Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ngãi sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khoá VIII trong lĩnh vực thi hành án dân sự về công tác tổ chức cán bộ

01/07/2008

Sau khi có Pháp lệnh Thi hành án dân sự ngày 21/4/1993, công tác Thi hành án dân sự được Quốc hội quyết định chuyển giao từ Toà án nhân dân sang các cơ quan thuộc Chính phủ. Để thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và tăng cường công tác Thi hành án dân sự theo Điều 136 Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992,



Ngày 02/6/1993 Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 226/TTg về triển khai việc bàn giao và tăng cường công tác Thi hành án dân sự. Tháng 6/1993 trên cơ sở bàn giao công tác thi hành án dân sự từ Toà án, Bộ Tư pháp đã ra quyết định thành lập Phòng thi hành án (cấp tỉnh) và 13 Đội Thi hành án (cấp huyện) tại tỉnh Quảng Ngãi. Lúc mới bàn giao chỉ có 23 Chấp hành viên và cán bộ, công chức vừa yếu về chuyên môn, vừa thiếu về số lượng (thiếu cả chấp hành viên trưởng để làm Thủ trưởng cơ quan). Mỗi đội thi hành án chỉ có từ 02 đến 03 công chức, phần lớn các huyện miền núi chỉ có 01 công chức. Chỉ có 02 cử nhân luật, 02 cao đẳng luật, một số ít trung cấp luật còn lại phần lớn không có chuyên môn. Đa số công chức thi hành án làm việc theo sự vụ, chưa có phong cách chính quy, khoa học. Do vậy sau khi nhận bàn giao, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Tư pháp và Uỷ ban nhân dân tỉnh, Sở Tư pháp khẩn trương xây dựng kế hoạch, củng cố các cơ quan thi hành án, tuyển chọn công chức, khẩn trương đưa đi đào tạo, đào tạo lại… nên đã từng bước xây dựng hoàn chỉnh hệ thống các cơ quan thi hành án với đội ngũ cán bộ, công chức tăng nhanh về số lượng lẫn trình độ chuyên môn nghiệp vụ.

Đặc biệt kể từ khi có Quyết định số 1148/2005/QĐ-BTP ngày 18/5/2005 và Quyết định số 01/2007/QĐ-BTP ngày 16/4/2007 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp; trong nhiều năm qua, Trưởng Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ngãi tham mưu Giám đốc Sở Tư pháp đã tích cực xây dựng, củng cố các cơ quan thi hành án, tuyển chọn công chức, khẩn trương đưa đi đào tạo, đào tạo lại… nên đã xây dựng hoàn chỉnh hệ thống các cơ quan thi hành án với đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Đến nay, số lượng cán bộ, công chức của các cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ngãi hiện có 120/139 biên chế được phân bổ năm 2007; trong đó có 40 Chấp hành viên (kể cả Trưởng, Phó trưởng Thi hành án), về chuyên môn có 38/40 Chấp hành viên trình độ cử nhân luật, 80% cán bộ, công chức có trình độ cử nhân luật có 11 đồng chí Cử nhân và Cao cấp lý luận chính trị, 11 đồng chí Trung cấp chính trị, 02 đồng chí Trung cấp quản lý Nhà nước. Để kiện toàn về công tác tổ chức và nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức, Giám đốc Sở Tư pháp tổ chức thi tuyển công chức đối với hàng chục trường hợp và được tuyển dụng vào các cơ quan Thi hành án dân sự; lập hồ sơ đề nghị bổ nhiệm Chấp hành viên , Chấp hành viên trưởng cũng như đã tiến hành lập hồ sơ trình Hội đồng tuyển chọn Chấp hành viên xem xét đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm lại và bổ nhiệm mới theo Thông tư 06/2005/TT-BTP ngày 14/6/2005 của Bộ Tư pháp nhiều trường hợp để bổ sung cho các đơn vị Thi hành án dân sự cấp huyện còn thiếu Chấp hành viên; hàng năm thực hiện kịp thời việc nâng lương thường xuyên, nâng lương trước thời hạn cho cán bộ, công chức đúng quy định; cử những cán bộ chưa có trình độ đại học luật đi học tại chức Luật, đã có kế hoạch cử nhiều cán bộ, công chức đi học lớp đào tạo nguồn Chấp hành viên do Học viện Tư pháp tổ chức và cử cán bộ, công chức theo học các lớp Cử nhân, Cao cấp, Trung cấp lý luận chính trị và Quản lý Nhà nước và nhiều cán bộ, công chức học lớp Quản lý Nhà nước. Mặt khác, Giám đốc Sở Tư pháp phê duyệt Quyết định số 39/QĐ-ST ngày 18/5/2007 để tiếp tục triển khai tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án quy hoạch cán bộ, công chức cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ngãi. Đến nay tất cả 14 đơn vị Thi hành án cấp huyện và Thi hành án dân sự cấp tỉnh đều có Trưởng Thi hành án.

Khẳng định rằng từ năm 1993 đến nay Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ngãi đã tích cực tham mưu Giám đốc Sở Tư pháp xây dựng kế hoạch tổ chức cho tập trung bồi dưỡng, tập huấn để không ngừng nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho lực lượng cán bộ Chấp hành viên trong toàn tỉnh, với kết quả đạt được nêu trên, tin rằng những năm tiếp theo tiếp tục xây dựng các cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ngãi thành những tập thể đoàn kết và có năng lực trong công tác, đủ khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ.

 Văn Xông