Bài 1: Đấu giá thi hành án tàu cá: Vốn vay lớn, định giá cao, để càng lỗ

25/09/2023


Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản được ban hành nhằm xây dựng đội tàu đánh bắt xa bờ hiện đại, vừa phát triển kinh tế biển vừa khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển đảo. Tuy nhiên, không ít tàu cá vay vốn theo Nghị định 67 lâm vào cảnh làm ăn thua lỗ phải nằm bờ, chủ tàu bị ngân hàng khởi kiện thu hồi nợ. Hiện nay, nhiều tàu cá đóng theo vốn vay đã được cơ quan Thi hành án (THA) dân sự kê biên, bán đấu giá để THA. Việc xử lý tài sản, thu hồi nợ còn nhiều gian nan…

Cán bộ cơ quan THADS TP. Sầm Sơn, Thanh Hóa và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
tại hiện trường tàu cá trên địa bàn

Từ khó khăn trong xác minh, kê biên, bán đấu giá…
Theo thông tin của Tổng cục THA dân sự (Bộ Tư pháp), kết quả THA trong xử lý tài sản là tàu cá theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của cơ quan THADS các tỉnh, thành phố ven biển từ năm 2015 đến tháng 10/2022 cho thấy: Tổng số thụ lý phải giải quyết là 202 việc, tương ứng 2.240 tỷ đồng. Số vụ có điều kiện thi hành là 129 việc, tương ứng 1.290 tỷ đồng. Số chưa có điều kiện thi hành là 73 việc, tương ứng 949 tỷ đồng.
Làm việc tại tỉnh Thanh Hóa, đại diện Cục THA dân sự tỉnh cho biết, tổng số việc/tiền thụ lý THA từ năm 2015 đến nay trên địa bàn là 33 việc với tổng số tiền phải THA là hơn 328 tỷ đồng, mới THA xong hơn 69 tỷ đồng, số việc/tiền chưa có điều kiện thi hành là 29 việc/205 tỷ đồng.
Trong khi đó, tại Quảng Nam, tổng số vụ việc mà các cơ quan THA dân sự trên địa bàn tỉnh đã thụ lý từ năm 2021 đến nay liên quan đến tài sản bảo đảm là tàu đánh cá theo Nghị định 67 năm 2014 là 22 việc, với tổng số tiền thụ lý khoảng 260 tỷ đồng, đã THA xong hơn 24 tỷ đồng, còn phải thi hành số tiền rất lớn, khoảng 230 tỷ đồng.
Quá trình THA các tàu cá là tài sản bảo đảm để thu nợ cho các ngân hàng gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc.
Trước tiên là quá trình xác minh, tổ chức kê biên tài sản, quá trình thực hiện xác minh để kê biên, xử lý tài sản tàu cá gây ra nhiều khó khăn cho các Chấp hành viên cơ quan THADS bởi tàu đánh cá di chuyển liên tục ngoài biển, thường xuyên đi đánh bắt xa bờ nên khó khăn trong xác minh địa điểm để thực hiện các thủ tục kê biên. Bên cạnh đó, do người phải THA là ngư dân, thường xuyên theo tàu đánh bắt ở khơi xa nên việc thông báo quyết định, văn bản về THA cho họ cũng gặp nhiều khó khăn dẫn đến việc tổ chức THA phải kéo dài.
Bên cạnh đó, việc xử lý tài sản là tàu cá còn khó khăn hơn khi tổ chức bán đấu giá tài sản nhiều lần nhưng không thành, mặc dù đã giảm giá liên tục (mỗi lần 10%).
Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ, ông Nguyễn Thái Triệu, Giám đốc Chi nhánh Agirbank bắc Thanh Hóa cho biết, Chi nhánh này phụ trách 7 huyện ven biển, với tổng số vốn cho vay là 320 tỷ để đóng mới 18 tàu cá, nhưng đến nay vẫn còn 180 tỷ nợ chưa thu hồi được hoặc bán được tàu rồi nhưng không thu đủ.
Lý giải về tình trạng không ít tàu cá kê biên, đưa ra bán đấu giá và phải giảm giá nhiều lần mới bán được, ông Nguyễn Anh Văn, Chi cục trưởng Chi cục THADS TP. Sầm Sơn (tỉnh Thanh Hóa) cho biết: Đây là tài sản đặc thù, chỉ những người làm nghề cá mới có nhu cầu và nhiều trường hợp tài sản đấu giá không có người tham gia đăng ký đấu giá do không phù hợp yêu cầu sử dụng. 
Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc xử lý tài sản kéo dài là giá đưa ra bán quá cao so với thực tế: Do chi phí đầu vào để đóng tàu rất cao (trung bình khoảng 15-18 tỷ/tàu); khi tiến hành thẩm định, cơ quan thẩm định giá căn cứ chi phí đầu vào và giá trị còn lại của tàu để xác định giá trị còn lại (vẫn rất cao so với thực tế). Vì vậy, phải giảm giá nhiều lần mới bán được (có trường hợp phải giảm giá tới hơn 10 lần), tài sản bị xuống cấp giảm giá trị, dẫn đến số tiền thu được không nhiều (chỉ đạt trung bình 1,5-2 tỷ đồng/tàu), không đủ để thi hành nghĩa vụ theo bản án tuyên. Nhiều trường hợp bán xong tàu nhưng chỉ thanh toán được một phần nhỏ, khiến người phải THA vẫn nợ ngân hàng.
Cục trưởng Cục THA dân sự tỉnh Quảng Nam Lê Văn Chương cho biết thêm: Thực trạng THA tàu cá của ngư dân vay đóng mới theo Nghị định 67 trên địa bàn gặp nhiều khó khăn do đa số ngư dân chỉ có con tàu thế chấp ngân hàng, giờ không có tài sản để THA theo quyết định hoặc bản án của tòa án. Nhiều ngư dân không còn nhà, phải đi ở nhờ, tuổi cao, sức yếu, không có thu nhập, ai thuê gì làm nấy.

Ngư dân Trần Ngọc Hoàng (xã Tam Phú, TP. Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) trên con tàu hiện đang bị bán đấu giá 

Ngư dân Trần Ngọc Hoàng (xã Tam Phú, TP. Tam Kỳ) thẫn thờ trên con tàu QNa-95359 TS đã gần 6 năm gắn bó với với ông trong những chuyến ra khơi, giờ đang là tài sản mà ông thế chấp vay vốn ngân hàng, hiện tại Chi cục THA dân sự Tam Kỳ đấu giá mấy lần không ai mua, tàu nằm bờ đã mấy năm, càng để càng hư hỏng, ít người mua, nợ tăng lên, gánh nặng nợ nần càng đè nặng lên gia đình ông.
Ông cho biết, mấy năm đầu 2 con tàu dịch vụ nghề cá trên biển của ông làm ăn luôn có lãi, mỗi chuyến ra khơi trừ hết chi phí cũng được vài chục triệu đồng. Nhưng rồi, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, thủy sản thu mua không bán được khi lưu thông bị đình trệ, nguồn lợi thủy sản không được dồi dào như trước, gia đình ông bắt đầu gánh lỗ, không trả lãi và gốc được cho ngân hàng nên con tàu bị kê biên, bán đấu giá để trả tiền cho ngân hàng.
"Qua mấy lần đấu giá mà vẫn chưa có người mua, xót xa khi tài sản ngày càng xuống cấp, nếu không hạ giá để bán thì coi như thành sắt vụn", ông Hoàng rầu rĩ.
… đến trăm mối tơ vò của THA
Đây là thực trạng diễn ra ở không ít địa phương ven biển khi cơ quan THADS kê biên, xử lý tàu cá để bảo đảm THA.
Tại Bình Định, ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục THA dân sự tỉnh cho biết: Việc xác minh, truy tìm, kê biên, bảo quản xử lý đối với tài sản là tàu cá gặp rất nhiều khó khăn, cần sự phối hợp chặt chẽ của các ngành chức năng, chính quyền địa phương các cấp. 
Theo ông Hồng, việc THA để thu hồi vốn ngư dân vay của ngân hàng để đóng tàu vươn khơi không dễ dàng khi con tàu là phương tiện mưu sinh duy nhất của ngư dân, bao nhiêu vốn liếng dành dụm và vay mượn để đổ vào mua ngư lưới cụ, hoán cải tàu phù hợp với điều kiện đi biển, giờ vì nhiều lí do khách quan, không trả được lãi mà tàu bị thu, nhà bị siết đã ảnh hưởng không nhỏ đến trật tự an ninh của địa phương.
Khi kê biên được tàu rồi thì việc bán đấu giá tàu cá rất khó khăn, nhiều tàu bán đến 5-6 lần không ai mua, hạ giá liên tục. Càng để lâu thì khấu hao càng lớn, giá càng giảm, khi không thể sử dụng ra khơi được nữa thì chỉ có thanh lý rẻ để xẻ thành sắt vụn, nhất là tàu vỏ gỗ bởi giá trị thực tế còn lại giảm rất nhiều so với giá trị đầu tư ban đầu.
Qua trao đổi, nhiều Chấp hành viên trực tiếp thụ lý THA tàu cá cho biết thêm, hoàn cảnh của không ít ngư dân khi bị kê biên, ngoài tài sản là con tàu thế chấp đang bị THA, nhiều ngư dân không còn tài sản gì khác, nếu có nhà thì đơn sơ, con cái nheo nhóc, không học hành đến nơi đến chốn, đói nghèo.
Tài sản thế chấp được bản án tuyên bảo đảm cho việc THA là tàu đánh cá cũng là phương tiện sinh sống của ngư dân; đồng thời, tàu cá thuộc diện được hỗ trợ tại Nghị định số 67 thường là tàu cá có công suất lớn hoạt động khai thác xa bờ dài ngày với trang thiết bị công nghệ hiện đại, số lượng nhân công tham gia đánh bắt trên tàu thường khá đông (huy động người thân trong gia đình), thu nhập của họ cũng chỉ từ nguồn thu nhập từ hoạt động của tàu cá.
Do vậy, khi tàu cá bị kê biên để THA sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của gia đình người phải THA và một số người lao động; ảnh hưởng đến chính sách an sinh xã hội, phát triển kinh tế biển của địa phương và việc tham gia giữ gìn và khẳng định chủ quyền biển đảo.
Ông Nguyễn Tấn Hiện, Cục THA dân sự Quảng Nam chỉ ra thực tế, một trong những khó khăn khác với cơ quan THADS là phải xử lý cả các tài sản khác của người phải THA, kể cả căn nhà ở duy nhất của gia đình. Việc này dư luận người dân địa phương không đồng tình.
Ngoài ra, khi cơ quan THADS xử lý tài sản nhà đất để bảo đảm THA, nhiều chủ tàu muốn tự nguyện THA bằng cách đề nghị được thỏa thuận với ngân hàng để tránh biện pháp cưỡng chế kê biên, phải chịu thêm chi phí cưỡng chế và ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của gia đình nhưng nhiều ngân hàng không đồng ý vì cho rằng khoản nợ đóng tàu 67 còn lớn hơn giá trị tài sản.
Theo chấp hành viên Chi cục THADS huyện Phù Cát (tỉnh Bình Định), một trong các giải pháp mà nhiều cơ quan liên ngành và ngư dân kiến nghị là các ngân hàng cơ cấu nợ cho chủ tàu như giãn, hoãn khoản nợ để người dân tập trung làm ăn, từng bước trả nợ ngân hàng bởi đây là rủi ro, có nhiều yếu tố khách quan. Nghị định có quy định, khi tàu gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng, ngân hàng nên cơ cấu lại thời hạn trả nợ khoản vay, thay đổi chủ tàu... nhưng đối với các chủ tàu không thể ra khơi do đánh bắt không hiệu quả lại không được ngân hàng xem xét cơ cấu nợ.
Lê Sơn
Bài 2: Gỡ khó cho cả tàu cá Nghị định 67 lẫn công tác thi hành án: Cần giải pháp quyết liệt