Trong việc tổ chức cưỡng chế thi hành án, nhất là đối với những vụ việc cưỡng chế có huy động lực lượng, việc vào cuộc của chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng… đóng một vai trò hết sức quan trọng. Chính quyền cấp cơ sở chính là nơi gần gũi với người dân hơn, họ tập họp và tham gia hòa giải, tuyên truyền, vận động, phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội và quần chúng nhân dân tại địa phương, là nơi cung cấp thông tin, diễn biến tâm lý, hoàn cảnh và các điều kiện khác của đối tượng bị cưỡng chế để Chấp hành viên, cơ quan thi hành án có cơ sở, thông tin xây dựng kế hoạch, tổ chức cưỡng chế, từ đó góp phần cho cơ quan thi hành án cưỡng chế được nhiều vụ việc thành công hơn.
Chính vì thế, mà trong công tác thi hành án dân sự muốn đạt kết quả cao và hạn chế phải áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án, thì sự phối hợp của lực lượng chức năng như cơ quan Công an và chính quyền địa phương cùng cơ quan thi hành án vận động thuyết phục trước khi tiến hành cưỡng chế sẽ thành công hơn. Do vậy, Phú hòa rất quan tâm và chú trọng công tác phối hợp trong thi hành án dân sự, sự phối hợp đó sẽ góp phần giải quyết được nhiều vụ việc rất phức tạp và thành công.
Đó là trường hợp thụ lý thi hành theo Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Tòa án: Buộc ông Nguyễn Văn S và bà Nguyễn Thị H, địa chỉ: Thôn Phú Sen Tây, xã Hòa Định Tây, huyện Phú Hòa, phải tháo dỡ 01 trụ sắt tròn đường kính 90cm, lõi bê tông cốt thép, cao 1,5m, chân trụ xây dựng bằng gạch và 03m lưới B40 cao 1,5m do ông Sơn, bà Hương xây dựng trước cổng nhà ông Nguyễn Văn , địa chỉ Thôn Phú Sen Tây, xã Hòa Định Tây, huyện Phú Hòa, theo quy định tại Điều 127 Bộ luật tố tụng dân sự.
Sau khi nhận Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cơ quan thi hành đã ra quyết định ngay và tống đạt các văn bản, quyết định cho các bên đương sự để thực hiện. Tuy nhiên, sự bức xúc và tranh chấp quyết liệt giữa các bên đương sự nên dẫn đến vụ việc khó khăn và phức tạp không tự nguyện thi hành buộc phải Họp Ban chỉ đạo để tổ chức cưỡng chế theo quy định. Vụ việc tưởng chừng đơn giản nhưng càng ngày càng phức tạp, nhiều lần vận động, thuyết phục mãi vẫn không thành công. Hai bên đương sự chống đối quyết liệt không chấp hành, không ký nhận bất cứ một văn bản, quyết định nào của cơ quan thi hành án, phải xây dựng Kế hoạch cưỡng chế thi hành nghĩa vụ buộc thực hiện một công việc nhất định theo quy định tại Điều 118 Luật THADS để tổ chức thi hành theo quy định mà thôi. Sau khi có ý kiến thống nhất của Chủ tịch UBND huyện- Trưởng ban chỉ đạo thi hành án dân sự huyện. Chi cục đã tổ chức cuộc họp liên ngành ngay và chuẩn bị phương án tiến hành cưỡng chế theo Kế hoạch đã được phê duyệt. Tuy nhiên, trước ngày tổ chức cưỡng chế, Chi cục cùng với sự phối hợp của lực lượng Công an huyện, chính quyền địa phương tiếp tục chịu khó và lắng nghe họ nói, với những lời nói khó nghe nhưng phải lắng nghe để tiếp tục vận động, thuyết phục ông Nguyễn Văn S, bà Nguyễn Thị H để tự nguyện thi hành, giảm bớt đi thiệt hại cho người dân và ổn định tình hình địa phương. Vì thế, mà phải duy trì, chịu đựng cả ngày để tiếp tục vận động, thuyết phục. Cuối cùng cũng thành công, hai bên đương sự tay bắt, mặt mừng và tự nguyện tháo dỡ, giao lại lối đi cho gia đình bên ông Nguyễn Văn D, chờ kết quả xét xử của Tòa án.
Đây là kết quả thành công trước khi áp dụng biện pháp cưỡng chế, đó là nhờ sự quan tâm chỉ đạo của Huyện ủy Phú Hòa, Trưởng Ban chỉ đạo thi hành án dân sự huyện, Lực lượng công an huyện, các cơ quan, đoàn thể, chính quyền địa phương xã Hòa Định Tây, đã quan tâm phối hợp rất tốt trong công tác thi hành án dân sự./.
Theo Lê Lanh