1. Một số kết quả chủ yếu trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành
Công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành ngay từ đầu năm 2023 đã được các cơ quan THADS quan tâm, tập trung thực hiện. Tổng cục THADS tiếp tục triển khai Nghị quyết số 23-NQ/BCSĐ ngày 29/3/2022 của Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp về lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm THADS, theo dõi THAHC giai đoạn 2022-2026 và cụ thể hóa Chương trình công tác trọng tâm trong lĩnh vực THADS, theo dõi THAHC năm 2023 (ban hành kèm theo Quyết định số 2426/QĐ-BTP ngày 12/12/2022 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp), Tổng Cục trưởng Tổng cục THADS đã ban hành Quyết định giao chỉ tiêu, nhiệm vụ cho các cơ quan THADS địa phương, trong đó giao cụ thể từng chỉ tiêu (việc, tiền) và các giải pháp để thực hiện từng chỉ tiêu, nhiệm vụ. Tổng cục THADS cũng đã xây dựng Kế hoạch công tác năm của cơ quan Tổng cục THADS và các đơn vị thuộc Tổng cục để triển khai thực hiện.
Đồng thời, để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác THADS, Tổng cục THADS cũng đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương. Định kỳ các tháng cuối năm, kết quả THADS, THAHC được gửi đến Chủ tịch UBND, Trưởng Ban chỉ đạo THADS các cấp để kịp thời nắm bắt tình hình, tiến độ và có biện pháp đôn đốc, chỉ đạo cơ quan THADS thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao.
Tổng cục THADS đã ban hành nhiều văn bản quán triệt, đôn đốc, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt trong toàn Hệ thống THADS để kịp thời giúp các địa phương khắc phục những tồn tại, hạn chế và đề ra các giải pháp tập trung hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao năm 2023; chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương trong thi hành công vụ tại cơ quan THADS; tiếp tục chủ động, phòng ngừa, xử lý nghiêm sai phạm, tiêu cực, tham nhũng trong Hệ thống THADS; thường xuyên tổ chức các buổi làm việc trực tiếp, trực tuyến với các cơ quan THADS để đôn đốc, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành án, nhất là việc xử lý tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; hướng dẫn nghiệp vụ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan THADS địa phương. Bên cạnh đó, Tổng cục đã thành lập các đoàn công tác trọng điểm do Lãnh đạo Tổng cục làm Trưởng đoàn để kiểm tra, đôn đốc một số cơ quan THADS còn nhiều hạn chế trong thực hiện chỉ tiêu nhiệm vụ.
Tại địa phương, qua theo dõi, Cục THADS các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cơ bản triển khai nghiêm túc, quán triệt đầy đủ các văn bản, nghị quyết của Trung ương, các văn bản của Ban cán sự đảng, Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS và của Tỉnh/Thành ủy, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Cục trưởng Cục THADS các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng thường xuyên hướng dẫn, quán triệt đến các chấp hành viên, thẩm tra viên và công chức làm công tác THADS chấp hành nghiêm túc, đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên. Các kết luận, bút phê, chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ, Lãnh đạo Tổng cục cũng được các địa phương triển khai nghiêm túc, qua đó góp phần vào kết quả chung của toàn Hệ thống THADS. Tại nhiều địa phương, công tác THADS tiếp tục nhận được sự quan tâm, lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, là một trong những nhiệm vụ thường xuyên, định kỳ phải báo cáo tại các cuộc họp giao ban nội chính của Ban Nội chính, thường trực tỉnh ủy, thành ủy.
Qua công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, công tác THADS, THAHC đạt được một số kết quả nhất định, trong đó phải kể đến kết quả toàn Ngành tiếp tục đạt và vượt 02 chỉ tiêu cơ bản mà Quốc hội, Chính phủ và Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp giao, cụ thể là: đạt tỉ lệ 83,23% về việc (cao hơn 0,75% so với chỉ tiêu đươc giao) và 46,78% về tiền (cao hơn 1,28% so với chỉ tiêu được giao); kết quả thi hành án kinh tế, tham nhũng đạt tỉ lệ 67,10% về việc và 41,11% về tiền, tiếp tục tăng hơn 4.400 tỷ đồng so với năm 2022; tổ chức thi hành dứt điểm nhiều bản án, quyết định về hành chính đã tồn đọng từ nhiều năm, nên số việc THAHC xong trong năm 2023 tăng so với năm 2022 là 153 bản án, quyết định (tăng 32,1%), góp phần ổn định an ninh, chính trị và phát triển kinh tế xã hội. Hệ thống THADS đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ theo Chương trình công tác trọng tâm trong lĩnh vực THADS, theo dõi THAHC năm 2023.
2. Một số tồn tại, hạn chế, nguyên nhân chủ yếu
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, thì vẫn còn một số tồn tại, hạn chế xuất phát từ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành cần được khắc phục trong năm 2024.
a) Đối với cơ quan Tổng cục THADS
(1) Việc xây dựng một số văn bản, đề án bị chậm tiến độ nhiều tháng nhưng chưa tích cực tham mưu xử lý dứt điểm; một số nội dung công việc quan trọng đã được chỉ đạo, giao thực hiện nhưng chưa còn chậm tiến độ, chưa đảm bảo về chất lượng;
(2) Một số trường hợp công tác phối hợp giữa các đơn vị thuộc Tổng cục chưa đáp ứng tiến độ, chất lượng của Lãnh đạo Bộ, Lãnh đạo Tổng cục đề ra. Một số vụ việc hướng dẫn nghiệp vụ còn chưa đáp ứng tiến độ yêu cầu, chưa giải quyết được khó khăn, vướng mắc cho địa phương. Việc giải quyết khiếu nại tố cáo còn chưa kịp thời, một số vụ việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, phức tạp kéo dài còn chậm so với thời hạn Lãnh đạo Bộ, Lãnh đạo Tổng cục yêu cầu.
(3) Việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong Hệ thống THADS chưa được triển khai hiệu quả, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn và ảnh hưởng đến hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của Hệ thống cơ quan THADS.
Bên cạnh nguyên nhân khách quan là do khối lượng công việc quá tải, tính chất công việc phức tạp, thời hạn báo cáo gấp, nhiều công việc phát sinh ngoài kế hoạch, nguyên nhân chủ yếu là do ý thức trách nhiệm của lãnh đạo một số đơn vị thuộc Tổng cục chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, chưa thực sự sát sao, quyết liệt trong việc tổ chức triển khai thực hiện các chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ, Lãnh đạo Tổng cục; một số công chức thuộc Tổng cục còn chưa chủ động, trách nhiệm trong công tác tham mưu, chưa tuân thủ kỷ cương, kỷ luật hành chính; vẫn còn xảy ra tình trạng cá biệt đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong thực thi công vụ.
b) Đối với các Cục, Chi cục THADS
(1) Kết quả thi hành án tín dụng ngân hàng giảm so với cùng kỳ năm 2022, kết quả thu hồi tài sản đến nay vẫn còn chưa đạt như mong muốn; số việc chưa thi hành xong chuyển kỳ sau vẫn còn lớn và tiếp tục có xu hướng tăng. Án có điều kiện 01 năm chưa thi hành chưa có chuyển biến, chưa có giải pháp đột phá; công tác phân loại án, xác minh điều kiện thi hành án có nơi có lúc còn chưa chính xác.
(2) Công tác hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ chưa đáp ứng yêu cầu về tiến độ và chất lượng, chưa giải quyết được khó khăn, vướng mắc cho các Chi cục; số đơn thư khiếu nại, tố cáo về THADS đẩy lên Tổng cục có chiều hướng tăng; đơn khiếu nại, tố cáo vượt cấp vẫn còn nhiều, trong một số trường hợp chỉ đạo liên quan đến giải quyết khiếu nại, tố cáo, phức tạp kéo dài còn chậm so với thời hạn Lãnh đạo Bộ, Lãnh đạo Tổng cục yêu cầu.
(3) Công tác tổ chức cán bộ còn chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị THADS còn hạn chế về năng lực, chưa theo kịp yêu cầu nhiệm vụ. Năng lực, trình độ của đội ngũ công chức, Chấp hành viên một số cơ quan THADS chưa đồng đều, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.
(4) Công tác kiểm tra, tự kiểm tra tại một số địa phương, từ cấp Cục đến Chi cục, chưa thực hiện nghiêm túc, kiểm tra qua loa, một số vụ việc vi phạm chưa được phát hiện, xử lý và khắc phục kịp thời. Nhận thức của Lãnh đạo một số Cục THADS đối với công tác tự kiểm tra, kiểm tra còn hạn chế dẫn đến việc quản lý, chỉ đạo, điều hành công tác tự kiểm tra, kiểm tra không được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc.
(5) Kỷ cương, kỷ luật hành chính trong một số cơ quan THADS chưa nghiêm, việc quản lý, chỉ đạo của một số đơn vị chưa sâu sát, chặt chẽ. Lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị THADS còn hạn chế về năng lực, chưa theo kịp yêu cầu nhiệm vụ.
(6) Công tác quản lý tài chính, kế toán nghiệp vụ, đầu tư công trong THADS, đặc biệt là về thu chi tiền thi hành án tuy đã có sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, liên tục của Tổng cục nhưng vẫn để xảy ra sai phạm.
(7) Tình trạng khiếu nại, tố cáo vượt cấp còn nhiều, cá biệt có trường hợp phản ánh vượt cấp đến Tỉnh ủy, Thành ủy và Lãnh đạo các cơ quan Trung ương; một số vụ việc giải quyết khiếu nại tố cáo kéo dài còn chưa được giải quyết triệt để hoặc chậm được giải quyết;
(8) Có trường hợp Thủ trưởng cơ quan không kiểm soát được tình hình các mặt công tác, đặc biệt là trong công tác đảng; tình trạng vi phạm về chuyên môn, nghiệp vụ, vi phạm pháp luật về quy định phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, vi phạm về tài chính vẫn xảy ra phải xử lý kỷ luật, xử lý hình sự.
3. Một số giải pháp khắc phục chủ yếu
3.1. Một số giải pháp cho toàn Hệ thống
(1) Công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành phải không ngừng đổi mới theo hướng đảm bảo tính linh hoạt, chủ động, đặc biệt là vai trò chủ động, vai trò người đứng đầu của Thủ trưởng các cơ quan THADS địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo các mặt công tác trên địa bàn tỉnh; của Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tổng cục. Thường xuyên kiểm soát, kiểm đếm, đôn đốc, chỉ đạo việc thực hiện các nhiệm vụ, công việc theo Kế hoạch công tác năm và chỉ tiêu nhiệm vụ được giao. Lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành tuân thủ nghiêm túc chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy chế làm việc, quy định, quy trình nghiệp vụ, chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử, công vụ trong hoạt động tổ chức của cơ quan, đơn vị. Thường xuyên theo dõi, sát sao, đôn đốc các mặt công tác từ Tổng cục đến Cục và các Chi cục, đảm bảo nhận thức đầy đủ về bối cảnh, yêu cầu công tác.
(2) Chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo công tác cán bộ và đội ngũ cán bộ, nhất là các địa bàn trọng điểm, địa bàn lớn, yếu kém, có nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác THADS, THAHC; thường xuyên giáo dục phẩm chất, đạo đức, ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm cho đội ngũ công chức THADS, thực hiện nghiêm các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý; xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc để xảy ra tình trạng công chức vi phạm pháp luật, vi phạm kỷ luật.
(3) Lãnh đạo, quản lý không để xảy ra hành vi vi phạm, lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động của cơ quan đơn vị; phòng ngừa vi phạm, tội phạm trong công tác THADS; rút kinh nghiệm sâu sắc và quán triệt trên toàn quốc về những sai phạm, vi phạm trong lĩnh vực THADS để không để xảy ra hành vi vi phạm tương tự.
(4) Quan tâm, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc; ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong THADS góp phần rút ngắn thời gian, giảm thiểu chi phí, nâng cao tính công khai, minh bạch trong hoạt động THADS, nêu cao tinh thần phục vụ người dân, doanh nghiệp.
(5) Tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về THADS từ Trung ương đến các cơ quan THADS địa phương, kịp thời thông tin đầy đủ, khách quan về hoạt động THADS, THAHC tạo sự ủng hộ của xã hội và nhân dân đối với công tác THADS.
3.2. Về phía Tổng cục THADS và các đơn vị thuộc Tổng cục:
(1) Công tác chỉ đạo, điều hành tiếp tục bám sát sự chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, tiếp tục phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương trong công tác THADS.
(2) Tập trung tham mưu xây dựng và hoàn thiện thể chế về THADS, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu để tạo hành lang pháp lý đảm bảo việc tổ chức thi hành án được hiệu quả, chính xác, đúng pháp luật.
(3) Tổ chức thực hiện nghiêm quy chế quản lý địa bàn của công chức trong đơn vị, bảo đảm nắm chắc tình hình, tham mưu kịp thời các vấn đề phát sinh. Tăng cường phối hợp với các cơ quan THADS địa phương để kịp thời hỗ trợ hoặc tham mưu cho Lãnh đạo Tổng cục, Lãnh đạo Bộ tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các địa phương.
(4) Cần thường xuyên rà soát, phân loại, kiểm đếm rõ, đánh giá kỹ khả năng hoàn thành nhiệm vụ của các nhiệm vụ có thời hạn tại Kế hoạch công tác năm, các nhiệm vụ được giao tại các văn bản chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Lãnh đạo Bộ Tư pháp và Lãnh đạo Tổng cục.
Đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các đơn vị thuộc Tổng cục trong việc chủ trì, phối hợp thực hiện các nhiệm vụ được Lãnh đạo Tổng cục phân công thực hiện; Tiếp tục bám sát, nắm chắc lĩnh vực phụ trách để kịp thời tham mưu cho Lãnh đạo Tổng cục có biện pháp, giải pháp chủ động chấn chỉnh, xử lý. Lĩnh vực nào để xảy ra yếu kém mà không kịp thời phát hiện, chấn chỉnh thì Thủ trưởng đơn vị đó chịu trách nhiệm trước Lãnh đạo Bộ, Lãnh đạo Tổng cục;
(5) Tiếp tục đẩy mạnh công tác tự kiểm tra, kiểm tra nội bộ, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo về THADS, THAHC.
3.3. Về phía các cơ quan THADS địa phương:
(1) Tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành tiếp tục bám sát sự chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ, Lãnh đạo Tổng cục và của cấp ủy, chính quyền địa phương.
Cục trưởng cần chỉ đạo kiểm soát tốt tình hình của cơ quan, đơn vị, kiểm soát chung tình hình tổ chức, hoạt động của các Chi cục trực thuộc, thường xuyên phối hợp với các đơn vị thuộc Tổng cục trong từng lĩnh vực công tác để kịp thời trao đổi tình hình công tác của địa phương và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc (nếu có).
Chi cục trưởng kiểm soát tình hình thực hiện nhiệm vụ của công chức trong đơn vị bảo đảm không để xảy ra các sai sót, vi phạm (nhất là các tiêu cực, tham nhũng, sai phạm dẫn đến bị xem xét trách nhiệm kỷ luật hành chính, xem xét trách nhiệm xử lý hình sự).
(2) Chỉ đạo tổ chức THADS, theo dõi THAHC theo định mức chỉ tiêu, nhiệm vụ giao. Kiểm soát chặt các loại vụ việc có điều kiện trên 01 năm, chưa thi hành xong cần được ưu tiên đặc biệt, rà soát chi tiết, có kế hoạch tổ chức thi hành dứt điểm đối với loại án này. Tăng cường kiểm tra, có biện pháp thi hành dứt điểm, không để kéo dài, thi hành đúng quy định đối với các vụ việc thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo; các vụ việc có giá trị lớn; các vụ việc án tín dụng ngân hàng. Tăng cường kiểm soát triệt để với những vụ việc có tài sản đưa ra bán đấu giá, không để phát sinh tiêu cực, tham nhũng, sai phạm trong lĩnh vực này.
(3) Tăng cường công tác kiểm tra, tự kiểm tra. Kiểm soát tình hình, địa bàn để xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm tra theo chỉ đạo của Tổng cục THADS; chịu trách nhiệm kiểm tra đối với các Phòng thuộc Cục và các Chi cục THADS trực thuộc; yêu cầu đơn vị có hành vi vi phạm thực hiện biện pháp khắc phục, nhất là những lĩnh vực nhạy cảm, dễ sai phạm như công tác phân loại án, thẩm định giá, đấu giá tài sản, việc thu, chi tiền thi hành án, quản lý tang vật, tài sản tạm giữ; xử lý nghiêm các trường hợp phát hiện sau kiểm tra; có biện pháp chấn chỉnh, xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân trên địa bàn tỉnh, thành phố thực hiện không hiệu quả công tác kiểm tra, tự kiểm tra.
(4) Kiểm soát chặt chẽ các khoản thu, chi THADS (kể cả thu, chi về chi phí cưỡng chế THADS) bảo đảm chặt chẽ theo đúng quy định. Thường xuyên kiểm tra, rà soát, kiểm kê đối với kho tang vật, có các biện pháp quản lý an toàn kho tang vật tại Cục, các Chi cục.
(5) Tiếp tục chú trọng công tác phối hợp liên ngành từ trung ương đến địa phương, tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, Ban chỉ đạo THADS các cấp và sự phối hợp của các ngành Công an, Kiểm sát, Toà án, Tài nguyên và Môi trường... trong việc tổ chức thi hành án trên địa bàn, đặc biệt là trong việc tập trung chỉ đạo, lãnh đạo giải quyết các vụ án lớn, trọng điểm, án Ban chỉ đạo, các vụ việc phức tạp kéo dài../.