- Ngoài những giải pháp mang tính lâu dài (như xây dựng Luật Thi hành án dân sự, tổ chức triển khai có hiệu quả Luật Đất đai và nhiều giải pháp khác), Tổng cục Thi hành án dân sự đã tập trung chỉ đạo nhiều giải pháp trước mắt. Chúng tôi tiếp tục đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo điều hành từ Tổng cục, Cục Thi hành án đến các Chi cục Thi hành án dân sự theo hướng sâu sát, toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm.
Tổng cục đã tham mưu Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Tư pháp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác thi hành án dân sự; thường xuyên phối hợp với TAND Tối cao, VKSND Tối cao và các bộ, ngành, địa phương trong hoàn thiện thể chế, pháp luật, thống nhất biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thi hành một số vụ việc phức tạp.
Chúng tôi cũng làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy, UBND cấp tỉnh để cùng phối hợp, tập trung giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thi hành án trên địa bàn, nhất là những vụ việc lớn, phức tạp, ở địa bàn trọng điểm.
Các vụ việc liên quan đến án tham nhũng, tín dụng, nhất là những vụ việc do Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, đều được nắm chắc nhằm đôn đốc, hỗ trợ kịp thời và kiểm soát, hạn chế sai phạm.
Đối với vụ việc có tính chất phức tạp, có vướng mắc không giải quyết được, cần chủ động, tích cực phối hợp liên ngành công an, kiểm sát, tòa án, tài nguyên môi trường… nhằm thống nhất phương án giải quyết. Trường hợp không giải quyết được phải kịp thời báo cáo Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự cấp tỉnh, Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh.
Chúng tôi cũng chỉ đạo giám sát chặt chẽ việc bán hồ sơ tham gia đấu giá, đăng tải công khai thông tin đấu giá của các tổ chức đấu giá. Phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Chúng tôi xây dựng kịch bản chi tiết cho các vụ
đại án Vạn Thịnh Phát,
FLC, Tân Hoàng Minh, chuyến bay giải cứu, Việt Á… để có các biện pháp bố trí nguồn lực phù hợp, kể cả điều động cán bộ từ nơi khó khăn ít đến nơi khó khăn nhiều...
Chủ tịch Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng tại phiên tòa vừa qua (Ảnh: Nam Phương).
Đối với Cục Thi hành án dân sự Hà Nội và TPHCM, Tổng cục đã có những yêu cầu cụ thể nào để hai cơ quan này đạt kết quả cao nhất, góp phần vào thành tích chung của toàn hệ thống?
- Hà Nội và TPHCM là 2 địa phương có số lượng vụ việc phải thu hồi tài sản cao nhất cả nước, ảnh hưởng rất lớn đến việc hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ của toàn hệ thống thi hành án. Tuy nhiên, đây cũng là 2 địa phương có số vụ việc lớn, phức tạp nhất.
Do đó, ở đây một lúc cùng phải thực hiện song song nhiều nhiệm vụ; vừa phải bảo đảm thực hiện hoàn thành nhiệm vụ nhưng phải đúng, hạn chế tối đa sai phạm.
Để làm được việc này thì phải thực hiện hiệu quả từ công tác quản lý, chỉ đạo điều hành; chuyên môn nghiệp vụ; tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ; chú trọng chấn chỉnh, giữ vững kỷ luật, phòng ngừa tiêu cực tham nhũng...
Đối với đơn vị, địa bàn khó khăn về nguồn nhân lực thì cần điều động, biệt phái từ nơi khó khăn ít đến nơi khó khăn nhiều. Thường xuyên tranh thủ kịp thời sự lãnh đạo của Ban Thường vụ Thành ủy, các cấp, các ngành ở địa phương.
Chúng tôi cũng yêu cầu phát huy hơn nữa hiệu quả công tác phối hợp trong các mặt công tác thi hành án dân sự, xác định đây là một trong những giải pháp quan trọng nhằm hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ.
Đặc biệt là phối hợp với VKSND trên địa bàn để chủ động kiểm sát hồ sơ các vụ việc đưa tài sản ra bán đấu giá, hạn chế tối đa việc phát sinh trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Kiên quyết xử lý nghiêm đối với các trường hợp sai phạm
Ông từng cho biết, nguồn lực, công chức hiện tại của các cơ quan thi hành án dân sự còn thiếu so với khối lượng công việc ngày càng lớn, nhất là đối với số lượng án kinh tế, tham nhũng. Vấn đề này sẽ được giải quyết như thế nào?
- Đúng là rất thiếu. Qua đánh giá cho thấy, khối lượng công việc tăng đột biến với tính chất ngày càng phức tạp nhưng biên chế liên tục cắt giảm dẫn tới sự quá tải về công việc.
Nếu không có giải pháp, với khối lượng công việc tăng đột biến và tính chất ngày càng phức tạp, nguy cơ trở thành điểm nghẽn trong chuỗi hoạt động tố tụng.
Để giải quyết vấn đề này, những năm qua, Ban cán sự đảng, lãnh đạo Bộ Tư pháp đã chỉ đạo hệ thống thi hành án dân sự thực hiện đồng bộ, tối đa nhiều giải pháp trong bối cảnh biên chế luôn bị cắt giảm.
Chúng tôi đã sử dụng hiệu quả tối đa số biên chế được giao, tiếp tục rà soát, sắp xếp, bố trí công chức phù hợp với vị trí việc làm, năng lực sở trường. Đồng thời tăng cường điều động, biệt phái chấp hành viên từ đơn vị có lượng án ít đến đơn vị có lượng án lớn, án trọng điểm; cắt giảm biên chế tại địa bàn có lượng án ít.
Công tác kiểm tra, thanh tra về sử dụng biên chế được giao cũng tăng cường. Qua đó từng bước hoàn thiện hệ thống tổ chức theo hệ thống ngành dọc từ Trung ương đến địa phương, bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Ngoài ra, Bộ Tư pháp cũng đang trình cấp có thẩm quyền có biện pháp tháo gỡ về biên chế, nguồn lực. Nếu được quan tâm, chấp thuận sẽ phần nào tháo gỡ khó khăn cho hệ thống.
Dù Tổng cục Thi hành án dân sự rất sát sao, có nhiều chỉ đạo quyết liệt nhưng vẫn xảy ra những vi phạm của chấp hành viên, cơ quan thi hành án gây dư luận xấu. Việc này sẽ được chấn chỉnh ra sao để đảm bảo "nếu sai phạm, thiếu sót thì phải phát hiện sớm, khắc phục ngay từ đầu và không làm phát sinh các điểm nóng, các vụ việc phức tạp" như ông từng nói?
- Đúng là vẫn còn có trường hợp vi phạm, có trường hợp phải xử lý kỷ luật hành chính, cá biệt có trường hợp phải xử lý hình sự. Đây là việc không mong muốn. Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự đã nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng các nguyên nhân và có giải pháp phù hợp.
Qua đánh giá cho thấy, việc kiểm soát quyền lực, phòng ngừa, hạn chế sai phạm trong hệ thống thi hành án dân sự đã có quy định về kiểm soát trong nội bộ và của cơ quan kiểm sát (kiểm sát hoạt động tư pháp).
Thời gian qua Tổng cục Thi hành án dân sự thực hiện nhiều giải pháp; viện kiểm sát cũng ngày càng quan tâm, tăng cường kiểm sát với hoạt động thi hành án.
Năm nay, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra và tự kiểm tra. Xác định việc tăng cường kiểm tra, nhất là tự kiểm tra là hoạt động chính trị thường xuyên trong từng cơ quan, thành nếp, qua đó phát hiện sớm sai phạm, kịp thời khắc phục...
Chúng tôi thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra tới các cơ quan thi hành án địa phương, nhất là các địa phương còn nhiều yếu kém; phối hợp chặt chẽ với cơ quan có thẩm quyền (Thanh tra Bộ Tư pháp, viện kiểm sát...) trong việc thanh tra, kiểm sát, giám sát, qua đó phát hiện và chủ động xử lý nghiêm sai phạm.
Đối với các khâu phức tạp, dễ sai phạm, sai phạm khó khắc phục, Tổng cục đã chỉ đạo các cơ quan thi hành án dân sự chủ động đề nghị viện kiểm sát kiểm sát ngay từ ban đầu - nhất là các vụ việc phải cưỡng chế, thẩm định giá, bán đấu giá tài sản; các vụ việc liên quan đến tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế...
Tổ chức hàng trăm cuộc họp để "gỡ khó" thu hồi tài sản
Vẫn còn đó không ít vụ "làm khó" cơ quan thi hành án khi còn tồn đọng số lượng tiền, tài sản phải thi hành rất lớn nhưng gặp nhiều vướng mắc. Phương hướng xử lý các vụ việc này thời gian tới như thế nào, thưa ông?
- Nhóm thu hồi tài sản thất thoát từ các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế hầu hết đều rất phức tạp. Mỗi vụ lại có kiểu phức tạp khác nhau.
Một số vụ việc, cơ quan thi hành án truy tìm, xác minh được tài sản thi hành án của đương sự nhưng sau đó đương sự làm đơn khởi kiện tranh chấp tài sản chung, dẫn đến ảnh hưởng đến tiến độ thu hồi. Đơn cử như vụ Trần Phương Bình giai đoạn 1 cơ quan thi hành án xác minh truy tìm được 7 tài sản thì có 5 tài sản đương sự tranh chấp để khởi kiện tài sản chung.
Có những vụ việc rất đông người bị hại như vụ án Nguyễn Thái Luyện phạm tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và rửa tiền" xảy ra tại Công ty Cổ phần địa ốc Alibaba, có khoảng 5.000 người, chỉ tính riêng việc phải tống đạt cũng đã rất khó khăn, chưa kể chi phí nhiều.
Đối với từng nhóm vấn đề trên, các cơ quan thi hành án phải thực hiện nhiều giải pháp khác nhau. Đối với các vụ việc có yếu tố nước ngoài thì tăng cường phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện biện pháp tương trợ tư pháp.
Trường hợp quá thiếu nguồn lực thì tăng cường từ nơi khó khăn ít đến nơi khó khăn nhiều.
Ông Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn FLC (Ảnh: Ngọc Thành).
Việc phối hợp liên ngành trung ương và địa phương cùng tháo gỡ cũng được tiến hành chủ động hơn. Đơn cử như để chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi, chỉ đạo chỉ trong 3 năm (2020-2022), riêng ở cấp Trung ương, Bộ Tư pháp đã tổ chức 147 cuộc họp liên ngành, trong đó cuộc họp do lãnh đạo Bộ chủ trì có tới 69 cuộc họp; cấp Tổng cục Thi hành án dân sự chủ trì 78 cuộc họp để chỉ đạo, xử lý các vấn đề phát sinh. Đó là chưa kể hàng trăm các cuộc họp liên ngành ở địa phương.
Ngoài việc xử lý tình huống cụ thể, chúng tôi cũng tập trung nghiên cứu, tham mưu, hoàn thiện thể chế nhằm tháo gỡ; chỉ đạo sát sao quá trình xử lý tài sản của các cơ quan thi hành án.
Định kỳ hàng tháng, hàng quý hoặc đột xuất lãnh đạo Bộ, lãnh đạo Tổng cục trực tiếp làm việc với các Cục Thi hành án dân sự để nghe báo cáo tiến độ các vụ việc.
Trường hợp cần thiết, đối với những vụ án lớn như vụ Alibaba, Tổng cục Thi hành án thành lập Tổ công tác do lãnh đạo Tổng cục là Tổ trưởng để bám sát, chỉ đạo bảo đảm tối đa hiệu quả thi hành án.
Xin cảm ơn ông !