Việc thi hành án dân sự và việc thi hành án dân sự tồn đọng, hai cụm từ này trong từ điển tiếng việt cũng như các văn bản pháp luật về thi hành án dân sự chưa có khái niệm chính thức; song theo qui định của pháp luật về thi hành án dân sự hiện hành và ngữ pháp tiếng việt, cho thấy:
Theo ngữ pháp tiếng việt thì cụm từ “thi hành” là một động từ để chỉ hành động hoặc không hành động; “án dân sự” để chỉ Bản án, quyết định dân sự theo qui định của pháp luật về dân sự và tố tụng dân sự;
Căn cứ pháp luật để Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự ban hành Quyết định thi hành án dân sự là Điều 35,36 Luật THADS năm 2008, Điều 5 Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 của Chính phủ về qui định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật THADS, Điều 2 Thông tư liên tịch số 14/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 26/7/2010 của Bộ Tư pháp - Tòa án nhân dân tối cao- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Quyết định dân sự trong Bản án, quyết định được thi hành theo qui định tại Điều 2 Luật THADS;
Tại khoản 3 Điều 36 Luật THADS qui định “Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày ra Quyết định thi hành án, Thủ trưởng cơ quan THADS phải phân công Chấp hành viên tổ chức thi hành Quyết định thi hành án đó”; tại Điều 20 Luật THADS qui định nhiệm vụ, quyền hạn của Chấp hành viên “Kịp thời tổ chức thi hành vụ việc được phân công; ra các quyết định về thi hành án theo thẩm quyền; thi hành đúng nội dung Bản án, quyết định; áp dụng các qui định của pháp luật về trình tự, thủ tục thi hành án,bảo đảm lợi ích của nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của đương sự…”
Vì vậy, việc thi hành án dân sự cần được hiểu là “việc tổ chức thi hành Quyết định thi hành án dân sự của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự theo qui định của pháp luật về thi hành án dân sự”.
Căn cứ để Chấp hành viên tổ chức thi hành án dân sự là Quyết định thi hành án dân sự và các qui định của pháp luật về trình tự, thủ tục thi hành án dân sự; Về thời hạn tổ chức thi hành có một số qui định như: Trong thời hạn không quá 03 ngày làm việc kể từ ngày ban hành Quyết định về thi hành án, giấy báo, giấy triệu tập… phải thông báo cho đương sự, người có quyền nghĩa vụ liên quan để ho thực hiện quyền nghĩa vụ theo nội dung của văn bản đó (Điều 39 Luật THADS); Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày chủ động ra Quyết định thi hành án hoặc kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu xác minh…Chấp hành viên phải tiến hành việc xác minh…(Điều 44 Luật THADS); Thời hạn tự nguyện thi hành án là 15 ngày, kể từ ngày người phải thi hành án nhận được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án, hết thời hạn này người phải thi hành án có điều kiện thi hành mà không tự nguyện thi hành thì bị cưỡng chế ..(Điều 45, 46 Luật THADS);Thời hạn ra quyết định hoãn thi hành án là 5 ngày làm việc, kể từ ngày có căn cứ hõan thi hành án…(Khoản 3 Điều 48 Luật THADS); Thời hạn ra quyết định Tạm đình chỉ thi hành án là 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo của Tòa án…(Khoản 2 Điều 49 Luật THADS);Thời hạn ra quyết định Đình chỉ thi hành án là 5 ngày làm việc, kể từ ngày có căn cứ đình chỉ…(Khoản 2 Điều 50 Luật THADS)… Việc thi hành án đương nhiên kết thúc trong các trường hợp: Đương sự đã thực hiện xong quyền và nghĩa vụ của mình; có quyết định đình chỉ thi hành án; có quyết định trả đơn yêu cầu (Điều 52 Luật THADS).
Theo ngữ pháp tiếng việt thì tồn đọng là sự kéo dài, chưa thể thực hiện được trong một thời hạn cụ thể nào đó;
Vì vậy, việc thi hành án dân sự tồn đọng cần được hiểu là “Việc tổ chức thi hành Quyết định thi hành án dân sự theo đúng trình tự thủ tục và thời hạn qui định của pháp luật về thi hành án dân sự nhưng chưa thể thi hành được còn phải kéo dài hoặc không thi hành được”;
Từ cách hiểu này cho thấy việc thi hành án dân sự tồn đọng là do những nguyên nhân dẫn đến chưa thể thi hành được còn phải kéo dài hoặc không thi hành được việc tổ chức thi hành quyết định thi hành án dân sự; tìm được các nguyên nhân này là cơ sở quan trọng để đề ra các giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành án dân sự, giảm việc thi hành án dân sự tồn đọng trong thời gian tới./.
Võ Thuần Nho