Bài 2: Gỡ khó cho cả 'tàu cá 67' và công tác thi hành án: Cần giải pháp quyết liệt

25/09/2023
Như đề cập trong bài trước, để việc bán đấu giá tàu cá vay vốn theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP và ổn được đời sống ngư dân, rất cần sự vào cuộc của các cấp chính quyền, ngành ngân hàng, Bộ NN&PTNT và ngư dân.


Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Văn Sơn 

Phối hợp với ngân hàng trong xác minh tài sản bảo đảm, xem xét miễn giảm một số khoản nợ
Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ về các giải pháp khắc phục những khó khăn, bất cập trong công tác kê biên, bán đấu giá tàu cá theo Nghị định 67 mà các cơ quan thi hành án dân sự (THADS) các địa phương đang gặp phải hiện nay, ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS chỉ ra nhiều nguyên nhân, khó khăn, bất cập trong việc xử lý tài sản là tàu cá theo Nghị định 67 khi cơ quan THADS các địa phương tiến hành kê biên, thi hành án tàu cá.
Theo đó, đa số trường hợp giá trị tài sản bảo đảm (tàu cá) giảm sút nghiêm trọng theo thời gian, dẫn đến việc xử lý tài sản đảm bảo không đủ nghĩa vụ thi hành án. Cơ quan THADS phải xử lý các tài sản khác của người phải thi hành án (nhiều trường hợp là nhà ở duy nhất), dẫn đến họ và gia đình không còn nơi ở, không còn công cụ, phương tiện để ra khơi hoặc sản xuất kinh doanh dựa vào biển.
Việc cơ quan THADS kê biên, xử lý tài sản khác, nhất là tài sản là nhà ở duy nhất của người phải thi hành án và gia đình họ là đi ngược với chính sách hỗ trợ của Nhà nước, gây bức xúc và chống đối của người phải thi hành án, khó khăn cho quản lý công dân của địa phương.
Theo ông Nguyễn Văn Sơn, trong quá trình tổ chức thi hành án, do tính chất tài sản bảo đảm không cố định dẫn đến khó khăn cho cơ quan THADS trong việc xác minh, kê biên, trông giữ, bảo quản, lai dắt tàu từ các địa phương khác, vùng biển khác về; người phải thi hành án không hợp tác, nên việc thông báo quyết định, văn bản thi hành án chưa kịp thời, dẫn đến không đảm bảo thời gian tổ chức thi hành theo quy định. Bên cạnh đó, khó áp dụng biện pháp ngăn chặn hoặc biện pháp cưỡng chế vì khi xác minh được tàu cập bờ đòi hỏi các thành phần và lực lượng tham gia ngay, công tác chuẩn bị rất gấp.
"Những vướng mắc nêu trên đã gây khó khăn cho ngư dân trong việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho ngân hàng nói chung và việc tổ chức thi hành án nói riêng", ông Nguyễn Văn Sơn nêu rõ.
Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nêu trên, góp phần nâng cao kết quả tổ chức thi hành án, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS cho rằng, cần thực hiện một số giải pháp, như: Tăng cường công tác chỉ đạo của lãnh đạo các cục THADS, chi cục THADS. Thường xuyên tổ chức họp trao đổi, duy trì hình thức đối thoại giữa lãnh đạo, chấp hành viên để kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các vụ việc phát sinh khó khăn, vướng mắc; chủ động tự rà soát, kiểm tra hồ sơ tổ chức thi hành án của chấp hành viên để chỉ đạo giải quyết dứt điểm vụ việc có điều kiện thi hành.
Tích cực phối hợp với các cơ quan, ban, ngành có liên quan tại địa phương để có biện pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành án. Tranh thủ xin ý kiến chỉ đạo của ban chỉ đạo THADS của địa phương nhằm giải quyết dứt điểm vụ việc, tránh ảnh hưởng đến tình hình an ninh, chính trị tại địa phương.
Một trong những giải pháp quan trọng được ông Nguyễn Văn Sơn lưu ý là tiếp tục phối hợp chặt chẽ với ngân hàng, tổ chức tín dụng trong việc xác minh tài sản bảo đảm; trong việc xem xét, tạo điều kiện hỗ trợ miễn giảm, giãn số nợ (gốc, lãi) đối với các khoản nợ còn lại sau khi bán tài sản thế chấp không đủ trả nợ cho ngân hàng.
Tăng cường đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật THADS cho người người phải thi hành; nâng cao năng lực cho chấp hành viên, công chức làm công tác THADS trong tổ chức thực hiện việc kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án.
Đồng thời, rà soát các quy định của Luật THADS có liên quan để kiến nghị sửa đổi phù hợp trong thời gian tới.

Chấp hành viên Chi cục Thi hành án dân sự huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An
phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra hiện trạng tàu cá 

Cần cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho ngư dân
Trả lời Báo Điện tử Chính phủ, ông Nguyễn Văn Trung, Trưởng Phòng Quản lý tàu cá và cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá (Cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT) cho biết, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tổng tiền cho vay hỗ trợ theo Nghị định 67 là 11.700 tỷ đồng, đã trả 3.700 tỷ đồng nợ gốc, dư nợ đến hết quý II/2023 là 9.048 tỷ đồng của 1.116 tàu (cả nợ gốc và lãi), trong đó nợ xấu là 8.243 tỷ đồng của 820 tàu. Tỉ lệ nợ xấu của tàu vỏ thép chiếm 55,3%, tàu vỏ gỗ chiếm 37,4% và tàu vỏ composite chiếm 7,3%.
Tính đến hết quý II/2023, các ngân hàng đã thực hiện hỗ trợ khách hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với 140 chủ tàu với số tiền dư nợ là 485 tỷ đồng; thực hiện chuyển đổi chủ tàu đối với 20 tàu với dư nợ gần 99 tỷ đồng.
Giải pháp khắc phục trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Trung cho rằng, cần tiếp tục công tác điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản và dự báo ngư trường để phục vụ cấp hạn ngạch tàu cá, cơ cấu nghề, ngư trường khai thác nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất cho ngư dân.
Theo đó, Bộ NN&PTNT xây dựng dự thảo nghị định sửa đổi, thay thế Nghị định 67 trình Chính phủ xem xét, ban hành, như: Tiếp tục ưu tiên nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nghề cá; quy định cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ để ngư dân tiếp tục được hưởng hỗ trợ lãi suất đối với các khoản cho vay đóng mới, nâng cấp tàu gặp rủi ro do các nguyên nhân khách quan, bất khả kháng, nhằm tạo điều kiện cho các chủ tàu tiếp tục hoạt động sản xuất, trả nợ vốn vay; xây dựng cơ chế cho phép chuyển nhượng tàu cá, khi chủ tàu cũ không còn đủ năng lực để hoạt động khai thác hải sản.
Nhà nước đảm bảo duy trì mức hỗ trợ và phạm vi bảo hiểm đã được cam kết tại Nghị định 67. Hỗ trợ bảo hiểm trong suốt thời gian khách hàng còn dư nợ vay và nâng mức hỗ trợ bảo hiểm thân tàu và hỗ trợ bảo hiểm thuyền viên.
Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ một lần sau đầu tư đối với chi phí duy tu, sửa chữa định kỳ tàu cá vỏ thép. Tăng cường công tác kiểm tra, xem xét gắn trách nhiệm của các cơ sở đóng mới tàu cá trong công tác duy tu, sửa chữa.
Các ngân hàng thương mại cần tiếp tục thực hiện rà soát, đánh giá, phân loại thực trạng, hiệu quả hoạt động của từng khách hàng vay vốn theo Nghị định 67; theo dõi nợ quá hạn, nợ xấu theo từng loại nguyên nhân; tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan để xác định rõ nguyên nhân chủ tàu không trả nợ vay đúng hạn để có hướng xử lý cụ thể, hiệu quả đối với từng trường hợp.
Báo cáo của Tổng cục THADS (Bộ Tư pháp) cho biết, kết quả thi hành án trong xử lý tài sản là tàu cá theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của cơ quan THADS các tỉnh, thành phố ven biển từ năm 2015 đến tháng 10/2022 cho thấy: Tổng số thụ lý phải giải quyết là 202 việc, tương ứng 2.240 tỷ đồng. Số có điều kiện thi hành là 129 việc, tương ứng 1.290 tỷ đồng. Số chưa có điều kiện là 73 việc, tương ứng 949 tỷ đồng.
Đã giải quyết xong 15 việc, tương ứng 200 tỷ đồng (đạt 11,6% về việc, 15,5% về tiền so với tổng số có điều kiện thi hành).
Có thể thấy, mặc dù số việc thi hành rất ít, nhưng số tiền phải thi hành án lớn (2.240 tỷ đồng). Tỉ lệ thi hành chưa cao, chỉ đạt 11,6% về việc và 15,5% về tiền, không chỉ xuất phát từ khó khăn, vướng mắc của hoạt động THADS nói chung, mà còn xuất phát từ những bất cập, khó khăn, vướng mắc liên quan trực tiếp đến việc thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP.
Lê Sơn