Công tác thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ngãi năm 2008

21/11/2008

Thực hiện Quyết định số 49/QĐ-BTP ngày 16/01/2008 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc ban hành chương trình công tác trọng tâm của ngành Tư pháp trong lĩnh vực Thi hành án dân sự năm 2008. Ngay từ đầu năm, Giám đốc Sở Tư pháp chỉ đạo các cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ngãi đồng loạt triển khai nhiều chương trình công tác, lập kế hoạch phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng Chấp hành viên, cán bộ công chức tập trung giải quyết dứt điểm nhiều vụ án khó, tiếp tục xây dựng, củng cố kiện toàn đội ngũ cán bộ, Chấp hành viên tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác Thi hành án dân sự  toàn tỉnh. Chính vì vậy, năm 2008 các cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ngãi đạt được những kết quả cụ thể sau:



I. Công tác tổ chức cán bộ và cơ sở vật chất:

                1. Công tác tổ chức cán bộ:

 Số lượng cán bộ, công chức của các cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ngãi hiện có 119/139 biên chế đđược phân bổ năm 2007; trong đó có 45 Chấp hành viên (kể cả Trưởng, Phó trưởng Thi hành án), có 07 đồng chí Cử nhân và Cao cấp lý luận chính trị, 11 đồng chí Trung cấp chính trị, 02 đồng chí Trung cấp quản lý Nhà nước. Để kiện toàn về công tác tổ chức và nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức, Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ngãi tham mưu cho Giám đốc Sở Tư pháp tổ chức thi tuyển công chức đối với 05 trường hợp và hiện đang hợp đồng thử việc 03 trường hợp để tuyển dụng vào các cơ quan Thi hành án dân sự; Điều động, luân chuyển 06 trường hợp; đồng thời đề xuất cho Giám đốc Sở Tư pháp tiến hành lập hồ sơ trình Hội đồng tuyển chọn Chấp hành viên xem xét đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm lại 03 Chấp hành viên  để bổ sung cho các cơ quan Thi hành án dân sự cấp huyện; thực hiện việc nâng lương thường xuyên 16 trường hợp, nâng lương trước thời hạn cho 06 cán bộ, công chức kịp thời đúng quy định; cử 06 cán bộ, công chức đi học lớp đào tạo nguồn Chấp hành viên khoá VII do Học viện Tư pháp tổ chức và cử cán bộ, công chức theo học các lớp Cử nhân, Cao cấp, Trung cấp lý luận chính trị và Quản lý Nhà nước (riêng năm 2008, Giám đốc Sở Tư pháp cử 03 Chấp hành viên thuộc các cơ quan Thi hành án dân sự đi học lớp Cao cấp lý luận chính trị và 12 cán bộ, công chức học lớp Quản lý nhà nước). Đồng thời, tiếp tục triển khai tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án quy hoạch cán bộ, công chức cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ngãi đã được Giám đốc Sở Tư pháp phê duyệt tại Quyết định số 39/QĐ-ST ngày 18/5/2007 và Quyết định số 1277/QĐ-BTP ngày 09/7/2007 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành danh mục các vị trí công tác phải thực hiện định kỳ chuyển đổi trong các lĩnh vực chuyên môn thuộc quyền quản lý của Bộ Tư pháp.

Từ nhiều năm nay Thi hành án dân sự tỉnh đã tham mưu Giám đốc Sở Tư pháp xây dựng kế hoạch tổ chức cho tập trung bồi dưỡng, tập huấn để không ngừng nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho lực lượng cán bộ, Chấp hành viên trong toàn tỉnh. Đến nay đã xây dựng các cơ quan Thi hành án dân sự của tỉnh Quảng Ngãi thành những tập thể đoàn kết và có năng lực trong công tác, đủ khả năng hoàn thành nhiệm vụ.

                Hiện tại 14 cơ quan Thi hành án dân sự huyện, thành phố tỉnh Quảng Ngãi  đều có Trưởng thi hành án và có từ 02 Chấp hành viên trở lên, đảm bảo năng lực hoạt động của các cơ quan Thi hành án. Tuy nhiên, công tác tiếp nhận tuyển dụng cán bộ Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ngãi đang gặp nhiều khó khăn, đến nay số lượng công chức cần tuyển dụng vẫn chưa đủ số lượng biên chế mà Bộ Tư pháp phân bổ do các nguyên nhân chủ yếu sau:

                - Yêu cầu tuyển dụng là cử nhân luật hệ chính quy, trong khi số lượng cử nhân luật hệ chính quy ra trường trở về địa phương công tác ít, chủ yếu ở lại thành phố lớn nơi có chính sách ưu đãi cao.

                - Thi hành án dân sự là công việc đặc thù, thường gặp nhiều rủi ro và đụng chạm đến nhiều người thuộc mọi tầng lớp, thành phần xã hội… trong khi các chính sách ưu đãi chưa được thực hiện. Do đó chưa thực sự thu hút được những người đã tốt nghiệp đại học luật đến xin việc.

                - Trong năm 2008, Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ngãi có 03 công chức xin thôi việc để làm công tác ngành khác.

                2. Cơ sở vật chất:

                Các cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ngãi đã được Bộ Tư pháp đầu tư xây dựng trụ sở làm việc, mua sắm thiết bị phục vụ…, đến nay trong toàn tỉnh Quảng Ngãi đã xây dựng xong và đưa vào sử dụng trụ sở làm việc của 14/14 cơ quan Thi hành án dân sự cấp huyện. Riêng trụ sở làm việc cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ngãi đang xây dựng và dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2008.

                - Hiện nay, kho vật chứng của các cơ quan Thi hành án dân sự chưa được xây dựng, do đó việc bảo quản vật chứng chưa được đảm bảo, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động chung của các cơ quan Thi hành án dân sự.

                - Đối với địa phương như Quảng Ngãi gồm 14 huyện, thành phố, trong đó 07 huyện miền núi và hải đảo, địa bàn đi lại khó khăn, nhưng nhiều năm nay Bộ Tư pháp không cấp xe mô tô cho  Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ngãi, phần nào ảnh hưởng đến kết quả hoạt động Thi hành án dân sự.

                II. Công tác thi hành án:

Thực hiện Quyết định số 49/QĐ-BTP ngày 16/01/2008 của Bộ Trưởng Bộ Tư pháp về việc ban hành Chương trình công tác trọng tâm của ngành Tư pháp trong lĩnh vực Thi hành án dân sự năm 2008; đồng thời để tập trung giải quyết một cách có căn bản số việc thi hành án dân sự tồn đọng và mới thụ lý nhằm hướng đến mục tiêu thi hành xong hoàn toàn đạt 75% về việc và 55% về tiền trong tổng số việc và tiền có điều kiện thi hành theo chỉ tiêu của Bộ Tư pháp đề ra; Phấn đấu giải quyết giảm án tồn đọng từ 10% đến 15% số lượng việc so với năm 2007. Ngay từ đầu năm, Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ngãi đã triển khai tổng rà soát án đang tổ chức thi hành và xây dựng kế hoạch giải quyết án tồn đọng và án mới thụ lý năm 2008. Trên cơ sở đó, Trưởng Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu Trưởng Phòng Nghiệp vụ và tổ chức thi hành án – Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ngãi; Trưởng Thi hành án dân sự các huyện, thành phố thuộc tỉnh chỉ đạo cho Chấp hành viên thuộc đơn vị mình tiến hành tổng rà soát tất cả án đang tổ chức thi hành, xác định việc tồn đọng, phân tích nguyên nhân, nhất là những vụ việc có điều kiện thi hành nhưng chưa thi hành được; xây dựng kế hoạch và các giải pháp để tham mưu cho Trưởng Thi hành án dân sự tỉnh tập trung chỉ đạo giải quyết có hiệu quả các việc thi hành án tồn đọng; đồng thời, phát động phong trào thi đua tổ chức thi hành án trong các đợt cao điểm mừng Ngày Thống Nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc khánh (2/9) và Ngày Truyền thống Ngành Tư pháp Việt Nam… Chính từ những hoạt động thiết thực đó, năm 2008 các cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức thi hành đạt kết quả như sau:

                * Kết quả thi hành án về việc:

                - Tổng số việc thụ lý:                                                           5.476      việc

                Trong đó:

                + Số việc năm trước chuyển sang:                 2.505      việc

                + Số việc thụ lý mới:                                                            2.971      việc

                - Số việc uỷ thác:                                                                  101 việc

                - Số việc phải thi hành:                                                       5.375      việc

                Trong đó:

                + Số việc có điều kiện thi hành:                                        3.958 việc

+ Số việc thi hành xong :                                                   3.061 việc

+ Số việc xong hoàn toàn:                                  2625 việc

                + Số việc thi hành đều:                                                       349 việc

+ Số việc đình chỉ:                                                                              87 việc

                + Số việc đang giải quyết:                                  897 việc

+ Số việc thi hành dở dang:                                               531 việc

                + Số việc chưa thi hành:                                                     366 việc

                - Số việc chưa có điều kiện thi hành:                               1417 việc

                Trong đó:

                + Số việc hoãn:                                                                    141 việc

                + Số việc tạm đình chỉ:                                                       01 việc

                + Số việc trả đơn:                                                                                 134 việc

                + Lý do khác:                                                                        1141 việc

                Tỷ lệ thi hành xong/có điều kiện thi hành:       74 %

                Tỷ lệ có ĐK /Số phải thi hành:                                           77%

                * Kết quả thi hành án về tiền:

                - Tổng số tiền thụ lý:                                                            130.517256.000 đồng

                Trong đó:

                + Số tiền năm trước chuyển sang:                   76.763.159.000 đồng

                + Số tiền thụ lý mới:                                                            53.754.097.000 đồng

                - Số tiền uỷ thác:                                                                  5.570.932.000 đồng

                - Số phải thi hành:                                                                               124.946.324.000 đồng

                - Số tiền có điều kiện thi hành:                                         55.429.081.000 đồng

                Trong đó:

                + Số thi hành xong:                                                             31.244.913.000 đồng

                + Số tiền miễn, giảm:                                                         56.565.000  đồng

                + Số tiền đình chỉ thi hành:                                                5.283.083.000 đồng

                + Số tiền chưa thi hành:                                                     18.844.520.000 đồng

                - Số tiền chưa có điều kiện thi hành:                               69.517.243.000 đồng

                Trong đó:

                + Số tiền hoãn:                                                                     1.308.321.000 đồng

                + Số tiền tạm đình chỉ:                                                        0 đồng

                + Số tiền trả đơn:                                                                                 11.105.913.000 đồng

                + Lý do khác:                                                                        57.103.009.000 đồng

                Tỷ lệ có điều kiện/số phải thi hành:                                 44%

                Tỷ lệ thi hành xong/có ĐK thi hành:                  56%

                Nhìn chung, năm 2008 số việc và số tiền phải thi hành án tăng nhiều hơn so với năm 2007. Được sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự từ tỉnh đến huyện, thành phố, cùng với sự nỗ lực phấn đấu của cán bộ, công chức các cơ quan Thi hành án dân sự nên kết quả đạt được đáng khích lệ. Tuy nhiên vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc như sau:

                - Số án (việc và tiền) chưa giải quyết được vẫn còn nhiều, chủ yếu là án khó, án chưa có điều kiện thi hành do người phải thi hành án đang thụ hình hoặc thụ hình xong về đi khỏi địa phương không rõ địa chỉ, không có tài sản để thi hành án; Bên phải thi hành án là các cơ quan nhà nước, hợp tác xã nông nghiệp và các doanh nghiệp bị phá sản như: Xí nghiệp đông lạnh Sa Huỳnh, Công ty Dầu thực vật, HTX Nông nghiệp Nghĩa Điền. Đồng thời những quy định của pháp luật về xử lý án tồn đọng như: việc xét miễn giảm án phí, tiền phạt; hỗ trợ tài chính để thi hành án còn chưa cụ thể, liên quan đến quá nhiều cơ quan, do vậy gây khó khăn một phần cho việc áp dụng.

                - Nhiều trường hợp người phải thi hành án đang ở địa phương, nghĩa vụ (tiền) phải thi hành quá lớn, không có tài sản để thi hành hoặc có tài sản nhưng tài sản thuộc diện đang tranh chấp và có giá trị thấp so với nghĩa vụ phải thi hành; Vì vậy, khi cơ quan Thi hành án lên phương án áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án thì xét thấy giá trị tài sản chưa đủ cho chi phí tiến hành cưỡng chế, không giải quyết được số tiền phải thi hành án nên không tiến hành xử lý được.

                - Có trường hợp khi xét xử, Toà vẫn biết đương sự không còn tài sản để thực hiện bản án nhưng vẫn tuyên phạt số tiền phải thi hành án quá lớn, dẫn đến nhiều vụ án không thi hành được, như vụ: Huỳnh Viện số tiền 13 tỷ đồng, Bùi Đức Tín số tiền 01 tỷ đồng, Võ Văn Tiến – Lê Thị Cẩm Ba hơn 02 tỷ đồng… và có trường hợp trong quá trình xét xử không kê biên tài sản nên đương sự đã tẩu tán hoặc chuyển dịch quyền sở hữu, do đó cơ quan Thi hành án dân sự gặp khó khăn trong việc áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản.

                - Phần lớn loại án tranh chấp dân sự khi đã có hiệu lực pháp luật được đưa ra tổ chức thi hành đều bị người phải thi hành án chống đối hoặc gửi đơn khiếu nại đến nhiều cấp chính quyền và Tòa án cũng như Viện kiểm sát kêu oan, phản đối việc xét xử của Toà án, khiếu nại yêu cầu xét xử lại theo trình tự giám đốc thẩm hoặc tái thẩm; đồng thời Toà án nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nhận  đơn khiếu nại xin xét xử giám đốc thẩm hoặc tái thẩm lại bản án của đương sự, nhưng chậm xem xét hoặc không giải quyết, hơn nữa đương sự (người phải thi hành án) dựa vào giấy trả lời nhận đơn của các cơ quan Trung ương, nên cương quyết chống đối không tự nguyện thi hành gây khó khăn cho Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự các cấp và cơ quan Thi hành án trong việc tổ chức thi hành bản án đã có hiệu lực pháp luật.

                - Việc phối hợp  trong công tác thi hành án dân sự ở một số địa phương sự phối hợp giữa các cơ quan Ban,  ngành, tổ chức với cơ quan Thi hành án dân sự chưa được đồng bộ và kịp thời, nhất là sự phối hợp trong việc xác minh điều kiện thi hành án và xác định nơi ở để trực tiếp làm việc, giải quyết thi hành án.

                - Theo quy định tại Thông tư liên tịch số 02/2005/TTLT/TANDTC-VKSNDTC-BTP-BCA-BTC ngày 17/6/2005 của liên ngành Toà án nhân dân tối cao - Viện kiểm sát nhân dân tối cao - Bộ Tư pháp - Bộ Công an- Bộ Tài chính hướng dẫn về việc miễn, giảm thi hành án đối với khoản tiền phạt, án phí nhưng chưa quy định về miễn, giảm các khoản tiền sung công quỹ nhà nước; đồng thời nhiều việc thi hành án về án phí, tiền phạt chưa đủ thời gian làm thủ tục xét miễn, giảm nên chưa giải quyết được nhiều số lượng án tồn đọng

- Sau khi Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 2004 có hiệu lực thi hành, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 164/2004/NĐ-CP ngày 14/9/2004 của Chính phủ về kê biên, đấu giá quyền sử dụng đất để bảo đảm thi hành án đã mở ra một hướng mới cho quá trình giải quyết án, góp phần nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự. Tuy nhiên với đặc thù ở địa phương như Quảng Ngãi, trong quá trình áp dụng các cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ngãi vẫn còn gặp nhiều khó khăn, bất cập như: Người phải thi hành án có  nhà, đất là tài sản duy nhất, nằm ở vùng nông thôn, khi cơ quan Thi hành án áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản nhiều lần thông báo bán không có người mua và người được thi hành án cũng không nhận để khấu trừ tiền thi hành án. Đồng thời có trường hợp nhà, đất Chấp hành viên chưa áp dụng biện pháp cưỡng chế để đảm bảo thi hành án được do khi tiến hành cưỡng chế kê biên sẽ ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị tại địa phương vì ở nông thôn không có nhà cho thuê và UBND cấp xã cũng không có đất để cấp cho đương sự bị cưỡng chế  làm chỗ ở mới.

- Một số việc thi hành án, những người phải thi hành án có nghĩa vụ liên đới chịu trách nhiệm (có chia phần cụ thể) nhưng khi một người trong số đó có điều kiện thi hành xong phần của mình, trong khi phần của người khác (người chưa có điều kiện) chưa thi hành xong nhưng người có điều kiện không thi hành phần còn lại, mặc dù Chấp hành viên đã giải thích rõ về quyền và nghĩa vụ của người phải thi hành án có điều kiện thi hành; đồng thời khi áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản của người có điều kiện thì không nhận được sự phối hợp của các cơ quan, ban, ngành có liên quan vì họ cho rằng Luật quy định chưa rõ về vấn đề này .

III. Kiến nghị và phương hướng:

1. Kiến nghị:

- Hiện nay trong toàn tỉnh Quảng Ngãi, các cơ quan Thi hành án dân sự chưa có kho vật chứng, do đó chưa bảo đảm cho việc bảo quản vật chứng, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động chung của các cơ quan Thi hành án dân sự, do vậy kính đề nghị Bộ Tư pháp cho chủ trương xây dựng và cấp kinh phí cho các cơ quan Thi hành án dân sự để xây dựng.

- Cần có chủ trương cấp kinh phí để trang bị xe mô tô cho cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh để đảm bảo thực hiện công tác thi hành án ở cơ sở.

- Thi hành án dân sự là một công việc khó, phức tạp, chịu nhiều rủi ro, đụng chạm đến nhiều người … Do vậy Bộ Tư pháp cần xem xét và tăng cường các chế độ chính sách cũng như kinh phí đào tạo, bồi dưỡng và kinh phí hoạt động cho các cán bộ, Chấp hành viên làm công tác thi hành án.

- Để thực sự thu hút được những người đã tốt nghiệp đại học luật chính qui về công tác tại các cơ quan Thi hành án dân sự ở địa phương, đề nghị Bộ Tư pháp cần có chế độ, chính sách phù hợp như hỗ trợ tiền chi phí đào tạo, tạo chỗ ở ổn định cho cán bộ, công chức đến nhận công tác tại các huyện miền núi, hải đảo.

- Bộ Tư pháp cần có hướng dẫn cụ thể về quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo cho các cơ quan Thi hành án dân sự để áp dụng thống nhất chung trong toàn quốc.

- Tránh tình trạng đùn đẩy, trốn tránh trách nhiệm trong việc phối hợp, nhằm giúp cho hoạt động thi hành án dân sự đạt được hiệu quả, cần phải ban hành quy chế phối hợp thi hành án dân sự, trong đó quy định rõ về chức năng, nhiệm  vụ, quyền hạn và trách nhiệm cho các cơ quan hữu quan khi tổ chức thực hiện. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện dự án Bộ luật thi hành án dân sự nhằm tạo căn cứ pháp lý cho mô hình tổ chức thi hành án mới nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

2. Phương hướng năm 2009:

- Tranh thủ sự chỉ đạo của Bộ Tư pháp, Uỷ ban nhân dân tỉnh và Giám đốc Sở Tư pháp tiếp tục kiện toàn về tổ chức cán bộ, về cơ sở vật chất, về chỉ đạo giải quyết án khó, án tồn đọng nhằm đẩy mạnh công tác thi hành án dân sự trong toàn tỉnh đạt kết quả cao hơn.

- Thực hiện có hiệu quả chỉ thị số 21/2008/CT-TTg ngày 01/7/2008 của Thủ tướng chính phủ về việc tiếp tục tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự.

- Chuẩn bị nội dung kế hoạch khi Bộ luật Thi hành án dân sự được Quốc hội thông qua nhanh chóng triển khai tránh bị động, lúng túng khi áp dụng.

- Tiếp tục xây dựng và củng cố về tổ chức cán bộ, bổ sung đội ngũ cán bộ công chức đảm bảo về chất lượng theo tiêu chuẩn quy định và đủ theo số lượng chỉ tiêu biên chế Bộ Tư pháp phân bổ, chú ý củng cố các Cơ quan Thi hành án dân sự trong tỉnh còn yếu, tiếp tục tuyển dụng để bổ sung biên chế, đào tạo nguồn cán bộ đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng. Tập trung rà soát đối với những cán bộ, công chức đã tốt nghiệp chương trình đào tạo nghiệp vụ thi hành án và đủ các điều kiện được bổ nhiệm Chấp hành viên để tham mưu cho Giám đốc Sở Tư pháp tiến hành làm thủ tục hồ sơ để trình ra Hội đồng tuyển chọn Chấp hành viên xem xét đề nghị Bộ Tư pháp bổ nhiệm. Đồng thời hoàn tất hồ sơ đối với các trường hợp thuộc diện bổ nhiệm lại trình ra Hội đồng tuyển chọn Chấp hành viên xem xét đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm lại vào năm 2009; Tiến hành lập hồ sơ đề nghị Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự - Bộ Tư pháp bổ nhiệm chức danh Thẩm tra viên, Thẩm tra viên chính cho các cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ngãi; Tiếp tục tham mưu Giám đốc Sở Tư pháp quyết định điều động, luân chuyển Chấp hành viên theo Quyết định số 1277/QĐ-BTP ngày 09/7/2007 của Bộ Trưởng Bộ Tư pháp ban hành danh mục các vị trí công tác phải thực hiện định kỳ chuyển đổi trong các lĩnh vực chuyên môn thuộc quyền quản lý của Bộ Tư pháp.

- Tiếp tục thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, công tác thi đua, khen thưởng, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về thi hành án dân sự và thực hiện cải cách Tư pháp, cải cách hành chính trong hoạt động Thi hành án.

- Tăng cường và nâng cao vị trí, vai trò trong hoạt động chỉ đạo của Thi hành án dân sự tỉnh đối với Thi hành án dân sự các huyện, thành phố.

- Quán triệt cho cán bộ, chấp hành viên các Cơ quan Thi hành án dân sự trong toàn tỉnh phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, bám sát chỉ tiêu, đồng thời áp dụng các biện pháp như: động viên, thuyết phục, người phải thi hành án để họ tự nguyện thi hành án và kiên quyết cưỡng chế đối với các trường hợp có điều kiện thi hành án nhưng không tự nguyện thi hành, cố tình chây ỳ, chống đối.

                Trên đây là báo cáo công tác thi hành án dân sự năm 2008 và phương hướng năm 2009 của các cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ngãi; Thi hành án dân sự tỉnh Quảng Ngãi kính báo cáo Cục Thi hành án dân sự biết, chỉ đạo./.

Văn Xông – Huy Ân