Thực trạng ban hành Quyết định hành chính của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, nguyên nhân và giải pháp

25/09/2023


Các chủ thể quản lý hành chính nhà nước thường ban hành quyết định hành chính (QĐHC) để thực hiện chức năng quản lý hành chính nhà nước.
Quyết định hành chính là một dạng của quyết định pháp luật, do các chủ thể quản lý hành chính nhà nước ban hành theo trình tự, hình thức pháp luật quy định, nhằm đề ra những chủ trương, biện pháp, đặt ra các quy tắc xử sự hoặc áp dụng những quy tắc đó giải quyết một công việc cụ thể trong quản lý hành chính Nhà nước có tính chất bắt buộc phải thực hiện đối với các đối tượng liên quan.
Theo cách hiểu như trên, QĐHC là quyết định do các chủ thể quản lý hành chính nhà nước ban hành theo trình tự, thủ tục, hình thức pháp luật quy định và bao gồm 02 loại: Quyết định quy phạm (đề ra những chủ trương, biện pháp, đặt ra các quy tắc xử sự) và quyết định cá biệt (áp dụng những quy tắc đó giải quyết một công việc cụ thể trong quản lý hành chính Nhà nước). Trên thực tế, hoạt động ban hành QĐHC chính là hoạt động lập quy (ban hành văn bản quy phạm pháp luật dưới luật) và hoạt động ban hành văn bản cá biệt để áp dụng pháp luật. Về nguyên tắc khi các loại QĐHC này xâm phạm đến các quyền và lợi ích của cá nhân, cơ quan, tổ chức thì đều có thể bị khởi kiện.
Theo quy định tại khoản 1, Điều 3 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 thì “ QĐHC là văn bản do cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức được giao thực hiện quản lý hành chính nhà nước ban hành hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức đó ban hành quyết định về vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể”. Theo cách hiểu này thì QĐHC cũng là văn bản do các chủ thể quản lý hành chính ban hành nhưng chỉ bao gồm QĐHC cá biệt được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể. Cùng với đó, theo quy định tại khoản 2 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 thì chỉ các QĐHC cá biệt mới là đối tượng bị khởi kiện tại Tòa án.
Có thể thấy rằng, QĐHC là phương tiện hữu hiệu để các chủ thể quản lý hành chính nhà nước thực hiện chức năng quản lý của mình. Chất lượng của một QĐHC được xem xét qua tính hợp pháp và tính hợp lý. Đây là hai tiêu chuẩn đánh giá QĐHC ở hai góc độ khác nhau, tuy độc lập nhưng lại có mối quan hệ mật thiết, thống nhất và bổ trợ cho nhau. Tính hợp pháp của QĐHC là sự phù hợp của quyết định đó với thẩm quyền, nội dung, hình thức, phương pháp quản lý của các chủ thể quản lý trong khuôn khổ luật định. Tính hợp pháp đối với thủ tục xây dựng và ban hành quyết định quản lý nhà nước là sự phù hợp của hoạt động xây dựng và ban hành quyết định đó với các yêu cầu về thủ tục do luật định. Tính hợp lý của quyết định quản lý nhà nước là sự thể hiện phương án được lựa chọn để điều chỉnh đối tượng quản lý trong quyết định là phương án tốt nhất.
Đánh giá việc ban hành QĐHC của Ủy ban nhân dân (UBND), Chủ tịch UBND các cấp, theo báo cáo tổng kết Luật Tố tụng hành chính của hầu hết UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều nhận định: các QĐHC của Chủ tịch UBND, UBND các cấp được ban hành qua các năm ngày càng chặt chẽ về chất lượng cũng như trình tự, thủ tục, đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật, đúng thẩm quyền ban hành. Các QĐHC được ban hành phù hợp với từng vấn đề, cụ thể với từng đối tượng, xác định rõ nhiệm vụ, phương thức và thời gian thực hiện. Nội dung của QĐHC đã bám sát và giải quyết hợp lý các vấn đề thực tiễn, có tính khả thi cao, tạo sự đồng thuận trong xã hội; ngôn ngữ, cách trình bày trong các QĐHC rõ ràng, dễ hiểu, ngắn gọn, chính xác, tuân thủ quy định về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản cơ bản đáp ứng tính hiệu lực, hiệu quả của hoạt động quản lý Nhà nước tại địa phương.
Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều các QĐHC của UBND, Chủ tịch UBND các cấp ban hành sai, xâm phạm đến các quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, dẫn đến bị khiếu nại khởi kiện và Tòa án tuyên hủy một phần hoặc toàn bộ QĐHC.
Về nguyên nhân dẫn đến việc ban hành các QĐHC bị sai, theo báo cáo của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, có một số nguyên nhân chủ yếu như sau:
Về nguyên nhân chủ quan:
Một là, cấp ủy, lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương chưa thực sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên, quyết liệt việc tham mưu ban hành, thực hiện và theo dõi thực hiện chặt chẽ các QĐHC;
Hai là, năng lực, trình độ, ý thức trách nhiệm của một bộ phận công chức làm công tác tham mưu ban hành các QĐHC còn hạn chế, chưa nắm bắt đầy đủ hoặc chưa hiểu đúng quy định của pháp luật để ban hành QĐHC  giải quyết công việc của người dân
Ba là, người có thẩm quyền ban hành QĐHC còn chưa xem xét, đánh giá toàn diện, khách quan nội dung, bản chất của vụ việc và các quy định của pháp luật dẫn đến việc ban hành QĐHC có nội dung chưa đúng pháp luật;
Bốn là, việc kiểm tra, rà soát, đánh giá các QĐHC chưa được thực hiện thường xuyên. Việc kiểm tra, giám sát cấp dưới trong việc thực hiện nhiệm vụ tham mưu chưa được kịp thời.
Về nguyên nhân khách quan:
Một là, xuất phát từ đặc thù, tính chất của QĐHC là văn bản áp dụng pháp luật thể hiện ý chí của cơ quan hành chính nhà nước đối với công dân, tổ chức đòi hỏi phải được ban hành và thi hành một cách nhanh chóng, kịp thời, do đó khó tránh khỏi sai sót;
Hai là, việc ban hành QĐHC chưa được văn bản luật điều chỉnh đầy đủ, thống nhất để hướng dẫn, quy định điều kiện, thẩm quyền, trình tự, thủ tục ban hành QĐHC nhằm đảm bảo tính hợp pháp và công khai, minh bạch, công bằng trong ban hành QĐHC, thiếu quy định về tính xác định hiệu lực của QĐHC, về việc đính chính, sửa đổi, bổ sung, thu hồi, gia hạn, hủy bỏ, bãi bỏ, tạm đình chỉ, đình chỉ thi hành QĐHC… dẫn đến cán bộ, công chức lúng túng trong việc xây dựng ban hành QĐHC, chất hượng QĐHC chưa cao, chưa khả thi, hợp lý;
Ba là, hệ thống pháp luật điều chỉnh về hoạt động quản lý hành chính nhà nước thường xuyên thay đổi, nhất là lĩnh vực đất đai còn một số bất cập; các quy định của pháp luật nhiều, còn chồng chéo, gây khó khăn cho cán bộ, công chức trong việc nắm bắt đầy đủ, chính xác, kịp thời để áp dụng thống nhất trên thực tế;
Bốn là, một số lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước phát sinh công việc ngày càng nhiều trong khi đó số lượng biên chế được giao có hạn, thường xuyên thay đổi; Cơ sở vật chất, phương tiện, điều kiện làm việc phục vụ công tác xây dựng, ban hành QĐHC chưa đáp ứng được yêu cầu, đặc biệt là trong công tác đo đạc quản lý đất đai thời kỳ trước. Việc quản lý đất đai do lịch sử để lại còn nhiều bất cập, thiếu chặt chẽ, đồng bộ, thậm chí có lúc còn buông lỏng quản lý.
Để nâng cao chất lượng ban hành QĐHC của các chủ thể quản lý hành chính nhà nước, vừa nâng cao hiệu quả quản ý nhà nước vừa hạn chế nguy cơ khiếu kiện, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó tập trung vào các giải pháp sau đây:
Một là, cần phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật. Trong đó:
- Cần sớm xây dựng, ban hành Luật ban hành QĐHC để thiết lập trật tự ban hành QĐHC thông qua việc quy định các nguyên tắc cơ bản về thẩm quyền, trình tự, thủ tục ban hành QĐHC; thiết lập cơ chế kiểm soát nhằm bảo đảm tính hợp pháp, hợp lý, khả thi của QĐHC, tính minh bạch, công khai của quá trình ban hành QĐHC, tính chuyên nghiệp của nền hành chính hiện đại; chế độ báo cáo thống kê tình hình ban hành QĐHC, qua đó nâng cao chất lượng ban hành QĐHC, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức. Cần xác lập cơ chế theo dõi, kiểm soát việc thực hiện hành vi hành chính song song với cơ chế kiểm soát việc ban hành QĐHC;
- Hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh hoạt động quản lý hành chính nhà nước, loại bỏ những quy định rườm rà, mâu thuẫn, chồng chéo không khả thi; tập trung rà soát tổng thể cơ chế, chính sách pháp luật về đất đai, sở hữu nhà, quy hoạch, bồi thường, giải phóng mặt bằng...qua các thời kỳ để đảm bảo việc áp dụng, hướng dẫn pháp luật được thống nhất;.
Hai là, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị trong việc chỉ đạo, theo dõi, kiểm tra, giám sát việc tham mưu ban hành và thực hiện QĐHC của cấp dưới
Ba là, tăng cường đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ công chức làm công tác tham mưu ban hành QĐHC để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu xây dựng một nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại.
Bốn là, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho công tác ban hành QĐHC, công tác lưu trữ văn bản, tiến tới xây dựng nền hành chính công khai, minh bạch, chuyên nghiệp và hiện đại.
          Mai Loan, Vụ Nghiệp vụ 3