Theo quyết định nói trên, tiêu chuẩn để bổ nhiệm thừa phát lại phải là công dân Việt Nam có sức khỏe, có phẩm chất đạo đức tốt; có trình độ cử nhân luật; đã công tác trong ngành pháp luật trên 5 năm hoặc đã từng là Thẩm phán, kiểm sát viên, chấp hành viên, công chứng viên, trọng tài viên, điều tra viên, luật sư; đã qua lớp tập huấn về thừa phát lại do Bộ Tư pháp tổ chức. Thừa phát lại không kiêm nhiệm các công việc khác, Bộ trưởng Bộ Tư pháp sẽ bổ nhiệm thừa phát lại.
Thừa phát lại hành nghề thông qua Văn phòng thừa phát lại. Văn phòng thừa phát lại do thừa phát lại thành lập. Văn phòng do một thừa phát lại thành lập được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân. Văn phòng do hai thừa phát lại trở lên thành lập được tổ chức và hoạt động theo loại hình công ty hợp danh. Người đại diện theo pháp luật của Văn phòng Thừa phát lại là Trưởng Văn phòng. Trưởng văn phòng Thừa phát lại phải là thừa phát lại. Văn phòng có con dấu, tài khoản riêng, hoạt động theo nguyên tắc tự chủ về tài chính.
Các điều kiện mở văn phòng ngoài điều kiện có địa điểm, diện tích, trang thiết bị, nhân viên (đặc biệt bắt buộc phải có kế toán), thì Văn phòng thừa phát lại phải ký quỹ 100 triệu đồng hoặc có bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp.
Cũng theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Thừa phát lại sẽ thực hiện các công việc: xác minh điều kiện thi hành án và trực tiếp thi hành bản án, quyết định theo yêu cầu của đương sự; tống đạt giấy tờ của Tòa án và của cơ quan Thi hành án dân sự cho đương sự; lập vi bằng có giá trị chứng cứ chứng minh trong xét xử và các công việc khác theo quy định của pháp luật.
Thừa phát lại được phê duyệt và triển khai góp phần thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về xã hội hóa một số hoạt động hành chính, tư pháp.
Đông Bình