Quảng Ngãi tổng kết công tác giải quyết án tồn đọng năm 2008

17/12/2008

Thực hiện Quyết định số 49/QĐ-BTP ngày 16/01/2008 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc ban hành chương trình công tác trọng tâm của ngành tư pháp đối với lĩnh vực Thi hành án dân sự; tập trung giải quyết thi hành xong hoàn toàn 75% về việc và 55% về tiền có điều kiện thi hành, phấn đấu giải quyết giảm án tồn đọng từ 10% đến 15 % số lượng việc so với năm 2007



Ttrên cơ sở tham mưu của Phòng Nghiệp vụ và tổ chức thi hành án thuộc Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ngãi, Trưởng Thi hành án dân sự tỉnh ban hành Thông báo số 594/TB-THA ngày 29/02/2008 về việc tổng rà soát án đang tổ chức thi hành và kế hoạch giải quyết án tồn đọng năm 2008 triển khai cho toàn thể Chấp hành viên, cán bộ, công chức của Thi hành án dân sự tỉnh và 14 Thi hành án dân sự huyện, thành phố thực hiện. Qua một năm giải quyết án đọng, các cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ngãi đã đạt và vượt chỉ tiêu giảm án tồn đọng từ 10 – 15% mà Bộ Tư pháp đã đề ra, kết quả cụ thể như sau:

I. Kết quả giải quyết án tồn đọng năm 2008 trong toàn tỉnh (từ ngày 30/9/2007 trở về trước):

1. Kết quả thi hành án về việc:

- Tổng số việc thụ lý tồn đọng:                                         2.505 việc.

          Trong đó:

          - Số việc tồn đọng có điều kiện thi hành:                           1.366 việc.

          - Số việc tồn đọng chưa có điều kiện thi hành:                  1.139 việc.

          - Số việc tồn đọng đã giải quyết xong:                              872 việc.

          - Tỷ lệ: %.

+ Việc tồn đọng đã giải quyết xong/ Số việc tồn đọng có điều kiện thi hành: đạt 64 %.

+ Việc tồn đọng đã giải quyết xong/ tổng số việc thụ lý tồn đọng: đạt 35 %.

2. Kết quả thi hành án về tiền:

- Tổng số tiền thụ lý tồn đọng:                                76.550.967.000 đồng.

          Trong đó:

          - Số tiền tồn đọng có điều kiện thi hành:                  34.038.332.000 đồng.

          - Số tiền tồn đọng chưa có điều kiện thi hành:         42.512.635.000 đồng.

          - Số tiền tồn đọng đã giải quyết xong:                     21.734.143.000 đồng.

          - Tỷ lệ: %.

+ Tiền tồn đọng đã giải quyết xong/ Số tiền tồn đọng có điều kiện thi hành: đạt 64 %.

+ Tiền tồn đọng đã giải quyết xong/ tổng số tiền thụ lý tồn đọng: đạt 28 %.

II. Nguyên nhân tồn đọng:

- Số án (việc và tiền) chưa giải quyết được vẫn còn nhiều, chủ yếu là án khó, án chưa có điều kiện thi hành do người phải thi hành án đang thụ hình hoặc thụ hình xong về đi khỏi địa phương không rõ địa chỉ, không có tài sản để thi hành án; Bên phải thi hành án là các cơ quan nhà nước, hợp tác xã nông nghiệp và các doanh nghiệp bị phá sản như: Xí nghiệp đông lạnh Sa Huỳnh, Công ty Dầu khí thực vật, HTX Nông nghiệp Nghĩa Điền, HTX Nông nghiệp Quyết Thắng.

          - Nhiều trường hợp người phải thi hành án đang ở địa phương, nghĩa vụ (tiền) phải thi hành quá lớn, không có tài sản để thi hành hoặc có tài sản nhưng tài sản thuộc diện đang tranh chấp và có giá trị thấp so với nghĩa vụ phải thi hành; Vì vậy, khi cơ quan Thi hành án lên phương án áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án thì xét thấy giá trị tài sản chỉ đủ cho chi phí tiến hành cưỡng chế, không giải quyết được số tiền phải thi hành án nên không tiến hành xử lý được.

          - Có trường hợp khi xét xử, Toà vẫn biết đương sự không còn tài sản để thực hiện bản án nhưng vẫn tuyên phạt số tiền phải thi hành án quá lớn, dẫn đến nhiều vụ án không thi hành được, như vụ: Huỳnh Viện số tiền 13 tỷ đồng, Bùi Đức Tín số tiền 01 tỷ đồng, Võ Văn Tiến – Lê Thị Cẩm Ba hơn 02 tỷ đồng… và có trường hợp trong quá trình xét xử không kê biên tài sản nên đương sự đã tẩu tán hoặc chuyển dịch quyền sở hữu, do đó cơ quan Thi hành án dân sự gặp khó khăn trong việc áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản.

          - Việc phối hợp  trong công tác thi hành án dân sự ở một số địa phương sự phối hợp giữa các cơ quan Ban,  ngành, tổ chức với cơ quan Thi hành án dân sự chưa được đồng bộ và kịp thời, nhất là sự phối hợp trong việc xác minh điều kiện thi hành án và xác định nơi ở để trực tiếp làm việc, giải quyết thi hành án.

          - Theo quy định tại Thông tư liên tịch số 02/2005/TTLT/TANDTC-VKSNDTC-BTP-BCA-BTC ngày 17/6/2005 của liên ngành Toà án nhân dân tối cao - Viện kiểm sát nhân dân tối cao - Bộ Tư pháp - Bộ Công an- Bộ Tài chính hướng dẫn về việc miễn, giảm thi hành án đối với khoản tiền phạt, án phí nhưng chưa quy định về miễn, giảm các khoản tiền sung công quỹ nhà nước; đồng thời nhiều việc thi hành án về án phí, tiền phạt chưa đủ thời gian làm thủ tục xét miễn, giảm nên chưa giải quyết được nhiều số lượng án tồn đọng

- Sau khi Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 2004 có hiệu lực thi hành, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 164/2004/NĐ-CP ngày 14/9/2004 của Chính phủ về kê biên, đấu giá quyền sử dụng đất để bảo đảm thi hành án đã mở ra một hướng mới cho quá trình giải quyết án, góp phần nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự. Tuy nhiên với đặc thù ở địa phương như Quảng Ngãi, trong quá trình áp dụng các cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ngãi vẫn còn gặp nhiều khó khăn, bất cập như: Người phải thi hành án có  nhà, đất là tài sản duy nhất, nằm ở vùng nông thôn, khi cơ quan Thi hành án áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản nhiều lần thông báo bán không có người mua và người được thi hành án cũng không nhận để khấu trừ tiền thi hành án. Đồng thời có trường hợp nhà, đất Chấp hành viên chưa áp dụng biện pháp cưỡng chế để đảm bảo thi hành án được do khi tiến hành cưỡng chế kê biên sẽ ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị tại địa phương vì ở nông thôn không có nhà cho thuê và UBND cấp xã cũng không có đất để cấp cho đương sự bị cưỡng chế dể xây dựng nhà.

- Một số việc thi hành án, những người phải thi hành án có nghĩa vụ liên đới chịu trách nhiệm (có chia phần cụ thể) nhưng khi một người trong số đó có điều kiện thi hành xong phần của mình, trong khi đó phần của người khác (người chưa có điều kiện) chưa thi hành xong nhưng người có điều kiện không thi hành phần còn lại, mặc dù Chấp hành viên đã giải thích rõ về quyền và nghĩa vụ của người phải thi hành án có điều kiện thi hành; đồng thời khi áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản của người có điều kiện thì không nhận được sự phối hợp của các cơ quan, ban, ngành có liên quan vì họ cho rằng Luật quy định chưa rõ về vấn đề này .

III. Kế hoạch giải quyết án tồn đọng trong thời gian đến.

Tiếp tục chỉ đạo cho Trưởng Thi hành án dân sự các huyện, thành phố và chấp hành viên, cán bộ, công chức của Thi hành án dân sự tỉnh, Thi hành án dân sự các huyện, thành phố nâng cao vai trò trách nhiệm trong quá trình thực thi nhiệm vụ; thường xuyên xác minh điều kiện thi hành án của đương sự nhằm phân loại án chính xác để có biện pháp giải quyết cụ thể đối với từng loại án.

1. Đối với việc thi hành án chưa có điều kiện thi hành.

- Tiếp tục xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án theo định kỳ để giải quyết theo điều luật đã được quy định tại Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

- Việc chủ động: Thi hành án dân sự tỉnh tiến hành xác minh, phân loại và rà soát án đối với các khoản người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án thuộc diện được xét xét miễn, giảm án phí, tiền phạt để uỷ thác cho Thi hành án dân sự cấp huyện làm thủ tục xét miễn, giảm án phí, tiền phạt theo quy định tại Thông tư liên tịch số 02/2005/TTLT/TANDTC-VKSNDTC-BTP-BCA-BTC ngày 17/6/2005 của liên ngành Toà án nhân dân tối cao - Viện kiểm sát nhân dân tối cao - Bộ Tư pháp - Bộ Công an- Bộ Tài chính hướng dẫn về việc miễn, giảm thi hành án đối với khoản án phí, tiền phạt; Thi hành án dân sự các huyện, thành phố có trách nhiệm lập hồ sơ đề nghị miễn, giảm khoản án phí, tiền phạt đối với các đương sự theo đúng quy định tại Thông tư số 02/2005/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP-BCA-BTC ngày 16/7/2005.

- Việc theo đơn: Làm thủ tục trả đơn yêu cầu thi hành án cho người được thi hành án khi người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành.

2. Đối với việc thi hành án có điều kiện thi hành án.

- Giải thích, động viên, thuyết phục những người phải thi hành án có điều kiện thi hành, nhưng đã thi hành xong phần nghĩa vụ của mình mà chưa thực hiện phần nghĩa vụ liên đới còn lại theo bản án đã tuyên, trường hợp đương sự không tự nguyện thi hành, chấp hành viên các cơ quan Thi hành án giải quyết theo quy định của pháp luật về Thi hành án dân sự.

Đối với các vụ việc có điều kiện thi hành thì phải tổ chức kiên quyết thi hành dứt điểm; trường hợp người phải thi hành án không tự nguyện thi hành án, cố tình chống đối, chây ỳ thì các cơ quan thi hành án phải kịp thời, cương quyết áp dụng biện pháp cưỡng chế để đảm bảo thi hành án.

Phạm Huy Ân