Phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động thi hành án dân sự (Phần 1)

14/02/2012
Trên cơ sở quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009 và Nghị định số 16/2010/NĐ-CP ngày 03 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, ngày 15/12/2011, Bộ Tư pháp và Bộ Quốc phòng đã ký ban hành Thông tư liên tịch số 24/2011/TTLT-BTP-BQP hướng dẫn thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động thi hành án dân sự, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30/01/2012 (sau đây gọi tắt là Thông tư liên tịch số 24/2011/TTLT-BTP-BQP). Thông tư liên tịch này đã xác định cụ thể về phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động thi hành án dân sự, bao gồm:


Một là, việc ra hoặc cố ý không ra quyết định thi hành án thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong các trường hợp:

- Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án trái pháp luật;

- Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cố ý không ra quyết định thi hành án theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 36 Luật Thi hành án dân sự[1].

Hai là, việc ra hoặc cố ý không ra quyết định thu hồi, sửa đổi, bổ sung, hủy quyết định về thi hành án thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong trường hợp:

- Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên ra quyết định thu hồi, sửa đổi, bổ sung, hủy quyết định về thi hành án trái pháp luật;

- Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên cố ý không ra quyết định thu hồi, sửa đổi, bổ sung, hủy quyết định về thi hành án khi có căn cứ thu hồi, sửa đổi, bổ sung, huỷ quyết định về thi hành án theo quy định của pháp luật.

Ba là, ra hoặc cố ý không ra quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án nếu:

- Chấp hành viên ra quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án không có căn cứ pháp luật hoặc cố ý không ra quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án khi có căn cứ áp dụng biện pháp bảo đảm trong trường hợp tự mình áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án;

- Chấp hành viên ra không đúng hoặc cố ý không ra quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án trong trường hợp áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án theo yêu cầu của đương sự;

Trường hợp Chấp hành viên ra quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án đúng theo yêu cầu của đương sự mà gây thiệt hại thì không thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Bốn là, việc ra hoặc cố ý không ra quyết định cưỡng chế thi hành án thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong các trường hợp sau đây:

- Chấp hành viên ra quyết định cưỡng chế thi hành án trái pháp luật;

- Chấp hành viên cố ý không ra quyết định cưỡng chế thi hành án khi có căn cứ áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án theo quy định của pháp luật.

Năm là, việc ra hoặc cố ý không ra quyết định thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong các trường hợp sau đây:

- Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án để thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Toà án trái pháp luật;

- Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cố ý không ra quyết định thi hành án để thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Toà án trong thời hạn theo quy định của pháp luật;

Trường hợp Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án để thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Toà án đúng với quyết định đó mà gây ra thiệt hại thì không thuộc trách nhiệm bồi thường trong hoạt động thi hành án dân sự.

Sáu là, việc ra hoặc cố ý không ra quyết định hoãn thi hành án thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong các trường hợp sau đây:

- Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định hoãn thi hành án trái pháp luật;

- Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cố ý không chủ động ra quyết định hoãn thi hành án khi việc thi hành án thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 48 Luật Thi hành án dân sự[2] hoặc cố ý không ra quyết định hoãn thi hành án khi nhận được yêu cầu của người có thẩm quyền kháng nghị bản án, quyết định theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm quy định tại khoản 2 Điều 48 Luật Thi hành án dân sự[3];

Trường hợp Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định hoãn thi hành án theo điểm b khoản 1 Điều 48 Luật Thi hành án dân sự hoặc theo yêu cầu của người có thẩm quyền kháng nghị theo quy định tại khoản 2 Điều 48 Luật Thi hành án dân sự mà gây ra thiệt hại thì không thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường trong hoạt động thi hành án dân sự.  

Bảy là, việc ra hoặc cố ý không ra quyết định tạm đình chỉ thi hành án thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong các trường hợp sau đây:

- Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định tạm đình chỉ thi hành án trái pháp luật;

- Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cố ý không ra quyết định tạm đình chỉ thi hành án trái pháp luật;

Trường hợp Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định tạm đình chỉ thi hành án khi nhận được thông báo của Toà án về việc đã thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với người phải thi hành án theo quy định tại khoản 2 Điều 49 của Luật Thi hành án dân sự[4] mà gây ra thiệt hại thì không thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường trong hoạt động thi hành án dân sự.

Tám là, việc ra hoặc cố ý không ra quyết định đình chỉ thi hành án thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong các trường hợp sau đây:

- Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định đình chỉ thi hành án trái pháp luật;

- Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cố ý không ra quyết định đình chỉ thi hành án khi việc thi hành án thuộc các trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 50 Luật Thi hành án dân sự[5].

Chín là, việc ra hoặc cố ý không ra quyết định tiếp tục thi hành án thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong các trường hợp:

- Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định tiếp tục thi hành án trái pháp luật;

- Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cố ý không ra quyết định tiếp tục thi hành án khi căn cứ, thời hạn hoãn thi hành án theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 48 Luật Thi hành án dân sự[6] không còn hoặc đã nhận được một trong các quyết định quy định tại khoản 3 Điều 49 Luật Thi hành án dân sự[7].

Mười là, việc tổ chức thi hành hoặc cố ý không tổ chức thi hành quyết định quy định tại khoản 1 Điều 38 của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, nếu:

- Thủ trưởng cơ quan thi hành án, Chấp hành viên và những người thi hành công vụ khác có hành vi trái pháp luật trong quá trình tổ chức thi hành các quyết định về thi hành án;

- Thủ trưởng cơ quan thi hành án, Chấp hành viên và những người thi hành công vụ khác cố ý không tổ chức thi hành các quyết định về thi hành án theo quy định của pháp luật.

Th.s Nguyễn Văn Nghĩa - Tổng cục THADS

(Còn nữa)

[1] Khoản 1 và Khoản 2 Điều 36 Luật Thi hành án dân sự quy định:

 “1. Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự chủ động ra quyết định thi hành đối với phần bản án, quyết định sau đây:

a) Hình phạt tiền, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, án phí;

b) Trả lại tiền, tài sản cho đương sự;

c) Tịch thu sung quỹ nhà nước, tịch thu tiêu huỷ vật chứng, tài sản;

d) Thu hồi quyền sử dụng đất và tài sản khác thuộc diện sung quỹ Nhà nước;

đ) Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được bản án, quyết định, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải ra quyết định thi hành án.

Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi nhận được quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời do Toà án chuyển giao hoặc do đương sự giao trực tiếp, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải ra quyết định thi hành án và phân công Chấp hành viên tổ chức thi hành.

2. Ngoài các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều này, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự chỉ ra quyết định thi hành án khi có đơn yêu cầu thi hành án.

Thời hạn ra quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu là 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu thi hành án.”

[2] Khoản 1 Điều 48 Luật Thi hành án dân sự quy định:

 “1. Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định hoãn thi hành án trong các trường hợp sau đây:

a) Người phải thi hành án bị ốm nặng, có xác nhận của cơ sở y tế từ cấp huyện trở lên; chưa xác định được địa chỉ của người phải thi hành án hoặc vì lý do chính đáng khác mà người phải thi hành án không thể tự mình thực hiện được nghĩa vụ theo bản án, quyết định;

b) Người được thi hành án đồng ý cho người phải thi hành án hoãn thi hành án. Việc đồng ý hoãn phải lập thành văn bản ghi rõ thời hạn hoãn, có chữ ký của các bên. Trong thời gian hoãn thi hành án do có sự đồng ý của người được thi hành án thì người phải thi hành án không phải chịu lãi suất chậm thi hành án;

c) Người phải thi hành các khoản nộp ngân sách nhà nước không có tài sản hoặc có tài sản nhưng giá trị tài sản đó không đủ chi phí cưỡng chế thi hành án hoặc có tài sản nhưng tài sản thuộc loại không được kê biên;

d) Tài sản kê biên có tranh chấp đã được Tòa án thụ lý để giải quyết;

đ) Việc thi hành án đang trong thời hạn cơ quan có thẩm quyền giải thích bản án, quyết định và trả lời kiến nghị của cơ quan thi hành án dân sự theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 179 của Luật này”.

[3] Khoản 2 Điều 48 Luật Thi hành án dân sự quy định:

“2. Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định hoãn thi hành án khi nhận được yêu cầu hoãn thi hành án của người có thẩm quyền kháng nghị ít nhất 24 giờ trước thời điểm cưỡng chế thi hành án đã được ấn định trong quyết định cưỡng chế. Trường hợp cơ quan thi hành án nhận được yêu cầu hoãn thi hành án của người có thẩm quyền kháng nghị ít hơn 24 giờ trước thời điểm cưỡng chế đã được ấn định trong quyết định cưỡng chế thi hành án thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có quyền quyết định hoãn thi hành án khi xét thấy cần thiết.

Trường hợp vụ việc đã được thi hành một phần hoặc đã được thi hành xong thì cơ quan thi hành án dân sự phải có văn bản thông báo ngay cho người yêu cầu hoãn thi hành án.

Người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm đối với bản án, quyết định của Toà án chỉ được yêu cầu hoãn thi hành án một lần để xem xét kháng nghị nhằm tránh hậu quả không thể khắc phục được.

Trong thời hạn hoãn thi hành án theo yêu cầu của người có thẩm quyền kháng nghị bản án, quyết định không quá 03 tháng, kể từ ngày ra văn bản yêu cầu hoãn thi hành án; trong thời gian hoãn thi hành án thì người phải thi hành án không chịu lãi suất chậm thi hành án" 

[4] Khoản 2 Điều 49 Luật Thi hành án dân sự quy định: “2. Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định tạm đình chỉ thi hành án khi nhận được thông báo của Toà án về việc đã thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với người phải thi hành án.

Thời hạn ra quyết định tạm đình chỉ thi hành án là 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo của Toà án.”

[5] Khoản 1 Điều 50 Luật Thi hành án dân sự quy định: “1. Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải ra quyết định đình chỉ thi hành án trong các trường hợp sau đây:

a) Người phải thi hành án chết không để lại di sản hoặc theo quy định của pháp luật nghĩa vụ của người đó theo bản án, quyết định không được chuyển giao cho người thừa kế;

b) Người được thi hành án chết mà theo quy định của pháp luật quyền và lợi ích của người đó theo bản án, quyết định không được chuyển giao cho người thừa kế hoặc không có người thừa kế;

c) Đương sự có thoả thuận bằng văn bản hoặc người được thi hành án có văn bản yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự không tiếp tục việc thi hành án, trừ trường hợp việc đình chỉ thi hành án ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba;

d) Bản án, quyết định bị hủy một phần hoặc toàn bộ;

đ) Người phải thi hành án là tổ chức đã bị giải thể, không còn tài sản mà theo quy định của pháp luật nghĩa vụ của họ không được chuyển giao cho tổ chức khác;

e) Có quyết định miễn hoặc giảm một phần nghĩa vụ thi hành án;

g) Tòa án ra quyết định mở thủ tục phá sản đối với người phải thi hành án;

h) Người chưa thành niên được giao nuôi dưỡng theo bản án, quyết định đã thành niên.”

[6] Khoản 1, khoản 2 Điều 48 Luật Thi hành án dân sự quy định: “1. Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định hoãn thi hành án trong các trường hợp sau đây:

a) Người phải thi hành án bị ốm nặng, có xác nhận của cơ sở y tế từ cấp huyện trở lên; chưa xác định được địa chỉ của người phải thi hành án hoặc vì lý do chính đáng khác mà người phải thi hành án không thể tự mình thực hiện được nghĩa vụ theo bản án, quyết định;

b) Người được thi hành án đồng ý cho người phải thi hành án hoãn thi hành án. Việc đồng ý hoãn phải lập thành văn bản ghi rõ thời hạn hoãn, có chữ ký của các bên. Trong thời gian hoãn thi hành án do có sự đồng ý của người được thi hành án thì người phải thi hành án không phải chịu lãi suất chậm thi hành án;

c) Người phải thi hành các khoản nộp ngân sách nhà nước không có tài sản hoặc có tài sản nhưng giá trị tài sản đó không đủ chi phí cưỡng chế thi hành án hoặc có tài sản nhưng tài sản thuộc loại không được kê biên;

d) Tài sản kê biên có tranh chấp đã được Tòa án thụ lý để giải quyết;

đ) Việc thi hành án đang trong thời hạn cơ quan có thẩm quyền giải thích bản án, quyết định và trả lời kiến nghị của cơ quan thi hành án dân sự theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 179 của Luật này.

2. Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định hoãn thi hành án khi nhận được yêu cầu hoãn thi hành án của người có thẩm quyền kháng nghị ít nhất 24 giờ trước thời điểm cưỡng chế thi hành án đã được ấn định trong quyết định cưỡng chế. Trường hợp cơ quan thi hành án nhận được yêu cầu hoãn thi hành án của người có thẩm quyền kháng nghị ít hơn 24 giờ trước thời điểm cưỡng chế đã được ấn định trong quyết định cưỡng chế thi hành án thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có quyền quyết định hoãn thi hành án khi xét thấy cần thiết.

Trường hợp vụ việc đã được thi hành một phần hoặc đã được thi hành xong thì cơ quan thi hành án dân sự phải có văn bản thông báo ngay cho người yêu cầu hoãn thi hành án.

Người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm đối với bản án, quyết định của Toà án chỉ được yêu cầu hoãn thi hành án một lần để xem xét kháng nghị nhằm tránh hậu quả không thể khắc phục được. 

Trong thời hạn hoãn thi hành án theo yêu cầu của người có thẩm quyền kháng nghị bản án, quyết định không quá 03 tháng, kể từ ngày ra văn bản yêu cầu hoãn thi hành án; trong thời gian hoãn thi hành án thì người phải thi hành án không chịu lãi suất chậm thi hành án" 

[7] Khoản 3 Điều 49 Luật Thi hành án dân sự quy định: “3. Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định tiếp tục thi hành án trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được một trong các quyết định sau đây:

a) Quyết định rút kháng nghị của người có thẩm quyền;

b) Quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa án giữ nguyên bản án, quyết định bị kháng nghị;

c) Quyết định của Toà án về việc đình chỉ tiến hành thủ tục phá sản, đình chỉ thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản.”