Hoãn thi hành án dân sự và một số vấn đề pháp lý có liên quan

24/09/2018
Theo Từ điển tiếng Việt “hoãn” là “chuyển thời điểm đã định để làm việc gì đó sang thời điểm khác muộn hơn”. Theo từ điển thuật ngữ pháp lý, “hoãn thi hành án là chuyển thời điểm thi hành bản án, quyết định dân sự đã định sang thời điểm khác muộn hơn”.Việc hoãn thi hành án dân sự  được quy định cụ thể tại Điều 48 Luật thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2014 (gọi tắt là Luật thi hành án dân sự), Điều 14 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP. 


1. Các trường hợp ra quyết định hoãn thi hành án
Theo Điều 48 Luật thi hành án dân sự, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định hoãn thi hành án trong các trường hợp sau đây:
Một là: Người phải thi hành án bị ốm nặng, có xác nhận của cơ sở y tế từ cấp huyện trở lên; bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự theo quyết định của Tòa án mà người phải thi hành án không thể tự mình thực hiện được nghĩa vụ theo bản án, quyết định.
Theo đó, đối với trường hợp người phải thi hành án bị ốm nặng thì phải có xác nhận của cơ sở y tế từ cấp huyện trở lên. Đối với trường hợp người phải thi hành án bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự theo quyết định của tòa án  thì kèm theo quyết định hoãn thi hành án phải có quyết định của tòa án tuyên rõ người phải thi hành án bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự. Đồng thời, nghĩa vụ mà người phải thi hành án thực hiện thuộc loại nghĩa vụ phải tự mình thực hiện, trong trường hợp  nghĩa vụ thi hành án có thể do người khác thực hiện thay thì sẽ không áp dụng căn cứ này để ra quyết định hoãn thi hành án.
Hai là: Chưa xác định được địa chỉ của người phải thi hành án hoặc vì lý do chính đáng khác mà người phải thi hành án không thể tự mình thực hiện được nghĩa vụ theo bản án, quyết định
Theo quy định tại Điều 40 Bộ luật dân sự năm 2015, nơi cư trú của cá nhân là nơi người đó thường xuyên sinh sống, trường hợp không xác định được nơi cư trú của cá nhân theo quy định trên thì nơi cư trú là nơi người đó đang sinh sống. Việc chưa xác định được nơi cư trú của người phải thi hành án thể hiện ở việc người phải thi hành án thực tế không sinh sống, cư trú tại nơi người đó đăng ký, ví dụ, người phải thi hành án chuyển nhà hoặc bỏ đi làm ăn xa hoặc mãn hạn tù không về lại địa phương…mà cơ quan thi hành án chưa xác định được nơi cư trú của họ.
Theo khoản 1 Điều 14 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP,  Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự chỉ ra quyết định hoãn thi hành án theo quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều 48 Luật thi hành án dân sự trong trường hợp người phải thi hành án phải tự mình thực hiện nghĩa vụ theo bản án, quyết định. Do đó, căn cứ chưa xác định được địa chỉ của người phải thi hành án cũng chỉ được áp dụng đối với nghĩa vụ mà người phải thi hành án phải tự mình thực hiện. Trong trường hợp không rõ địa chỉ của người phải thi hành án nhưng người phải thi hành án có tài sản tại địa phương thì tài sản đó vẫn bị xử lý để thi hành án.
Tuy nhiên, Luật thi hành án dân sự chưa làm rõ khái niệm như thế nào là “Vì lý do chính đáng khác mà người phải thi hành án không thể tự mình thực hiện nghĩa vụ theo bản án, quyết định" nên việc áp dụng điều kiện hoãn thi hành án vì lý do trên trong thực tiễn vẫn chưa bảo đảm tính thống nhất.
Ba là: Đương sự đồng ý hoãn thi hành án
Xuất phát từ nguyên tắc tự do thỏa thuận trong pháp luật dân sự, người được thi hành án và người phải thi hành án có quyền thỏa thuận về việc hoãn thi hành án. Về hình thức, việc đồng ý hoãn thi hành án phải lập thành văn bản ghi rõ thời hạn hoãn, có chữ ký của người được thi hành án và người phải thi hành án. Đối với trường hợp này thì trong thời gian hoãn thi hành án thì người phải thi hành án không phải chịu lãi suất chậm thi hành án, trừ trường hợp đương sự có thỏa thuận khác. Nếu đương sự thỏa thuận trong thời gian hoãn thi hành án vẫn phải chịu khoản lãi suất chậm thi hành án thì người phải thi hành án vẫn phải chịu khoản lãi suất này.
Bốn là: Tài sản để thi hành án đã được tòa án thụ lý để giải quyết theo quy định tại Điều 74 và Điều 75 của Luật Thi hành án dân sự; tài sản đã được kê biên theo Điều 90 của Luật Thi hành án dân sự nhưng sau khi giảm giá theo quy định mà giá trị bằng hoặc thấp hơn chi phí và nghĩa vụ được bảo đảm
Đối với căn cứ này, tài sản để thi hành án đã được tòa án thụ lý để giải quyết phải thuộc các trường hợp sau:
(i) Tài sản để thi hành án đã được tòa án thụ lý để giải quyết theo quy định tại Điều 74 Luật Thi hành án dân sự thuộc trường hợp xác định, phân chia, xử lý tài sản chung để thi hành án và Điều 75 Luật Thi hành án dân sự thuộc trường hợp giải quyết tranh chấp, yêu cầu hủy giấy tờ, giao dịch liên quan đến tài sản thi hành án.
(ii)Tài sản để thi hành án thuộc trường hợp tài sản đã được kê biên theo Điều 90 của Luật Thi hành án dân sự nhưng sau khi giảm giá theo quy định mà giá trị bằng hoặc thấp hơn chi phí và nghĩa vụ được bảo đảm. Đây là trường hợp cơ quan thi hành án dân sự đã kê biên tài sản của người phải thi hành án đang cầm cố, thế chấp cho người khác, tài sản này tại thời điểm kê biên tài sản có giá trị lớn hơn nghĩa vụ được bảo đảm và chi phí cưỡng chế thi hành án nhưng sau khi giảm giá, tài sản này lại có giá trị bằng hoặc thấp hơn chi phí và nghĩa vụ được bảo đảm.
Khoản 3 Điều 4 Thông tư liên tịch số 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC  hướng dẫn trong trường hợp kê biên, xử lý tài sản để đảm bảo thi hành án theo quy định tại Điều 90 Luật Thi hành án dân sự mà giá của tài sản sau khi giảm giá không lớn hơn nghĩa vụ phải thi hành và chi phí cưỡng chế thi hành án thì người có thẩm quyền ra quyết định về thi hành án có trách nhiệm ra ngay quyết định thu hồi quyết định cưỡng chế, kê biên, xử lý tài sản theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 37 Luật thi hành án dân sự.
Trong trường hợp đương sự có tài sản khác ngoài trường hợp quy định tại điểm d khoản 1 Điều 48 Luật thi hành án dân sự (thuộc hai trường hợp đã phân tích ở trên) thì cơ quan thi hành án dân sự xử lý tài sản đó để thi hành án mà không ra quyết định hoãn thi hành án.
Năm là: Việc thi hành án đang trong thời hạn cơ quan có thẩm quyền giải thích bản án, quyết định và trả lời kiến nghị của cơ quan thi hành án dân sự theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 170 và khoản 2 Điều 179 Luật thi hành án dân sự Theo khoản 2 Điều 170 Luật thi hành án dân sự, Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án quân sự Trung ương có nhiệm vụ trả lời kiến nghị của cơ quan thi hành án dân sự về việc xem xét lại bản án, quyết định của Tòa án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày nhận được kiến nghị. Khoản 2 Điều 179 Luật thi hành án dân sự quy định về trách nhiệm của cơ quan đã ra bản án, quyết định: có căn bản giải thích những nội dung mà bản án, quyết định tuyên chưa rõ trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu của đương sự hoặc của cơ quan thi  hành  án dân sự. Do đó, trong thời hạn chờ đợi cơ quan cơ quan có thẩm quyền giải thích bản án, quyết định tuyên chưa rõ hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền về việc xem xét lại bản án, quyết định của Tòa án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự  ra quyết định hoãn thi hành án.
Sáu là: Người được nhận tài sản, người được giao nuôi dưỡng đã được thông báo hợp lệ 02 lần về việc nhận tài sản, nhận người được nuôi dưỡng nhưng không đến nhận
Như vậy việc thông báo của trong trường hợp này được thực hiện đúng theo quy định tại các Điều 39, 40,41,42,43 Luật thi hành án dân sự mà người được nhận tài sản, hoặc người được giao nuôi dưỡng đã được thông báo hợp lệ 02 lần về việc nhận tài sản hoặc nhận người được nuôi dưỡng nhưng không đến nhận thì cơ quan thi hành án dân sự sẽ ra quyết định hoãn thi hành án.
Bảy là: Việc chuyển giao quyền và nghĩa vụ thi hành án theo quy định tại Điều 54 của Luật thi hành án dân sự chưa thực hiện được vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan
Theo quy định tại Điều 54 Luật thi hành án dân sự việc chuyển giao quyền và nghĩa vụ thi hành án đối với tổ chức được thực hiện đối với các trường hợp: hợp nhất; sáp nhập; chia, tách; giải thể; phá sản và doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi thành công ty cổ phần. Trường hợp người được thi hành án, người phải thi hành án là cá nhân chết thì quyền, nghĩa vụ thi hành án được chuyển giao cho người khác theo quy định của pháp luật về thừa kế. Theo đó, khi có sự kiện pháp lý làm phát sinh việc chuyển giao quyền, nghĩa vụ thi hành án mà do sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan mà chưa thực hiện được việc chuyển giao quyền, nghĩa vụ thi hành án thì cơ quan thi hành án dân sự sẽ ra quyết định hoãn thi hành án.
Tuy nhiên, hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn về nội dung “sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan” trong trường hợp này. Nếu dẫn chiếu đến quy định về sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan được quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP thì chưa thực sự hợp lý vì đó là trường hợp sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan của việc xác định thời hiệu yêu cầu thi hành án. Do đó, việc hướng dẫn cụ thể hơn về vấn đề này là cần thiết để thuận lợi hơn cho cơ quan thi hành án dân sự trong quá trình áp dụng.
Đối với trường hợp đương sự chết mà chưa xác định được người thừa kế. Tại điểm a khoản 3 Điều 4 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP quy định sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan bao gồm: Đương sự chết mà chưa xác định được người thừa kế. Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 15 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP: Trường hợp chưa xác định được người thừa kế thì cơ quan thi hành án dân sự thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng và niêm yết tại nơi có tài sản, trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có tài sản trong thời gian 03 tháng, kể từ ngày thông báo, niêm yết để người thừa kế biết, liên hệ và thực hiện nghĩa vụ thi hành án của người phải thi hành án để lại; hết thời hạn này mà không có người khai nhận thừa kế thì cơ quan thi hành án dân sự xử lý tài sản để thi hành án. Như vậy, các quy định pháp luật trong trường hợp này chưa có sự thống nhất, nên cơ quan thi hành án dân sự phải hoãn thi hành án hay tiếp tục xử lý tài sản trong trường hợp chưa xác định được người thừa kế? Do đó cũng cần thiết phải có hướng dẫn cụ thể hơn về vấn đề này.
Tám là: Tài sản kê biên không bán được mà người được thi hành án không nhận để thi hành án theo quy định tại khoản 3 Điều 104 của Luật Thi hành án dân sự
Theo quy định tại khoản 2, 3 Điều 104 Luật Thi hành án dân sự, đối với tài sản kê biên, bán đấu giá mà không có người tham gia đấu giá, bán đấu giá không thành thì từ sau lần giảm giá thứ hai trở đi mà không có người tham gia đấu giá, trả giá hoặc bán đấu giá không thành thì người được thi hành án có quyền nhận tài sản để trừ vào số tiền được thi hành án. Nếu người được thi hành án không đồng ý nhận tài sản để thi hành án thì chấp hành viên ra quyết định giảm giá tài sản để tiếp tục bán đấu giá. Nếu giá trị tài sản đã giảm bằng hoặc thấp hơn chi phí cưỡng chế mà người được thi hành án vẫn không nhận để trừ vào tiền được thi hành án thì tài sản được giao lại cho người phải thi hành án quản lý, sử dụng. Đồng thời cơ quan Thi hành án dân sự cũng sẽ ra quyết định hoãn thi hành án đối với việc thi hành án này.
Chín là: Nhận được yêu cầu hoãn thi hành án của những người có thẩm quyền kháng nghị ít nhất 24 giờ trước thời điểm cưỡng chế thi hành án đã được ấn định trong quyết định cưỡng chế
Những người được quyền kháng nghị bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm gồm: Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân tối cao; Chánh án Tòa án quân sự trung ương; Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương; Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao.
Trường hợp cơ quan thi hành án nhận được yêu cầu hoãn thi hành án của người có thẩm quyền kháng nghị ít hơn 24 giờ trước thời điểm cưỡng chế đã được ấn định trong quyết định cưỡng chế thi hành án thì Thủ trưởng cơ quan thi hành dân sự có quyền quyết định hoãn thi hành án khi xét thấy cần thiết. Thời hạn hoãn thi hành án trong trường hợp này là không quá 03 tháng, kể từ ngày ra văn bản yêu cầu hoãn thi hành án và ngày bắt đầu tính thời hạn hoãn là ngày ra văn bản yêu cầu hoãn thi hành án. Trong thời gian hoãn thi hành án thì người phải thi hành án không phải chịu lãi suất chậm thi hành án.
Vấn đề hoãn theo yêu cầu của người có thẩm quyền kháng nghị cũng được quy định tại khoản 1 Điều 332 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015: Người có thẩm quyền kháng nghị bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án có quyền yêu cầu hoãn thi hành bản án, quyết định để xem xét việc kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm. Việc hoãn thi hành bản án, quyết định được thực hiện theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự. Việc hoãn thi hành án cũng được quy định tại Điều 261 Luật Tố tụng hành chính năm 2015: “…Đối với quyết định về phần dân sự trong Bản án, quyết định hành chính của Tòa án thì người có thẩm quyền kháng nghị có quyền yêu cầu cơ quan Thi hành án dân sự hoãn thi hành án theo quy định của pháp luật về Thi hành án dân sự”.
Theo khoản 2, Điều 48 Luật Thi hành án dân sự, đối với trường hợp Cơ quan Thi hành án dân sự đã tiến hành thi hành án được một phần hoặc toàn bộ vụ việc thi hành án thì nhận được yêu cầu hoãn thi hành án của người có thẩm quyền kháng nghị. Cơ quan Thi hành án dân sự phải có văn bản thông báo ngay cho người yêu cầu hoãn thi hành án.
Tại khoản 2, Điều 103 Luật Thi hành án dân sự quy định trường hợp người mua được tài sản bán đấu giá đã nộp đủ tiền mua tài sản bán đấu giá nhưng bản án, quyết định bị kháng nghị, sửa đổi hoặc bị hủy thì cơ quan thi hành án dân sự tiếp tục giao tài sản, kể cả thực hiện việc cưỡng chế thi hành án để giao tài sản cho người mua được tài sản bán đấu giá, trừ trường hợp kết quả bán đấu giá bị hủy theo quy định của pháp luật hoặc đương sự có thỏa thuận khác. Thực tiễn có những trường hợp người mua được tài sản bán đấu giá đã nộp đủ tiền, cơ quan thi hành án chuẩn bị thực hiện cưỡng chế thi hành án để giao tài sản cho người trúng đấu giá thì có yêu cầu hoãn thi hành án của người có thẩm quyền kháng nghị. Trong trường hợp này, cơ quan thi hành án dân sự có được tiếp tục thực hiện cưỡng chế giao tài sản cho người trúng đấu giá không? Nếu hoãn thi hành án thì ảnh hưởng đến quyền lợi của người mua được tài sản bán đấu giá, nếu không hoãn thì vi phạm khoản 2 Điều 48 Luật Thi hành án dân sự . Do vậy, có thể  xem xét  bổ sung thêm quy định tại khoản 2 Điều 48 Luật Thi hành án dân sự trường hợp ngoại lệ theo quy định tại khoản 2 Điều 103 Luật Thi hành án dân sự cho phù hợp, cụ thể: “Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định hoãn thi hành án khi nhận được yêu cầu hoãn thi hành án của những người có thẩm quyền kháng nghị ít nhất 24 giờ trước thời điểm cưỡng chế thi hành án đã được ấn định trong quyết định cưỡng chế, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 103 Luật Thi hành án dân sự
Trong thực tiễn tổ chức thi hành án, việc hoãn thi hành án có ý nghĩa vô cùng quan trọng, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của các đương sự. Do vậy, việc tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các quy định về hoãn thi hành án  là rất cần thiết, đảm bảo tốt nhất quyền và lợi ích của các đương sự.
Ths. Hoàng Thị Thanh Hoa
Chi cục Thi hành án dân sự huyện Phú Xuyên, Hà Nội
1. Viện ngôn ngữ học, Từ điển tiếng Việt, Nxb. Đà Nẵng, Trung tâm từ điển học, 2006, tr. 450.
2. Trường Đại học Luật Hà Nội, từ điển giải thích thuật ngữ luật học, Nxb. Công an nhân dân, 1999, tr. 197.
3. Điều 3 Bộ luật dân sự năm 2015
4. Khoản 2 Điều 14 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP
5. Tổng cục THADS, chuyên đề báo cáo những vướng mắc và dự kiến phương án giải quyết trong việc tổ chức thi hành Luật THADS và các văn bản hướng dẫn thi hành,tài liệu hội thảo tổ chức tại Hải Phòng tháng 6/2018, Tr. 11.
6. Điều 47, Điều 57, Điều 331, Điều 354 BLTTDS năm 2015; Điều 373, Điều 400 BLTTHS năm 2015
7. Chuyên đề: Tổng hợp những khó khăn vướng  mắc trong THADS và kiểm sát THADS, tài liệu hội nghị về công tác THADS và kiểm sát THADS được tổ chức tại Nghệ An, tháng 7/2017, Tr. 86.