Tổng cục Thi hành án dân sự đôn đốc việc thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự năm 2018 tại một số địa phương phía Nam

23/03/2018
Từ ngày 12/3 -16/3/2018, Đoàn công tác của Tổng cục Thi hành án dân sự tổ chức kiểm tra, nắm bắt tình hình kết quả công tác 05 tháng đầu năm 2018 và đôn đốc, chỉ đạo thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ về thi hành án dân sự được giao năm 2018 tại các tỉnh Tây Ninh, Long An, Đồng Nai, Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh.

Đoàn công tác do Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Văn Lực làm Trưởng đoàn và chủ trì các buổi làm việc. Cùng tham gia Đoàn công tác có các đồng chí Trần Thị Phương Hoa, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ; đồng chí Nguyễn Minh Đức, Phó Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ 1; đồng chí Nguyễn Văn Tường, Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ 2; đồng chí Vũ Tiến Đức, Phó Vụ trưởng Vụ Giải quyết khiếu nại, tố cáo và Thẩm tra viên Vụ Giải quyết khiếu nại, tố cáo. Về phía cơ quan Thi hành án dân sự địa phương, có đồng chí Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự, các Phó Cục trưởng và đại diện Lãnh đạo các phòng chuyên môn thuộc Cục, đại diện Lãnh đạo các Chi cục Thi hành án dân sự trên các địa bàn tỉnh Tây Ninh, Long An, Đồng Nai, Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh.
Tại các buổi làm việc, đồng chí Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Lực đã yêu cầu các Cục Thi hành án dân sự, các Chi cục Thi hành án dân sự, đặc biệt là các đơn vị có kết quả thi hành án thấp báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ, chỉ tiêu 05 tháng đầu năm 2018, nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, đặc biệt phân tích, làm rõ các nguyên nhân chủ quan dẫn đến kết quả thi hành án chưa cao; đồng thời, yêu cầu đưa ra các giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng công tác và cam kết hoàn thành nhiệm vụ được giao năm 2018 trong thời gian tới.
Tây Ninh, Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Hồ Chí Minh là các tỉnh, thành phố có số lượng án về việc và tiền lớn hàng đầu về thi hành án dân sự trên toàn quốc. Kết quả thi hành án dân sự của các tỉnh này mang quyết định đến kết quả thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ của cả Hệ thống thi hành án dân sự. 05 tháng đầu năm 2018, kết quả thi hành án dân sự tại các địa bàn tỉnh Tây Ninh, Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều điểm tương đồng. Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong công tác thi hành án dân sự tại các địa bàn, thể hiện như: Tỷ lệ thi hành xong về việc, về tiền còn thấp so với bình quân chung toàn quốc; Tiến độ thi hành các bản án liên quan đến tín dụng, ngân hàng, án kinh tế tham nhũng nghiêm trọng còn chậm, kết quả thi hành còn thấp, ảnh hưởng đến tiến độ thu hồi nợ xấu cho Ngân hàng, các tổ chức tín dụng, thu hồi cho ngân sách nhà nước; Tang tài vật tồn đọng rất nhiều, không xử lý dứt điểm. Tại Tây Ninh, Đồng Nai, Long An, thành phố Hồ Chí Minh, tỷ lệ phân loại án có điều kiện thi hành chưa thực sự yên tâm. Lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo còn phát sinh nhiều, đặc biệt tại Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai tình trạng đơn thư vượt cấp đến Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan Trung ương còn nhiều. Tại tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, công tác kiện toàn tổ chức cán bộ còn chậm, chưa bổ nhiệm hết Lãnh đạo cấp Phòng, cấp Chi cục, cá biệt ở tỉnh Bình Dương có tình trạng có công chức xin nghỉ việc và điều chuyển công tác.
Một số nguyên nhân dẫn đến tồn tại, hạn chế chủ yếu là do số việc thi hành án thụ lý trong năm 2018 tăng, lượng án mỗi Chấp hành viên được giao lớn trong khi biên chế không tăng, đặc biệt trong thời điểm có chủ trương của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước về cắt giảm biên chế; nhiều vụ việc có giá trị thi hành lớn, tính chất phức tạp hàng đầu về thi hành án. Một số Lãnh đạo cấp Chi cục năng lực, kỹ năng quản lý chỉ đạo, điều hành còn nhiều hạn chế, có hiện tượng buông lỏng quản lý, không sâu sát, chạy theo giải quyết sự vụ, sự việc, thiếu quyết liệt trong chỉ đạo điều hành, thiếu kiểm tra trong công tác quản lý, thiếu kiên quyết trong xử lý kỷ luật; chưa có kế hoạch làm việc khoa học; không tranh thủ được sự lãnh đạo của cấp Ủy, chính quyền; cá biệt còn trường hợp thiếu gương mẫu trong thi hành công vụ. Một số đơn vị, Chấp hành viên ý thức trách nhiệm, phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn chưa cao, giải quyết án theo ý muốn chủ quan, kinh nghiệm làm việc mà không bám sát, cập nhật kịp thời các quy định của pháp luật dẫn đến những vi phạm không đáng có. Ngoài ra, với công tác tổ chức, do đội ngũ công chức một số người chưa đủ trình độ, điều kiện để bổ nhiệm chức danh lãnh đạo; áp lực về việc thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ…
Sau khi nghe báo cáo, các thành viên Đoàn công tác cũng đánh giá tình hình của các Cục Thi hành án dân sự trên cơ sở theo dõi các mảng công tác ở Tổng cục, giải đáp, thông tin một số nội dung có liên quan đến chức năng nhiệm vụ của đơn vị, góp ý một số giải pháp để nâng cao kết quả thực hiện nhiệm vụ. Kết thúc các buổi làm việc, đồng chí Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Lực đã tổng hợp các ý kiến của các thành viên tham dự, đưa ra một số giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm và yêu cầu các cơ quan thi hành án dân sự địa phương triển khai thực hiện để nâng cao hiệu quả công tác, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ, chỉ tiêu được giao năm 2018. Một số nhiệm vụ cụ thể được đặt ra như:
- Tập trung mọi nguồn lực để đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu một cách thực chất, đặc biệt quan tâm đến các chỉ tiêu cơ bản: Xong về việc, về tiền; giảm số việc, số tiền có điều kiện chuyển kỳ sau; ra quyết định thi hành án đúng thời hạn 100%; đảm bảo theo dõi 100% các bản án hành chính có nội dung theo dõi thi hành; xác minh, phân loại chính xác, đúng pháp luật; đăng tải kịp thời danh sách người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành; thi hành các khoản thu cho ngân sách nhà nước và các khoản thu tín dụng, ngân hàng cao hơn năm 2017, nâng cao tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản trong các vụ án tham nhũng kinh tế nghiêm trọng;
- Tập trung kiện toàn bộ máy, nâng cao đội ngũ lãnh đạo quản lý về số lượng và đảm bảo chất lượng. Kiên quyết xử lý các trường hợp buông lỏng quản lý, thiếu sâu sát, thiếu quyết liệt trong chỉ đạo điều hành, cần thiết thì thay thế để nâng cao chất lượng của các đơn vị;
- Tiếp tục tăng cường công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền đúng thời hạn, đúng pháp luật, giải quyết xong trên 97% đơn thư khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền; không bao che và khắc phục kịp thời các vi phạm, thiếu sót trong công tác thi hành án dân sự;
- Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo điều hành, xem đây là giải pháp đột phá để thay đổi lề lối làm việc, nâng cao tinh thần trách nhiệm đối với công việc, đảm bảo công khai, minh bạch.
- Chú trọng công tác chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ; việc chỉ đạo, hướng dẫn phải cụ thể, rõ ràng, trường hợp có khó khăn, vướng mắc thì tổ chức họp liên ngành hoặc xin ý kiến nghiệp vụ của cấp trên, tránh việc hướng dẫn chung chung, không cụ thể;
- Tăng cường kiểm tra các vụ việc có điều kiện thi hành nhưng kéo dài, chưa giải quyết dứt điểm để xác định nguyên nhân chậm, xác định trách nhiệm, từ đó đặt ra tiến độ, yêu cầu tổ chức thi hành dứt điểm. Rà soát đối với từng vụ việc trọng điểm và xây dựng riêng kế hoạch để giải quyết;
- Rà soát, thống kê và có biện pháp xử lý dứt điểm số tiền, vật chứng còn tồn đọng; tăng cường công tác quản lý, kiểm tra kho vật chứng, tránh thất thoát vật chứng, tài sản; xây dựng nội quy kho vật chứng và quy trình xuất, nhập vật chứng;
- Chú trọng kiểm tra các hồ sơ thi hành án trước khi ủy quyền bán đấu giá tài sản: Kiểm tra, rà soát lại trình tự, thủ tục về thi hành án, khắc phục các thiếu sót, vi phạm, tránh để xảy ra hậu quả không thể khắc phục được. Khi đưa tài sản ra bán đấu giá, cần dự kiến kế hoạch, thời gian giao tài sản;
- Tích cực phối hợp liên ngành trong thi hành án, thực hiện tốt quy chế phối hợp với liên ngành nội chính, Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố; chủ động tham mưu, báo cáo cấp ủy, Lãnh đạo địa phương về việc xây dựng quy chế phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, Thành phố  để tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong quá trình xác minh, kê biên, xử lý tài sản thi hành án là quyền sử dụng đất; phối hợp với Tòa án trong việc theo dõi các bản án hành chính liên quan đến trách nhiệm theo dõi của cơ quan thi hành án dân sự;
- Tăng cường hơn nữa công tác dân vận trong thi hành án, tích cực tổ chức đối thoại, giải thích, thuyết phục công dân. Tập trung giải quyết các vụ việc thi hành án có khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài, xây dựng kế hoạch cụ thể để giải quyết, chủ động tham mưu cho cấp trên trong việc giải quyết và xác định rõ đây là trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị, tránh tâm lý giải quyết hết thẩm quyền mà không chú trọng đến nội dung khiếu nại;
- Tiếp tục tập huấn chuyên sâu, đảm bảo đầy đủ điều kiện kỹ thuật để triển khai các phần mềm đã được tập huấn. Thực hiện nghiêm cơ chế một cửa, quan tâm đến việc hỗ trợ trực tuyến cho người dân.
Nguyệt Thương