thoát (vụ AVG với hơn 8.000 tỷ đồng).
(Theo số liệu báo cáo của Tổng cục Thi hành án dân sự)
“Cơ chế tịch thu tài sản không qua thủ tục kết tội có ưu điểm là có thể tiến hành tịch thu tài sản ngay cả khi người phạm tội không bị kết án, khắc phục được khó khăn lớn nhất của công tác tịch thu tài sản là phải chứng minh nguồn gốc hợp pháp do phạm tội mà có.
Đây là một cơ chế mới, phức tạp nên việc thực hiện sẽ đặt ra một số vấn đề như bảo đảm quyền con người, quyền công dân khi thực hiện. Việc rà soát và sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật hiện hành để tương thích đối với cơ chế này cần được tính toán rất kỹ...”.
(Ông Nguyễn Quang Thái, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự) |