Sign In

Chi cục Thi hành án dân sự huyện Tuy An với công tác “dân vận” trong thi hành án dân sự.

12/07/2024

Chi cục Thi hành án dân sự huyện Tuy An với công tác “dân vận” trong thi hành án dân sự.
Xác định công tác dân vận là giải pháp quan trọng "Làm một việc được nhiều việc" trong công tác thi hành án dân sự, vừa có tác dụng động viên, thuyết phục các đương sự chấp hành nghiêm bản án, quyết định của Tòa án, vừa bảo đảm quyền lợi cho các đương sự, hạn chế tối đa các vụ việc phải giải quyết kéo dài, ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị tại địa phương.
         Chi cục Thi hành án dân sự huyện Tuy An là đơn vị cấp huyện, thụ lý số lượng án đứng thứ 5 trong các cơ quan Thi hành án dân sự của tỉnh Phú Yên. Toàn. Chi cục có 07 biên chế, trong đó, 02 chấp hành viên trung cấp và 02 Chấp hành viên sơ cấp (trong đó 01 chấp hành viên đang biệt phái tại Chi cục khác) nhưng gánh vác khối lượng công việc rất nhiều và đều đạt và vượt chỉ tiêu giao hàng năm. Với công tác thi hành án dân sự, mang tính đặc thù và là công việc luôn  tác động, va chạm đến quyền, lợi ích của các bên đương sự, những công dân có liên quan nên quá trình thực hiện và áp dụng pháp luật vào thực tiễn thi hành vẫn gặp nhiều khó khăn, phức tạp trong hoạt động tác nghiệp thi hành án. Do địa bàn hoạt động có một số xã mang tính phức tạp như tranh chấp đất đai, ranh giới liền kề và án hình sự mang tính chất phức tạp như các xã An Dân, xã An Hoà Hải, xã An Ninh Đông, xã An Chấn, xã An Thọ, xã An Thạch, An Mỹ,….. đa số người phải thi hành án có hoàn cảnh gia đình khó khăn và rơi vào những vùng biển, vùng nông thôn thưa thớt dân cư, nên có hạn chế trong hiệu quả công tác thi hành án dân sự. Các xã còn lại, thì đa số người dân có liên quan đến công tác thi hành án thường xuyên vắng mặt tại địa phương đi làm ăn xa thỉnh thoảng mới về. Do đó, rất khó khăn trong việc giao, nhận, tống đạt các văn bản, quyết định thi hành án theo đúng thời hạn quy định của luật, dẫn đến một số trường hợp chậm thời gian tống đạt theo quy trình của Luật thi hành án dân sự. Có những trường hợp đương sự và những người có nghĩa vụ liên quan chưa thực hiện nghiêm về pháp luật, còn chây ỳ, trốn tránh nghĩa vụ thi hành án, điều kiện kinh tế và gia đình nhiều trường hợp cũng rất khó khăn, nguồn thu nhập chính là làm nông, ngư nghiệp nên việc thi hành án đôi khi cũng phải thực hiện theo mùa vụ thu hoạch lúa định kỳ hay thu bắt thuỷ hải sản, dẫn đến việc nộp dần gây khó khăn việc tổ chức thi hành án dứt điểm vụ việc…
          Trong thời gian qua, để giải quyết án tồn đọng vướng mắc trong hoạt động thi hành án dân sự, làm giảm lượng việc, tiền thi hành án dân sự tồn chuyển kỳ sau. Bên cạnh việc áp dụng đồng bộ các giải pháp về chuyên môn, nghiệp vụ, Chi cục đã áp dụng hiệu quả công tác dân vận để tuyên truyền, vận động, thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành án, góp phần giải quyết nhanh chóng, dứt điểm nhiều vụ việc hạn chế tối đa phải áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án, mang hiệu quả cao hơn những năm trước đây.
Ðể có được kết quả đó, Chi cục triển khai đồng bộ và thực hiện tốt quan điểm dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các chủ trương, nghị quyết của Đảng, trọng tâm là Nghị quyết 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có Chỉ thị 30-CT/TU, ngày 10/5/2023 về tăng cường công tác dân vận và phong trào thi đua Dân vận khéo giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn tỉnh. Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương các cấp trong tỉnh tiếp tục quán triệt, thực hiện có hiệu quả các quan điểm của Đảng và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân vận “Dân vận khéo việc gì cũng thành công”;
          Tại Chi cục, công tác dân vận luôn giữ vị trí đặc biệt quan trọng trong việc vận động các cá nhân, tổ chức thực hiện nghiêm đường lối, chủ trương, chính sách của Ðảng, pháp luật của Nhà nước nói chung, pháp luật về thi hành án dân sự nói riêng. Thực tiễn cho thấy, việc vận động, giáo dục, thuyết phục quyết định lớn hiệu quả trong hoạt động thi hành án; tận dụng được mọi điều kiện của đương sự, thân nhân của đương sự... tự nguyện thi hành; tránh việc cố tình chây ỳ, chống đối không thi hành và khiếu nại, tố cáo kéo dài... không thi hành được. Sự nỗ lực, khéo léo, kiên trì của các chấp hành viên trong công tác vận động, thuyết phục đã làm thay đổi từ không hợp tác sang thái độ tự nguyện của đương sự, không chỉ giúp đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ mà còn đem lại hiệu ứng xã hội, góp phần quan trọng bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn.

Hình 2: Cơ quan thi hành án phối hợp cùng chính quyền địa phương
trong buổi công tác “dân vận” tại nơi cư trú của người phải thi hành án.
 
Bên cạnh đó, Chi cục chủ động phối hợp tốt với các cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND huyện; phối hợp chặt chẽ với chính quyền cơ sở, trưởng xóm, những người có uy tín đối với người phải thi hành án (kể cả các chức sắc tôn giáo)... trong việc tuyên truyền đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước bằng nhiều biện pháp tác động về mặt tinh thần, tư tưởng, nhằm nêu cao ý thức chấp hành pháp luật, làm cho đương sự, gia đình và người thân đương sự nhận thức được quyền, nghĩa vụ của mình và tự nguyện thi hành án.
Ðối với Chấp hành viên, Thư ký trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thường xuyên tuyên truyền các quy định của pháp luật về thi hành án dân sự, đất đai, hôn nhân và gia đình... đến với người dân, kiên trì tuyên truyền, vận động đương sự tự nguyện thi hành án. Nhờ đó, thời gian qua, nhiều vụ việc thi hành án phức tạp, phải chuẩn bị đến phương án cưỡng chế nhưng nhờ vào sự phối hợp giữa cơ quan thi hành án và các ban, ngành, đoàn thể tại địa phương vận động, thuyết phục nên người dân đã tự nguyện chấp hành. Đơn cử vụ tranh chấp dân sự về chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tranh chấp quyền sử dụng đất theo Bản án dân sự phúc thẩm số 25/2020/DS-PT ngày 04/6/2020 của TAND tỉnh Phú Y. Sau khi có đơn yêu cầu thi hành án, cơ quan thi hành án ra các Quyết định thi hành án số 411/QĐ-CCTHADS; số 412/QĐ-CCTHADS ngày 03/7/2020; số 413/QĐ-CCTHADS; số 414/QĐ-CCTHADS; số 415/QĐ-CCTHAD và Quyết định thi hành án số 416/QĐ-CCTHADS ngày 03/7/ 2020 về khoản thi hành: Ông Nguyễn A; vợ chồng ông Nguyễn Kim L, bà Bùi Thị M và vợ chồng ông Lê Hồng P, bà Nguyễn Thị Q, phải giao trả cho vợ chồng ông C, bà B, diện tích đất 554m2 thuộc thửa số 01, tờ bản đồ số 12 có tứ cận: Đông giáp đường nội bộ; Tây giáp đất ông Gủi; Nam giáp đất sản xuất ông Gủi; Bắc giáp đường giao thông sông Vét toạ lạc tại thôn Phú Mỹ, xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh P đã được UBND huyện Tuy An cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ngoài ra, Vợ chồng ông P, bà Q, phải giao lại vợ chồng ông C, bà B, được quyền sỡ hữu ngôi nhà cấp 4, tường xây gạch, nền lát gạch ceramic, mái lợp tole, chái bếp tạm, cột bê tông cốt thép, nền tráng xi măng, vách dừng che bạt; Chuồng heo diện tích 16,38m2; Chuồng bò 13,2m2 có trên đất và vợ chồng ông C, bà B, phải trả lại cho vợ chồng ông P, bà Q, số tiền: 44 triệu đồng và các khoản phải thi hành khác như án phí, hoàn trả tiền chi phí định giá tại Tòa án... Nhìn chung, vụ việc này rất phức tạp ngay tại các phiên tòa xét xử, qua 02 cấp xét xử và đã trãi qua nhiều giai đoạn hòa giải ở tố tụng nhưng vẫn không thành công, cuối cùng phải đưa ra xét cấp phúc thẩm có hiệu lực thi hành. Chính vì sự phức tạp và mâu thuẫn giữa các bên đương sự ban đầu tố tụng đến giai đoạn cuối cùng của thi hành án thì gánh chịu sự phản kháng, chống đối quyết liêt mà thôi. Đoán trước sự khó khăn, phức tạp này, nên Chi cục đã cân nhắc và vận động phương pháp thuyết phục và tìm hiểu về tâm lý, điều kiện hoàn cảnh gia đình cũng như nguyên nhân xảy ra vụ tranh chấp dân sự này như thế nào để có cách nhìn, cái đánh giá và chọn phương pháp thi hành phù hợp, hạn chế tối đa phải áp dụng biện pháp cưỡng chế. Biết như vậy đó, nhưng áp dụng vào thực tiễn thi hành không dễ dàng chút nào cả, phải đối mặt không biết nhiêu là đơn thư khiếu nại và sự chửi bởi, chống đối quyết liệt từ các bên đương sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Nhiều khi, chính người trực tiếp làm án cũng mệt mỏi với những đương sự có hành vi chống đối. Nhưng với trách nhiệm của nghề nghiệp thi hành án không cho phép chúng ta phải nản lòng mà phải tâm huyết và quyết tâm tổ chức thi hành cho bằng được và đúng quy định pháp luật, phù hợp và chính xác với bản án của Tòa án tuyên. Song cũng có những bản án, quyết định có hiệu lực vẫn chưa được sự đồng tình của người dân, nên họ được các quyền theo quy định pháp luật để đi bước nữa, đó là kiến nghị, yêu cầu lên cấp Giám đốc thẩm để xem xét những bản án sơ thẩm, phúc thẩm có đúng với thực tế không, có bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của họ không. Chính vì thế, mà cơ quan thi hành án cũng phải vận động, thuyết phục để nắm bắt tâm tư và chọn phương pháp phù hợp hơn.
          Thế là, sau khi vợ chồng Ông C, bà B, thực hiện xong nghĩa vụ của mình thì họ được quyền yêu cầu v/c ông L, bà M, v/c ông P, bà Q thực hiện nghĩa vụ phải giao tài sản theo án tuyên, nhưng người phải thi hành án đưa ra nhiều lý do để không thi hành và gửi đơn đến nhiều cấp, nhiều nơi để kiến nghị, yêu cầu cấp Giám đốc thẩm, trong thời gian tổ chức thi hành án, chấp hành viên đã tổ chức cưỡng chế một lần rồi vẫn không thành công. Bởi trong thực tế tổ chức thi hành án, có những tình huống phát sinh ngoài kế hoạch cưỡng chế và gây ra điểm nóng có khả năng làm tình hình phức tạp hơn, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương. Điển hình là, bên người phải thi hành án lợi dụng sức khỏe già yếu và bệnh tim của ông A, những người trong gia đình như vợ chồng ông L, bà M và những người có liên quan có hành vi chống đối quyết liệt và lôi kéo nhiều thành phần dễ bị kích động tụ tập đông người đến khu vực cưỡng chế, khóa bên ngoài, nhằm cản trở hội đồng cưỡng chế thực hiện nhiệm vụ. Tình hình sức khỏe của ông A diễn biến phức tạp, có biểu hiện mệt mỏi, tụt huyết áp...bên cạnh đó còn có những hành vi kêu gọi người dân tập trung đông đảo và cố tính gây náo loạn kéo người dân tham gia phản đối không đồng tình với bản án đã tuyên...Trước những hành động, sự chống đối quyết liệt đó có khả năng xảy ra tình huống xấu không ổn nên Hội đồng tham gia cưỡng chế phải tạm dừng để xây dựng lại kế hoạch cưỡng chế chặt chẽ hơn. Để giải quyết được sự chống đối này, ta phải hiểu được vấn đề xuất phát từ người phải thi hành án không đồng tình với bản án Phúc thẩm và đã kiến nghị lên cấp Giám đốc thẩm. Sau khi họ nhận được kết quả trả lời từ Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao là không có cơ sở xem xét được theo thủ tục Giám đốc thẩm, bản án Phúc thẩm có hiệu lực thi hành.
Sau một thời gian, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Tuy An đã phối hợp với chính quyền địa phương, nhiều lần giải thích về các quyền, nghĩa vụ theo quy định pháp luật, thuyết phục và vận động vợ chồng bà Q, ông P cùng những người có liên quan biết được sự chống đối bất chấp quy định pháp luật là không thể được, sẽ gây ra hậu quả không có lợi cho bên phải thi hành án. Qua nhiều lần vận động, thuyết phục và chịu đựng, lắng nghe họ tâm tư, nói ra hết những lý do… rồi cuối cùng họ chấp nhận và tự nguyện thực hiện tháo dỡ di dời để trả lại hiện trạng đất cho vợ chồng ông C, bà B. Vụ việc kết thúc không có khiếu nại, tố cáo.
          Trong công tác thi hành về khoản nộp án phí, bồi thường cho người bị hại khi có đơn yêu cầu thi hành án, đối với người phải thi hành án đang thi hành án phạt tù. Chi cục phối hợp tốt với Trại tạm giam, trại giam, Ủy ban nhân dân cấp xã, Công an xã vận động đương sự, người thân của người phải thi hành án tự nguyện nộp các khoản án phí, bồi thường khắc phục hậu quả cho người bị hại để được hưởng chính sách khoan hồng từ Nhà nước trong quá trình đang thi hành án phạt tù.
Nhiều vụ việc tuy số tiền không lớn, nhưng lại rất khó khăn và phức tạp  trong quá trình tổ chức thi hành án như: Giao đất; giao mốc giới, giao con... Bản án, Quyết định của Tòa án tuyên chưa rõ, chưa thật sự thuyết phục đi vào lòng người dân. Đôi khi còn gây phẫn nộ trong lòng dân vì nội dung Bản án tuyên không thi hành được so với Luật hiện hành trong vấn đề tranh chấp về đất đai, phân chia mốc giới, tách thửa, giao đất….. Nhưng các Chấp hành viên của Chi cục luôn chủ động, kiên trì trong việc tổ chức giải quyết, đồng thời nhiều lần phối hợp UBND xã , các cơ quan, ban, ngành của huyện giải thích quy định của pháp luật, tiến hành vận động, thuyết phục, động viên các đương sự. Nhờ sự kiên trì đôn đốc, thuyết phục, các bên hiểu được quyền, nghĩa vụ của mình và thực hiện khoản phải thi hành án như giao đất theo quy định. Hay việc Bản án tuyên giao con cho người mẹ nuôi dưỡng, người cha thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng, trong khi gia đình người cha luôn tìm cách giấu đứa trẻ, vì tình thương yêu đứa trẻ nên họ muốn tranh giành đứa trẻ mà không nghĩ đến việc tranh giành sẽ gây tổn hại đến tinh thần lẫn thể chất trong quá trình phát triển của đứa trẻ. Trong việc này, cố gắng tránh phải tổ chức cưỡng chế bắt đứa trẻ từ người cha giao cho người mẹ vì để không bị ảnh hưởng đến đứa trẻ, Chấp hành viên đã phối hợp với Hội liên hiệp phụ nữ xã, tăng cường giải thích, tác động rất nhiều đến tâm lý, ý thức và họ nhận thức được đứa trẻ cần được phát triển toàn diện trong tình yêu thương của gia đình hai bên nên đã tự nguyện giao con.
         Ðể công tác vận động, thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành án hoặc người nhà của đương sự hiểu và tự nguyện thi hành án đòi hỏi Chấp hành viên, Thư ký phải nghiên cứu kỹ bản án, quyết định của tòa án, tìm hiểu thông tin, nhân thân và các mối quan hệ của đương sự để có thể tìm ra biện pháp thi hành án phù hợp, tìm ra hướng động viên, thuyết phục hiệu quả, tránh áp dụng các biện pháp cưỡng chế làm phát sinh các tình huống phức tạp hoặc đơn thư kéo dài vụ việc. Đồng thời, Chấp hành viên phải năng động, sáng tạo và nâng cao kỹ năng nghiệp vụ thi hành án dân sự để xử lý các vụ việc bị vướng mắc ở thể chế quy định pháp luật và khó khăn thực tiễn thi hành án.
          Trong những năm gần đây, Chấp hành viên, Thư ký làm công tác thi hành án là những tuyên truyền viên, thường xuyên trong các buổi làm việc với đương sự, với người nhà đương sự sẽ tuyên truyền các quy định của pháp luật, cụ thể là Luật Thi hành án dân sự, Luật Ðất đai, Luật Hôn nhân và gia đình...
Qua việc thực hiện tốt công tác tuyên truyền, “dân vận khéo” trong thi hành án dân sự của Chi cục. Theo số liệu báo cáo, năm 2023, Chấp hành viên Chi cục đã thực hiện động viên, thuyết phục các đương sự tự nguyện thi hành án nên đã thu được kết quả đáng khích lệ, kết quả đạt: 438 việc /520 việc đạt 84,23%. Vượt chỉ tiêu giao 0,93%. Về tiền đạt 5.556.809.000 đồng/ 10.626.313.000 đồng đạt 52,29% vượt chỉ tiêu giao 6,49%. Trong đó, áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án đối với  05 vụ (giảm 01 vụ so với năm 2022), số việc còn lại đương sự tự nguyện thi hành  trước khi tổ chức cưỡng chế.
         Kết quả 06 tháng đầu năm 2024, Chấp hành viên Chi cục đã thực hiện động viên, thuyết phục các đương sự tự nguyện thi hành án nên đã thu được kết quả đáng khích lệ, chỉ tiêu 06 tháng đã đạt 67,65% về việc và 16,36%,  về tiền trên tổng số việc và tiền có điều kiện thi hành.
       Triển khai “ dân vận khéo” trong quá trình giải quyết thi hành án đã phát huy tác dụng một cách hiệu quả, nhiều vụ việc thi hành án phức tạp đã được giải quyết dứt diểm, tạo điều kiện cho Chi cục Thi hành án dân sự huyện Tuy An hoàn thành tốt chỉ tiêu, nhiệm vụ của Cục giao năm 2023 và tạo bước đà phấn đấu sớm hoàn thành nhiệm vụ năm 2024.


Theo Đỗ Trang -Chi cục THADS huyện Tuy An

Các tin đã đưa ngày: