Nâng cao hiệu quả phối hợp trong công tác thi hành án tín dụng, ngân hàng, nhất là việc xử lý tài sản bảo đảm của các tổ chức tín dụng thông qua thi hành án dân sự

25/11/2022
Sáng ngày 25/11/2022, tại Trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tổng cục Thi hành án dân sự đã phối hợp với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức Hội thảo “Nâng cao hiệu quả xử lý tài sản bảo đảm của các tổ chức tín dụng thông qua thi hành án dân sự”. Đồng chủ trì Hội thảo có ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ông Nguyễn Quang Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, và ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam. Hội thảo được tổ chức bằng hình thức trực tiếp (với 138 đại biểu), kết hợp trực tuyến (với 1.400 đại biểu) đến từ các Bộ, ngành, một số cơ quan thi hành án dân sự và tổ chức tín dụng.

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Quang Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự nhấn mạnh công tác xử lý tài sản bảo đảm là một trong những nhiệm vụ quan trọng, quyết định đến hiệu quả của công tác thi hành án dân sự nói chung và thi hành án tín dụng ngân hàng nói riêng vì số lượng việc và tiền phải thi hành án cho các TCTD/VMAC trong hệ thống THADS hàng năm là rất lớn, kết quả xử lý tài sản bảo đảm có ảnh hưởng, vai trò quyết định việc thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ của hệ thống thi hành án dân sự (nhất là về tiền).
 
Bên cạnh kết quả đạt được (thể chế ngày càng được hoàn thiện; công tác phối hợp ngày càng chặt chẽ, hiệu quả; kết quả thi hành xong đối với án tín dụng ngân hàng ngày càng tăng, đặc biệt năm 2022, tỷ lệ thi hành xong so với cùng kỳ năm 2021 tăng 7,39% về việc, tăng 4,1 % về tiền), Tổng cục Thi hành án dân sự cũng nhận diện được một số khó khăn, vướng mắc, hạn chế trong quá trình tổ chức thi hành án tín dụng ngân hàng như: Thể chế, công tác phối hợp; xử lý tài sản bảo đảm…v.v.
 
Phát biểu tại Hội thảo, ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhận định: Công tác phối hợp giữa Tổng cục THADS, Bộ Tư pháp với Ngân hàng Nhà nước trong thời gian qua rất chặt chẽ và đạt được những kết quả tích cực (đặc biệt là việc ký kết và thực hiện Quy chế số 01/QCLN/NHNNVN-BTP ngày 18/3/2015). Đồng thời, ghi nhận sự tích cực, cố gắng của cả hệ thống thi hành án dân sự trong công tác thi hành án tín dụng ngân hàng nói chung, công tác xử lý tài sản bảo đảm nói riêng. Hội thảo ngày hôm nay là một trong những hoạt động phối hợp giữa Tổng cục THADS với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, các tổ chức tín dụng nhằm nâng cao hiệu quả thu hồi nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
 
 

Tại Hội thảo đã nghe nhiều tham luận đến từ Vụ Nghiệp vụ 1, Tổng cục THADS; Vụ Pháp chế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam; một số Cục THADS có lượng án nhiều (Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội); một số TCTD; các đại biểu đã có nhiều ý kiến thảo luận, trao đổi thẳng thắn, khách quan, chỉ ra những hạn chế khó khăn vướng mắc phát sinh trong công tác này (đặc biệt là khó khăn trong việc áp dụng Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu trong thời gian qua); đưa ra được những ý kiến đề xuất xác đáng về giải pháp để đẩy mạnh công tác thi hành án tín dụng, ngân hàng nói chung và công tác xử lý tài sản bảo đảm nói riêng trong thời gian tới.
 
Phát biểu bế mạc, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam trân trọng cảm ơn sự phối hợp của Tổng cục THADS trong công tác thi hành án tín dụng, ngân hàng; các đại biểu tham dự. Trong thời gian tới, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với Tổng cục THADS, Bộ Tư pháp để có những đánh giá toàn diện, khách quan về các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong công tác thi hành án tín dụng ngân hàng nói chung và công tác xử lý tài sản bảo đảm nói riêng, từ đó đưa ra những giải pháp, kiến nghị phù hợp để có biện pháp tháo gỡ.
Vụ Nghiệp vụ 1 - Tổng cục THADS