Ngày 14/11/2008, Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật Thi hành án dân sự (THADS), được sửa đổi, bổ sung năm 2014, 2020, 2022
[1]. Đến nay, sau gần 15 năm triển khai thực hiện, công tác THADS đã đạt được nhiều kết quả tích cực, được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế và đảm bảo trật tự an toàn xã hội của đất nước. Cụ thể:
1. Công tác quán triệt, triển khai; tuyên truyền, phổ biến giáo dục và xây dựng văn bản hướng dẫn thi hành
1.1. Công tác quán triệt, triển khai pháp luật về thi hành án dân sự
Sau khi ban hành Luật THADS năm 2008, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THADS năm 2014, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 09 Luật, trong đó có Luật THADS năm 2022, thực hiện Kế hoạch của Chính phủ, Bộ Tư pháp, các Bộ, ngành và các địa phương đã xây dựng Kế hoạch, chỉ đạo các cơ quan THADS, các cơ quan có liên quan triển khai thi hành Luật bằng nhiều hình thức như: Trên các phương tiện thông tin, truyền thông; tại các hội nghị phổ biến pháp luật, hội nghị triển khai công tác, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ hàng năm …
Tại địa phương, các cơ quan THADS đã chủ động phối hợp với Sở Tư pháp tham mưu giúp Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng và ban hành các Kế hoạch, Chỉ thị, văn bản chỉ đạo triển khai Luật…
1.2. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về thi hành án dân sự
Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về THADS được các cơ quan từ Trung ương đến địa phương quan tâm thực hiện thường xuyên bằng nhiều hình thức như: đăng tải công khai hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản có liên quan, tin bài, phóng sự; nghiên cứu trao đổi… trên các Cổng thông tin điện tử; tạp chí giấy, điện tử và các phương tiện thông tin đại chúng; lồng ghép trong các cuộc họp của cơ quan; vận động, thuyết phục, giáo dục tại gia đình đương sự...
Qua công tác quán triệt, triển khai và phổ biến, giáo dục pháp luật THADS, nhận thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về ý nghĩa, vai trò của công tác THADS được nâng lên; hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật cơ bản đầy đủ; việc kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ làm công tác THADS cơ bản được hoàn thành; vị thế cơ quan THADS được nâng lên và nhận được sự quan tâm hơn của cấp ủy, chính quyền địa phương; cơ sở vật chất, điều kiện làm việc của các cơ quan THADS đã được cải thiện; công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp ngày càng được tăng cường.
1.3. Xây dựng văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật
Chính phủ, Bộ Tư pháp và các Bộ, Ngành, địa phương luôn quan tâm, thường xuyên nghiên cứu, rà soát các văn bản, kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc tham mưu sửa đổi, bổ sung văn bản pháp luật để thực hiện có hiệu quả, thống nhất Luật THADS. Trong giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2014, công tác THADS đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên vẫn còn một số bất cập. Để khắc phục, tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THADS năm 2008 có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2015. Đến năm 2022, để giải quyết vướng mắc đối với trường hợp tài sản đã bị cơ quan kê biên ở nhiều địa phương khác nhau, Quốc hội đã thông qua Luật số 03/2022/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của 09 Luật, trong đó có Luật THADS, sửa đổi, bổ sung Điều 55, 56 và 57 Luật THADS, bổ sung cơ chế ủy thác xử lý tài sản. Các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan trực tiếp đến hoạt động THADS cũng tiếp tục được hoàn thiện, cơ bản bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất
[2]. Pháp luật THADS và các quy định liên quan về cơ bản cũng cơ bản đảm bảo sự tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia
[3].
Đến nay, có tổng số 56 văn bản trong lĩnh vực THADS đang có hiệu lực pháp luật, gồm 03 Luật, 02 Nghị quyết, 05 Nghị định; 46 Quyết định, Thông tư, Thông tư liên tịch (trong đó có 21 Thông tư do Bộ Quốc phòng ban hành)
(Phụ lục 1). Ngoài ra, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các Bộ, Ngành liên quan tham mưu ban hành nhiều công văn chỉ đạo, hướng dẫn tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Luật THADS.
2. Kết quả thi hành án dân sự, quản lý nhà nước về thi hành án dân sự
2.1. Kết quả thi hành án dân sự không ngừng nâng cao, năm sau luôn cao hơn năm trước và cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao
Hằng năm Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo thi hành hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ Quốc hội giao. Kết quả thi hành án về việc liên tục tăng mặc dù số thụ lý mới hàng năm đều tăng, trong đó có những năm tăng đột biến. Tuy nhiên, kết quả THADS đạt được không ngừng nâng cao, năm sau luôn cao hơn năm trước và cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ THADS Quốc hội giao hàng năm. Kết quả thi hành án về việc, về tiền theo Phụ lục 2 kèm theo.
Quyền và lợi ích hợp pháp của người dân được đảm bảo, trong đó có quyền khiếu nại, tố cáo đối với THADS. Hệ thống THADS đã thực hiện tiếp công dân đúng quy định, tạo điều kiện thuận lợi để người dân khiếu nại, tố cáo đối với công tác của Chấp hành viên, Thủ trưởng cơ quan THADS; đồng thời, giải quyết các khiếu nại, tố cáo của đương sự đúng quy định của pháp luật. Tình hình công dân đến các cơ quan Trung ương để khiếu nại, tố cáo về THADS đã giảm; đã giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc phức tạp, tồn đọng lâu năm. Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo về THADS đã được thực hiện tốt hơn; bảo đảm đúng trình tự, thời hạn, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các cơ quan THADS, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thi hành án.
2.2. Tổ chức, cán bộ, cơ sở vật chất được tăng cường
2.2.1. Về tổ chức bộ máy
Theo quy định của Luật THADS, Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về THADS; phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao trong THADS và báo cáo Quốc hội về công tác THADS. Từ nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Luật THADS cũng quy định Bộ Tư pháp, Hệ thống cơ quan THADS (không bao gồm Hệ thống THA trong quân đội) là những cơ quan chịu trách nhiệm chính trong hoạt động THADS. Theo quy định, Bộ Tư pháp có trách nhiệm giúp Chính phủ quản lý toàn diện các mặt của công tác THADS, từ ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản điều chỉnh hoạt động THADS đến quản lý hệ thống tổ chức, biên chế và hoạt động của cơ quan THADS; hướng dẫn, chỉ đạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho Chấp hành viên và công chức khác làm công tác THADS; đảm bảo cơ sở vật chất, phương tiện hoạt động cho cơ quan THADS...
Hệ thống THADS được tổ chức thành hệ thống dọc từ Trung ương đến cấp huyện, bảo đảm nguyên tắc tập trung thống nhất, gồm ba cấp: Cơ quan quản lý THADS; cơ quan THADS ở địa phương có Cục THADS cấp tỉnh, Chi cục THADS cấp huyện. Kết quả công tác những năm qua cho thấy, Tổng cục THADS đã làm tốt chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp quản lý công tác THADS, theo dõi thi hành án hành chính (THAHC).
Cơ cấu tổ chức Cơ quan quản lý THADS thuộc Bộ Tư pháp gồm có Lãnh đạo Tổng cục
(Tổng Cục trưởng và không quá 04 Phó Tổng cục trưởng), các đơn vị thực thuộc Tổng cục THADS ở Trung ương
(cơ quan Tổng cục) gồm 08 đơn vị
(07 tổ chức hành chính và 01 đơn vị sự nghiệp). Cơ cấu tổ chức của các đơn vị được bố trí hợp lý, bảo đảm nguyên tắc bố trí công chức theo vị trí việc làm được phê duyệt. Vụ chuyên môn và đơn vị tương đương thực hiện công tác quản trị nội bộ thuộc Tổng cục THADS đều đáp ứng đầy đủ tiêu chí thành lập theo quy định tại Nghị định số 101/2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 28/8/2020 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ
[4].
Cơ cấu tổ chức của Cục THADS gồm có Cục trưởng và không quá 03 Phó Cục trưởng. Mỗi Cục THADS có từ 4-6 phòng chuyên môn và tương đương (sau đây gọi chung là phòng thuộc Cục). Cả nước hiện có 270 phòng thuộc 63 Cục THADS, trong đó 45 Cục THADS có 04 phòng
[5]; 17 Cục THADS có 05 phòng
[6]; 01 Cục THADS Thành phố Hồ Chí Minh có 06 phòng
[7]. Cục THADS có Chấp hành viên cao cấp, trung cấp, sơ cấp; Thẩm tra viên, Thẩm tra viên chính, Thư ký thi hành án và các chức danh giúp việc khác. Phòng chuyên môn thuộc Cục THADS được tổ chức, thành lập đáp ứng yêu cầu tinh gọn bộ máy.
Chi cục THADS cấp huyện được thành lập theo đơn vị hành chính cấp huyện. Chi cục THADS không có đơn vị trực thuộc. Chi cục THADS cấp huyện có Chấp hành viên trung cấp, sơ cấp; Thẩm tra viên, Thư ký thi hành án và các chức danh hỗ trợ khác.
Để đáp ứng yêu cầu tinh gọn bộ máy, trên cơ sở đề nghị của Bộ Tư pháp, ngày 02/8/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 19/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung Quyết định số 61/2014/QĐ-TTg ngày 30/10/2014 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu, tổ chức của Tổng cục THADS trực thuộc Bộ Tư pháp. Hiện nay Bộ Tư pháp đang chỉ đạo sắp xếp lại tổ chức các đơn vị chuyên môn trực thuộc Cục THADS cấp tỉnh theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối; đáp ứng các tiêu chí thành lập phòng quy định tại Nghị định số 123/2016/NĐ-CP của Chính phủ (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 101/2020/NĐ-CP). Sau khi sắp xếp, cơ bản mỗi Cục THADS cấp tỉnh có không quá 03 phòng chuyên môn; một số đơn vị lớn có từ 05 đến 06 phòng chuyên môn.
Cơ quan quản lý THADS thuộc Bộ Quốc phòng gồm có Cục thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng, các cơ quan thi hành án trong quân đội hiện có một cấp là Phòng thi hành án cấp quân khu.
2.2.2. Về đội ngũ Chấp hành viên, công chức THADS
Đội ngũ công chức làm công tác THADS luôn được Bộ Tư pháp quan tâm, chú trọng củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng. Về cơ bản đội ngũ công chức thi hành án đã được đào tạo nâng cao, đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với cơ cấu ngạch của vị trí việc làm theo hướng chuyên môn hóa. Đến ngày 30/9/2023, toàn Hệ thống THADS có 4.069 Chấp hành viên
(35 Chấp hành viên cao cấp, 1.522 Chấp hành viên trung cấp và 2.512 Chấp hành viên sơ cấp); 858 Thẩm tra viên
(16 Thẩm tra viên cao cấp, 150 Thẩm tra viên chính, 692 Thẩm tra viên), có 1.207 Thư ký
(trong đó có 1.089 Thư ký thi hành án, 118 Thư ký trung cấp thi hành án), còn lại chuyên viên và các ngạch công chức khác
(gồm kế toán, cán sự, văn thư, thủ kho, thủ quỹ và các chức danh khác).
Các cơ quan thi hành án Quân đội hiện có: 32 Chấp hành viên
(16 Chấp hành viên trung cấp, 16 Chấp hành viên sơ cấp); 27 Thẩm tra viên
(01 Thẩm tra viên cao cấp, 07 Thẩm tra viên chính, 19 Thẩm tra viên); 06 Thư ký thi hành án. Chế độ chính sách, đãi ngộ đối công chức, người lao động cơ bản được bảo đảm. Đội ngũ Chấp hành viên, công chức làm công tác THADS thường xuyên được bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cũng như trong quản lý nhà nước để đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ. Kỷ luật, kỷ cương hành chính được tăng cường, bảo đảm nguyên tắc tập trung thống nhất trong quản lý ngành dọc, đề cao trách nhiệm người đứng đầu nhưng vẫn bảo đảm độc lập tương đối trong hoạt động của các chức danh tư pháp.
2.2.3. Cơ sở vật chất, kinh phí, phương tiện hoạt động được bảo đảm
Thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW, Nghị quyết số 96/2019/QH14 của Quốc hội khóa 14 và Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 06/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác THADS, trong thời gian qua, cơ sở vật chất của hệ thống THADS đã được tăng cường, đảm bảo mục tiêu trang bị một phần các trang thiết bị, phương tiện làm việc đặc thù, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của các cơ quan THADS. Thông qua đó, chất lượng công tác chỉ đạo, điều hành; điều kiện làm việc của Chấp hành viên, cán bộ, công chức ngành THADS được nâng lên góp phần nâng cao chất lượng hoạt động THADS. Thực hiện việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước, đến nay tổng số cơ sở nhà, đất của khối cơ quan THADS phải thực hiện sắp xếp lại, xử lý là 837 cơ sở nhà, đất; đến ngày 19/6/2023 đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý đối với 682 cơ sở nhà, đất (đạt tỷ lệ 81.48%).
Trong thời gian qua Bộ Tài chính đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có ý kiến về việc giao đất để xây dựng trụ sở làm việc và kho vật chứng cho khối cơ quan THADS. Do đó, đến nay hầu hết các cơ quan THADS đã được giao đất, cấp đất để triển khai xây dựng trụ sở, kho vật chứng. Tính đến hết năm 2022, có 761/765 cơ quan THADS được đầu tư xây dựng trụ sở, chỉ còn 04 đơn vị chưa được đầu tư xây dựng trụ sở
[8]. Về kho vật chứng, tính đến hết kế hoạch đầu tư năm 2022, cả nước đã có 316/765 đơn vị được đầu tư kho vật chứng (đạt tỷ lệ 41%). Hàng năm, ngân sách nhà nước đều bố trí kinh phí thuê kho, tiếp nhận bảo quản tang chứng, vật chứng, tài sản tạm giữ. Phương tiện làm việc cho các cơ quan THADS ngày càng được quan tâm.
Đối với các cơ quan thi hành án Quân đội, hiện có 3/10 trụ sở được đầu tư xây dựng từ 2013 đến nay, 7/10 trụ sở các cơ quan thi hành án được tận dụng từ các công trình cũ, xây dựng trước năm 2000, diện tích, công năng chưa đảm bảo; 7/10 kho vật chứng bố trí trong trụ sở làm việc, diện tích xây dựng, thiết kế chưa đủ theo tiêu chuẩn; 100% phương tiện đã sử dụng trên 12 năm, nhiều phương tiện đã hết niên hạn sử dụng.
Các nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin đã được triển khai thực hiện, bước đầu đạt được một số kết quả cụ thể: (i) Đưa vào vận hành, sử dụng một số phần mềm nghiệp vụ THADS như: Phần mềm Quản lý quá trình thụ lý, Tổ chức thi hành án và báo cáo thống kê THADS (Phần mềm Thụ lý); Phần mềm cơ sở dữ liệu điện tử về người phải thi hành án chưa có điều kiện; Phần mềm Hỗ trợ trực tuyến; Phần mềm Kế toán nghiệp vụ; Phần mềm quản lý cán bộ; Cổng thông tin điện tử THADS; Phần mềm quản lý văn bản; triển khai chữ ký số...; (ii) Hình thành cơ sở dữ liệu về THADS trên cơ sở vận hành các phần mềm và Cổng Thông tin điện tử THADS; (iii) Đang phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan hoàn thành việc thu tạm ứng án phí, lệ phí tòa án trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, hiện nay đang triển khai thí điểm lần 2 tại 35 Chi cục THADS. Kết quả nêu trên, bước đầu đã xây dựng được nền tảng và tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng hệ thống thông tin THADS đồng bộ, thống nhất, phục vụ chuyển đổi số.
2.3. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát được tập trung thực hiện
Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động THADS. Tổng cục THADS thuộc Bộ Tư pháp, Cục thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng đều có đơn vị chuyên trách Giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tại các Cục THADS có Phòng Kiểm tra giải quyết khiếu nại, tố cáo. Qua kiểm tra, thanh tra đã kịp thời phát hiện, chấn chỉnh đối với các sai phạm về chuyên môn nghiệp vụ và tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác; các trường hợp vi phạm đều được xử lý nghiêm túc và đúng quy định pháp luật.
Thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý sai phạm tiếp tục được đẩy mạnh triển khai thực hiện một cách bài bản, liên tục, bắt đầu từ công tác xây dựng thể chế, phổ biến, quán triệt, thực hiện tự kiểm tra, rà soát phát hiện, xử lý vi phạm. Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo toàn Hệ thống THADS phối hợp, chấp hành nghiêm túc việc thực hiện thanh tra, kiểm tra, kiểm sát và giám sát đối với công tác THADS của các cơ quan có thẩm quyền theo đúng quy định của pháp luật, đặc biệt là tuân thủ nghiêm hoạt động kiểm sát của Viện kiểm sát nhân dân các cấp theo chức năng, nhiệm vụ của cơ quan này.
Hằng năm Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp đều thực hiện giám sát đối với hoạt động tư pháp nói chung và hoạt động THADS nói riêng
[9].
2.4. Công tác thi hành án dân sự được xem là một nhiệm vụ chính trị quan trọng được cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương quan tâm
Hoạt động THADS đã được coi là một trong các nhiệm vụ chính trị quan trọng, được cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Qua tổng kết, đánh giá cho thấy, giai đoạn 2009 đến nay: Cơ chế mới đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là sự quan tâm phối hợp, lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, có hiệu quả của cấp ủy, chính quyền địa phương, Ban Chỉ đạo THADS các cấp. Cấp ủy, chính quyền địa phương đã quan tâm sát sao, tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho các cơ quan THADS; các quy định của Đảng
(nhất là sau khi Bộ Chính trị ban hành Quy định số 105-QĐ/TW ngày 19/12/2017 về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử) thì công tác phối hợp giữa Bộ Tư pháp với cấp ủy, chính quyền địa phương ngày càng phát huy hiệu quả.
Công tác phối hợp giữa cơ quan THADS với chính quyền địa phương thể hiện rõ nét nhất qua vai trò của Ban Chỉ đạo THADS. Ban Chỉ đạo THADS đóng vai trò là cầu nối để khơi thông và điều phối mối quan hệ giữa cơ quan THADS với các cơ quan khác trong địa giới hành chính của mình; đồng thời quan tâm công tác an sinh xã hội, công tác đảm bảo chăm lo ổn định đời sống của người dân tại địa phương trong chính hoạt động THADS.
Cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến công tác THADS được chú trọng. Hầu hết các địa phương xây dựng Quy chế phối hợp giữa Cục THADS với các đơn vị
[10] trong công tác THADS. Đặc biệt, có địa phương
[11] đã chủ động ban hành Quy chế phối hợp giữa Ủy ban nhân dân các cấp với cơ quan Tòa án, cơ quan THADS trong việc giải quyết các vụ án, tranh chấp, thi hành án có liên quan đến quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và các tài sản khác gắn liền với đất trên địa bàn.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện đã chủ động tổ chức quán triệt việc thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án theo Chương trình, Kế hoạch của Bộ Tư pháp và Tổng cục THADS; thường xuyên quan tâm chỉ đạo việc tổ chức thi hành án. Nhiều địa phương Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đã ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác THADS và tổ chức quán triệt trong cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể từ cấp tỉnh đến cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác THADS...
2.5. Việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân trong thi hành án dân sự
Với chức năng, nhiệm vụ được giao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã chỉ đạo Viện kiểm sát nhân dân hai cấp ở địa phương thường xuyên thực hiện chức năng kiểm sát THADS đối với cơ quan THADS trên địa bàn; phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong các vụ việc phức tạp; cử đại diện tham gia các hoạt động nghiệp vụ thi hành án để thực hiện chức năng kiểm sát đúng quy định
[12].
Ngoài việc thực hiện thẩm quyền kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu trong công tác kiểm sát, Viện kiểm sát nhân dân các cấp thường xuyên trao đổi với cơ quan THADS để phối hợp kịp thời giải quyết những vụ việc phức tạp, nhất là những vụ việc THADS được dư luận quan tâm, ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự tại địa phương. Qua đó, giúp các cơ quan THADS khắc phục kịp thời những sai sót vi phạm, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác.
Đối với các bản án, quyết định của Tòa án có vướng mắc khó thi hành, trên cơ sở đề nghị của cơ quan THADS, Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân các cấp đã thống nhất lập danh sách và có văn bản kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét. Thông qua công tác kiểm sát THADS, Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã kịp thời có văn bản kiến nghị yêu cầu các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội có trách nhiệm thực hiện và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan THADS. Bên cạnh đó, nhằm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đảm bảo nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, kỷ luật công vụ trong THADS, Bộ Tư pháp đã chỉ đạo quyết liệt việc thanh tra, kiểm tra, phối hợp chặt chẽ với Viện kiểm sát nhân dân các cấp, kiểm sát chặt chẽ việc tuân theo pháp luật trong THADS. Các kiến nghị, kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân các cấp được thực hiện nghiêm túc, xử lý nghiêm các sai phạm hàng năm.
2.6. Việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân trong thi hành án dân sự
Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được phân công, Tòa án nhân dân các cấp đã thực hiện việc chuyển giao bản án, quyết định cho cơ quan THADS về cơ bản được triển khai thực hiện nghiêm túc, đúng quy định; việc phối hợp trong việc thụ lý và giải quyết các yêu cầu của cơ quan THADS về việc xem xét xác định tài sản thi hành án có tranh chấp cơ bản được thực hiện kịp thời, tháo gỡ được một số vướng mắc liên quan đến việc áp dụng Điều 74, Điều 75 Luật THADS. Việc hướng dẫn quyền yêu cầu thi hành án đã được thực hiện cơ bản đầy đủ và đưa vào nội dung bản án. Việc giải quyết những bản án tuyên không rõ đã có những chuyển biến tích cực
[13], Tòa án nhân dân các cấp cũng đã quan tâm trả lời kịp thời các kiến nghị, giải quyết yêu cầu xem xét lại bản án, quyết định theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm của cơ quan THADS
[14]. Cơ quan THADS các cấp đã phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao thực hiện việc xét miễn, giảm đối với 60.078 việc với tổng số tiền 497,3 tỷ đồng cho các đối tượng thuộc diện được miễn, giảm theo quy định.
3. Công tác phối hợp và việc thực hiện thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong thi hành án dân sự
3.1. Bảo vệ cưỡng chế thi hành án, phối hợp bảo vệ kho vật chứng của cơ quan thi hành án dân sự
- Về phối hợp bảo vệ cưỡng chế THADS: Cơ quan Công an đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan trong bảo vệ cưỡng chế THADS. Trước khi tiến hành cưỡng chế, cơ quan THADS phối hợp với cơ quan Công an để xây dựng Kế hoạch bảo vệ cưỡng chế; đồng thời bố trí lực lượng, công cụ, phương tiện đảm bảo an toàn, không để xảy ra tụ tập đông người, gây mất ổn định trật tự. Đối với các vụ việc phức tạp, có sự chống đối của người phải thi hành án, cơ quan THADS đều chủ động phối hợp với cơ quan Công an tham mưu cho Ban Chỉ đạo THADS thống nhất về phương án cưỡng chế phù hợp, phối hợp giáo dục thuyết phục người phải thi hành án tự nguyện thi hành nghĩa vụ
[15].
- Phối hợp trong công tác thu tiền, tài sản trong trại giam, đặc xá: Công tác phối hợp giữa cơ quan THADS và Công an tỉnh, Trại giam, Trại tạm giam, Công an các huyện, thành phố trong thu, nộp quản lý tiền, giấy tờ và trả tiền, giấy tờ cho phạm nhân được thực hiện hiệu quả. Các Trại giam, Trại tạm giam thực hiện tốt việc tuyên truyền, vận động người phải thi hành án, thân nhân của họ tự nguyện thi hành trách nhiệm dân sự; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, Chấp hành viên cơ quan THADS thực hiện các thủ tục THADS đối với đương sự là phạm nhân. Cơ quan Công an thường xuyên cung cấp, trao đổi thông tin về việc chấp hành hình phạt bổ sung, trách nhiệm dân sự của những phạm nhân đang chấp hành án phạt tù cho cơ quan THADS. Qua đó, thực hiện tốt công tác thu tiền, tài sản, nâng cao hiệu quả công tác THADS.
- Cục quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an đã phối hợp chặt chẽ khi cơ quan THADS đề nghị tạm hoãn, giải tỏa việc xuất cảnh đối với đương sự chưa thực hiện xong nghĩa vụ thi hành án; đồng thời có văn bản phản hồi với cơ quan THADS về việc đương sự chưa được xuất cảnh hoặc tạm hoãn xuất cảnh.
- Về công tác phối hợp giải quyết trường hợp người nước ngoài đã chấp hành xong án phạt tù nhưng chưa thi hành xong phần dân sự trong bản án hình sự, không được phép xuất cảnh về nước nên phải lưu trú dài ngày tại cơ sở lưu trú của Bộ Công an, Cơ quan THADS đã phối hợp với cơ quan quản lý thi hành án hình sự, Bộ Công an và các Bộ, Ngành có liên quan từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để xử lý các vụ việc cụ thể.
3.2. Phối hợp với cơ quan thi hành án dân sự các cấp trong việc thu nộp các khoản tiền thi hành án dân sự trong các bản án hình sự của phạm nhân, làm căn cứ đề nghị Tòa án xét, quyết định miễn, giảm hình phạt cho người phải thi hành án có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật
Trong tổng số các vụ việc mà các cơ quan THADS phải thi hành hàng năm thì số lượng các vụ việc dân sự trong hình sự chiếm tỷ lệ khá lớn (trong đó có nhiều trường hợp người phải thi hành án đang thụ hình). Do đó, để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Bộ Công an xây dựng hoàn thiện thể chế; chỉ đạo Tổng cục THADS và các cơ quan THADS phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thuộc Bộ Công an như Tổng cục VIII (nay là Cục 10 và Cục 11), các Trại giam, Trại tạm giam, Nhà tạm giữ trong việc giáo dục thuyết phục người phạm tội và thân nhân người phạm tội, thi hành. Qua đó, kết quả phạm nhân và gia đình tích cực thực hiện nghĩa vụ dân sự trong các bản án, quyết định hình sự để được hưởng chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước ngày càng nâng cao, nhất là những năm gần đây
[16].
3.3. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị khác có liên quan
- Với Văn phòng đăng ký đất đai và một số cơ quan chuyên môn khác: Luật THADS đã quy định một số trường hợp phải xác minh tại cơ quan có thẩm quyền đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản, cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm; một số trường hợp phải có đại diện cơ quan đăng ký đất đai cùng cấp tham gia; quy định trách nhiệm trong việc cấp giấy chứng nhận cho người mua được tài sản bán đấu giá, cho người nhận tài sản để thi hành án. Bộ Tư pháp và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ký Quy chế phối hợp số 648/QCPH/BTP-BTNMT ngày 28/2/2019, trong đó có quy định nội dung phối hợp trong công tác THADS.
- Với các cơ quan Kho bạc Nhà nước, các tổ chức tín dụng: Kho bạc Nhà nước, các tổ chức tín dụng… cơ bản đã thực hiện kịp thời, đầy đủ theo yêu cầu của Chấp hành viên trong việc cung cấp thông tin số liệu về tài khoản của người phải thi hành án; phong tỏa tài khoản, tài sản; khấu trừ tiền trong tài khoản; giải tỏa việc phong tỏa tài khoản, tài sản của người phải thi hành án. Đồng thời, thực hiện việc giao bảo quản tài sản THADS là kim khí quý, đá quý, tiền hoặc giấy tờ có giá theo đúng quy định.
- Với các cơ quan Bảo hiểm xã hội: Từ ngày 01/7/2009 đến ngày 30/6/2023, Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố đã cung cấp thông tin cho 2.211 yêu cầu của cơ quan THADS; thực hiện khấu trừ đối với 1.669/1.724 trường hợp (bao gồm cả trường hợp đã khấu trừ xong và trường hợp đang thực hiện khấu trừ hằng tháng) theo quyết định cưỡng chế của cơ quan THADS.
Hoàng Thu Thủy - Vụ NV1
[1] Ngày 25/11/2014, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THADS và ngày 11/01/2022 Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật THADS.
[2] Như Luật Giá năm 2012, Luật Phá sản năm 2014, Luật Đấu giá tài sản năm 2016, Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2009 và năm 2017, Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng...
[3] Như Công ước New York 1958 về công nhận và thi hành các quyết định trọng tài nước ngoài, Công ước La Hay năm 1965 về tống đạt giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại, Công ước của Liên Hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC).
[4] Khoản 5 Điều 18 Nghị định số 123/2016/NĐ-CP quy định tiêu chí thành lập vụ thuộc Tổng cục gồm: (1) Có chức năng, nhiệm vụ tham mưu về quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ; (2) có phạm vi, đối tượng quản lý theo ngành, lĩnh vực; (3) hhối lượng công việc yêu cầu phải bố trí từ 15 biên chế công chức trở lên. Vụ thực hiện chức năng, nhiệm vụ tham mưu về công tác quản trị nội bộ được thành lập khi khối lượng công việc yêu cầu phải bố trí từ 15 biên chế công chức trở lên.
[5] Văn phòng; Phòng Tổ chức cán bộ; Phòng Nghiệp vụ và tổ chức THADS; Phòng Kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo
[6] Thêm Phòng Tài chính - Kế toán
[7] Thêm Phòng Nghiệp vụ 2
[8] Chi cục THADS huyện Thanh Trì, Chi cục THADS huyện Gia Lâm, Chi cục THADS TP.Thủ Đức, Chi cục THADS huyện Mỹ Xuyên
[9] Theo thống kê, chỉ tính từ năm 2014 đến nay, có tổng số 1.878 cuộc giám sát của các cơ quan quyền lực nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan khác. Trong đó, Quốc hội (Đoàn đại biểu Quốc hội, Đại biểu Quốc hội) giám sát 37 cuộc; Hội đồng nhân dân, Đại biểu Hội đồng nhân dân 1358 cuộc; Mặt trận Tổ quốc 107 cuộc; cơ quan khác 375 cuộc. Cơ quan THADS đã thực hiện 1.341 kết luận giám sát.
[10] Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh; Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Tư pháp; Viện kiểm sát nhân dân; Tòa án nhân dân; công an tỉnh
[11] Tại Kiên Giang: Quy chế số 823/QCPH/UBND-TAND-THA ngày 31/3/2020
[12] Theo số liệu của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, từ năm 2015 đến nay, toàn Ngành kiểm sát đã thụ lý kiểm sát 3.285.501 việc. Thông qua kiểm sát, đã ban hành 508 văn bản yêu cầu cơ quan thi hành án ra quyết định thi hành án; yêu cầu Tòa án chuyển 2.237 bản án, quyết định cho cơ quan THADS. ..
[13] Năm 2016, các Tòa án đã giải thích, đính chính hoặc kháng nghị đối với 527 bản án, quyết định dân sự và hành chính; năm 2017 đối với 490 bản án, quyết định; năm 2018 đối với 439 bản án, quyết định; năm 2019 đối với 290 bản án, quyết định; năm 2020 đối với 127 bản án, quyết định (Báo cáo số 47/BC-TA ngày 20 tháng 10 năm 2020 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về công tác của Tòa án trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV).
[14]Số lượng văn bản Tòa án giải thích, đính chính những bản án, quyết định chưa rõ và trả lời kiến nghị của cơ quan THADS trong 05 năm qua là 6.870 văn bản.
[15] Theo thống kê của ngành công an, chỉ tính từ ngày 14/12/2018 đến ngày 15/6/2023, Công an các địa phương đã tham gia bảo vệ cưỡng chế THADS với tổng số 7.452 vụ: gồm 82.882 lượt cán bộ, chiến sỹ tham gia. Trong đó, 73 vụ gây rối, 06 vụ tự thương; 16 vụ gây thương tích cho người thi hành công vụ.
[16] Từ ngày 01/7/2009 đến 30/6/2023, các trại giam đã nhận và chuyển hơn 63.7 tỷ đồng cho cơ quan THADS. Ngoài ra, các trại giam còn nhận và giao cho phạm nhân hàng chục ngàn giấy tờ các loại liên quan đến THADS, đồ vật và tài sản do cơ quan THADS đã chi