Trước đó, sau cuộc họp toàn thể Ban soạn thảo và Tổ biên tập lần thứ nhất, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Hà Hùng Cường và Thứ trưởng Đinh Trung Tụng, Thường trực Tổ Biên tập đã tiến hành chỉnh lý Dự thảo 1, xây dựng xong Dự thảo 2 và đã gửi dự thảo này đến các thành viên Tổ Biên tập để góp ý, hoàn thiện dự thảo.
Các thành viên Tổ Biên tập đã trao đổi, thảo luận một số vấn đề lớn của dự thảo Nghị định này, như:
Nghị định nên có tên gọi như thế nào?
Tên gọi của Nghị định “quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự”, liệu có hẹp quá hay không so với nội dung mà dự thảo đã đưa ra? Nội dung của dự thảo đưa ra không chỉ là về thủ tục thi hành án dân sự theo đúng nghĩa “thủ tục thi hành án dân sự” ở phạm vi hẹp theo tên gọi của Chương III, một chương trong số chín chương của Luật thi hành án dân sự, mà còn bao gồm cả nội dung về áp dụng biện pháp bảo đảm và biện pháp cưỡng chế thi hành án, là thuộc phạm vi của Chương IV; về thi hành án trong một số trường hợp cụ thể, là thuộc phạm vi của Chương V của Luật thi hành án dân sự. Vậy, thủ tục thi hành án có phải được hiểu theo nghĩa rộng, như là một trong hai mảng lớn của Luật thi hành án dân sự, gồm mảng thủ tục thi hành án và mảng về tổ chức bộ máy, cán bộ thi hành án hay không. Mặt khác, liệu tên gọi Nghị định “quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự” có quá rộng hay không, khi mà nó chỉ hướng dẫn một số điều trong số rất nhiều điều của Luật thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự?
Các thành viên Tổ Biên tập đã thống nhất rằng, cần hiểu thủ tục thi hành án theo nghĩa rộng, như là một trong hai mảng lớn của Luật thi hành án dân sự, gồm mảng thủ tục thi hành án và mảng về tổ chức bộ máy, cán bộ thi hành án. Do đó, tên gọi Nghị định về thủ tục thi hành án dân sự là phù hợp. Mặt khác, tên gọi “Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự” là quá rộng. Do đó, tên gọi của Nghị định nên là “Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự”.
Phạm vi của Nghị định về thủ tục thi hành án dân sự gồm những vấn đề gì?
Thành viên Tổ Biên tập đều thống nhất cao trong việc xác định phạm vi của Nghị định thủ tục thi hành án dân sự trước hết gồm 7 điều mà Luật thi hành án dân sự đã giao Chính phủ quy định chi tiết. Đó là Điều 46 về những trường hợp không được cưỡng chế thi hành án; Điều 60 về mức phí thi hành án dân sự, thủ tục thu nộp, quản lý, sử dụng phí thi hành án dân sự; Điều 65 về thẩm quyền, điều kiện, đối tượng, thủ tục bảo đảm tài chính để thi hành án; Điều 73 về những chi phí cưỡng chế thi hành án cần thiết khác do Ngân sách nhà nước chi trả; Điều 85 về trình tự, thủ tục, phương pháp định giá và thẩm quyền định giá quyền sở hữu trí tuệ; Điều 86 về trình tự, thủ tục bán đấu giá và thẩm quyền bán đấu giá quyền sở hữu trí tuệ và Điều 98 về những tài sản có giá trị nhỏ thuộc thẩm quyền xác định giá của Chấp hành viên.
Bên cạnh đó, căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Điều 183 Luật thi hành án dân sự, các thành viên Tổ Biên tập cũng thống nhất phạm vi của Nghị định của Chính phủ sẽ không giới hạn ở nhiệm vụ quy định chi tiết hướng dẫn thi hành các điều, khoản được giao trong Luật mà còn mở rộng để hướng dẫn những nội dung cần thiết khác của Luật này để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước. Vấn đề quan trọng là, những nội dung nào thì cần được hướng dẫn tại Nghị định này, những nội dung nào thì thuộc thẩm quyền hướng dẫn của liên ngành, liên bộ? Làm thế nào để vừa đáp ứng được yêu cầu hướng dẫn cụ thể và đầy đủ, giải quyết được những bất cập của thực tiễn đặt ra, để các cơ quan thi hành án dân sự và nhân dân dễ hiểu, dễ áp dụng, vừa không quá ôm đồm trong phạm vi của một Nghị định?
Vì vậy, sau khi thảo luận về việc bổ sung hoặc bớt một số điều trong dự thảo 2, các thành viên Tổ Biên tập thống nhất, Nghị định về thủ tục thi hành án sẽ hướng dẫn thêm các nội dung quan trọng khác của Luật thi hành án dân sự như: thoả thuận về thi hành án trước và sau khi yêu cầu thi hành án (Điều 6); về trách nhiệm thuê phiên dịch, về tiếng nói và chữ viết khi uỷ thác tư pháp về thi hành án (Điều 9); về thời hiệu và khôi phục thời hiệu yêu cầu thi hành án (Điều 30); về thủ tục nhận đơn, cấp giấy biên nhận về yêu cầu thi hành án (Điều 33); về căn cứ và thời hạn từ chối đơn yêu cầu thi hành án (Điều 34); về phạm vi của quyết định thi hành án (Điều 36); về trách nhiệm của đương sự và của Chấp hành viên trong việc xác minh điều kiện thi hành án (Điều 44); về căn cứ xác định đương sự đã thực hiện xong quyền, nghĩa vụ thi hành án để kết thúc thi hành án (Điều 52); về nội dung của giấy xác nhận kết quả thi hành án (Điều 53); về xác định mức nghĩa vụ cụ thể đương sự đã thi hành để được miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước và thủ tục Thi hành án dân sự cấp tỉnh, Thi hành án cấp quân khu lập hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm thi hành án (Điều 60,63); về phạm vi phong toả tài khoản và trách nhiệm phong toả; về thủ tục khấu trừ tiền trong tài khoản (Điều 67, Điều 77); về thủ tục tạm giữ tài sản, giấy tờ của người phải thi hành án (Điều 68); về thủ tục tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản (Điều 69); về mức tiền tối thiểu phải để lại cho người phải thi hành án và gia đình từ số tiền thu được do hoạt động kinh doanh của người phải thi hành án (Điều 79); về quyền cưỡng chế thu tiền, tài sản của người phải thi hành án đang do người thứ ba giữ (Điều 81); về buộc người sử dụng lao động thanh toán cho người lao động nếu không nhận người lao động trở lại làm việc (Điều 121); về địa điểm giao, nhận vật chứng, tài sản; về trách nhiệm và thủ tục xử lý tài sản tịch thu sung quỹ nhà nước (Điều 124); về trình tự, thủ tục tiêu huỷ vật chứng, tài sản (Điều 125); về phạm vi uỷ thác thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (Điều 130); về thủ tục bồi hoàn, cưỡng chế thi hành án liên quan đến việc thi hành quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm (Điều 135) và về những trường hợp xem xét lại quyết định giải quyết khiếu nại về thi hành án đã có hiệu lực thi hành (Điều 142).
Cơ cấu, bố cục của Nghị định thế nào là hợp lý?
Từ việc xác định những nội dung cơ bản của Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự như trên, các thành viên Tổ Biên tập thống nhất cơ cấu của Nghị định sẽ gồm 5 chương, cụ thể như sau:
Chương I. Những quy định chung, gồm 4 điều, bao hàm các nội dung về phạm vi của Nghị định, về thoả thuận về thi hành án; về tiếng nói và chữ viết trong thi hành án; về thời hiệu và khôi phục thời hiệu yêu cầu thi hành án.
Chương II. Thủ tục thi hành án dân sự, quy định chi tiết và hướng dẫn các nội dung về thủ tục nhận đơn, cấp giấy biên nhận về yêu cầu thi hành án; về căn cứ và thời hạn từ chối đơn yêu cầu thi hành án; về phạm vi của quyết định thi hành án; về trách nhiệm của đương sự và của Chấp hành viên trong việc xác minh điều kiện thi hành án; về căn cứ xác định đương sự đã thực hiện xong quyền, nghĩa vụ thi hành án để kết thúc thi hành án; về nội dung của giấy xác nhận kết quả thi hành án; về xác định mức nghĩa vụ cụ thể đương sự đã thi hành để được miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước và thủ tục Thi hành án dân sự cấp tỉnh, Thi hành án cấp quân khu lập hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm thi hành án; về địa điểm giao, nhận vật chứng, tài sản; về trách nhiệm và thủ tục xử lý tài sản tịch thu sung quỹ nhà nước ; về trình tự, thủ tục tiêu huỷ vật chứng, tài sản; về phạm vi uỷ thác thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; về thủ tục bồi hoàn, cưỡng chế thi hành án liên quan đến việc thi hành quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm và về những trường hợp xem xét lại quyết định giải quyết khiếu nại về thi hành án đã có hiệu lực thi hành.
Chương III. Biện pháp bảo đảm thi hành án và cưỡng chế thi hành án, quy định chi tiết và hướng dẫn về phạm vi phong toả tài khoản và trách nhiệm phong toả; về thủ tục khấu trừ tiền trong tài khoản; về thủ tục tạm giữ tài sản, giấy tờ của người phải thi hành án; về thủ tục tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản; về những trường hợp không được cưỡng chế thi hành án; về chi phí thi hành án; về mức tiền tối thiểu phải để lại cho người phải thi hành án và gia đình từ số tiền thu được do hoạt động kinh doanh của người phải thi hành án; về quyền cưỡng chế thu tiền, tài sản của người phải thi hành án đang do người thứ ba giữ; về buộc người sử dụng lao động thanh toán cho người lao động nếu không nhận người lao động trở lại làm việc; về những tài sản có giá trị nhỏ thuộc thẩm quyền xác định giá của Chấp hành viên; về trình tự, thủ tục, phương pháp định giá và thẩm quyền định giá quyền sở hữu trí tuệ; về trình tự, thủ tục bán đấu giá và thẩm quyền bán đấu giá quyền sở hữu trí tuệ.
Chương IV. Phí thi hành án và thủ tục bảo đảm tài chính để thi hành án, gồm các nội dung về những trường hợp không thu phí thi hành án dân sự; về mức phí và cách tính phí thi hành án dân sự, về thủ tục thu nộp, quản lý, sử dụng phí thi hành án dân sự; về miễn, giảm phí thi hành án dân sự và về khiếu nại tố cáo về phí thi hành án dân sự; về điều kiện, phạm vi bảo đảm tài chính để thi hành án; về mức và thủ tục bảo đảm tài chính để thi hành án; về thẩm quyền quyết định về bảo đảm tài chính để thi hành án; về trách nhiệm lập dự toán, cấp phát và quyết toán kinh phí bảo đảm tài chính để thi hành án; về trách nhiệm hoàn trả khoản bảo đảm tài chính để thi hành án vào ngân sách nhà nước.
Chương V. Điều khoản thi hành, gồm các nội dung về hiệu lực thi hành của Nghị định và trách nhiệm thi hành Nghị định.
Đối với nội dung của Chương III về định giá quyền sở hữu trí tuệ, các thành viên Tổ Biên tập xác định đây là một nội dung khó, đòi hỏi kiến thức chuyên sâu, cần có thêm thời gian nghiên cứu và cần huy động sự tham gia của chuyên gia. Về trình tự, thủ tục bán đấu giá quyền sở hữu trí tuệ, như là một tài sản đặc thù, cũng cần cân nhắc nội dung này có thuộc phạm vi của Nghị định về bán đấu giá tài sản hiện cũng đang do Bộ Tư pháp chủ trì sửa đổi, bổ sung hay không. Về Chương IV, các thành viên cho rằng cần cân đối mức độ quy định tại Nghị định những nội dung thuộc về nguyên tắc, có tính ổn định cao, còn những nội dung hướng dẫn chi tiết thì để đảm bảo tính linh hoạt, thì sẽ do Thông tư liên tịch giữa Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành.
Ngoài các vấn đề trên, các thành viên Tổ Biên tập cũng tập trung thảo luận và đóng góp ý kiến đối với các nội dung cụ thể của các điều của dự thảo Nghị định nói trên. Việc tham gia ý kiến của thành viên Tổ Biên tập đến từ các cơ quan như Bộ Quốc phòng, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các thành viên đại diện các đơn vị thuộc Bộ như Vụ các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Vụ pháp luật dân sự-kinh tế, Vụ Bổ trợ tư pháp, Ban Thư ký là rất thiết thực, sâu sắc, hiệu quả, giúp cho Thường trực Tổ Biên tập xây dựng, hoàn thiện dự thảo, đáp ứng yêu cầu xây dựng văn bản hướng dẫn thi hành Luật thi hành án dân sự kịp thời, đạt chất lượng./.
Lê Kim Dung