Chỉ thị số 04 – CT/TW ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng công tác thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế: Giải pháp tổng thể nâng cao kết quả thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế tham nhũng

11/06/2021


Ngày 02/6/2021, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 04-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Sự ra đời của Chị thị đánh dấu một bước phát triển mới của đảng ta về công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) và thu hồi tài sản tham nhũng. Trên thực tế, các quan điểm chỉ đạo được nêu trong Chỉ thị được hình thành và phát triển trên các quan điểm của Đảng ta và Nhà nước ta về công tác PCTN và thu hồi tài sản tham nhũng. Nghị quyết số 04 – NQ/TW, ngày 21/8/2006 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí đã chỉ rõ: “Chú trọng thu hồi tài sản tham nhũng; áp dụng chính sách khoan hồng đối với những người phạm tội nhưng có thái độ thành khẩn, đã bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả kinh tế, hợp tác tốt với cơ quan chức năng; nghiên cứu sửa đổi pháp luật hình sự theo hướng khoan hồng hơn đối với những người đưa hoặc người nhận hối lộ nhưng đã tự giác khai báo và nộp lại tài sản trước khi bị phát hiện; chú trọng tới các chế tài phạt tiền nhằm tăng khả năng thu hồi tài sản tham nhũng”. Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 07/12/2015 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng, đã xác định: “Trong xử lý tham nhũng phải xác minh rõ, chính xác tài sản của người có hành vi tham nhũng; áp dụng kịp thời các biện pháp thu hồi tối đa tài sản do tham nhũng mà có trong quá trình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Xử lý nghiêm minh những cán bộ không tích cực thu hồi hoặc cản trở hoạt động thu hồi tài sản tham nhũng”. Như vậy, chủ trương nhất quán của Đảng đó là chú trọng công tác phòng ngừa tham nhũng; tập trung phát hiện, xử lý nghiêm người có hành vi tham nhũng; đồng thời phải xác minh rõ, chính xác tài sản tham nhũng; áp dụng kịp thời các biện pháp thu hồi tài sản tham nhũng trong quá trình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; xử lý nghiêm minh những cán bộ cản trở hoạt động thu hồi tài sản tham nhũng.
Cụ thể hóa chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành đã không ngừng quan tâm, hoàn thiện thể chế liên quan đến công tác phòng chống tham nhũng và công tác thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến  nay, Quốc hội đã ban hành 74 luật, pháp lệnh, 67 nghị quyết trong đó có nhiều luật liên quan đến phòng chống tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng. Chính phủ đã ban hành theo thẩm quyền 1.124 Nghị định, 995 nghị quyết, 465 quyết định nhằm nâng cao hiệu quả quản lý trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội và phòng chống tiêu cực, tham nhũng như: Nghị quyết 126/NQ-CP ngày 29/11/2017 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện công tác phòng, chống đến năm 2020; Nghị định số 19/2019/NĐ-CP ngày 1/7/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng; Chỉ thị số 10/CT-TTg, ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.
Đánh giá khái quát về thực tiễn công tác thu hồi tài sản tham nhũng trong các vụ án tham nhũng, kinh tế trong thời gian qua, tại hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020, Tổng bí thư, Chỉ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng chỉ rõ: “bên cạnh việc tập trung chỉ đạo, xử lý nghiêm các sai phạm, công tác thu hồi tài sản tham nhũng cũng đã có những chuyển biến tích cực; việc kê biên, thu giữ tài sản trong nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng đạt tỷ lệ cao; tỷ lệ thu hổi tài sản tham nhũng trong các vụ án tham nhũng, kinh tế được nâng lên rõ rệt”. Tuy nhiên, so với yêu cầu thì công tác thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế vẫn còn hạn chế; kết quả thu hồi tài sản vẫn còn thấp so với tổng số tiền, tài sản phải thu hồi. Nguyên nhân là do nhận thức của một số cấp ủy về vai trò của công tác thu hồi tài sản trong các vụ án về tham nhũng kinh tế vẫn còn hạn chế; chưa đặt nhiệm vụ thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt tương xứng với nhiệm vụ phát hiện, điều tra, truy tố và xét xử tội phạm trong các vụ án này; chính sách, pháp luật về thu hồi tài sản mặc dù đã được quan tâm hoàn thiện song vẫn còn một số sơ hở để người phạm tội lợi dụng tẩu tán tài sản; công tác phối hợp thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế của các cơ quan chức năng hiệu quả chưa cao.
Để khắc phục hạn chế, bất cập, nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản tham nhũng, ngày 02/6/2021 Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế”, với những nội dung cơ bản sau đây:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền về công tác thu hồi tài sản tham nhũng. Cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể và các cơ quan chức năng phải nhận thức đúng, đầy đủ, xác định rõ vai trò, trách nhiệm đối với công tác thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Cần xác định rõ công tác thu hồi tài sản tham nhũng không phải là công việc riêng của cơ quan thi hành án dân sự mà của nhiều cơ quan, tổ chức, nhất là các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, cơ quan điều tra, truy tổ, xét xử và thi hành án. Do đó, Cấp ủy, tổ chức đảng phải xác định đây là nhiệm vụ xuyên suốt trong quá trình thực hiện công tác phòng chống tham nhũng. Công tác tuyên truyền, quán triệt, tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác thu hồi tài sản tham nhũng cần phải được đổi mới.
Chỉ thị yêu cầu phải gắn hiệu quả công tác lãnh đạo chỉ đạo công tác thu hồi tài sản tham nhũng với trách nhiệm trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, địa phương, cơ quan, đơn vị được giao phụ trách.
Thứ hai, về hoàn thiện thể chế. Mặc dù công tác này trong thời gian qua đã được quan tâm đầu tư hoàn thiện, nhưng vẫn còn một số vướng mắc, bất cập. Do đó, Chỉ thị yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Trong đó chủ trọng đến các quy định về trình tự, thủ tục thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt; về cơ chế thu hồi tài sản không qua thủ tục kết tội; cơ chế xử lý tài sản kê biên, phong tỏa; sớm khắc phục bất cập vướng mắc trong kê biên, tài sản, phong tỏa tài khoản, thẩm định giá, bán đấu giá tài sản, thành lập, giải thể, phá sản doanh nghiệp. Nghiên cứu, rà soát , sửa đổi, bổ sung pháp luật về thanh tra, kiểm toán, tố tụng hình sự và các quy định liên quan theo hướng bổ sung cho thanh tra viên, kiểm toán viên thẩm quyền áp dụng các biện pháp kê biên, phong tỏa tài sản khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm tham nhũng, kinh tế; xác định rõ trách nhiệm của từng chủ thể trong việc truy nguyên, truy tìm, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản ngay từ giai đoạn thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử. Hoàn thiện các quy định của Luật Tương trợ tư pháp về hình sự để thực hiện tốt công tác phát hiện, xử lý tài sản do phạm tội mà có ở nước ngoài. Khẩn trương hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai; quy định của pháp luật về thanh toán không dùng tiền mặt; nghiên cứu, xây dựng cơ sở dữ liệu trong các lĩnh vực bất động sản, ngân hàng, chuyển nhượng vốn góp, cổ phần để kiểm soát tài sản chặt chẽ, hạn chế việc tẩu tán, che giấu, hợp thức hóa tài sản do phạm tội mà có, tạo thuận lợi cho công tác thu hồi tài sản tham nhũng.
Thứ ba, về tăng cường công tác phối hợp: với nhận thức chung phải xem công tác thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế là nhiệm vụ có tính liên ngành; hiệu quả của công tác này phụ thuộc vào hiệu quả của việc thực thi nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ, ngành, từ khâu thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, đến khâu điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án, do đó, Chỉ thị yêu cầu cần tiếp tục nâng cao trách nhiệm và hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; xác định rõ vai trò, trách nhiệm của cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan thi hành án dân sự, ban chỉ đạo thi hành án dân sự các cấp; kịp thời áp dụng các biện pháp thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, đất đai, phong tỏa tài khoản ngay trong quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử. Tòa án các cấp thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về chuyển giao bản án, tài liệu liên quan đến tài sản bị kê biên, phong tỏa; kịp thời đính chính, giải thích bản án và các kiến nghị của cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền. Cơ quan thi hành án dân sự kịp thời xử lý theo pháp luật tài sản đã kê biên, phong tỏa, tạm giữ trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, đồng thời tích cực xác minh, truy tìm và xử lý tài sản trong giai đoạn thi hành án.
Đồng thời, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của ban chỉ đạo thi hành án dân sự các cấp trong công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt, nhất là chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác thi hành án dân sự, thu hồi tài sản tham nhũng; chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ với các tổ chức tín dụng, cơ quan quản lý tài sản, đất đai và các cơ quan liên quan cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin về tài khoản, tài sản, đất đai theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, kịp thời áp dụng các biện pháp tạm giữ, kê biên, phong tỏa, xử lý tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong quá trình tố tụng và thi hành án dân sự.
Bốn là, về tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm sát công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; kịp thời phát hiện, khắc phục những tồn tại, hạn chế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xử lý nghiêm những sai phạm, tiêu cực trong công tác thu hồi tài sản. Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể tăng cường giám sát công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; có cơ chế phát huy hiệu quả vai trò giám sát của nhân dân, khuyến khích người dân phản án, tố giác tài sản bất minh và sai phạm trong công tác thu hồi tài sản tham nhũng. Theo đó, Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội cần nâng cao năng lực, trách nhiệm giám sát của mỗi đại biểu trong công tác phòng chống tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng; đặc biệt phải có ý chí và hành động trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng; không sợ mất uy tín, không sợ khuyết điểm, bản lĩnh, có chính kiến thông qua hoạt động giám sát, phản biện xã hội. Mặt trận các cấp cần tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác thông tin, tuyên truyền trong hệ thống Mặt trận, phát huy vai trò của báo chí, truyền thông, doanh nghiệp, doanh nhân, trí thức, người dân, người dân tộc thiểu số, chức sắc, chức việc tôn giáo, người tiêu biểu trong xã hội với công tác phòng, chống tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng.
Năm là, về nguồn lực để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ, Chỉ thị nêu rõ tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án dân sự, bảo đảm đủ số lượng, vững về chuyên môn nghiệp vụ, có phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị vững vàng, thực sự liêm chính, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo.
Sáu là, từ thực tiễn những khó khăn, vướng mắc trong công tác thu hồi tài sản tham nhũng ở nước ngoài trong thời gian vừa qua, Chỉ thị yêu cầu tăng cường hợp tác quốc tế trong thu hồi tài sản tham nhũng; chủ động phối hợp với các tổ chức quốc tế và các cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài để xác minh, truy tìm và xử lý tài sản do phạm tội mà có đang ở nước ngoài. Đẩy mạnh tham gia, ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp hình sự giữa Việt nam với các nước, tạo cơ sở pháp lý, cơ chế phối hợp trong phòng, chống tham nhũng có yếu tố nước ngoài.
Để khẩn trương triển khai quán triệt, thực hiện nội dung của Chỉ thị, Ban Bí thư yêu cầu các tỉnh ủy, thành ủy, ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương phổ biến, quán triệt và xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện Chỉ thị này. Đồng thời Ban Bí thư cũng giao Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Ban Nội chính Trung ương, các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức có liên quan theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chir thị, định kỳ báo cáo kết quả thực hiện với Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng.
Vụ Nghiệp vụ 2, Tổng cục THADS