Kinh phí bồi thường và trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ đối với các thiệt hại đã được Nhà nước bồi thường trong hoạt động thi hành án dân sự (Phần cuối)

18/04/2012
Kinh phí bồi thường, thủ tục chi trả cũng như trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ đối với các loại thiệt hại đã được Nhà nước bồi thường trong hoạt động thi hành án dân sự được quy định tương ứng tại Chương VI, Chương VII Luật TNBTCNN, Nghị định số 16/2010/NĐ-CP và đã được hướng dẫn cụ thể tại Thông tư liên tịch số 24/2011/TTLT-BTP-BQP, bao gồm những nội dung cụ thể sau đây:


1. Kinh phí bồi thường và thủ tục chi trả

a) Kinh phí bồi thường: Ðiều 52 Luật TNBTCNN quy định trường hợp cơ quan trung ương có trách nhiệm bồi thường thì kinh phí bồi thường được bảo đảm từ ngân sách trung ương. Trường hợp cơ quan địa phương có trách nhiệm bồi thường thì kinh phí bồi thường được bảo đảm từ ngân sách địa phương.

b) Lập dự toán kinh phí bồi thường: Ðiều 53 Luật TNBTCNN quy định hàng năm căn cứ thực tế bồi thường của năm trước, cơ quan tài chính các cấp phối hợp với cơ quan, đơn vị cùng cấp lập dự toán kinh phí bồi thường để tổng hợp vào dự toán ngân sách cấp mình, trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và được phân bổ cho cơ quan, đơn vị khi có yêu cầu chi trả tiền bồi thường.

c) Trình tự, thủ tục cấp và chi trả tiền bồi thường: Trình tự, thủ tục cấp và chi trả tiền bồi thường được thực hiện theo quy định tại Ðiều 54 Luật TNBTCNN, cụ thể như sau:

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày bản án, quyết định giải quyết bồi thường có hiệu lực pháp luật, cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải chuyển ngay hồ sơ đề nghị bồi thường đến cơ quan tài chính cùng cấp; trường hợp là cơ quan hưởng kinh phí từ ngân sách trung ương thì chuyển hồ sơ đến cơ quan quản lý cấp trên.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan nhận được hồ sơ có trách nhiệm kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ đề nghị bồi thường để cấp kinh phí hoặc có văn bản gửi cơ quan tài chính cùng cấp đề nghị cấp kinh phí bồi thường; trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ thì hướng dẫn cơ quan có trách nhiệm bồi thường bổ sung hồ sơ hoặc sửa đổi, bổ sung quyết định giải quyết bồi thường. Thời hạn bổ sung hồ sơ không quá 15 ngày.

Hồ sơ đề nghị bồi thường gồm văn bản đề nghị cấp kinh phí bồi thường có ghi đầy đủ, cụ thể về người được bồi thường, các khoản tiền bồi thường đối với các thiệt hại cụ thể và tổng số tiền đề nghị được cấp để thực hiện việc bồi thường; bản sao văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ; bản án, quyết định giải quyết bồi thường của cơ quan có thẩm quyền có hiệu lực pháp luật.

Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị bồi thường hợp lệ thì cơ quan tài chính có thẩm quyền cấp kinh phí cho cơ quan có trách nhiệm bồi thường để chi trả cho người bị thiệt hại. Sau khi nhận được kinh phí do cơ quan tài chính cấp, trong thời hạn 05 ngày làm việc, cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải thực hiện việc chi trả bồi thường cho người bị thiệt hại hoặc thân nhân của người bị thiệt hại. Trường hợp bản án, quyết định giải quyết bồi thường của Tòa án có hiệu lực pháp luật mà cơ quan có trách nhiệm bồi thường không tự nguyện thi hành thì người được bồi thường có quyền yêu cầu Cơ quan thi hành án dân sự thi hành theo quy định của pháp Luật thi hành án dân sự năm 2008.

d) Quyết toán kinh phí bồi thường: Ðiều 55 Luật TNBTCNN quy định việc quyết toán kinh phí bồi thường được thực hiện như sau: Kết thúc năm ngân sách, các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm bồi thường lập quyết toán kinh phí đã chi trả bồi thường, tổng hợp chung trong quyết toán ngân sách hàng năm của cơ quan, đơn vị gửi cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

2. Trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ đối với các thiệt hại đã được Nhà nước bồi thường trong hoạt động thi hành án dân sự

a) Nghĩa vụ hoàn trả và xử lý trách nhiệm của người thi hành công vụ: Ðiều 56 Luật TNBTCNN quy định về nghĩa vụ hoàn trả và xử lý trách nhiệm của người thi hành công vụ như sau:

Người thi hành công vụ có lỗi gây ra thiệt hại có nghĩa vụ hoàn trả cho ngân sách nhà nước một khoản tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Người thi hành công vụ có lỗi vô ý gây ra thiệt hại quy định tại Ðiều 26 của Luật TNBTCNN không phải chịu trách nhiệm hoàn trả.

Người thi hành công vụ ngoài việc phải hoàn trả khoản tiền quy định tại khoản 1 Ðiều 56 Luật TNBTCNN, thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm còn phải bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Trách nhiệm hoàn trả trong trường hợp người thi hành công vụ bị truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 18 Nghị định số 16/2010/NĐ-CP như sau:

- Trường hợp người thi hành công vụ có lỗi cố ý gây ra thiệt hại mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự do việc thực hiện hành vi trái pháp luật gây ra thiệt hại đó thì phải hoàn trả toàn bộ số tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại theo quyết định của Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án hình sự.

- Cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải yêu cầu Tòa án xác định trách nhiệm bồi thường, bồi hoàn của bị cáo là người thi hành công vụ đã gây ra thiệt hại theo quy định tại Điều 28 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 để hoàn trả số tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại.

Việc thu, nộp, quản lý và sử dụng tiền hoàn trả áp dụng theo quy định tại Điều 19 Nghị định số 16/2010/NĐ-CP, cụ thể như sau: người có nghĩa vụ hoàn trả phải thực hiện đúng thời hạn, mức và phương thức hoàn trả ghi trong quyết định hoàn trả. Trường hợp trách nhiệm hoàn trả được xác định theo quy định tại Khoản 1, Điều 18 của Nghị định số 16/2010/NĐ-CP thì áp dụng thủ tục thi hành án dân sự để thu tiền hoàn trả. Cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải thu và nộp đầy đủ, kịp thời toàn bộ khoản tiền hoàn trả vào ngân sách nhà nước.

Trường hợp người thi hành công vụ cố ý không thực hiện nghĩa vụ hoàn trả thì bị xử lý theo quy định tại Điều 20 Nghị định số 16/2010/NĐ-CP, cụ thể: Người có nghĩa vụ hoàn trả đã được cơ quan có trách nhiệm bồi thường thông báo đến lần thứ ba về việc hoàn trả mà cố ý không thực hiện nghĩa vụ hoàn trả thì bị kỷ luật theo quy định của pháp luật. Trường hợp người có nghĩa vụ hoàn trả đã chuyển công tác đến cơ quan khác trong bộ máy nhà nước thì cơ quan nhà nước đó có trách nhiệm đôn đốc việc thực hiện nghĩa vụ hoàn trả và quyết định biện pháp xử lý theo quy định tại Khoản 1, Điều 20 Nghị định số 16/2010/NĐ-CP. Trường hợp người có nghĩa vụ hoàn trả không còn làm việc trong các cơ quan nhà nước thì cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải thực hiện các biện pháp thu hồi khoản tiền hoàn trả theo quy định của pháp luật.

b) Căn cứ xác định mức hoàn trả: Ðiều 57 Luật TNBTCNN quy định về căn cứ xác định mức hoàn trả bao gồm: mức độ lỗi của người thi hành công vụ, mức độ thiệt hại đã gây ra và điều kiện kinh tế của người thi hành công vụ.

Trường hợp nhiều người thi hành công vụ gây ra thiệt hại thì những người đó có nghĩa vụ liên đới hoàn trả; cơ quan có trách nhiệm bồi thường chủ trì, phối hợp với các cơ quan quản lý những người thi hành công vụ gây ra thiệt hại thống nhất xác định mức hoàn trả cho từng cá nhân có nghĩa vụ hoàn trả. Mức hoàn trả được xác định theo quy định tại Điều 16 Nghị định số 16/2010/NĐ-CP, đó là việc xác định mức hoàn trả được thực hiện theo các căn cứ quy định tại Khoản 1, Điều 57 Luật TNBTCNN và theo nguyên tắc sau đây:

- Trường hợp người thi hành công vụ có lỗi cố ý gây ra thiệt hại, nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, thì cơ quan có trách nhiệm bồi thường căn cứ vào mức độ thiệt hại gây ra, điều kiện kinh tế của người đó để quyết định họ phải hoàn trả một khoản tiền nhất định, nhưng tối đa không quá 36 tháng lương của người đó tại thời điểm quyết định việc hoàn trả.

Trường hợp người thi hành công vụ có lỗi cố ý gây ra thiệt hại mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự do việc thực hiện hành vi trái pháp luật gây ra thiệt hại đó thì phải hoàn trả theo quy định tại Điều 18 của Nghị định số 16/2010/NĐ-CP.

- Trường hợp người thi hành công vụ có lỗi vô ý gây ra thiệt hại thì cơ quan có trách nhiệm bồi thường căn cứ vào mức độ thiệt hại gây ra, điều kiện kinh tế của người đó để quyết định họ phải hoàn trả một khoản tiền nhất định, nhưng tối đa không quá 03 tháng lương của người đó tại thời điểm quyết định việc hoàn trả, trừ trường hợp quy định tại Khoản 2, Điều 56 Luật TNBTCNN.

c) Trình tự, thủ tục quyết định việc hoàn trả: Ðiều 58 Luật TNBTCNN quy định về trình tự, thủ tục quyết định việc hoàn trả như sau:

Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày đã thực hiện xong việc chi trả tiền bồi thường, cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải thành lập Hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả để xác định trách nhiệm hoàn trả, mức hoàn trả đối với người thi hành công vụ đã gây ra thiệt hại. Trường hợp có nhiều người thi hành công vụ thuộc nhiều cơ quan khác nhau gây ra thiệt hại thì Hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả phải có sự tham gia của đại diện các cơ quan liên quan để xác định trách nhiệm hoàn trả, mức hoàn trả đối với từng người thi hành công vụ đã gây ra thiệt hại.

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày đã thực hiện xong việc chi trả tiền bồi thường, người có thẩm quyền quy định tại Ðiều 59 của Luật TNBTCNN phải ban hành quyết định hoàn trả. Quyết định hoàn trả phải được gửi đến người có nghĩa vụ hoàn trả, cơ quan cấp trên trực tiếp của cơ quan có trách nhiệm bồi thường.

Nghị định số 16/2010/NĐ-CP đã quy định về việc thành lập, thành phần, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ như sau:

- Thành lập Hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả được quy định tại Điều 13 của Nghị định số 16/2010/NĐ-CP, cụ thể: ngay sau khi thực hiện xong việc chi trả tiền bồi thường, thủ trưởng cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải ra quyết định thành lập Hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả (sau đây gọi chung là Hội đồng) theo quy định tại Khoản 1, Điều 58 Luật TNBTCNN.

- Thành phần Hội đồng bao gồm: Chủ tịch Hội đồng là lãnh đạo cơ quan có trách nhiệm bồi thường; đại diện tổ chức công đoàn cơ quan có trách nhiệm bồi thường; Thủ trưởng đơn vị trực tiếp quản lý người thi hành công vụ đã gây ra thiệt hại; người phụ trách công tác tài chính - kế toán của cơ quan có trách nhiệm bồi thường; một số chuyên gia về ngành kinh tế, kỹ thuật và pháp lý có liên quan.

Trường hợp có nhiều người thi hành công vụ thuộc các cơ quan khác nhau cùng gây ra thiệt hại thì đại diện lãnh đạo của các cơ quan này phải tham gia Hội đồng. Người tham gia Hội đồng không được là người liên quan của người thi hành công vụ đã gây ra thiệt hại hoặc của người bị thiệt hại theo quy định tại Khoản 1, Điều 7 Nghị định số 16/2010/NĐ-CP.

Việc cử người đại diện thực hiện giải quyết bồi thường trong lĩnh vực thi hành án dân sự được hướng dẫn tại Điều 13 Thông tư liên tịch số 24/2011/TTLT-BTP-BQP, cụ thể:

- Ngay sau khi thụ lý đơn yêu cầu bồi thường, Thủ trưởng cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải ra quyết định cử người đại diện thực hiện việc giải quyết bồi thường theo quy định tại Điều 7 của Nghị định số 16/2010/NĐ-CP. Quyết định cử người đại diện phải được gửi ngay cho người yêu cầu bồi thường.

- Cơ quan Thi hành án dân sự cấp trên trực tiếp của Cơ quan thi hành án dân sự có trách nhiệm bồi thường cử người đại diện thực hiện việc giải quyết bồi thường trong các trường hợp sau đây: Cơ quan thi hành án dân sự chỉ có 01 Lãnh đạo và đồng thời là người gây ra thiệt hại; Cơ quan Thi hành án dân sự chỉ có 01 Lãnh đạo và đồng thời là người có liên quan của người bị thiệt hại hoặc của người gây ra thiệt hại theo quy định tại Khoản 1, Điều 7 Nghị định số 16/2010/NĐ-CP; Lãnh đạo cơ quan Thi hành án dân sự là người gây ra thiệt hại và Lãnh đạo còn lại của cơ quan Thi hành án dân sự đó không có đủ thẩm quyền, điều kiện để cử người đại diện.

- Trong trường hợp cơ quan có trách nhiệm bồi thường là Chi cục Thi hành án dân sự mà không có công chức có đủ các điều kiện quy định tại Khoản 2, Điều 7 Nghị định số 16/2010/NĐ-CP thì Chấp hành viên của Chi cục được cử làm người đại diện trong việc giải quyết bồi thường.

- Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng được quy định tại Điều 14 của Nghị định số 16/2010/NĐ-CP, cụ thể Hội đồng có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây: xem xét, đánh giá mức độ thiệt hại, mức độ lỗi của người thi hành công vụ đã gây ra thiệt hại; xác định điều kiện kinh tế của người thi hành công vụ đã gây ra thiệt hại; kiến nghị với thủ trưởng cơ quan có trách nhiệm bồi thường về mức hoàn trả và phương thức hoàn trả; Hội đồng tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

- Phương thức làm việc của Hội đồng được quy định tại Điều 15 Nghị định số 16/2010/NĐ-CP, cụ thể: hội đồng chỉ họp khi có từ 2/3 tổng số thành viên Hội đồng có mặt; Hội đồng làm việc theo nguyên tắc thảo luận tập thể và quyết định theo đa số. Trong quá trình thảo luận và quyết định, các thành viên Hội đồng phải khách quan, dân chủ và tuân theo các quy định của pháp luật; việc kiến nghị về mức hoàn trả và phương thức hoàn trả được thực hiện bằng hình thức bỏ phiếu kín và theo nguyên tắc đa số trên tổng số thành viên Hội đồng có mặt. Trường hợp số phiếu biểu quyết là ngang nhau thì mức hoàn trả và phương thức hoàn trả sẽ do Chủ tịch Hội đồng quyết định. Biên bản về cuộc họp của Hội đồng phải được Hội đồng xem xét, thông qua và Chủ tịch Hội đồng ký. Trong trường hợp cần thiết, Hội đồng có thể mời người thi hành công vụ đã gây ra thiệt hại tham dự cuộc họp của Hội đồng.

d) Thẩm quyền ra quyết định hoàn trả: Ðiều 59 Luật TNBTCNN quy định Thủ trưởng cơ quan có trách nhiệm bồi thường có thẩm quyền ra quyết định hoàn trả. Trong trường hợp thủ trưởng cơ quan có trách nhiệm bồi thường là người có nghĩa vụ hoàn trả thì thủ trưởng cơ quan cấp trên trực tiếp của người đó có thẩm quyền ra quyết định hoàn trả.

Điều 17 Nghị định số 16/2010/NĐ-CP hướng dẫn việc ban hành quyết định hoàn trả như sau: căn cứ vào kiến nghị của Hội đồng, người có thẩm quyền theo quy định tại Điều 59 Luật TNBTCNN ban hành quyết định hoàn trả. Trong trường hợp người có thẩm quyền ban hành quyết định hoàn trả có ý kiến khác với kiến nghị của Hội đồng thì có quyền quyết định và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định đó.

đ) Khiếu nại, khởi kiện quyết định hoàn trả: Ðiều 60 Luật TNBTCNN quy định về việc khiếu nại, khởi kiện quyết định hoàn trả như sau: Trường hợp người thi hành công vụ có trách nhiệm hoàn trả không đồng ý với quyết định hoàn trả thì có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện quyết định hoàn trả theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo và pháp luật về thủ tục giải quyết các vụ án hành chính.

e) Hiệu lực của quyết định hoàn trả: Ðiều 61 Luật TNBTCNN quy định Quyết định hoàn trả có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày ký nếu người thi hành công vụ đã gây ra thiệt hại không có khiếu nại hoặc khởi kiện đối với quyết định này. Căn cứ vào quyết định hoàn trả đã có hiệu lực pháp luật, cơ quan có trách nhiệm bồi thường thực hiện việc thu số tiền phải hoàn trả và nộp vào ngân sách nhà nước.

g) Thực hiện việc hoàn trả: Ðiều 62 Luật TNBTCNN quy định việc hoàn trả có thể được thực hiện một lần hoặc nhiều lần. Trường hợp việc hoàn trả được thực hiện bằng cách trừ dần vào lương hàng tháng của người thi hành công vụ thì mức tối thiểu không dưới 10% và tối đa không quá 30% thu nhập từ tiền lương hàng tháng.

h) Quản lý, sử dụng tiền hoàn trả: Ðiều 63 Luật TNBTCNN quy định cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải nộp đầy đủ, kịp thời toàn bộ khoản tiền hoàn trả vào ngân sách nhà nước. Việc quản lý, sử dụng tiền hoàn trả thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

ThS.Nguyễn Văn Nghĩa