Thi hành án dân sự, hành chính tại Hàn Quốc

08/10/2018
Thủ tục thi hành án dân sự tại Hàn Quốc bao gồm thủ tục cưỡng chế thi hành và thủ tục xử lý tài sản. Trước đây, quy định về thi hành án dân sự tạo thành một phần của Đạo luật Tố tụng dân sự. Tuy nhiên, với việc ban hành Đạo luật Tố tụng dân sự mới, các quy định về thi hành án dân sự được tách riêng để tạo thành Đạo luật Thi hành án dân sự. Đạo luật Thi hành án dân sự chứa nhiều quy định mới nhằm cải tiến thủ tục thi hành án. Tại Hàn Quốc, công tố viên chỉ đạo và giám sát việc thi hành tất cả các bản án hình sự, như chỉ đạo và giám sát việc thi hành lệnh bắt, lệnh khám xét, tịch thu và các bản án hình sự chung thẩm. Việc này được tổ chức với sự tin tưởng rằng việc thi hành đúng đắn các lệnh của tòa cũng như việc bảo vệ các quyền cá nhân liên quan đến thi hành án sẽ được đảm bảo tốt nhất bằng cách giao các nhiệm vụ nói trên cho công tố viên, những người đại diện cho lợi ích công cộng.


Trong thi hành án hành chính, sau khi có bản án chung thẩm hủy bỏ hành vi hoặc quyết định hành chính, hành vi hoặc quyết định đó sẽ trở nên vô hiệu mà không cần phải thực hiện thủ tục nào khác. Trong trường hợp này, cơ quan hành chính liên quan không thể thực hiện hành vi hành chính đó với cùng một người dựa trên cùng một lý do. Hành vi hành chính có thể thực hiện sau đó nhưng phải dựa trên những lý do khác. Sau khi một bản án hủy bỏ hoặc vô hiệu hóa hành vi liên quan được tuyên, cơ quan hành chính liên quan phải thực hiện hành vi hành chính như đã được nêu trong bản án.
Uỷ ban Quan hệ lao động xử các vụ án lao động liên quan đến giải quyết tranh chấp (thông qua thủ tục trung gian hòa giải và phân xử trọng tài) giữa công đoàn và người sử dụng lao động. Các tranh chấp lao động cá nhân do Uỷ ban Quan hệ lao động hoặc tòa dân sự giải quyết. Trong trường hợp cho rằng mình bị thôi việc không có căn cứ chính đáng, người lao động có thể khởi kiện hình sự hoặc khởi kiện dân sự tại Uỷ ban Quan hệ lao động. Nếu bất kỳ bên nào phản đối quyết định giải quyết tranh chấp của Uỷ ban Quan hệ lao động, vụ việc sẽ được giải quyết theo thủ tục tòa án thông thường. Lúc đó là thủ tục dân sự hoặc thủ tục hành chính. Tòa án hành chính có quyền xét xử các vụ kiện lao động về biện pháp kỷ luật đối với công chức nhà nước. Trên thực tế, thường thì Tòa án dân sự giải quyết các tranh chấp lao động cá nhân. Do đó, việc thi hành án lao động cũng giống như việc thi hành các quyết định của Tòa án hành chính, Tòa án hình sự hoặc Tòa án dân sự.
Tại Hàn Quốc, không có tổ chức độc lập nào để thi hành các quyết định của tòa án. Tòa án quận chịu trách nhiệm thi hành các án dân sự còn Văn phòng Công tố quận do Bộ Tư pháp giám sát chịu trách nhiệm thi hành án hình sự. Trong việc thi hành án dân sự, nhân viên thi hành án vốn là các nhân viên độc lập, không nằm trong ngành Tư pháp và thuộc các Tòa án quận, sẽ tham gia thi hành các bản án và tống đạt giấy tờ. Tuy không phải là công chức đúng nghĩa, nhân viên thi hành án được đặt dưới sự giám sát của Chánh án Tòa án quận có thẩm quyền. Chánh án Tòa án quận bổ nhiệm nhân viên thi hành án từ những người đã phục vụ với tư cách công chức trong một thời gian nhất định tại các tòa án hoặc các văn phòng công tố. Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm về việc thi hành án người bị án tù, bị tù do không nộp tiền phạt hoặc bị tạm giữ (remand custody). Trong việc thi hành án dân sự, nhân viên thi hành án - những người không nhận lương từ tòa án mà từ bên liên quan do không phải là công chức đúng nghĩa - chịu trách nhiệm thi hành án dân sự. Tuy nhiên, trong việc thi hành bản án hình sự, tòa án thường không tham gia vào quá trình thi hành án. Việc thi hành án hình sự được đặt dưới sự chỉ đạo của công tố viên được phân công thuộc văn phòng công tố tương ứng trong khu vực thuộc thẩm quyền của tòa án ra phán quyết.
Đạo luật Thi hành án dân sự hiện thời có nhiều quy định nhằm cải tiến thủ tục thi hành án dân sự tại Hàn Quốc. Cưỡng chế thi hành án là thủ tục theo đó yêu cầu thanh toán của chủ nợ, với sự trợ giúp của nhà nước, được đáp ứng bằng tài sản của con nợ không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ của mình (khi đã có bản án tuyên buộc con nợ phải thực hiện thanh toán). Tài liệu khác ngoài bản án, như lệnh thanh toán hoặc chứng thư công chứng cũng có thể là cơ sở để thi hành án. Tài sản của con nợ là đối tượng của việc thi hành án, bao gồm bất động sản, tàu, xe, thiết bị xây dựng, máy bay, động sản và trái phiếu. Tòa án sẽ cưỡng chế thi hành án đối với hầu hết các tài sản. Tuy nhiên, trong trường hợp tài sản thi hành án là động sản thì nhân viên thi hành án sẽ cưỡng chế thi hành. Cưỡng chế thi hành án áp dụng thường xuyên nhất là bán bất động sản được kê biên dưới hình thức đấu giá công khai. Tiền thu từ việc bán tài sản sẽ được chia cho các chủ nợ. Xử lý tài sản (foreclosure) là thủ tục pháp lý do bên cho vay (bên nhận thế chấp) bán tài sản thế chấp để thanh toán nợ chưa trả được bảo đảm bằng tài sản đó. Thủ tục xử lý tài sản tương tự như thủ tục bán động sản để thi hành án. Các phương pháp nói dưới đây được đưa ra nhằm đảm bảo tính hiệu quả của việc cưỡng chế thi hành án đồng thời hỗ trợ người được thi hành án nhanh chóng đạt được mục đích thi hành án của mình. Trong trường hợp con nợ không hoàn thành nghĩa vụ bằng tiền và khó xác định được tài sản của con nợ, chủ nợ có quyền yêu cầu thi hành án có thể yêu cầu tòa án ra lệnh con nợ cung cấp danh mục tài sản, trong đó nêu rõ tài sản nào thuộc sở hữu con nợ. Nếu con nợ không tuân thủ lệnh của tòa hoặc cung cấp danh mục giả, con nợ có thể bị phạt tù, phạt tiền hoặc bị giam giữ. Nếu con nợ không hoàn thành nghĩa vụ của mình trong thời hạn sáu tháng kể từ khi có bản án chung thẩm về thanh toán tiền và không tuân thủ lệnh của tòa yêu cầu cung cấp danh mục tài sản, chủ nợ có thể yêu cầu tòa án đưa con nợ vào danh sách không trả nợ. Thông tin sẽ được cung cấp cho các tổ chức tài chính và con nợ có thể gặp khó khăn trong các giao dịch tín dụng tương lai. Đạo luật Thi hành án dân sự đưa ra một phương pháp mới theo đó có thể điều tra tài sản của con nợ. Nếu con nợ không tuân thủ lệnh cung cấp danh mục tài sản của tòa án hoặc cung cấp danh mục giả, chủ nợ có quyền yêu cầu tòa án điều tra tài sản của con nợ. Tòa án, theo yêu cầu của chủ nợ, sẽ điều tra nơi các cơ quan lưu trữ thông tin về bất động sản hoặc tài sản tài chính của con nợ dưới hình thức dữ liệu điện tử và ra lệnh cho các tổ chức này cung cấp các thông tin đó. Chủ nợ khi đó có thể sử dụng thông tin do các tổ chức cung cấp và bắt đầu giai đoạn thi hành án.
Nếu con nợ cố tình che dấu hoặc đã xử lý tài sản trước khi thủ tục cưỡng chế thi hành án được tiến hành, yêu cầu thanh toán của chủ nợ sẽ không có ý nghĩa. Để ngăn chặn những hành vi này và bảo toàn tài sản con nợ, tòa án có thể ra lệnh tịch biên tạm thời hoặc không cho phép thực hiện một hành vi tạm thời theo yêu cầu của chủ nợ. Nếu thấy cần phải giữ nguyên yêu cầu thi hành án bằng việc thanh toán bằng tiền, tòa án có thể ra lệnh tịch biên tạm thời tài sản của con nợ. Lệnh không cho phép thực hiện hành vi tạm thời có thể được tòa án ban hành cho mục đích xác định tình trạng tạm thời của quan hệ pháp lý đang tranh chấp hoặc giữ nguyên việc thi hành liên quan đến yêu cầu giao bất động sản hoặc động sản cụ thể nào đó.
Chính phủ Hàn Quốc được thành lập năm 1948 và ban hành Đạo luật Cải tạo hình sự (Penal Administration Act) năm 1950. Đạo luật này đã được sửa đổi vào năm 1961 để gia tăng chức năng cải tạo. Trong đợt sửa đổi này, cơ sở hình sự (Penal Facility) đã được đổi tên từ ‘nhà tù’ thành ‘đơn vị cải tạo’. Từ đó đến nay, thông qua các lần sửa đổi Đạo luật Cải tạo hình sự, cấp có thẩm quyền của các đơn vị cải tạo đã nhiều lần đưa ra nhiều biện pháp đối xử với tù nhân một cách tiên tiến để tăng cường mục tiêu cải tạo. Ở cấp trung ương, quyền tổng kiểm soát hệ thống cải tạo thuộc Tổng giám đốc Cục Cải tạo (Direct General of Correction Bureau), đặt dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng Tư pháp. Bốn trụ sở cải tạo vùng (Regional Correctional Headquarters) được thành lập ngày 01 tháng 11 năm 1991 nhằm mục đích cải tiến việc quản lý và giám sát 44 đơn vị cải tạo trong cả nước. Trong 44 đơn vị cải tạo này có 26 đơn vị cải tạo (1 chi nhánh), 2 đơn vị cải tạo vị thành niên, 1 đơn vị cải tạo phụ nữ, 1 đơn vị cải tạo mở, 8 trung tâm giam giữ (Detention Center) cùng với 3 chi nhánh của các trung tâm này. Trung tâm giam giữ là nơi giữ và quản lý các nghi can và tù nhân. Tù nhân gương mẫu tại các đơn vị cải tạo có thể được chuyển đến đơn vị cải tạo mở (Open Correctional Institution), nơi áp dụng hệ thống tự quản. Ngoài ra, hệ thống cho ra ngoài làm việc cũng được áp dụng tại Hàn Quốc, cho phép các tù nhân làm việc bên ngoài đơn vị giam giữ. Hệ thống này được đặt ra để đào tạo kỹ năng thích ứng với xã hội trước khi được thả. Theo Đạo luật Cải tạo hình sự được sửa đổi (ngày 12 tháng 12 năm 1996), hệ thống xem xét phóng thích (Parole Examination System) trước đây đã bị bãi bỏ và Uỷ ban Xem xét phóng thích (Parole Examination Committee) mới được thành lập theo sáng kiến của Bộ trưởng Tư pháp. Uỷ ban dưới sự chủ tọa của Thứ trưởng Tư pháp sẽ đánh giá xem tù nhân có thể được tạm tha kèm điều kiện hay không và báo cáo lên Bộ trưởng Tư pháp. Tù nhân được tạm tha trong trường hợp này có thể bị giám sát trong thời gian còn lại của bản án ban đầu. Nếu tù nhân được tạm tha có hành vi vi phạm trong thời gian này thì tòa án sẽ quyết định xem tù nhân đó có phải trở lại nhà giam để thi hành bản án cho đến hết thời gian còn lại hay không. Quyền được tạm tha có điều kiện cũng có thể bị mất nếu người được tạm tha có những vi phạm về ứng xử. Trong trường hợp này, Uỷ ban sẽ đưa ra quyết định cuối cùng.
Đặc biệt trong lĩnh vực dân sự là số vụ án tại Hàn Quốc gia tăng hàng năm và vì vậy hiệu quả xét xử khó đáp ứng được với số lượng gia tăng này. Về mặt này, việc thi hành án sẽ không giúp bảo đảm sự thống nhất xã hội mà lại làm tăng thêm các xung đột xã hội. Do đó, ngoài việc xét xử và thi hành án, các phương pháp giải quyết tranh chấp như trung gian hòa giải và phân xử trọng tài cần được đẩy mạnh để người dân có nhiều phương thức khác nhau để giải quyết tranh chấp và các thẩm phán có thể giảm bớt gánh nặng công việc. Quá trình thi hành án tương đối đơn giản theo quy định của các luật liên quan. Trong thi hành án dân sự, nếu bên phải thi hành không tự nguyện thi hành thì bên có quyền theo bản án của tòa có thể yêu cầu tiến hành quá trình này theo Đạo luật Thi hành án dân sự. Việc thi hành các bản án dân sự được điều chỉnh bởi Đạo luật Thi hành án dân sự có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2002. Trước đây, Đạo luật này chỉ là một phần của Đạo luật Thi hành án dân sự. Bản án chung thẩm thì có giá trị thi hành. Ngoài ra, lệnh thi hành tạm thời của tòa án hoặc bản án của tòa nước ngoài được tòa án Hàn Quốc công nhận cũng có thể được thi hành. Chỉ có yêu cầu làm một việc mới có thể yêu cầu thi hành trực tiếp. Yêu cầu thanh toán tiền được thi hành bằng cách tịch thu và bán tài sản không thuộc danh mục cấm kê biên của con nợ dưới hình thức đấu giá công khai. Các yêu cầu khác thì được thi hành dưới nhiều hình thức khác nhau. Yêu cầu giao động sản hoặc bất động sản sẽ do nhân viên thi hành án được tòa án chỉ định thi hành. Yêu cầu làm một việc ngoài yêu cầu giao vật được thực hiện bằng cách thi hành thay thế trong trường hợp có thể được thực hiện bởi một bên thứ ba, hoặc cưỡng chế thi hành gián tiếp, khi chính con nợ phải thực hiện. Ở Hàn Quốc, sự khác biệt cơ bản giữa thủ tục trung gian hòa giải nói chung và thủ tục tranh tụng (bao gồm cả phân xử trọng tài) là cơ chế thi hành. Thủ tục phân xử trọng tài đã được thể chế hóa đầy đủ tại Hàn Quốc. Theo đó phán quyết trọng tài do một hội đồng đưa ra. Tức là nếu thủ tục hòa giải được cơ quan nhà nước thể chế hóa thì được gọi là hòa giải theo luật định. Một hình thức hòa giải theo luật định là thủ tục hòa giải dân sự như đã đề cập ở trên. Sự khác nhau giữa trung gian hòa giải nói chung và hòa giải theo luật định là thủ tục thi hành, trong đó một thỏa thuận dàn xếp đạt được thông qua hòa giải theo luật định có hiệu lực giống như một thỏa hiệp tư pháp, khiến cho thỏa thuận này có thể được thi hành ngay, không giống như các thỏa thuận đạt được qua trung gian hòa giải, cái không có hiệu lực bắt buộc. Thi hành bản án nước ngoài Bản án do tòa án nước ngoài tuyên phải được công nhận để có thể thi hành tại Hàn Quốc. Để được công nhận thì phải đáp ứng các yêu cầu sau: Trước hết, bản án nước ngoài phải là chung thẩm để được tòa án Hàn Quốc công nhận và thi hành. Bản án là chung thẩm khi không còn khả năng kháng cáo theo thủ tục dân sự. Yêu cầu về tính chung thẩm của một bản án có được đáp ứng hay không sẽ được xác định trên cơ sở luật nước ngoài nơi bản án được ban hành. Thứ hai, tòa án nước ngoài phải có thẩm quyền xét xử quốc tế. Yêu cầu này được xác định theo các Đạo luật, văn bản dưới luật của Hàn Quốc hoặc theo các hiệp định. Theo tinh thần của Điều 2 Đạo luật Tư pháp quốc tế (International Private Act), mối liên hệ thực tế giữa vụ án và tòa án là tiêu chuẩn chính để xác định thẩm quyền xét xử quốc tế. Khi xem xét thực tế của mối quan hệ, tòa án Hàn Quốc sẽ không chỉ xem xét quyền lợi các bên như tính công bằng, sự thuận lợi và tính có thể dự đoán của các bên tranh tụng mà còn cả lợi ích công cộng như tính đầy đủ, nhanh chóng, hữu hiệu của phiên tòa và hiệu lực của bản án. Thứ ba, việc tống đạt trát đòi hầu tòa hoặc văn bản tương đương phải hợp pháp. Bên thua kiện phải được tống đạt trát đòi hoặc văn bản tương đương theo cách thức hợp pháp và được thông báo về ngày hoặc lệnh với thời gian báo trước đủ để bên đó chuẩn bị việc tự bảo vệ (ngoại trừ gửi tống đạt bằng thông báo công cộng hoặc bằng cách khác tương tự). Khi bên phải hầu tòa đã phản hồi đối với vụ kiện ngay cả khi không được tống đạt, yêu cầu tống đạt hợp pháp được xem là đã được đáp ứng. Thứ tư, bản án nước ngoài phải không vi phạm đạo đức và trật tự xã hội Hàn Quốc. Yêu cầu này nhằm ngăn chặn không cho bản án nước ngoài được công nhận và thi hành trái với chính sách công tại Hàn Quốc. Nội dung cấu thành đạo đức và trật tự xã hội do tòa án có thẩm quyền quyết định. Có một quyết định thú vị của tòa án cấp thấp liên quan đến tính có thể chấp nhận của phán quyết về bồi thường thiệt hại có tính trừng phạt (punitive damage award) của tòa án Hoa Kỳ. Theo quyết định của mình, tòa án này tuyên rằng phán quyết về bồi thường thiệt hại có tính trừng phạt với mục đích ngăn ngừa tội phạm có thể vi phạm đạo đức và trật tự xã hội tại Hàn Quốc - nơi chỉ chấp nhận bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng (tort). Sau đó, tòa án chỉ công nhận một nửa phần tiền bên thua kiện phải thanh toán. Yêu cầu cuối cùng là nguyên tắc có đi có lại. Bản án nước ngoài sẽ được công nhận và thi hành khi bản án của Hàn Quốc được công nhận và thi hành theo cùng điều kiện hoặc theo điều kiện nhẹ hơn ở nước liên quan.
Có ba loại ngân sách cho cải tạo hình sự: thứ nhất, quỹ tổng quát toàn quốc; thứ hai, quỹ đặc biệt dành cho khối nhà giam theo hạch toán độc lập; và thứ ba, quỹ đặc biệt cho tài sản quốc gia dùng vào việc xây dựng cơ sở tư pháp như đơn vị cải tạo và văn phòng công tố. Tuy không phải là công chức đúng nghĩa, nhân viên thi hành án được Chánh án Tòa án quận có thẩm quyền giám sát. Điều này cho phép việc giám sát có hiệu quả trong hầu hết các trường hợp.
Việc thi hành các bản án dân sự và hình sự không phải là vấn đề phải quan tâm trong nội dung cải cách hệ thống pháp luật tại Hàn Quốc, do việc thi hành các bản án của tòa luôn được thực hiện kịp thời. Trái lại, mối quan ngại của các nạn nhân của tội phạm đang ngày càng được xã hội quan tâm. Số tội phạm hình sự đang gia tăng cùng với số nạn nhân của tội phạm. Do đó, chính sách kiểm soát tội phạm hoặc chính sách thi hành án hình sự được xem xét không chỉ về mặt biện pháp trấn áp kẻ vi phạm mà còn về mặt bảo vệ nạn nhân khỏi tội phạm trong tương lai. Từ năm 1980, một chương trình bảo vệ nạn nhân toàn diện liên quan đến việc thi hành án hình sự đã được các nhóm xã hội để xuất và cổ xúy với công chúng. Người bị hại bị thiệt hại tài chính trong các tội phạm hình sự có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại trong quá trình xét xử hình sự. Kết quả là nạn nhân có thể yêu cầu bồi thường theo Đạo luật Bồi thường người bị hại (Victim Compensation Act) mà không phải tiến hành một vụ kiện dân sự riêng biệt. Tuy nhiên, việc bồi thường thiệt hại sẽ giới hạn ở thiệt hại vật chất, từ vụ trộm cắp, lường gạt và thiệt hại tài sản khác để không cản trở mục tiêu ban đầu của quá trình xét xử hình sự. Đạo luật Tố tụng hình sự sửa đổi năm 2007 cũng nỗ lực thực hiện những cải tiến định chế để bảo vệ các quyền và quyền lợi của nạn nhân thông qua thủ tục nộp đơn yêu cầu xét xử cũng như quyền của nạn nhân được khai báo trước tòa. Nạn nhân của một tội phạm có quyền khai báo, và tòa án, khi nhận được đơn của nạn nhân hoặc người đại diện theo pháp luật của nạn nhân, sẽ chấp nhận cho nạn nhân đó hiện diện với tư cách nhân chứng để đối chất. Nạn nhân có thể nộp đơn cho tòa án yêu cầu được xem hồ sơ vụ án hoặc được cấp bản sao hồ sơ vụ án. Các biện pháp đặc biệt cũng được quy định để bảo vệ các nạn nhân của tội phạm. Nói cách khác, mặc dù các phiên xét xử có tính công khai, các phiên xét xử có thể được tiến hành kín khi nạn nhân của bạo hành tính dục thực hiện việc tường thuật trước tòa. Nếu thấy nạn nhân không thể cung cấp lời khai trọn vẹn khi có mặt bị cáo, vị thẩm phán chủ tọa có thể ra lệnh cho bị cáo hoặc bên thứ ba rời tòa án. Trong trường hợp khác, nếu thấy nạn nhân có thể không thoải mái hoặc căng thẳng do tuổi tác, tình trạng sức khỏe hoặc tinh thần của người làm chứng hoặc trong các hoàn cảnh khác, tòa án có thể cho phép người có quan hệ đáng tin cậy với nạn nhân ngồi cùng với nạn nhân.
Ths. Nguyễn Xuân Tùng
Chánh Văn phòng Tổng cục
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Tư pháp: Nghiên cứu tổ chức và hoạt động của hệ thống tư pháp của một số quốc gia, năm 2011.