Theo đó, trên cơ sở Báo cáo số 244/BC-BTP ngày 11/11/2021 của Bộ Tư pháp về công tác thi hành án hành chính năm 2021, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã có ý kiến chỉ đạo đối với Bộ Tư pháp và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuôc Trug ương liên quan đến công tác thi hành án hành chính cụ thể như sau:
Đối với Bộ Tư pháp:
(1) Tổ chức thực hiện có hiệu quả theo phương hướng, nhiệm vụ và các giải pháp nêu trong Báo cáo số 244/BC-BTP ngày 11/11/2021 của Bộ Tư pháp về công tác thi hành án hành chính để chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế, nâng cao hiệu quả công tác thi hành án hành chính.
(2) Chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan có liên quan trực tiếp kiểm tra một số địa phương có nhiều bản án hành chính chưa thi hành, chậm thi hành; làm rõ nguyên nhân, kiến nghị xử lý trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định tại Nghị định số 71/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ và pháp luật khác có liên quan, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.
Theo đó, phương hướng, nhiệm vụ và các giải pháp được nêu trong Báo cáo số 244/BC-BTP ngày 11/11/2021 của Bộ Tư pháp về công tác thi hành án hành chính bao gồm các nội dung cụ thể như sau:
Về phương hướng, nhiệm vụ: (a) Tập trung hoàn thiện pháp luật về thi hành án hành chính, trong đó: Trên cơ sở kết quả sơ kết 05 năm triển khai thi hành Nghị định số 71/2016/NĐ-CP, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành, hoàn thiện thể chế về báo cáo, thống kê công tác thi hành án hành chính bảo đảm đưa công tác này ngày càng đi vào nề nếp đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về công tác thi hành án hành chính; (b) Chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra để thi hành dứt điểm các bản án hành chính đã có hiệu lực thi hành, nhất là những bản án hành chính đã kéo dài nhiều năm. Hệ thống Thi hành án dân sự theo dõi 100% bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính đã có quyết định buộc thi hành án hành chính của Tòa án; (c) Tổng hợp, thống kê đầy đủ tình hình và kết quả thi hành án hành chính trên phạm vi cả nước nói chung và ở mỗi địa phương nói riêng; thực hiện báo cáo thường kỳ trình Quốc hội về công tác thi hành án.
Về giải pháp: (a) Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Tố tụng hành chính, Nghị định số 71/2016/NĐ-CP và Chỉ thị số 26/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các Bộ, ngành và UBND các cấp trong việc chấp hành, chỉ đạo chấp hành nghiêm pháp luật tố tụng hành chính, thi hành kịp thời, đầy đủ các bản án hành chính đã có hiệu lực pháp luật; (b) Tăng cường công tác phối hợp giữa Chính phủ, Bộ Tư pháp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong quản lý nhà nước về công tác thi hành án hành chính; công tác phối hợp giữa các địa phương và các bộ, ngành có liên quan để tạo sự chuyển biến trong kết quả thi hành án hành chính; (c) Chỉ đạo làm rõ nguyên nhân, đề ra giải pháp bảo đảm thi hành dứt điểm các bản án hành chính tồn đọng kéo dài. Đối với các vụ việc có khó khăn, vướng mắc vượt quá khả năng tháo gỡ ở địa phương, yêu cầu báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xem xét, chỉ đạo; (d) Kịp thời hướng dẫn nghiệp vụ và tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên sâu kỹ năng, nghiệp vụ về công tác theo dõi thi hành án hành chính đối với các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương trong phạm vi cả nước; (đ) Xử lý theo quy định các đơn thư, phản ánh, kiến nghị của người dân liên quan đến công tác thi hành án hành chính. Xem xét, xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị người có thẩm quyền xem xét, xử lý nghiêm trách nhiệm người phải thi hành án không thi hành, thi hành nhưng không đầy đủ hoặc chậm thi hành bản án hành chính; (e) Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác theo dõi, báo cáo, thống kê về thi hành án hành chính, trong đó phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành Thông tư liên tịch thay thế Thông tư liên tịch số 06/2016/TTLT-BTP-VKSNDTC-TANDTC về hướng dẫn phối hợp trong thống kê Thi hành án dân sự, trong đó có các biểu mẫu thống kê mới về công tác theo dõi thi hành án hành chính, đưa công tác theo dõi thi hành án hành chính của Hệ thống Thi hành án dân sự ngày càng đi vào nền nếp.
Hiện nay, Tổng cục Thi hành án dân sự đang tham mưu Bộ Tư pháp triển khai thực hiện các ý kiến chỉ đạo nêu trên của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh.
Đối với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuôc Trug ương:
(1) Tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Luật Tố tụng hành chính năm 2015, Nghị định số 71/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ và Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 15/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ, có các biện pháp chấn chỉnh, khắc phục ngay những tồn tại, hạn chế (nhất là trong việc tổ chức thi hành các bản án đã có hiệu lực pháp luật) để nâng cao hiệu quả công tác thi hành án hành chính.
(2) Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đắk Lắk, Kiên Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Bình Phước, Phú Yên, Quảng Nam tập trung chỉ đạo, khẩn trương thi hành dứt điểm các bản án hành chính đã có hiệu lực thi hành trên địa bàn trong năm 2022; báo cáo kết quả gửi Bộ Tư pháp để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
(3) Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có bản án hành chính đã có hiệu lực từ năm 2020 trở về trước thuộc trách nhiệm thi hành của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đến nay chưa được thi hành xong (Phụ lục số 03, Báo cáo số 244/BC-BTP ngày 11/11/2021 của Bộ Tư pháp) chỉ đạo làm rõ nguyên nhân, xem xét trách nhiệm và xử lý theo quy định đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định tại Nghị định số 71/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ, trừ trường hợp bản án bị hoãn, tạm đình chỉ thi hành; báo cáo kết quả gửi Bộ Tư pháp để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Hiện nay, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có văn bản để triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo nêu trên của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh.
Nguyễn Thanh Nam, Vụ Nghiệp vụ 3, Tổng cục Thi hành án dân sự