Bộ Tư pháp tổ chức Tọa đàm góp ý kiến xây dựng Đề án giải quyết việc thi hành án dân sự tồn đọng

28/05/2012
Thực hiện Quyết định số 776/QĐ-BTP ngày 9/5/2012 của Bộ Tư pháp, ngày 25/5/2005 tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Tư pháp đã tổ chức Tọa đàm góp ý kiến xây dựng Đề án giải quyết việc thi hành án dân sự tồn đọng. Tham dự tọa đàm có sự tham gia của đại diện Văn phòng Trung ương Đảng, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Cơ quan đại diện Bộ Tư pháp tại thành phố Hồ Chí Minh, Tổng cục Thi hành án dân sự, 24 Cục Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; một số Sở Tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân cấp tỉnh; Chi cục Thi hành án dân sự quận 7, quận 10 thành phố Hồ Chí Minh, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đức Hòa tỉnh Long An; đại diện lãnh đạo của 5 Văn phòng Thừa phát lại của thành phố Hồ Chí Minh, đại diện Báo pháp luật Việt Nam. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đức Chính chủ trì và chỉ đạo tọa đàm.

Tại buổi tọa đàm, sau khi nghe ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Nguyễn Đức Chính về chủ trương xử lý việc thi hành án dân sự tồn đọng, nghe Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Thi hành án dân sự Nguyễn Thanh Thủy báo cáo tóm tắt nội dung Đề án và gợi ý thảo luận, các đại biểu tham dự tọa đàm đã trình bày tham luận và phát biểu thảo luận góp ý kiến cho Đề án giải quyết việc thi hành án dân sự tồn đọng. Thông qua thảo luận cho thấy việc xây dựng Đề án để đề nghị Quốc hội xem xét, cho chủ trương miễn thi hành án đối với các khoản thu cho ngân sách nhà nước không có điều kiện thi hành là cần thiết, nhằm giải tỏa bức xúc của nhân dân và giảm gánh nặng cho cơ quan Thi hành án dân sự. Đồng thời, các đại biểu tham dự tọa đàm cũng đã đóng góp nhiều ý kiến bổ ích nhằm làm sáng tỏ thêm một số nội dung quan trọng của Đề án. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có một số ý kiến băn khoăn, đề nghị cân nhắc mở rộng phạm vi của Đề án để giải quyết một cách cơ bản, ổn định, lâu dài tình trạng việc thi hành án dân sự tồn đọng.

 

 

Kết thúc tọa đàm, Thứ trưởng Nguyễn Đức chính đã tổng kết, đánh giá và chỉ đạo Tổng cục Thi hành án dân sự, Tổ biên tập Đề án nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến đóng nhằm hoàn thiện Đề án theo hướng cụ thể, rõ ràng, nêu bật được những nội dung cốt yếu của vấn đề, làm căn cứ cho Quốc hội xem xét quyết định việc cho miễn thi hành đối với những khoản thu cho ngân sách nhà nước không có điều kiện thi hành.

Hoàng Bảo Đạt