Chi bộ Vụ Nghiệp vụ 3 lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện và hoàn thành các nhiệm vụ chuyên môn gắn với nâng cao chất lượng sinh hoạt Chi bộ, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

25/01/2024


Xác định Chi bộ là nhân tố chính trị lãnh đạo thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; lãnh đạo thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ công tác của cơ quan, đơn vị, nâng cao sức chiến đấu của đảng viên và quần chúng nên trong thời gian qua, Chi bộ Vụ Nghiệp vụ 3 luôn bám sát các Nghị quyết của cấp trên, nhất là Nghị quyết của Đảng uỷ Bộ Tư pháp và Đảng ủy Tổng cục để lãnh đạo đơn vị thực hiện tốt nhiệm vụ công tác chuyên môn.
Chi bộ thường xuyên chỉ đạo đảng viên, công chức trong đơn vị bám sát các chương trình, kế hoạch công tác của Tổng cục, của Vụ để triển khai thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ chuyên môn, trong đó tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết những khó khăn, vướng mắc, những vấn đề mới nảy sinh nhằm đảm bảo hoàn thành đầy đủ các nhiệm vụ được giao; Chi bộ luôn đề cao trách nhiệm lãnh đạo tập thể, đồng thời, phát huy vai trò, trách nhiệm của cá nhân, gắn việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của đơn vị...
Cùng với tăng cường lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, Chi bộ Vụ Nghiệp vụ 3 đã tập trung chỉ đạo hoàn thành tốt công tác xây dựng đảng. Chi bộ luôn kịp thời triển khai, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng đến đảng viên, công chức trong toàn đơn vị, qua đó, định hướng và tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong hành động, triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Các tổ chức đoàn thể thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, tuyên truyền, vận động cán bộ, đoàn viên gương mẫu, hoàn thành tốt nhiệm vụ trong từng lĩnh vực chuyên môn.
I. KẾT QUẢ THỰC HIỆN
Chi bộ Vụ Nghiệp vụ 3 được thành lập từ năm 2015, hiện nay, Chi bộ có 13 Đảng viên (trong đó có 01 Đảng viên là Phó Tổng cục trưởng phụ trách đang sinh hoạt tại Chi bộ). Nnăm 2023, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Đảng ủy, Lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự, Chi bộ Vụ Nghiệp vụ 3 đã lãnh đạo, chỉ đạo Vụ Nghiệp vụ 3 hoàn thành tốt công tác chuyên môn gắn với nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Thể hiện rõ sự trưởng thành, vững mạnh của Chi bộ đảng sơ sở. Kết quả đạt được cụ thể như sau:
1. Về công tác xây dựng đảng
Chi bộ luôn quán triệt và thực hiện nghiêm túc các văn bản của Đảng, Nghị quyết Đại hội đảng của Tổng cục Thi hành án dân sự. Luôn coi trọng việc tham mưu xây dựng, củng cố nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng và đảng viên, trong đó tập trung vào việc đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi ủy, chi bộ. Đồng thời, xem đây là khâu đột phá trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Nhằm thực hiện có hiệu quả nguyên tắc, chấp hành chế độ và chất lượng sinh hoạt đảng trong chi bộ.
Trực tiếp chỉ đạo, rà soát, xây dựng quy chế hoạt động, chương trình công tác và kế hoạch kiểm tra, giám sát của chi bộ… Thông qua đó, chi ủy, chi bộ đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, duy trì sinh hoạt nề nếp đúng thời gian quy định; Chi ủy, chi bộ chuẩn bị chu đáo nội dung, hình thức phương pháp sinh hoạt có nhiều đổi mới, phong phú; coi trọng đổi mới, hình thức phương pháp và nâng cao chất lượng sinh hoạt Đảng theo hướng lấy công tác chính trị tư tưởng làm nội dung hàng đầu, mở rộng dân chủ, kịp thời phê bình, góp ý hoặc trao đổi, mở rộng những vấn đề liên quan đến tư tưởng chính trị, phẩm chất, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên nhằm quản lý tốt đảng viên về cả chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống; thực hiện có hiệu quả lồng ghép việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách  Hồ Chí Minh” với phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên.
Trong sinh hoạt, đảng viên tích cực tham gia thảo luận, thể hiện chính kiến của mình, luôn tạo được không khí dân chủ, cởi mở, chân thành; phát huy tinh thần tự phê bình và phê bình, góp phần nâng cao chất lượng và sức chiến đấu trong sinh hoạt chi bộ. Phương pháp điều hành sinh hoạt, điều hành thảo luận, gợi mở vấn đề đảm bảo tính hệ thống, khoa học. Vai trò, trách nhiệm người chủ trì, cấp ủy được thể hiện rõ nét hơn.
Ngoài việc duy trì sinh hoạt định kỳ, chi bộ đã thực hiện sinh hoạt chuyên đề về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; nghiên cứu, trao đổi, học tập các bài viết, bài phát biểu chỉ đạo định hướng tư tưởng của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; về nâng cao năng lực, kỹ năng công tác cho cán bộ, đảng viên; những vấn đề cán bộ, đảng viên đặc biệt quan tâm như: tình hình an ninh chính trị, kinh tế, văn hóa- xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, các sự kiện chính trị nhạy cảm trên thế giới, khu vực và trong nước; việc đấu tranh phòng, chống suy thoái về chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và các tệ nạn xã hội ở cơ quan, đơn vị…
2. Về công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn
2.1. Về công tác thi hành án hành chính
- Về hoàn thiện thể chế: Chi bộ đã lãnh đạo đơn vị tham mưu Bộ Tư pháp ban hành Báo cáo tổng kết thực tiễn thi hành Luật Tố tụng hành chính năm 2015 liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Bộ, ngành Tư pháp[1]; Báo cáo tổng kết Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 15/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính[2]; Báo cáo tổng hợp kết quả tổng kết thực tiễn thi hành Luật TTHC của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương[3]. Trên cơ sở kết quả tổng kết tại các báo cáo trên và kết quả sơ kết Nghị định số 71/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định trình tự, thủ tục thi hành án hành chính, Chi bộ tiếp tục lãnh đạo đơn vị tham mưu Lãnh đạo Tổng cục, Lãnh đạo Bộ nghiên cứu, đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 71/2016/NĐ –CP sau khi Tòa án nhân dân tối cao tổng kết Luật Tố tụng hành chính năm 2015
Chi bộ cũng tập trung lãnh đạo đơn vị khẩn trương tham mưu hoàn thiện để sớm ban hành Thông tư thay thế Thông tư số 06/2019/TT-BTP ngày 21/11/2019 của Bộ Tư pháp quy định chế độ báo cáo thống kê THADS, theo dõi thi hành án hành chính, trong đó có các biểu mẫu thống kê về THAHC và theo dõi THAHC.
        - Về công tác chỉ đạo, điều hành: Đã tham mưu: (1) Tổ chức thực hiện nghiêm túc các kiến nghị của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tại Báo cáo số 1203/BC-ĐGS ngày 29/9/2022 và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác thi hành án hành chính; (2) Tăng cường theo dõi, đôn đốc, kiểm tra UBND các cấp trong việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về thi hành án hành chính; (3) thành lập các Đoàn kiểm tra liên ngành về việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính để nâng cao hiệu quả công tác THAHC; (4) Quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Luật Tố tụng hành chính năm 2015, Nghị định số 71/2016/NĐ-CP, Chỉ thị số 26/CT-TTg và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, kiến nghị của Ủy ban Tư pháp; (5) Có biện pháp cụ thể, hữu hiệu để chấn chỉnh, khắc phục ngay tình trạng không thực hiện nghiêm túc Điều 60 Luật Tố tụng hành chính; (6) Tổ chức thi hành kịp thời, nghiêm túc, dứt điểm các bản án hành chính đã có hiệu lực pháp luật; chỉ đạo kiểm tra, xem xét, xử lý nghiêm trách nhiệm của các nhân, tổ chức chậm thi hành bản án, không chấp hành, chấp hành không đúng, không đầy đủ bản án đã có hiệu lực pháp luật…
- Về công tác kiểm tra: Đã tham mưu thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương với thành phần gồm đại diện Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ và Bộ Tài nguyên – Môi trường, tổ chức kiểm tra[4] tại UBND các tỉnh Thanh Hóa, Đắk Lắk, Bà Rịa – Vũng Tàu và Thành phố Hồ Chí Minh; Tham mưu tổ chức kiểm tra chuyên đề về công tác theo dõi THAHC tại Cục THADS các tỉnh: Bình Thuận, Long An, Bình Định; Nghiên cứu hồ sơ, tài liệu chuẩn bị cho buổi làm việc của Lãnh đạo Tổng cục với UBND quận Long Biên về công tác thi hành án hành chính.
- Kết quả thi hành án hành chính
Trong năm 2023, tổng số bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính có hiệu lực có nội dung phải thi hành là 1.375 bản án, quyết định (trong đó, kỳ trước chuyển sang 563 bản án, phát sinh trong kỳ báo cáo là 812 bản án), tăng 453 bản án so với cùng kỳ năm 2022. Kết quả thi hành (tính đến hết ngày 30/9/2023 các cơ quan hành chính nhà nước đã thi hành xong 582/1.375 bản án, quyết định (tăng 153 bản án, quyết định so với cùng kỳ năm 2022 ), đang tiếp tục thi hành 776 bản án, quyết định.
Về công tác theo dõi thi hành án hành chính, các cơ quan THADS đã thực hiện theo dõi đối với 100% bản án có nội dung theo dõi.Quá trình theo dõi đã ban hành văn bản thông báo tự nguyện thi hành án đối với 769 vụ việc; tổ chức làm việc với người phải thi hành án trong 718 vụ việc; đăng tải công khai 553 quyết định buộc THAHC của Tòa án; có văn bản kiến nghị người có thẩm quyền xử lý trách nhiệm đối với 135 vụ việc.
1.2. Công tác bồi thường nhà nước (BTNN), bảo đảm tài chính (BĐTC)
- Về công tác chỉ đạo, điều hành: Chi bộ đã lãnh đạo, chỉ đạo đơn vị tham mưu ban hành các văn bản chỉ đạo về việc thực hiện chặt chẽ trình tự, thủ tục THADS, giải quyết khiếu nại, tố cáo, từ đó, có biện pháp xử lý, hạn chế đến mức thấp nhất các vụ việc BTNN phát sinh[5]; chỉ đạo thực hiện các giải pháp nhằm giải nhằm hạn chế phát sinh trách nhiệm BTNN, BĐTC trong hoạt động THADS[6]; Báo cáo Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp toàn diện công tác BTNN, BĐTC trong hoạt động THADS[7].
Tham mưu Tổng cục THADS và Cục BTNN ký Kế hoạch phối hợp số 08/KH-BTNN ngày 12/4/2022; Tổ chức kiểm tra định kỳ công tác BTNN trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, Đà Nẵng và Bình Phước; Hướng dẫn nghiệp vụ về BTNN, BĐTC đối với các vụ việc phát sinh trong kỳ.
- Kết quả giải quyết bồi thường nhà nước và đảm bảo tài chính
+ Bồi thường nhà nước: Theo số liệu thống kê, toàn hệ thống cơ quan THADS đang theo dõi, giải quyết 31 vụ việc bồi thường nhà nước (22 vụ việc năm trước chuyển sang; 09 vụ việc thụ lý mới). Bằng với cùng kỳ năm 2022.Trong đó: đã kết thúc giải quyết 15 vụ việc, đạt tỷ lệ 48,4% trên tổng số vụ việc phải giải quyết, tăng 66,7 % so với cùng kỳ năm 2022. Hiện còn 16 vụ việc, chiếm tỷ lệ 51,6% tổng số vụ việc phải giải quyết, giảm 27,3 % so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó: 07 vụ việc Tòa án đang xem xét, giải quyết; 09 vụ việc cơ quan THADS đang xem xét, giải quyết.
+ Bảo đảm tài chính: Tính đến thời điểm hiện nay, toàn quốc có 07 vụ việc (trong 07 vụ việc từ năm trước chuyển sang có 02 vụ việc đã đưa ra khỏi danh sách, một vụ việc người được BĐTC đã chết người thừa kế chưa có đơn yêu cầu thi hành án và một vụ việc không thuộc đối tượng BĐTC[8], 02 vụ việc phát sinh trong kỳ báo cáo). Giảm 36,4 % so với cùng kỳ năm 2022. Đã giải quyết xong/dừng giải quyết 04 vụ. Hiện nay, còn 02 vụ việc Bộ Tư pháp đang xem xét, thẩm định cấp kinh phí; 01 vụ việc vẫn đang trong quá trình tổ chức thi hành án, chưa đủ điều kiện để cấp kinh phí bảo đảm tài chính theo quy định.
2.3. Các công tác khác
Ngoài hai nhiệm vụ chủ yếu trên thì Vụ Nghiệp vụ 3 còn được phân công thực hiện các nhiệm vụ khác như: Tham mưu ban hành quyết định giao chỉ tiêu, nhiệm vụ cho các cơ quan THADS; công tác theo dõi, chỉ đạo án có điều kiện trên 01 năm chưa thi hành xong; danh sách THADS trọng điểm; công tác rà soát hệ thống hóa văn bản pháp luật; công tác theo dõi thi hành pháp luật; công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong THADS; Tham mưu xây dựng các chuyên đề về công tác thi hành án hành chính, công tác bồi thường nhà nước đăng tải trên các báo, tạp chí nhân kỷ niệm Ngày truyền thống THADS; Tham mưu xây dựng chuyên đề ấn phẩm Tạp chí Dân chủ và Pháp luật về số chuyên đề “Sơ kết 05 năm thi hành Luật TNBTCNN”; Tham mưu xây dựng chuyên đề và phối hợp với các đơn vị chuyên môn thuộc Tổng cục tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ công tác kiểm tra; giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng chống tham nhũng, tiêu cực; THAHC; BTNN và BĐTC trong THADS...
Các nhiệm vụ trên đều được Chi bộ chỉ đạo đơn vị thực hiện đảm bảo hoàn thành theo đúng thời hạn, đáp ứng yêu cầu của Lãnh đạo Bộ, Lãnh đạo Tổng cục.
3. Tồn tại, hạn chế
Bên cạnh những kết quả đã được, trong năm 2023, mặc dù Chi bộ đã sát sao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo đơn vị thực hiện và đạt được nhiều kết quả trên tất cả các mặt công tác, tuy nhiên, việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn gắn với việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ thời gian qua vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: tính chiến đấu trong sinh hoạt chi bộ chưa thể hiện rõ nét; tinh thần tự phê bình và phê bình, ý thức tổ chức kỷ luật chưa cao nên chất lượng và hiệu quả của công tác giáo dục chính trị tư tưởng, kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, công tác xây dựng đảng vẫn còn mặt hạn chế; với nội dung và kết quả thực hiện trách nhiệm nêu gương gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của tập thể và cá nhân cần được quan tâm hơn nữa; cần tiếp tục tổ chức sinh hoạt chuyên đề...
II. GIẢI PHÁP
Nhằm nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ góp phần xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, cần quan tâm thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
Một là, tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện tốt Kết luận số 18-KL/TW, ngày 22/9/2017 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW của Ban Bí thư; Hướng dẫn số 12-HD/BTCTW, ngày 6/7/2018 của Ban Tổ chức Trung ương về một số vấn đề về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII có nội dung “Đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng; nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ”; làm cho các cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên thông suốt các quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp và tạo sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức, trách nhiệm của tổ chức đảng trong việc đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ.
Bên cạnh đó, Chi bộ triển khai thực hiện nghiêm túc Kế hoạch toàn khóa số 118-KH/ĐU ngày 05/11/2021 của Đảng ủy Tổng cục về thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các Chương trình, Nghị quyết công tác đảng của Đảng ủy Tổng cục THADS.
Hai là, cấp ủy, chi bộ thực hiện nghiêm túc, nền nếp chế độ sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ theo đúng quy định của Điều lệ Đảng; nội dung sinh hoạt chi bộ phải đảm bảo tính lãnh đạo toàn diện trên tất cả các lĩnh vực theo chức năng, nhiệm vụ. Cấp ủy, chi bộ phải chuẩn bị kỹ chương trình, nội dung sinh hoạt chi bộ, nhất là dự thảo báo cáo, phương hướng và nghị quyết chi bộ. Bí thư chi bộ chủ trì, điều hành cuộc họp chi bộ phải thực hiện đầy đủ các nội dung trong chương trình đề ra; nêu rõ mục đích, yêu cầu, nội dung, thời gian sinh hoạt. Nội dung báo cáo trước chi bộ phải rõ ràng, ngắn gọn để dành nhiều thời gian cho phần thảo luận. Cần phát huy dân chủ, lắng nghe ý kiến của đảng viên, gợi ý những nội dung quan trọng để đảng viên tham gia thảo luận, thể hiện chính kiến của mình; biên bản thể hiện đầy đủ nội dung, diễn biến cuộc họp, ý kiến thảo luận của đảng viên và kết luận của chủ trì.
Ba là, trong sinh hoạt chi bộ cần phải giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, điều hành tổ chức sinh hoạt nghiêm túc. Các vấn đề của chi ủy, chi bộ được đưa ra dân chủ thảo luận, mọi đảng viên đều được phát biểu ý kiến, tỏ rõ chính kiến của mình, nhất là công tác quy hoạch, bổ nhiệm, tiếp nhận cán bộ và các nhiệm vụ chuyên môn của cơ quan, đơn vị. Những vấn đề sau khi được bàn bạc dân chủ, biểu quyết theo đa số trở thành nghị quyết của chi bộ, mọi đảng viên phải nói và làm theo nghị quyết.
Bốn là, trong sinh hoạt chi bộ phải chú trọng thực hiện tốt công tác tự phê bình và phê bình trên tinh thần đoàn kết, dân chủ, cầu thị, xem đây là giải pháp quan trọng, hiệu quả để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng; trong đó, tập trung thảo luận, làm rõ trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ của tổ chức đảng và đảng viên; chỉ rõ ưu điểm, hạn chế, khuyết điểm và nguyên nhân để đề ra biện pháp khắc phục; gắn công tác tự phê bình và phê bình với thực hiên Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XIII) về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá"; Quy định số 37-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm...
Thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy đảng trong việc chấp hành chế độ sinh hoạt chi bộ đối với các đảng viên; quan tâm bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ công tác đảng.
Năm là, tăng cường tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề, lựa chọn những vấn đề phù hợp, sát với tình hình của cơ quan, đơn vị để sinh hoạt như về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; về xây dựng củng cố, nâng cao chất lượng tổ chức đảng, đoàn thể; giải pháp phòng, chống, khắc phục, sửa chữa các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong chi bộ… nhằm giáo dục, nâng cao ý thức chính trị và bồi dưỡng kiến thức, tập trung trí tuệ tập thể, đề ra biện pháp lãnh đạo khắc phục kịp thời những mặt còn hạn chế, góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ ở cơ sở./.
[1] Báo cáo số 362/BC-BTP ngày 10/11/2023;
[2] Báo cáo số 23/BC-BTP ngày 12/01/2024;
[3] Báo cáo số 24/BC-BTP ngày 12/01/2024;
[4] Trong các ngày 15, 16 và 17 tháng 11 năm 2022.
[5] Công văn số 3405/TCTHADS - NV3 ngày 26/10/2022
[6] Công văn số 2713/TCTHADS-NV3 ngày 28/7/2023 gửi Cục THADS các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
[7] Báo cáo số 214/BC-TCTHADS ngày 27/6/2023.
[8] Bà Phạm Thị Hồng (Lâm Đồng), DNTN Gia Huyên (Bình Dương).