Hội thảo trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự tham nhũng, kinh tế

11/11/2022
Được sự nhất trí của Lãnh đạo Bộ Tư pháp, ngày 11/11/2022, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS) phối hợp với Cơ quan Phòng, chống Ma túy và Tội phạm của Liên Hợp quốc (UNODC) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc tế trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự tham nhũng, kinh tế.

Hội thảo do bà Trần Thị Phương Hoa - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục THADS và bà Nguyễn Nguyệt Minh - Phụ trách UNODC tại Việt Nam đồng chủ trì; và có 06 báo cáo viên là ông Nguyễn Kim Sáu - Vụ trưởng Vụ 11, Viện KSND tối cao; bà Lê Thị Hòa - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp; ông Trần Văn Dũng - Cục trưởng Cục THADS tỉnh Hòa Bình; bà Bùi Thị Bích Hằng và Ông Lê Tuấn Sơn - Phó Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ 2, Tổng cục THADS; và ông Trần Đình Hoàng, Trưởng Phòng Nghiệp vụ 2, Cục THADS thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo có sự tham dự của đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh; Toà án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Công an thành phố Hồ Chí Minh; Cục Công tác phía Nam, Bộ Tư pháp; Lãnh đạo Cục, Lãnh đạo Phòng, Chấp hành viên và Thẩm tra viên các địa phương: Thành phố Hồ Chí Minh, An Giang, Cần Thơ, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Tháp, Long An, Đà Nẵng, Quảng Nam, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và một số cơ quan báo chí.
 
Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Trần Thị Phương Hoa nhấn mạnh: Thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế là một nhiệm vụ quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay. Nếu tài sản trong các vụ án này không thu hồi được thì mục đích của việc điều tra, truy tố, xét xử tội phạm mới chỉ đạt được một nửa, đó là mới chỉ buộc người phạm tội phải chịu hình phạt mà chưa buộc họ nộp lại những tài sản đã chiếm đoạt hoặc gây thất thoát, lãng phí. Việc không thu hồi được tài sản trong các vụ án tham nhũng sẽ làm hạn chế hiệu quả hoạt động phòng ngừa, đấu tranh chống tham nhũng, tạo tâm lý coi thường pháp luật, làm cho dư luận bất bình.
 
Đấu tranh phòng chống tham nhũng có hiệu quả không chỉ là khẩu hiệu mà trở thành quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đưa ra nhiều chủ trương và giải pháp quyết liệt, trực tiếp về vấn đề này. Phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 xác định: “Nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng, bảo đảm đúng pháp luật. Thực hiện quyết liệt nghiêm minh có hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng”.[1] Để tăng cường hiệu quả công tác thu hồi tài sản, ngày 02/6/202, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 04-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Chỉ thị giao Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS) thực hiện 02 nhiệm vụ: (i) nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện chính sách pháp luật thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng và (ii) nghiên cứu hoàn thiện trình tự, thủ tục để thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng.
 
Trong những năm qua, các cơ quan tố tụng nói chung và cơ quan THADS nói riêng đã thu hồi được một tỉ lệ không nhỏ tài sản trong các vụ án hình sự, nhất là trong các vụ án tham nhũng, kinh tế. Giai đoạn 2013-2019, các cơ quan THADS đã thu hồi được trên 31,7 nghìn tỷ đồng. Năm 2020, thu hồi được trên 15 nghìn tỷ đồng; năm 2022, sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, đã thu được gần 16 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thực tiễn vừa qua cũng cho thấy một số vướng mắc, bất cập trong các quy định pháp luật hiện hành về thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế. Chính vì vậy, việc nghiên cứu các vấn đề thực tiễn đặt ra, học tập kinh nghiệm quốc tế để đề xuất, kiến nghị hoàn thiện quy định pháp luật về thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế là một nhiệm vụ quan trọng, cần thiết.
 
Hội thảo được tổ chức với 03 mục tiêu: (1) Đánh giá công tác thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế tại Việt Nam; xác định những hạn chế, vướng mắc, bất cập và nguyên nhân; (2) Tìm hiểu, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về phòng chống tham nhũng và thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự, trong đó có các vụ án tham nhũng, kinh tế; (3) Đề xuất một số khuyến nghị, giải pháp hoàn thiện pháp luật Việt Nam để nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế.
 
Đại diện UNDOC, bà Nguyễn Nguyệt Minh đã thay mặt ông Huynwon Kim - điều phối viên Chương trình Tăng cường hợp tác khu vực và nâng cao năng lực cho các nước ASEAN trong phòng, chống tham nhũng và các tội phạm nghiêm trọng khác do Hàn Quốc tài trợ -phát biểu chia sẻ thông điệp của UNODC. Theo đó, bất chấp những nỗ lực của các Chính phủ, tham nhũng hiện nay vẫn là một trở ngại lớn nhất đối với sự phát triển kinh tế và xã hội trên toàn thế giới. Tham nhũng không phải là hành vi phạm tội mà không có nạn nhân. Nạn nhân của hành vi tham nhũng là những em bé cần được đi học, là những bệnh nhân cần được chữa trị, và tất cả những ai đóng góp cho xã hội này và xứng đáng được đảm bảo rằng ngân sách công được sử dụng để nhằm mục đích cải thiện cuộc sống của họ. Do đó, Chương V Công ước Phòng, chống Tham nhũng của Liên Hợp quốc (UNCAC) đưa ra cơ sở pháp lý cho công tác thu hồi tài sản bị đánh cắp, đặt ra yêu cầu các quốc gia cần tiến hành các biện pháp nhằm phong toả, thu giữ, thu hồi và trả lại tài sản tham nhũng. Hơn nữa, thu hồi tài sản cũng được đề cập đến trong Các Mục Tiêu Phát Triển Bền Vững, Mục tiêu số 16.4. Chu trình Đánh giá lần thứ hai của UNCAC coi thu hồi tài sản là một trong hai mục tiêu quan trọng cũng chứng tỏ sự quan tâm của cộng đồng thế giới đến chủ đề này.
 
Với mục tiêu thúc đẩy công tác thu hồi và trả lại tài sản bị đánh cắp như được đề cập đến trong Mục tiêu số 16.4, Các Mục Tiêu Phát Triển Bền Vững và phù hợp với Chương V của UNCAC, UNODC đã hỗ trợ Bộ Tư pháp tiến hành một nghiên cứu nhằm tìm hiểu các kinh nghiệm quốc tế về vấn đề thu hồi tài sản ở một số quốc gia nhằm đưa ra những khuyến nghị phù hợp cho các nhà làm luật của Việt Nam, hỗ trợ quá trình sửa đổi pháp luật, chính sách liên quan đến phòng, chống tham nhũng. Hội thảo này là một bước tiếp nối quan trọng của mối quan hệ đối tác giữa UNODC với Chính phủ Việt Nam trong quá trình cải thiện hệ thống pháp luật, chính sách nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác thu hồi và quản lý tài sản tham nhũng.
 
Hàn Quốc - quốc gia tài trợ cho chương trình này của UNODC - có mối quan hệ gần gũi với các nước ASEAN và xác định rõ tầm quan trọng của hợp tác và tăng cường bộ máy phòng, chống tham nhũng trong khu vực. Hiện có rất nhiều hoạt động, sáng kiến trong lĩnh vực tư pháp hình sự giữa chính phủ Hàn Quốc và các quốc gia Đông Nam Á trong đó có Việt Nam. Đầu tiên, chính phủ Hàn Quốc đang hợp tác với các quốc gia ASEAN trong phòng, chống tham nhũng và các tội phạm nghiêm trọng, trong khuôn khổ Kế hoạch Hành Động ASEAN+3 giai đoạn 2018-2022 và Cuộc họp Bộ trưởng ASEAN, Cuộc họp Quan chức Cấp cao ASEAN về Phòng, chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia với Hàn Quốc (AMMTC-ROK, SOMTC-ROK). Hàn Quốc cũng có hiệp định song phương với Việt Nam về tương trợ tư pháp và dẫn độ. Đã có nhiều vụ án được xử lý thanh công nhờ có sự hợp tác, phối hợp chặt chẽ giữa hai nước.
 
UNODC và chính phủ Hàn Quốc sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ để phối hợp với Bộ Tư pháp Việt Nam và các bên liên quan nhằm đẩy mạnh thu hồi và trả lại tài sản bị đánh cắp (Mục tiêu 16.4, Các Mục tiêu Phát triển Bền vững) và giảm thiểu đáng kể tham nhũng và hối lộ dưới mọi hình thức (Mục tiêu 16.4, Các Mục tiêu Phát triển Bền vững) và thúc đẩy cơ hội bình đẳng và phát triển bền vững.
 
Buổi sáng, Hội thảo nghe báo cáo và trao đổi, thảo luận 03 chuyên đề về thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng: Thực trạng và những vấn đề đặt ra; vấn đề thực tiễn tại Thành phố Hồ Chí Minh, và vai trò của Viện kiểm sát nhân dân về thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.
 
Buổi chiều, Hội thảo tiếp tục trao đổi, thảo luận về các giải pháp hoàn thiện thể chế về thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế trong bối cảnh hiện nay; Kinh nghiệm quốc tế về thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế và một số khuyến nghị đối với Việt Nam; và giải pháp nâng cao hiệu quả trong công tác thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.
 

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập II, tr.145-146.