Cần sớm nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện chính sách pháp luật thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng

15/11/2022
Tiếp nối thành công Hội thảo tại khu vực phía Nam, ngày 15/11/2022, Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS) phối hợp với Cơ quan Phòng, chống Ma túy và Tội phạm của Liên Hợp quốc (UNODC) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc tế trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự tham nhũng, kinh tế khu vực phía Bắc tại tỉnh Quảng Ninh. Các chuyên đề, ý kiến trao đổi, thảo luận tại Hội thảo đã gợi mở nhiều giải pháp, kiến nghị hoàn thiện chính sách pháp luật thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng.

Hội thảo do bà Trần Thị Phương Hoa - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục THADS và bà Nguyễn Nguyệt Minh - Phụ trách UNODC tại Việt Nam đồng chủ trì. Tham dự hội thảo, ngoài các báo cáo viên, còn có sự tham dự của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03 - Bộ Công an); Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội; Toà án, Viện KSND và Công an tỉnh Quảng Ninh; Cục Thi hành án Bộ Quốc phòng; các đơn vị chuyên môn của Tổng cục THADS, đại diện Lãnh đạo Cục và lãnh đạo Phòng Nghiệp vụ, Chấp hành viên các Cục THADS: Quảng Ninh, Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh, Phú Thọ, Hà Giang, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Bắc Giang, Lào Cai, Hòa Bình.
 
Qua các chuyên đề trao đổi và các ý kiến phát biểu, thảo luận tại Hội thảo, các đại biểu cơ bản nhất trí về việc cần sớm xây dựng một văn bản riêng, hoặc là nghị quyết của Quốc hội, hoặc là luật, quy định về trình tự, thủ tục thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Các giai đoạn tố tụng đều cần có những quy định đặc thù để đảm bảo khả năng thu hồi tài sản. Có thể tăng cường các cơ chế kiểm soát thu nhập, giao dịch không sử dụng tiền mặt; nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để đa dạng hoá các cơ chế thu hồi tài sản thông qua biện pháp tịch thu hành chính hoặc tịch thu dân sự. Trong giai đoạn điều tra, cần xem xét mở rộng phạm vi áp dụng các biện pháp cưỡng chế; chú trọng điều tra, xác định cụ thể và thể hiện rõ trong kết luận điều tra về tình trạng, nguồn gốc tài sản; xem xét giải quyết các xung đột pháp luật khi thực hiện tương trợ tư pháp về hình sự. Trong giai đoạn truy tố, khởi tố, xét xử, cần có sự phân hoá tội phạm đối với các bị can, tiếp tục hoàn thiện cơ chế khuyến khích việc tự nguyện khắc phục hậu quả của hành vi phạm tội và thu hồi tài sản ở nước ngoài. Các cơ quan hữu quan trước hết thực hiện tốt các nhiệm vụ, quyền hạn được giao, và tiếp tục tăng cường phối hợp để thực hiện tốt nhiệm vụ quan trọng này. Hội thảo đã kết thúc tốt đẹp chiều cùng ngày.