Dự phiên giải trình có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy là Trưởng các Ban của HĐND tỉnh; Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh. Phiên giải trình được kết nối trực tuyến đến 27 điểm cầu huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
Phát biểu khai mạc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đỗ Trọng Hưng nêu rõ: Thi hành án dân sự là hoạt động do Nhà nước tổ chức thực hiện, là khâu cuối của quá trình tố tụng, có vị trí, ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ tính nghiêm minh của pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, thực thi công lý, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương và ổn định; khơi thông nguồn lực tài chính, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh; củng cố niềm tin của Nhân dân vào công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đây cũng là hoạt động phức tạp do tác động trực tiếp đến tài sản, quyền lợi của tổ chức, đời sống của cá nhân; vì vậy, trong quá trình thực hiện còn phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc cần phải được các cơ quan có liên quan phối hợp, bàn bạc và giải quyết.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đỗ Trọng Hưng nhấn mạnh: Để hiểu rõ về thực trạng công tác thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh từ ngày 1-1-2017 đến nay, đánh giá đúng các kết quả đạt được, chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, từ đó đề ra các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác thi hành án dân sự tại địa phương, thực hiện Điều 72 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức Phiên giải trình về việc thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh. Đây là lần thứ hai Thường trực HĐND tỉnh khóa XVIII tổ chức phiên giải trình và được tiến hành trực tiếp tại điểm cầu của tỉnh, kết nối trực tuyến với 27 điểm cầu các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
Trong những năm qua, cơ quan thi hành án dân sự đã có nhiều cố gắng để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo quy định của pháp luật. Ngay sau khi nhận bản án, quyết định của tòa án Nhân dân, đơn yêu cầu thi hành án dân sự của tổ chức, công dân, cơ quan thi hành án dân sự đã ra quyết định thi hành án, tiến hành xác minh điều kiện thi hành án và phân loại việc. Đối với những việc có điều kiện thi hành đã tiến hành đôn đốc người phải thi hành tự nguyện thi hành, một số trường hợp cố tình chây ỳ không tự nguyện, xét thấy cần thiết đã triển khai áp dụng biện pháp cưỡng chế. Cơ bản các bản án, quyết định có điều kiện thi hành đều được đưa ra thi hành theo đúng quy định pháp luật, nhiều vụ việc phức tạp đã được giải quyết bảo đảm quyền, lợi ích của Nhà nước, tập thể và công dân.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thi hành án dân sự vẫn còn tồn tại một số hạn chế, đáng chú ý là: Số vụ, việc có điều kiện nhưng chưa thi hành xong còn nhiều, số việc phải thi hành chuyển sang kỳ sau, năm sau cao hơn năm trước; số vụ việc phức tạp, kéo dài trên 2 năm có điều kiện thi hành nhưng tồn đọng chưa thi hành được còn nhiều, có vụ 26 năm chưa thi hành xong; trong đó nhiều vụ việc liên quan đến tín dụng ngân hàng chưa được giải quyết dứt điểm, để kéo dài, ảnh hưởng đến tính nghiêm minh của pháp luật và quyền, lợi ích của Nhà nước, tập thể và công dân.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đỗ Trọng Hưng yêu cầu Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự tỉnh, Cục Thi hành án dân sự tỉnh và một số cơ quan có liên quan trong hoạt động thi hành án dân sự báo cáo kết quả việc thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh và trả lời các câu hỏi của các vị đại biểu HĐND tỉnh. Phiên giải trình sẽ làm rõ những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, trách nhiệm trong việc nhiều bản án, quyết định của tòa án có điều kiện thi hành nhưng để tồn đọng kéo dài nhiều năm chưa thi hành hoặc thi hành không dứt điểm.
Cơ quan thi hành án dân sự và các cơ quan có liên quan phải đưa ra các giải pháp cụ thể, đúng quy định của pháp luật và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, có lộ trình cụ thể để khắc phục những tồn tại, hạn chế, giải quyết dứt điểm các vụ việc có điều kiện thi hành nhưng còn để tồn đọng, kéo dài nhiều năm chưa thi hành xong; đề ra các giải pháp để giảm án tồn đọng trong thời gian tới. Thông qua Phiên giải trình nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm và hiệu quả phối hợp của các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân có liên quan trong công tác thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh, nhất là việc thi hành án đối với những vụ việc phức tạp, kéo dài.
Tại phiên giải trình, Cục trưởng Cục THADS tỉnh Hoàng Văn Truyền đã báo cáo công tác THADS; Phó Trưởng Ban pháp chế HĐND tỉnh Nguyễn Quốc Hải báo cáo kết quả khảo sát về THADS trên địa bàn tỉnh. Theo đó, trong những năm qua công tác THADS đã có chuyển biến tích cực và đạt nhiều kết quả quan trọng. Nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và Nhân dân về công tác THADS được nâng lên; tổ chức, bộ máy cơ quan THADS từng bước được kiện toàn; cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác THADS được đầu tư, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; kết quả thi hành án hằng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu được giao, qua đó góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức và Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tuy nhiên, công tác THADS vẫn còn có những khó khăn, vướng mắc, hạn chế, như: số việc, tiền chuyển kỳ sau mỗi năm một tăng, vẫn còn vụ việc khó khăn, phức tạp, kéo dài chưa được xử lý dứt điểm; kết quả thi hành các vụ việc có giá trị lớn, đặc biệt là các vụ việc liên quan đến tín dụng ngân hàng chưa thực sự đột phá. Công tác tổ chức cán bộ có việc còn chậm, lúng túng, vẫn còn việc điều động, bổ nhiệm, quy hoạch chưa hợp lý. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo điều hành và trong hoạt động chuyên môn nghiệp vụ chưa thực sự đáp ứng đòi hỏi hiện nay.
Theo báo cáo của Cục THADS tỉnh, từ ngày 1-1-2017 đến ngày 30-6-2022, cơ quan THADS đã thụ lý 114.797 việc với số tiền 12.995 tỷ đồng. Tổng số phải thi hành là 113.392 việc với 10.940 tỷ đồng, trong đó số có điều kiện thi hành là 89.127 việc với 5.726 tỷ đồng, số ủy thác thi hành án là 1.279 việc với 2.108 tỷ đồng, đình chỉ thi hành 1.384 việc với 849 tỷ đồng. Đến ngày 30-6-2022 đã thi hành xong 71.333 việc với 1.578 tỷ đồng; chưa thi hành xong là 3.902 việc với 877 tỷ đồng; chưa có điều kiện thi hành là 4.722 việc với 1.547 tỷ đồng. Từ năm 2017 đến hết năm 2021 Cục THADS tỉnh Thanh Hóa đều đạt chỉ tiêu về việc và tiền do Tổng cục THADS giao.
Giai đoạn 2017-2022, số vụ việc liên quan đến tín dụng ngân hàng phải thi hành là 1.322 việc với 2.515 tỷ đồng, số có điều kiện thi hành là 1.034 việc với 1.773 tỷ đồng; đã thi hành xong 711 việc với 950 tỷ đồng (đạt 68,76% về việc và 53,58% về tiền trên tổng số có điều kiện thi hành); chưa thi hành xong 323 việc với 822 tỷ đồng, số chưa có điều kiện thi hành 288 việc với 742 tỷ đồng. Nhiều vụ có điều kiện thi hành, nhưng tài sản thế chấp sau khi đấu giá không đủ để trả nợ và vụ việc lại chuyển sang không có điều kiện thi hành.
Từ ngày 1-1-2017 đến nay còn 1.478 việc với 370 tỷ 282 triệu đồng có điều kiện nhưng chưa thi hành xong. Trong đó, chưa thi hành 2 năm là 405 việc với 119 tỷ 509 triệu đồng; chưa thi hành 3 năm trở lên là 266 việc với 95 tỷ 853 triệu đồng; chưa thi hành 4 năm trở lên là 807 việc với 154 tỷ 919 triệu đồng (chiếm 54,6% về số việc và 41,84% về tiền).
Báo cáo về công tác THADS và kết quả khảo sát về THADS trên địa bàn tỉnh cũng chỉ ra những tồn tại hạn chế trong THADS đó là: Công tác chỉ đạo, triển khai tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về THADS trên địa bàn tỉnh còn hạn chế. Cơ quan THADS còn có thiếu sót, hạn chế trong việc tổ chức THA; Tòa án Nhân dân hai cấp còn để xảy ra sai sót trong một số bản án. Công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong công tác THADS của Viện Kiểm sát Nhân dân cấp huyện có lúc, có việc chưa kịp thời phát hiện vi phạm để kiến nghị theo quy định. Các tổ chức tín dụng, ngân hàng có sai sót trong quá trình thẩm định hồ sơ vay vốn, quản lý tài sản thế chấp và chưa phối hợp tốt với các cơ quan chức năng trong THADS. Việc cung cấp thông tin điều kiện thi hành án của các cơ quan có liên quan (Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, Phòng Cảnh sát giao thông, cơ quan thuế...) còn chậm dẫn đến đương sự tẩu tán tài sản, gây khó khăn cho công tác thi hành án.
Sau khi nghe báo cáo, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Lê Tiến Lam, các đại biểu đã đặt câu hỏi chất vấn đối với Cục trưởng Cục THADS tỉnh những vấn đề liên quan đến tín dụng ngân hàng còn tồn đọng kéo dài. Điển hình như các vụ việc tại Công ty TNHH Tây Đô, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Phúc Thành, Công ty CP Đầu tư và Dịch vụ vận tải Thái Bình Dương…
Các đại biểu cũng nêu việc tổ chức THA của các Chi cục THADS trong thời gian qua còn có nhiều vi phạm, như: Vi phạm trong việc chậm xác minh hoặc không xác minh lại điều kiện thi hành án; Vi phạm trong việc phân loại điều kiện thi hành án... trong đó có những vi phạm Chi cục THADS nào cũng có, nhiều vi phạm kéo dài, không được khắc phục. Cùng với đó, nhiều bản án dân sự khó thi hành, kéo dài, còn xảy ra tình trạng một thửa đất có nhiều giấy chứng nhận hoặc có giấy chứng nhận nhưng không có đất, diện tích không phù hợp với giấy chứng nhận…
Một số vi phạm khắc phục chậm, tiếp diễn nhiều năm; nhiều vụ có điều kiện thi hành nhưng chưa thi hành hoặc thi hành chưa dứt điểm; công tác kiểm sát hoạt động THADS chủ yếu mới kiểm sát quá trình tác nghiệp của chấp hành viên mà chưa quan tâm đúng mức đến việc chấp hành pháp luật của các đương sự cũng như các cơ quan liên quan trong hoạt động THADS.
Việc khó thi hành đối với một số vụ, việc cụ thể có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do bản án, quyết định của tòa án chưa rõ ràng, còn có sai sót, việc phối hợp để thực hiện THA chưa kịp thời, đồng bộ, nhiều thủ tục hành chính kéo dài làm tăng thời gian giải quyết. Việc cung cấp thông tin, tài liệu về tài sản của Văn phòng Đăng ký đất đai còn chậm, không đúng thực tế; việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn có sai sót.
Công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong công tác THADS của Viện Kiểm sát Nhân dân các cấp có lúc, có việc chưa kịp thời phát hiện vi phạm, để kiến nghị theo quy định. Vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, như chưa thực hiện công tác kiểm tra trực tiếp, việc ban hành các văn bản hướng dẫn chỉ đạo còn ít. Việc kiện toàn Ban Chỉ đạo THADS ở một số đơn vị cấp huyện còn chậm, công tác lãnh đạo, chỉ đạo THADS có lúc, có thời điểm còn hạn chế…
Trả lời các câu hỏi trực tiếp của các đại biểu, Cục trưởng Cục THADS tỉnh đã đi sâu vào phân tích, làm rõ những nội dung vướng mắc trong quá trình THADS và nghiêm túc nhận trách nhiệm trong quá trình triển khai thực hiện. Đồng thời hứa với các đại điểu trong thời gian tới sẽ tập trung lãnh đạo đội ngũ cán bộ, công chức trong ngành nêu cao tinh thần, trách nhiệm để giải quyết những vụ việc tồn đọng kéo dài; phân loại các nhóm vụ án, tổ chức các đoàn công tác để đến các chi cục tập trung giải quyết.
Tại phiên giải trình, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh, Chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Thanh Hoá, Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Thanh Hóa và Trưởng Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự thị xã Nghi Sơn đã tham gia giải trình, làm rõ thêm quá trình thực hiện các vụ việc, vụ án.
Sau khi nghe các cơ quan chức năng trả lời giải trình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo THADS tỉnh Nguyễn Văn Thi đã tiếp thu ý kiến của các đại biểu, đồng thời nêu rõ với trách nhiệm Trưởng ban Chỉ đạo THADS tỉnh trong thời gian tới sẽ tập trung hơn nữa để chỉ đạo, phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm của Ban Chỉ đạo, đảm bảo thực hiện tốt hơn nữa công tác phối hợp của các cơ quan, đơn vị có liên quan trong tổ chức thực hiện công tác THADS, THA hành chính trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu kết luận, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đỗ Trọng Hưng đánh giá cao tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm cao của các đại biểu dự Phiên giải trình và nhấn mạnh: Các đại biểu tham dự đã phát huy tinh thần dân chủ, trao đổi, nêu yêu cầu giải trình tập trung vào nhóm các vấn đề nổi cộm còn tồn tại, hạn chế liên quan đến công tác THA trên địa bàn tỉnh. Các đại biểu tham gia giải trình cơ bản nắm chắc nội dung, giải trình cụ thể, đúng trọng tâm, báo cáo, làm rõ những vấn đề còn hạn chế, vướng mắc và đưa ra các giải pháp, lộ trình khắc phục. Nhiều đại biểu đã nhận trách nhiệm và cam kết tiến độ cụ thể để hoàn thành. Kết quả Phiên giải trình đã cho thấy các vấn đề được Thường trực HĐND tỉnh lựa chọn giải trình là “trúng” và “đúng”. Đây cũng là vấn đề được Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy rất quan tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo, phù hợp với thực tiễn, đáp ứng sự quan tâm, kỳ vọng của cử tri và Nhân dân.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về thi hành án dân sự, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của công chức, người lao động trong hệ thống thi hành án dân sự và Nhân dân… Ban Chỉ đạo THADS hai cấp tăng cường tham mưu cho Chủ tịch UBND cùng cấp chỉ đạo việc tổ chức phối hợp giữa các cơ quan có liên quan trong thực thi nhiệm vụ THADS trên địa bàn; kịp thời giải quyết những vướng mắc, khó khăn phát sinh trong việc phối hợp giữa các cơ quan để nâng cao kết quả công tác THADS trên địa bàn.
Cơ quan THADS hai cấp phát huy hơn nữa vai trò tham mưu giúp Trưởng Ban Chỉ đạo THADS cùng cấp thực hiện tốt các nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo… Đẩy nhanh tiến độ THA đối với 1.478 vụ việc tồn đọng kéo dài, nhất là các vụ việc liên quan đến tín dụng ngân hàng và thu ngân sách Nhà nước. Quyết liệt giải quyết các vụ việc phức tạp, kéo dài có ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương, trong đó vụ Công ty TNHH Tây Đô và vụ Công ty CP Xuất nhập khẩu Thanh Hóa.
Cục THADS tỉnh làm tốt công tác hướng dẫn nghiệp vụ; tổ chức thanh tra, kiểm tra thường xuyên và đột xuất hoạt động của các Chi cục THADS cấp huyện để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những sai sót, nhất là việc thi hành các vụ việc có điều kiện thi hành nhưng kéo dài nhiều năm chưa được thi hành hoặc thi hành không dứt điểm.
Viện Kiểm sát nhân dân hai cấp thực hiện kiểm sát việc thi hành án dân sự hằng năm theo quy định của pháp luật; kịp thời phát hiện các vi phạm trong THADS; kiến nghị, kháng nghị cơ quan có thẩm quyền khắc phục những vi phạm trong công tác THADS; việc chấp hành pháp luật của các đương sự cũng như các cơ quan liên quan trong hoạt động THADS... Tòa án Nhân dân hai cấp tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng xét xử, hạn chế đến mức thấp nhất các bản án tuyên không rõ, khó thi hành, phải đính chính, giải thích do nguyên nhân chủ quan… Ngân hàng nhà nước Chi nhánh Thanh Hóa và các tổ chức tín dụng tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh. Các tổ chức tín dụng chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong công tác thẩm định hồ sơ vay vốn, quản lý tài sản thế chấp; nâng cao năng lực, trách nhiệm của cán bộ tín dụng trong đánh giá, thẩm định tín dụng.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đỗ Trọng Hưng cũng yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo các cơ quan trực thuộc, đặc biệt là Văn phòng Đăng ký đất đai cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác các thông tin, tài liệu về đất đai phục vụ cho việc xác minh tài sản để THADS. Làm tốt công tác quản lý hồ sơ về đất đai, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất. Công an tỉnh và công an các địa phương phối hợp có hiệu quả với cơ quan THADS trong việc thi hành án, đặc biệt là trong việc cưỡng chế thi hành án… HĐND, UBND cấp huyện thường xuyên thực hiện giám sát việc chấp hành pháp luật trong công tác THADS trên địa bàn. Chủ tịch UBND cấp xã phối hợp với chấp hành viên và cơ quan THADS trong việc thông báo thi hành án, xác minh điều kiện THA, áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế THA và các nhiệm vụ khác về THADS trên địa bàn.
Sau phiên giải trình, Thường trực HĐND tỉnh sẽ ban hành kết luận Phiên giải trình làm cơ sở để tổ chức triển khai và giám sát kết quả thực hiện và đề nghị UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo THADS tỉnh, Cục THADS tỉnh và các đơn vị xây dựng kế hoạch cụ thể về thời gian để thực hiện, tinh thần là không để chậm, muộn lời hứa, cam kết với cử tri và Nhân dân.
Nguồn: Minh Hiếu, baothanhhoa.vn