Thi hành án dân sự vượt chỉ tiêu về việc
Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết: Trong bối cảnh kinh tế trong nước vẫn còn gặp khó khăn, thị trường bất động sản chưa thực sự khởi sắc trở lại, số thụ lý mới tăng cao so với năm 2013, đặc biệt là về tiền, các cơ quan Thi hành án dân sự đã thi hành xong số việc và số tiền cao hơn những năm trước. Trong số 600.297 việc có điều kiện giải quyết (chiếm tỷ lệ 77,03% tổng số việc phải giải quyết), đã giải quyết xong 531.095 việc, đạt tỷ lệ 88,47% (tăng 1,94% so với năm 2013, vượt 0,47% so với chỉ tiêu Quốc hội giao). Về tiền, trong số 50.807 tỷ đồng có điều kiện giải quyết (chiếm tỷ lệ 53,42% tổng số tiền phải giải quyết), đã giải quyết xong 38.981 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 76,72% (tăng 3,55% so với năm 2013).
Về thi hành đối với khoản thu cho ngân sách Nhà nước, đã giải quyết được 354.454 việc, tương ứng với số tiền trên 2.241 tỷ đồng. Việc ra quyết định thi hành án được quan tâm chỉ đạo thực hiện kịp thời hơn; công tác phân loại án dân sự có điều kiện và chưa có điều kiện thi hành tiếp tục được quan tâm chỉ đạo; những thiếu sót, vi phạm trong thi hành án dân sự được tập trung chấn chỉnh, khắc phục. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thi hành án dân sự tiếp tục được hoàn thiện, đặc biệt dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự năm 2008 được tập trung chỉnh lý, hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp này.
Cũng theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, công tác tổ chức, cán bộ tiếp tục được quan tâm, kiện toàn; kỷ cương hành chính, kỷ luật công vụ được tăng cường, đã kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm đối với tất cả cán bộ, công chức có sai phạm, đặc biệt là việc tập trung chấn chỉnh, xử lý đối với các cơ quan Thi hành án ở các địa phương còn nhiều hạn chế, yếu kém. Công tác chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ có nhiều tiến bộ. Công tác phối hợp liên ngành được quan tâm đẩy mạnh ở cả Trung ương và địa phương; Bộ Tư pháp đã phối hợp với Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ban hành Quy chế phối hợp liên ngành số 14, 59/63 địa phương đã ban hành Quy chế phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sự, qua đó giúp công tác phối hợp ngày càng chặt chẽ, bài bản và hiệu quả hơn.
Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, thanh tra, kiểm tra, kiểm sát và giám sát đối với công tác thi hành án dân sự tiếp tục được chú trọng và đạt kết quả tốt hơn; tỷ lệ giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo đạt 96,68%; nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo bức xúc, tồn đọng, kéo dài đã được tập trung giải quyết. Bộ Tư pháp đã tổ chức trên 20 cuộc thanh tra, kiểm tra về công tác thi hành án dân sự; Viện Kiểm sát nhân dân các cấp đã thực hiện 759 cuộc kiểm sát trực tiếp; các vị Đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và các cơ quan có thẩm quyền khác đã thực hiện 265 cuộc giám sát đối với công tác thi hành án dân sự, qua đó đã kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, chỉ đạo khắc phục và xử lý đối với những thiếu sót, sai phạm.
Công tác thi hành án hành chính tiếp tục được quan tâm; việc mở rộng thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại đạt kết quả bước đầu; đã ban hành đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật quy định, hướng dẫn về Thừa phát lại; 46/63 Văn phòng Thừa phát lại được thành lập tại 13/13 địa phương thuộc diện thí điểm, với tổng doanh thu của các Văn phòng là trên 56 tỷ đồng.
Đề nghị sửa đổi các luật đồng bộ với Luật thi hành án dân sự, Luật Thi hành án hình sự
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, người đứng đầu Ngành Tư pháp cũng thẳng thắn: Công tác thi hành án dân sự vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, như: Chưa hoàn thành chỉ tiêu thi hành án xong về tiền (còn thiếu 0,28% so với chỉ tiêu Quốc hội giao); số việc và tiền chuyển kỳ sau còn nhiều; việc thực hiện các chỉ tiêu khác tuy đã tiến bộ, nhưng chưa thực sự đáp ứng yêu cầu theo Nghị quyết số 37/2012/QH13 của Quốc hội; vẫn còn một số vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài và một số vụ việc mà dư luận xã hội quan tâm, nhưng chưa được xử lý dứt điểm; cán bộ, công chức vi phạm, bị xử lý kỷ luật tăng cao so với năm 2013; việc triển khai thực hiện một số công việc liên quan đến thí điểm chế định Thừa phát lại còn chậm, hiệu quả hoạt động của các Văn phòng Thừa phát lại (ngoài thành phố Hồ Chí Minh) còn thấp.
Chỉ rõ những nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cũng đề xuất với Quốc hội nhiều vấn đề, trong đó có thể kể đến như đề nghị Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp này Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự; cân nhắc, giao chỉ tiêu phù hợp trong điều kiện số việc và tiền thi hành án dân sự thụ lý ngày càng nhiều, năm sau cao hơn năm trước, kinh tế trong nước vẫn gặp khó khăn; sửa đổi các luật đồng bộ với Luật Thi hành án dân sự; Luật Thi hành án hình sự; quan tâm bố trí ngân sách cho việc triển khai thực hiện các đề án về đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ công tác thi hành án dân sự và công tác thi hành án hình sự.
Đề nghị các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị Đại biểu Quốc hội tăng cường giám sát theo thẩm quyền đối với công tác thi hành án dân sự và thi hành án hình sự; quan tâm, giám sát việc tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại 13 địa phương đang được lựa chọn thí điểm; các cơ quan liên quan tăng cường phối hợp; Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc các cấp tăng cường giám sát việc chấp hành pháp luật về thi hành án dân sự, thi hành án hình sự và thi hành án hành chính tại địa phương.
Thu Hằng
Thảo luận tại hội trường, Đại biểu Quốc hội đánh giá cao những kết quả công tác thi hành án dân sự đã đạt được, đồng thời phân tích để làm rõ hơn những nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trong công tác này. Đại biểu Quốc hội Lê Minh Hiền (Khánh Hòa) cho rằng ngoài những bất cập của Luật Thi hành án dân sự thì quy định buộc bị cáo phải nộp án phí hình sự là chưa khả thi, bởi những người bị phạt tù phần lớn không có tài sản, thu nhập. Bên cạnh đó là những vụ phạt tiền trong các vụ án ma túy, nhiều vụ không thể thi hành cũng không thể miễn giảm trong khi đó ngân sách nhà nước phải bỏ ra rất tốn kém phục vụ công tác xác minh. Đại biểu Hiền đề nghị Quốc hội giao chỉ tiêu phù hợp hơn cho Thi hành án dân sự, nhất là trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn; sửa các quy định về án phí trong các vụ án hình sự.
Đề cập đến các bản án tuyên không rõ, khó thi hành, Đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám, Kon Tum kiến nghị, Chính phủ cần chủ trì với các ngành liên quan, nếu có vướng mắc trong công tác phối hợp thì phải xử lý ngay theo hướng phân định rõ trách nhiệm của từng cơ quan. Đặc biệt, Đại biểu Tám nhấn mạnh: Trong năm 2015 cần xóa tình trạng “Trắng” kho vật chứng (do hiện nay nhiều địa phương còn chưa xây dựng được hệ thống kho này).
|