Hướng dẫn thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong thi hành án dân sự

27/08/2010
Để tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức trong việc thực hiện quyền yêu cầu bồi thường của mình cũng như cho các cơ quan nhà nước trong quá trình giải quyết từng vụ việc yêu cầu bồi thường cụ thể, Bộ Tư pháp đang chủ trì xây dựng Dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTCNN) trong hoạt động thi hành án dân sự (THADS).


Được gửi hồ sơ bằng đường bưu điện

Dự thảo Thông tư quy định, trong thời hạn 2 năm kể từ ngày có văn bản của cơ quan có thẩm quyền xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ, người yêu cầu bồi thường thông qua hệ thống bưu chính viễn thông hoặc trực tiếp gửi hồ sơ yêu cầu bồi thường đến cơ quan có trách nhiệm bồi thường. Hồ sơ yêu cầu bồi thường bao gồm đơn yêu cầu bồi thường (theo mẫu); bản sao văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ; tài liệu, chứng cứ có liên quan đến việc yêu cầu bồi thường.

Khi nhận hồ sơ yêu cầu bồi thường, cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải kiểm tra và xác định tính hợp lệ của đơn và các giấy tờ kèm theo. Trường hợp hồ sơ không đầy đủ, phải hướng dẫn người yêu cầu bồi thường bổ sung.

Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn và các giấy tờ hợp lệ, nếu xác định yêu cầu bồi thường thuộc trách nhiệm giải quyết của mình thì cơ quan đã nhận hồ sơ phải thụ lý và thông báo bằng văn bản về việc thụ lý đơn cho người yêu cầu bồi thường. Còn nếu cho rằng không thuộc trách nhiệm giải quyết của mình, cơ quan nhận đơn phải trả lại hồ sơ và hướng dẫn người yêu cầu bồi thường gửi đơn đến cơ quan quản lý nhà nước về công tác bồi thường thực hiện việc xác định cơ quan có trách nhiệm bồi thường.

Tối đa 93 ngày được giải quyết bồi thường

Ngay sau khi thụ lý đơn yêu cầu bồi thường, Thủ trưởng cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải ra quyết định cử người đại diện thực hiện việc giải quyết bồi thường. Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu bồi thường, người đại diện phải tổ chức việc xác minh thiệt hại. Việc xác minh thiệt hại được thực hiện trên cơ sở tài liệu, chứng cứ do người yêu cầu bồi thường cung cấp. Trong trường hợp cần thiết, cơ quan có trách nhiệm bồi thường có thể yêu cầu cơ quan, tổ chức định giá tài sản, giám định thiệt hại về tài sản hoặc lấy ý kiến của các cơ quan liên quan đến việc giải quyết bồi thường.

Thời hạn xác minh thiệt hại là 20 ngày kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu bồi thường. Nếu vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn xác minh có thể kéo dài nhưng không quá 40 ngày.

Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc việc xác minh thiệt hại, người đại diện phải tiến hành thương lượng với người bị thiệt hại. Thời hạn thực hiện việc thương lượng là 30 ngày kể từ ngày kết thúc việc xác minh thiệt hại. Trường hợp có nhiều tình tiết phức tạp, thời hạn thương lượng có thể kéo dài nhưng không quá 45 ngày.

Ngay sau khi kết thúc việc thương lượng, người đại diện phải hoàn thành dự thảo quyết định giải quyết bồi thường để báo cáo thủ trưởng cơ quan có trách nhiệm bồi thường. Căn cứ vào kết quả xác minh thiệt hại, thương lượng với người bị thiệt hại và ý kiến của các cơ quan có liên quan (nếu có), thủ trưởng cơ quan có trách nhiệm bồi thường xem xét, ký ban hành quyết định giải quyết bồi thường. Người đại diện tổ chức việc chuyển giao quyết định giải quyết bồi thường.

Căn cứ vào quyết định giải quyết bồi thường đã có hiệu lực của cơ quan có trách nhiệm bồi thường hoặc bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án, cơ quan có trách nhiệm bồi thường thực hiện việc chi trả tiền bồi thường cho người bị thiệt hại.

Phó tổng cục trưởng Tổng cục THADS Nguyễn Thanh Thủy nhận định, quy trình về giải quyết bồi thường thiệt hại trong THADS như trên là cần thiết nhằm đảm bảo việc giải quyết bồi thường được chính xác, đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, ông Thủy kiến nghị, Dự thảo Thông tư phải làm rõ thêm một số điểm như xác định các trường hợp cần tổ chức xác minh, đối thoại; xây dựng cơ chế phối hợp, cơ chế họp thống nhất liên ngành giữa các cơ quan liên quan trong quá trình tổ chức bồi thường.

Cẩm Vân

Người bị thiệt hại có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết bồi thường trong các trường hợp sau đây: Người bị thiệt hại không đồng ý với quyết định giải quyết bồi thường theo quy định tại khoản 1 Điều 22 của Luật; Hết thời hạn ra quyết định giải quyết bồi thường mà cơ quan giải quyết bồi thường không ra quyết định giải quyết bồi thường theo quy định tại khoản 1 Điều 22 của Luật. (trích Dự thảo Thông tư)