Tọa đàm: Thực trạng quản lý vật chứng và đăng tải thông tin của người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành

22/03/2016
Ngày 17/3/2016, tại Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự đã phối hợp với Dự án “Hài hòa hóa pháp luật hiện hành và thống nhất áp dụng pháp luật hướng tới năm 2020” (Dự án JICA) tổ chức Tọa đàm “Thực trạng quản lý vật chứng và đăng tải thông tin của người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành”. Ông Mai Lương Khôi, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự và ông Sakai Naoki đồng chủ trì Tọa đàm. Tham dự Tọa đàm có đại diện các đơn vị thuộc Tổng cục; Cục Thi hành án Bộ Quốc phòng; đại diện một số đơn vị thuộc Bộ; Cục Thi hành án dân sự và Chi cục Thi hành án dân sự.

Tại Tọa đàm các đại biểu tham dự và chuyên gia dự án JICA đã tham luận, trao đổi về những khó khăn, vướng mắc trong quản lý vật chứng của các cơ quan thi hành án dân sự và đăng tải thông tin của người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành trên Trang thông tin điện tử về thi hành án dân sự và đưa ra một số kiến nghị.
1. Về quản lý vật chứng: Các ý kiến tham luận thống nhất đây là một trong những vấn đề quan trọng trong quá trình thi hành phần dân sự trong các bản án, quyết định hình sự; việc quản lý, xử lý vật chứng cũng là cơ sở đảm bảo hiệu quả xét xử và kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ của các cơ quan thi hành án dân sự. Tuy nhiên, việc quản lý vật chứng của các cơ quan thi hành án dân sự hiện nay cũng còn những tồn tại, vướng mặc nhất định. Cụ thể như:
- Hiện tại, mặc dù đã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật quy định về trách nhiệm quản lý, xử lý vật chứng của cơ quan thi hành án dân sự và các cơ quan liên quan1 nhưng còn có những quy định không thống nhất, chưa quy định đầy đủ các nội dung cần thiết đối với việc quản lý vật chứng có tính đặc thù của cơ quan thi hành án dân sự (ví dụ như việc bố trí kho, cụm kho hoặc thuê kho; bố trí cán bộ quản lý kho; các thức quản lý từng loại tài sản, vật chứng …) nên đang gây nhiều khó khăn cho việc áp dụng của các cơ quan thi hành án dân sự.
- Theo Điều 6 Nghị định số 18/2002/NĐ-CP ngày 18/02/2002 của Chính phủ đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 70/2013/NĐ-CP quy định “Mỗi cục thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và mỗi Chi cục thi hành án dân sự huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh được tổ chức một kho vật chứng để phục vụ công tác xét xử và thi hành án”, tuy nhiên, hiện tại còn nhiều cơ quan thi hành án dân sự chưa được đầu tư xây kho vật chứng2, phải đi thuê kho, mượn kho để bảo quản vật chứng và không bảo đảm các điều kiện quản lý đối với nhiều loại vật chứng đặc thù (ví dụ như heroin, ma túy; chất độc hại…).
- Công tác bảo quản, quản lý vật chứng còn nhiều hạn chế: một số kho vật chứng có địa điểm xa trụ sở cơ quan thi hành án dân sự, diện tích kho chật hẹp, vật chứng để chung với kho của một số cơ quan khác (công an, tài chính, quản lý thị trường...), nên việc tiếp nhận và xử lý vật chứng còn gặp khó khăn; số lượng tài sản, vật chứng nhiều nên rất dễ bị nhầm lẫn với tài sản, vật chứng của cơ quan khác; việc quản lý, sắp xếp, theo dõi việc xử lý vật chứng chưa được thực hiện bài bản theo quy định, thiếu khoa học…
2. Về đăng tải thông tin của người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành trên trang thông tin điện tử về thi hành án dân sự: Theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự (có hiệu lực từ ngày 01/7/2015); Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ Thông tư số 01/2016/TT-BTP ngày 01/02/2016 của Bộ Tư pháp thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có trách nhiệm đăng tải thông tin của người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành trên Trang thông tin điện tử về thi hành án dân sự của các Cục Thi hành án dân sự tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và tích hợp trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp. Tuy nhiên, thực tiễn đăng tải thông tin của người phải thi hành án cũng còn những tồn tại, khó khăn nhất định. Cụ thể như: thông tin của người phải thi hành án theo số việc chưa có điều kiện thi hành chưa được đăng tải đầy đủ; việc chỉnh sửa, bổ sung thông tin chưa được cập nhật kịp thời; điều kiện nhân lực, kinh phí đảm bảo cho việc đăng tải thông tin còn hạn chế; các cơ quan thi hành án dân sự chưa có phần mềm dùng chung để có thể cập nhật, đăng tải và tích hợp kịp thời thông tin của người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành….
Để khắc phục những tồn tại, khó khăn nêu trên, các đại biểu tham dự Tọa đàm có kiến nghị với Bộ Tư pháp và Tổng cục Thi hành án dân sự một số nội dung cụ thể sau:
- Cần sớm xây dựng Thông tư ban hành Quy chế quản lý kho vật chứng trong hệ thống thi hành án dân sự, theo đó quy định cụ thể về việc tổ chức kho vật chứng của các cơ quan thi hành án dân sự; quy chế quản lý vật chứng, tài sản tạm giữ; trình tự, thủ tục giao nhận vật chứng, tài sản tạm giữ; quy trình, biện pháp xử lý vật chứng, tài sản tạm giữ; trách nhiệm của cơ quan thi hành án dân sự và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan…
- Bộ Tư pháp và Tổng cục Thi hành án dân sự quan tâm đầu tư xây dựng kho vật chứng, cụm kho vật chứng; đảm bảo biên chế quản lý kho vật chứng (thủ kho, bảo vệ kho); bồi dưỡng, tập huấn cho các công chức được giao quản lý kho vật chứng của các cơ quan thi hành án dân sự….
- Bộ Tư pháp và Tổng cục Thi hành án dân sự chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan thi hành án dân sự địa phương phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan tại địa phương rà soát, thống kê và thống nhất biện pháp xử lý các vật chứng, tài sản chưa xử lý, thiếu hụt vì những lý do khác nhau để giảm số lượng việc thi hành án còn tồn đọng do chưa xử lý được vật chứng, tài sản có liên quan.
- Tổng cục Thi hành án dân sự phối hợp với các đơn vị liên quan sớm triển khai xây dựng phần mềm Cơ sở dữ liệu điện tử về thông tin của người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành (đã được phê duyệt theo Quyết định số 152/QĐ-BTP ngày 01/02/2016 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp) và nghiên cứu phân quyền cho các Chi cục Thi hành án dân sự chịu trách nhiệm đăng tải thông tin của người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành nhằm tạo thuận lợi hơn cho các cơ quan thi hành án dân sự trong việc đăng tải, cập nhật, sửa đổi, bổ sung thông tin theo quy định pháp luật.
Trung tâm
 
1 Luật Thi hành án dân sự; Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự; Nghị định số 70/2013/NĐ-CP ngày 02/7/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế quản lý kho vật chứng ban hành kèm theo Nghị định số 18/2002/NĐ-CP ngày 18/02/2002 của Chính phủ; Thông tư 91/2010/TT-BTC ngày 17/6/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn kế toán nghiệp vụ thi hành án…
2 Tính đến hết tháng 9/2015, còn 08 Cục Thi hành án dân sự và 521 Chi cục Thi hành án dân sự chưa được đầu tư xây kho vật chứng.