Bộ Tư pháp làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận về công tác thi hành án hành chính

08/07/2022
Ngày 08/07/2022, đồng chí Thứ trưởng Mai Lương Khôi đã chủ trì tổ chức buổi làm việc trực tuyến với Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Bình Thuận về công tác thi hành án hành chính trên địa bàn. Cùng tham dự buổi làm việc, ở điểm cầu Trung ương có đại diện của Viện kiểm sát nhân dân tối cao và một số đơn vị chuyên môn thuộc Bộ Tư pháp. Ở điểm cầu địa phương, có đồng chí Lê Tuấn Phong, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận chủ trì, cùng sự tham dự của đại diện các Sở, ban, ngành có liên quan và UBND thành phố Phan Thiết, UBND huyện Hàm Thuận Nam, UBND huyện Bắc Bình, Văn phòng đăng ký đất đai thị xã La Gi, Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Bình Thuận là những địa phương, cơ quan đang có các bản án hành chính chưa thi hành xong trên địa bàn.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Mai Lương Khôi nêu rõ, thi hành án hành chính là trách nhiệm tự thi hành của cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong bộ máy nhà nước, mà chủ yếu là UBND, Chủ tịch UBND các cấp. Chính phủ là cơ quan chịu trách nhiệm thống nhất quản lý nhà nước về thi hành án hành chính trên phạm vi cả nước và Bộ Tư pháp được giao nhiệm vụ tham mưu, giúp việc cho Chính Phủ. Qua theo dõi chung, Bộ Tư pháp nhận thấy, UBND tỉnh Bình Thuận đã tổ chức triển khai thực hiện Luật Tố tụng hành chính năm 2015, Nghị định số 71/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định thời hạn, trình tự, thủ tục thi hành án hành chính và xử lý trách nhiệm người không thi hành bản án, quyết định của Tòa án. Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành các văn bản chỉ đạo, quán triệt chung đối với công tác thi hành án hành chính cũng như đôn đốc, chỉ đạo việc thi hành án hành chính đối với từng bản án trên địa bàn; kịp thời giao Sở Tư pháp tỉnh là đầu mối tham mưu giúp UBND tỉnh trong công tác thi hành án hành chính. Khi bản án có hiệu lực, UBND và Chủ tịch UBND là bên phải thi hành án cơ bản đã chủ động, tích cực, đưa ra giải pháp tổ chức thi hành các bản án, nhờ đó một số bản án hành chính trên địa bàn đã được tổ chức thi hành xong. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận vẫn còn 19 bản án hành chính chưa được tổ chức thi hành dứt điểm, nhiều bản án có hiệu lực thi hành từ năm 2017, 2018 và Tòa án đã ra quyết định buộc thi hành án hành chính. Nguyên nhân chủ yếu là do ý thức chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính của người phải thi hành án trên địa bàn tỉnh Bình Thuận còn chưa cao, sự quan tâm, chỉ đạo chưa đúng mức của UBND tỉnh Bình Thuận đối với người phải thi hành án và sự phối hợp chưa nhịp nhàng, hiệu quả giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan trong công tác phối hợp tổ chức thi hành án hành chính.
Vì vậy, Bộ Tư pháp tổ chức làm việc với UBND tỉnh Bình Thuận với mục đích rà soát, làm rõ khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn đến bản án chưa thi hành án xong, từ đó thống nhất nhận thức, đề ra giải pháp để tổ chức thi hành dứt điểm bản án.

Trên cơ sở ý kiến trao đổi, thảo luận của các đại biểu tại cuộc họp, đồng chí Mai Lương Khôi đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận chỉ đạo, quán triệt UBND cấp dưới và các sở, ban, ngành có liên quan chấp hành nghiêm pháp luật tố tụng hành chính về trách nhiệm tham gia phiên tòa, tham gia đối thoại, cung cấp tài liệu, chứng cứ đầy đủ từ cấp sơ thẩm đến cấp phúc thẩm để Tòa án có căn cứ giải quyết vụ án một cách khách quan, đúng với bản chất vụ việc; khi bản án có hiệu lực thi hành, về nguyên tắc bản án phải được thi hành nghiêm, cơ quan hành chính nhà nước là bên phải thi hành án càng phải gương mẫu, nghiêm túc trong việc chấp hành án hành chính theo đúng quy định của pháp luật và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 15/11/2019 về tăng cường chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính.
 Đối với 19 bản án hành chính đến nay chưa được thi hành xong thuộc trách nhiệm thi hành của UBND thành phố Phan Thiết, UBND huyện Hàm Thuận Nam, UBND huyện Bắc Bình, Văn phòng đăng ký đất đai thị xã La Gi, Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Bình Thuận, trong đó có nhiều bản án có hiệu lực thi hành lâu, Tòa án đã ra quyết định buộc thi hành án hành chính, điều này cho  thấy, người phải thi hành án hành chính đã không tự nguyện thi hành án. Bộ Tư pháp chia sẽ với những khó khăn, vướng mắc mà UBND thành phố Phan Thiết, UBND huyện Hàm Thuận Nam, UBND huyện Bắc Bình, Văn phòng đăng ký đất đai thị xã La Gi, Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Bình Thuận đã nêu. Tuy nhiên, Bộ Tư pháp nhận thấy, khó khăn, vướng mắc chủ yếu dẫn đến bản án chậm được thi hành là do khâu tổ chức thực hiện, không có khó khăn, vướng mắc liên quan đến quy định của pháp luật. Do đó, đồng chí Thứ trưởng Bộ Tư pháp đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo sát sao, quyết liệt đối với UBND thành phố Phan Thiết, UBND huyện Hàm Thuận Nam, UBND huyện Bắc Bình, Văn phòng đăng ký đất đai thị xã La Gi, Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Bình Thuận có lộ trình, giải pháp cụ thể để tập trung thi hành dứt điểm từ nay đến hết ngày 30/9/2022, làm cơ sở để Bộ Tư pháp tổng hợp, báo cáo Chính phủ, báo cáo Quốc hội.
Tại buổi làm việc, đồng chí Thứ trưởng Mai Lương Khôi đề nghị Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Thuận thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo dõi thi hành án hành chính theo đúng quy định của pháp luật, kịp thời có văn bản đề nghị cơ quan, cấp có thẩm quyền kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với người phải thi hành án chậm thi hành án hành chính. Đồng thời, đồng chí Thứ trưởng Mai Lương Khôi đề nghị Sở Tư pháp tỉnh Bình Thuận với vai trò là cơ quan được UBND tỉnh Bình Thuận phân công tham mưu giúp UBND tỉnh thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong quản lý công tác thi hành án hành chính theo quy định tại Điều 34 Nghị định số 71/2016/NĐ-CP sâu sát, quyết liệt và chủ động hơn trong công tác tham mưu giúp UBND tỉnh Bình Thuận quản lý công tác thi hành án hành chính; trường hợp đã tham mưu UBND tỉnh Bình Thuận có văn bản chỉ đạo chung nhưng chưa có sự chuyển biến rõ nét thì cần tham mưu tổ chức các buổi làm việc trực tiếp với người phải thi hành án để nắm rõ nội dung vụ việc, các khó khăn, vướng mắc nếu có, từ đó kịp thời tham mưu giúp UBND tỉnh có các biện pháp, giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành án hành chính. Bên cạnh đó, đồng chí Thứ trưởng Mai Lương Khôi đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Thuận tăng cường kiểm sát việc tuân theo pháp luật của người phải thi hành án trong công tác thi hành án hành chính, bảo đảm việc thi hành án bản án, quyết định kịp thời, đầy đủ, đúng pháp luật, trong đó, đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Thuận xem xét, có kiến nghị với cơ quan, tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ thi hành án hành chính và cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của người phải thi hành án để có biện pháp tổ chức thi hành nghiêm chỉnh bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính.   
Về phía Bộ Tư pháp, sẽ phối hợp, hỗ trợ địa phương trong việc báo cáo Thủ tướng Chính phủ, kiến nghị các Bộ, ngành để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc chung, khó khăn, vướng mắc cụ thể trong từng vụ việc (nếu có), góp phần cùng với địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo sự chuyển biến về kết quả thi hành án trên địa bàn tỉnh Bình Thuận nói riêng và trên phạm vi cả nước nói chung.
Nguyễn Thanh Nam, Vụ Nghiệp vụ 3, Tổng cục Thi hành án dân sự