Thứ trưởng Mai Lương Khôi làm việc với Cơ quan thi hành án Thụy Điển

21/06/2022
Ngày 16/6/2022, Đoàn công tác của Bộ Tư pháp do Thứ trưởng Mai Lương Khôi chủ trì có buổi làm việc với Cơ quan thi hành án Thụy Điển (Kronofogden). Tham dự buổi làm việc về phía Thuỵ Điển có bà Cecilia Hegethoen Mogensen, Trưởng Thi hành án quốc gia cùng các Chấp hành viên đại diện cho một số cơ quan chuyên môn, văn phòng thi hành án khu vực. Hai bên đã thống nhất nguyên tắc về quan hệ hợp tác giữa Tổng cục Thi hành án dân sự Việt Nam và Cơ quan thi hành án quốc gia Thuỵ Điển, đồng thời, chia sẻ nhiều thông tin, kinh nghiệm về hoạt động thi hành án của hai nước.

Ngày 16/6/2022, Đoàn công tác của Bộ Tư pháp do Thứ trưởng Mai Lương Khôi chủ trì có buổi  làm việc với Cơ quan thi hành án Thụy Điển (Kronofogden). Tham dự buổi làm việc về phía Thuỵ Điển có bà Cecilia Hegethoen Mogensen, Trưởng Thi hành án quốc gia cùng các Chấp hành viên đại diện cho một số cơ quan chuyên môn, văn phòng thi hành án khu vực. Hai bên đã thống nhất nguyên tắc về quan hệ hợp tác giữa Tổng cục Thi hành án dân sự Việt Nam và Cơ quan thi hành án quốc gia Thuỵ Điển, đồng thời, chia sẻ nhiều thông tin, kinh nghiệm  về hoạt động thi hành án của hai nước.
Cơ quan Thi hành án quốc gia Thụy Điển là cơ quan thuộc Chính phủ, có trách nhiệm báo cáo thường niên kết quả hoạt động cho Bộ Tài chính, toàn bộ kinh phí hoạt động từ ngân sách nhà nước. Cao nhất là Thi hành án quốc gia, đứng đầu là trưởng Thi hành án. Tương đồng với Tổng cục Thi hành án dân sự của Việt Nam, Thi hành án quốc gia Thụy Điển cũng bao gồm các đơn vị chức năng, như: nghiệp vụ; pháp chế, nhân sự; quản trị... Dưới Thi hành án quốc gia Thụy Điển, là 32 Văn phòng Thi hành án khu vực, với 2300 nhân viên. Các cơ quan thi hành án khu vực không phụ thuộc đơn vị hành chính mà do nhu cầu của người dân. Đây cũng là lý do mà phần lớn Cơ quan Thi hành án khu vực đều tập trung ở miền nam Thuỵ Điển. Người đứng đầu Cơ quan Thi hành án quốc gia là Tổng chấp hành viên, có thẩm quyền rất cao trong thi hành án, quyết định nhiều vấn đề quan trọng, kể cả quyết định Chấp hành viên cần làm những việc gì trong vụ việc thi hành án cụ thể.
Về chức năng nhiệm vụ, Thi hành án quốc gia Thụy Điển có các chức năng gắn liền với cơ cấu tổ chức như hướng dẫn nghiệp vụ; quản lý nhân sự, tài chính; thi hành những vụ việc đặc biệt; hợp tác quốc tế; thông tin truyền thông, phòng chống tham nhũng, tiêu cực...Thụy Điển được biết đến là đất nước phòng chống tham nhũng hiệu quả và cơ quan thi hành án cũng được Chính phủ đầu tư nguồn lực riêng cho hoạt động này.
Cơ quan Thi hành án Thuỵ Điển có nhiệm vụ chủ yếu là trực tiếp thi hành các bản án có hiệu lực pháp luật. Bên cạnh đó, còn thực hiện các yêu cầu thông bào đòi nợ khi chưa có  bản án, với thủ tục mang tính chất thông báo và khuyến khích tự nguyện giải quyết, bảo đảm hài hoà lợi ích giữa hai bên trước khi buộc phải đưa nhau ra toà án. Về bản chất, hoạt động này nhằm mục đích để bên bị nợ biết rõ nghĩa vụ của mình và tự nguyện thực hiện nghĩa vụ trả nợ, góp phần giảm vụ việc đưa ra tòa án, quan trọng hơn là góp phần xây dựng một xã hội hài hòa, thân thiện.
Về thủ tục thi hành các bản án đã có hiệu lực pháp luật, sau khi Thi hành án gửi thông báo, bên phải thi hành án  có 2 tuần để tự nguyện thi hành, hết thời gian tự nguyện sẽ bị điều tra tài sản (xác minh điều kiện thi hành án). Việc điều tra tài sản thực hiện thông qua cơ quan thuế, ngân hàng, cơ quan sử dụng lao động... Chấp hành viên có quyền tìm hiểu thông tin qua truy cập dữ liệu về thuế, thu nhập, bất động sản...của  bên phải thi hành án trên tất cả các phương tiện, có quyền vào nhà để điều tra tài sản... Khi các biện pháp xử lý tài sản khác (tiền, thu nhập, tài sản là động sản) không khả thi thì biện pháp cuối cùng là xử lý bất động sản. Các hoạt động này đều do chấp hành viên thực hiện, kể cả việc bán đấu giá bất động sản.
Các đồng nghiệp Thuỵ Điển có chia sẽ một nguyên tắc quan trong trong thi hành án ở Thụy Điển là đảm bảo sự hài hòa quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, điều này có nghĩa là  quá trình thi hành án được giải quyết công bằng, khách quan, đưa ra biện pháp thi hành phù hợp nhất, tạo sự hài lòng, đồng thuận cho bên được thi hành án và đảm bảo cuộc sống ổn định, cơ bản cho bên phải thi hành án. Tạo được sự hài hoà lợi ích của các bên để góp phần xây dựng xã hội mà ở đó nhiều hoạt động được vận hành trên cơ sở "niềm tin", niềm tin giữa các công dân với nhau, niềm tin giữa công dân với cơ quan nhà nước, và niềm tin giữa các cơ quan nhà nước với nhau.
Để phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực trong thi hành án, Thụy Điển có một số quy định cụ thể đối với hoạt động thi hành án, Chấp hành viên, như: các khiếu nại về thi hành án có thể được một cơ quan của Quốc hội xem xét, giám sát; có thể bị đưa ra toà án giải quyết; các nguyên tắc chuẩn mực đối với công chức nói chung và Chấp hành viên nói riêng (phục vụ nhân dân, tuân thủ pháp luật, khách quan, hiệu quả...).
Về công tác đào tạo, Chấp hành viên phải có bằng luật, được đào tạo cơ bản 1 năm, thực tập ở Tòa án 2 năm trước khi chính thức làm việc cho cơ quan thi hành án. Các hoạt động bồi dưỡng nghiệp vụ cho Chấp hành viên rất được Cơ quan Thi hành án quốc gia quan tâm, thực hiện thường xuyên với nhiều hình thức khác nhau.
Đối với những vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng hoặc tội phạm có tổ chức, tại TĐ có Ban hợp tác chống tội phạm, có sự tham gia của nhiều các cơ quan chức năng, với sự chủ trì của cơ quan điều tra, bao gồm cơ quan công tố, thuế, hải quan, thi hành án  và những cơ quan liên quan khác (thanh tra y tế, thanh tra nhà đất...). Hoạt động này nhằm huy động nguồn lực và phối hợp chặt chẽ từ phát hiện, điều tra, truy tố tội phạm đến ngăn chặn tẩu tán tài sản.  Trong vai trò thành viên của Ban này, cơ quan  thi hành án tham gia, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả  với các cơ quan điều tra, xử lý tội phạm ngay từ các giai đoạn tố tụng.
Như vậy, có thể thấy hoạt động  thi hành án ở Thuỵ Điển có nhiều điểm tương đồng với công tác Thi hành án tại Việt Nam hiện nay, do đó sự hợp tác giữa Tổng cục Thi hành án dân sự Việt Nam & Cơ quan thi hành án quốc gia Thụy Điển nếu được thực hiện, tăng cường sẽ có nhiều thuận lợi và mang đến hiệu quả thiết thực cho cả hai phía. Các vấn đề về đào tạo, bồi dưỡng cho Chấp hành viên, về nghiệp vụ  thi hành án, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động  thi hành án cần được được tiếp tục hợp tác, trao đổi, chia sẽ trong thời gian tới.


Các tin khác