Cưỡng chế quản lý và cưỡng chế thi hành đối với tàu thuyền tại Nhật Bản

21/05/2018
1. Cưỡng chế quản lý
Để bắt đầu thủ tục cưỡng chế quản lý, Tòa thi hành án phải ban hành quyết định cưỡng chế quản lý, tuyên bố rõ ràng việc kê biên bất động sản vì người cho vay trong quyết định đó, đồng thời không cho phép người vay thu lợi ích từ bất động sản đó và khi người vay có quyền đòi tiền cho thuê hoặc quyền đòi chia lợi ích khác từ bất động sản đó thì phải ban hành quyết định yêu cầu người có nghĩa vụ chia lợi ích cho người vay  giao tài sản là mục đích của việc chia lợi ích đó cho người quản lý. Việc thu lợi ích nêu trên là hoa lợi sẽ gặt hái được trong tương lai và lợi tức do đã đến kỳ hạn thanh toán hoặc sẽ đến kỳ hạn thanh toán trong tương lai. Quyết định cưỡng chế bắt đầu có hiệu lực phải được gửi cho người vay và người phải chia lợi ích.


Khi có đề nghị cưỡng chế quản lý đối với bất động sản đã có quyết định bắt đầu thực hiện cưỡng chế quản lý hoặc quyết định bắt đầu thi hành thu lợi ích từ bất động sản bảo đảm theo quy định thì Tòa thi hành án vẫn phải tiếp tục ban hành quyết định bắt đầu thực hiện cưỡng chế quản lý.
Thư ký Tòa án khi gửi quyết định bắt đầu thực hiện cưỡng chế quản lý cho người phải chia lợi ích tương ứng, phải công bố rõ ràng nội dung yêu cầu người phải chia lợi ích trình bày về việc có hay không có xử lý kê biên hoặc lệnh kê biên đối với quyền đòi chia lợi ích và những nội dung khác theo quy định tại quy chế Tòa án tối cao trong vòng 2 tuần kể từ ngày gửi quyết định bắt đầu thực hiện.
Khi quyết định bắt đầu thực hiện cưỡng chế quản lý có hiệu lực đối với người phải chia lợi ích theo quy định thì hiệu lực của xử lý kê biên hoặc lệnh kê biên đối với quyền đòi chia lợi ích đã có hiệu lực trước đó sẽ bị đình chỉ. Khi quyết định cưỡng chế quản lý bắt đầu có hiệu lực đối với người phải chia lợi ích theo quy định thì hiệu lực của lệnh tạm kê biên đối với quyền đòi chia lợi ích đã có hiệu lực trước đó sẽ bị đình chỉ.
Tòa thi hành án phải bổ nhiệm người quản lý cùng lúc với việc ra quyết định bắt đầu thực hiện cưỡng chế quản lý. Công ty tín thác (là người được cấp phép theo quy định tại Luật Hoạt động tín thác (Luật số 154 năm 2004), ngân hàng hoặc pháp nhân khác có thể trở thành người quản lý. Người quản lý có thể quản lý cũng như thu lợi ích và quy đổi thành tiền đối với bất động sản đã có quyết định bắt đầu thực hiện cưỡng chế quản lý. Người quản lý phải được người vay đồng ý khi cho thuê bất động sản vượt quá thời hạn quy định. Khi có nhiều người quản lý thì phải cùng nhau thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên, có thể phân công nhiệm vụ cho nhau sau khi được phép của Tòa thi hành án. Khi có nhiều người quản lý, việc bày tỏ ý kiến của người thứ ba là đủ nếu chỉ thực hiện với người đó.
Người quản lý có thể buộc người vay thôi chiếm hữu và chiếm hữu bất động sản.  Người quản lý có thể yêu cầu Chấp hành viên hỗ trợ khi thấy cần phải mở cửa đã khóa theo quy định. Trong trường hợp quyết định bắt đầu thực hiện cưỡng chế quản lý được đưa ra đối với tòa nhà mà người vay đang cư trú, khi người vay không thể nào có được chỗ ở khác thì Tòa thi hành án có thể đưa ra thời hạn ở mức độ cần thiết cho việc cư trú của người vay và người thân chung sống và sinh hoạt cùng với người vay đó, bao gồm cả những người trên thực tế có quan hệ vợ chồng, con nuôi mặc dù không đăng ký kết hôn, nhận con nuôi và cho phép người vay đó sử dụng tòa nhà theo như đề nghị.
Khi người vay gây cản trở cho việc quản lý của người quản lý hoặc khi tình hình thay đổi, Tòa thi hành án có thể hủy hoặc sửa đổi quyết định được đưa ra theo quy định theo như đề nghị. Có thể kháng cáo đối với quyết định thi hành về đề nghị nêu trên.
Khi cuộc sống của người vay trở nên cực kỳ khó khăn do cưỡng chế quản lý, Tòa thi hành án có thể theo đề nghị của người vay, ban hành quyết định yêu cầu người quản lý phân chia một khoản tiền hoặc lợi ích cần thiết tương ứng với mức độ khó khăn đó cho người vay từ khoản lợi ích thu được hoặc số tiền quy đổi thành tiền của bất động sản tương ứng.
Tuy nhiên, người quản lý chịu sự giám sát của Tòa thi hành án. Người quản lý phải có nghĩa vụ chú ý. Người quản lý phải thực hiện nhiệm vụ bằng sự chú ý thích đáng của người quản lý tốt.  Khi người quản lý không thực hiện nhiệm vụ của mình bằng sự chú ý thích đáng nêu trên, người quản lý đó phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại đối với người có liên quan. Người quản lý có thể được nhận tạm ứng chi phí cần thiết để cưỡng chế quản lý và thù lao được Tòa thi hành án quy định. Có thể kháng cáo đối với quyết định thi hành được ban hành theo quy định.
Khi có lý do chính đáng, Tòa thi hành án có thể bãi nhiệm người quản lý theo quyền hạn của mình hoặc theo đề nghị của người có liên quan. Trong trường hợp này, phải thẩm vấn người quản lý đó. Trong trường hợp nhiệm vụ của người quản lý kết thúc, người quản lý hoặc người kế thừa người quản lý đó phải nhanh chóng báo cáo quyết toán cho Tòa thi hành án. Trong trường hợp văn bản nêu trên được đưa ra, có thể tiếp tục thực hiện quyết định cưỡng chế quản lý trong tình huống đó trừ thủ tục phân bổ. Trong trường hợp này, người quản lý phải ký thác số tiền dành cho phân bổ và đăng ký nội dung đó với Tòa thi hành án.
Khi có thể thanh toán toàn bộ phí thi hành và trái quyền của từng người cho vay bằng số tiền đã được ký thác theo quy định, Tòa thi hành án phải hủy thủ tục cưỡng chế quản lý trừ thủ tục phân bổ. Người cho vay có bản chính danh nghĩa trái vụ có hiệu lực thi hành và người cho vay chứng minh được bằng văn bản theo quy định có quyền lưu giữ chung có thể yêu cầu phân bổ đối với Tòa thi hành án. Có thể kháng cáo thi hành đối với quyết định bác bỏ yêu cầu phân bổ.
Số tiền dành cho phân bổ là khoản tiền còn lại sau khi lấy khoản lợi ích sau khi đã phân chia theo quy định hoặc số tiền quy đổi thành tiền đó trừ đi khoán thuế đối với bất động sản, thuế và lệ phí khác, thù lao của người quản lý và các chi phí cần thiết khác. Trường hợp khi không có khả năng phát sinh số tiền dành cho phân bổ, Tòa thi hành án phải hủy thủ tục cưỡng chế quản lý.
Người quản lý phải trả các khoản chi phí quy định, tính toán số tiền dành cho phân bổ theo từng thời hạn được Tòa thi hành án quy định và thực hiện phân bổ số tiền đó.  Trường hợp có một người cho vay hoặc hường hợp có từ hai người cho vay trở lên nhưng có thể thanh toán toàn bộ phí thi hành và trái quyền của từng người cho vay bằng số tiền dành cho phân bổ đó, người quản lý phải giao số tiền thanh toán cho người cho vay và giao số tiền dư còn lại cho người vay. Trừ trường hợp quy định nêu trên, khi có sự thỏa thuận giữa các người cho vay về việc phân bổ số tiền dành cho phân bổ, người quản lý sẽ thực hiện phân bổ theo thỏa thuận đó.
Người cho vay được nhận phân bổ gồm những người sau:
- Người cho vay kê biên thuộc một trong những người nêu dưới đây: (1) Người đã đề nghị cưỡng chế quản lý trước khi hết thời hạn quy định, (2) Người đã đề nghị thi hành thu lợi ích từ bất động sản đã bảo đảm theo quy định để thực hiện quyền lưu giữ chung trước khi hết thời hạn quy định tại, (3) Người đã đề nghị thi hành thu lợi ích từ bất động sản được bảo đảm theo quy định và đề nghị đó được thực hiện căn cứ theo quyền bảo đảm đã được đăng ký trước khi đăng ký kê biên liên quan đến quyết định bắt đầu thực hiện cưỡng chế ban đầu.
- Người cho vay tạm kê biên (chỉ những người đã đề nghị thi hành tạm kê biên theo biện pháp cưỡng chế quản lý trước khi hết thời hạn quy định).
- Người cho vay đã yêu cầu phân bổ trước khi hết thời hạn quy định.
Khi thỏa thuận không thành, người quản lý phải đăng ký nội dung đó với Tòa thi hành án.
Khi có lý do theo quy định liên quan đến trái quyền của người cho vay được nhận phân bổ, người quản lý phải ký thác khoản tiền tương đương với số tiền phân bổ đó và đăng ký nội dung đó với Tòa thi hành án. Trường hợp người cho vay không có mặt để nhận số tiền phân bổ thì người quản lý cũng phải thực hiện tương tự. Tòa thi hành án phải thực hiện phân bổ ngay trong trường hợp có đăng ký được thực hiện theo quy định, phải thực hiện thủ tục phân bổ khi không còn lý do ký thác nữa trong trường hợp có đăng ký được thực hiện theo quy định. Như vậy, khi những người cho vay được thanh toán toàn bộ chi phí thi hành và trái quyền của mình từ số tiền phân bổ, Tòa thi hành án phải hủy thủ tục cưỡng chế quản lý.
2. Cưỡng chế thi hành đối với tàu thuyền
Cưỡng chế thi hành đối với tàu thuyền có tổng trọng tải từ 20 tấn trở lên (trừ xuồng nhỏ hoặc thuyền nhỏ khác hoạt động bằng mái chèo hoặc chủ yếu bằng mái chèo) được thực hiện bằng biện pháp cưỡng chế bán đấu giá. Thi hành tàu thuyền sẽ do Tòa án địa phương nơi quản lý tàu thuyền đó thực hiện, khi quyết định cưỡng chế bán đấu giá bắt đầu có hiệu lực thi hành.
Để bắt đầu thực hiện thủ tục cưỡng chế bán đấu giá, Tòa thi hành án phải ban hành quyết định cưỡng chế bán đấu giá và ban hành quyết định yêu cầu Chấp hành viên thu thập văn bản chứng minh quốc tịch tàu thuyền và các văn bản khác cần thiết cho việc vận hành tàu thuyền (dưới đây gọi chung là “chứng thư quốc tịch tàu thuyền”) và nộp cho Tòa thi hành án. Tuy nhiên, khi chứng thư quốc tịch tàu thuyền đã được thu thập trước khi ra quyết định cưỡng chế bán đấu giá có hiệu lực thì Tòa án không cần ban hành quyết định đối với Chấp hành viên nữa. Trong quyết định cưỡng chế bán đấu giá có hiệu lực, phải tuyên bố rõ nội dung kê biên tàu thuyền vì người cho vay và cấm người vay không được khởi hành tàu thuyền. Khi Chấp hành viên đã thu thập được chứng thư quốc tịch tàu thuyền trước khi đăng ký kê biên hoặc trước khi gửi quyết định cưỡng chế bán đấu giá có hiệu lực thì việc kê biên đó sẽ có hiệu lực khi thu thập chứng thư đó.
Khi việc thi hành tàu thuyền rõ ràng có nguy cơ gặp khó khăn nếu không thu thập được chứng thư quốc tịch tàu thuyền trước khi đề nghị thi hành tàu thuyền, Tòa án địa phương nơi quản lý quốc tịch tàu thuyền đó (nơi do Tòa án tối cao chỉ định khi tàu thuyền không có quốc tịch) có thể ban hành quyết định yêu cầu người vay bàn giao chứng thư quốc tịch tàu thuyền cho Chấp hành viên theo đề nghị. Trong trường hợp cấp bách, Tòa án địa phương nơi quản lý tàu thuyền cũng có thể ban hành quyết định này.
Tòa thi hành án có thể bổ nhiệm người bảo quản đối với tàu thuyền đã có quyết định cưỡng chế bán đấu giá có hiệu lực khi thấy cần thiết theo đề nghị của người cho vay kê biên. Chi phí cần thiết cho việc bảo quản tàu thuyền của người bảo quản nêu trên được coi là chi phí thủ tục.
Trong trường hợp xét thấy cần thiết về mặt kinh doanh hoặc có lý do tương đương khác, đồng thời có sự đồng ý của từng người cho vay và người đăng ký nhận mua giá cao nhất hoặc người nhận mua và người đăng ký nhận mua theo thứ tự thì Tòa thi hành án có thể ra quyết định cho phép người vay vận hành tàu thuyền theo đề nghị của người vay.
Tòa thi hành án có thể chuyển hồ sơ vụ việc cho Tòa án địa phương nơi có thẩm quyền quản lý tàu thuyền trong trường hợp tàu thuyền có quyết định bắt đầu thực hiện các thủ tục cưỡng chế bán đấu giá nằm trong khu vực ngoài phạm vi quản lý của mình. Trường hợp Chấp hành viên không thể thu thập được chứng thư quốc tịch tàu thuyền trong vòng 2 tuần kể từ ngày ra quyết định bắt đầu thực hiện cưỡng chế bán đấu giá, Tòa thi hành án phải hủy thủ tục cưỡng chế bán đấu giá.
                                                                                                            Nguyễn Thế Minh