Sign In

Các giải pháp cơ bản, cụ thể để giảm án tồn đọng của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Sơn Hòa trong thời gian tới

14/07/2022

Mục tiêu cơ bản của công tác thi hành án dân sự là đảm bảo cho các bản án, quyết định của toà án đã có hiệu lực pháp luật phải được thi hành nghiêm, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và công dân. Do đó, trong thời gian qua, để thực hiện tốt mục tiêu này, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách và văn bản pháp luật quan trọng tạo nên nền tảng pháp lý khá vững chắc đồng thời hỗ trợ, tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho cơ quan Thi hành án dân sự thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình. Nhờ đó mà công tác thi hành án dân sự trong những năm qua đã đạt được nhiều kết quả rõ nét, ngày càng khẳng định được vai trò, vị thế trước những yêu cầu mới của tình hình nhiệm vụ ngày càng khó khăn hơn, phức tạp hơn rất nhiều. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả nổi bật đã đạt được thì vẫn còn không ít những bản án, quyết định đã có hiệu lực thi hành chưa được tổ chức thi hành dứt điểm, còn tồn đọng trong thời gian dài, khiến cho quyền, lợi ích hợp pháp của một bộ phận quần chúng nhân dân, cơ quan tổ chức, Nhà nước không được đảm bảo, gây bức xúc trong xã hội.
Hơn lúc nào hết, ngay từ những tháng đầu năm công tác 2022, Chi cục THADS huyện Sơn Hòa đã khẩn trương nghiêm túc triển khai một cách đồng bộ, khoa học, có hiệu quả các giải pháp để giảm án tồn đọng cụ thể:
Một là, cần xác định nguyên nhân cơ bản nhất làm gia tăng lượng án tồn đọng:
Việc xác định đúng đắn nguyên nhân làm gia tăng lượng án tồn đọng sẽ là điều kiện cơ bản để giải quyết án tồn đọng một cách hiệu quả nhất bởi giải pháp đúng đắn sẽ là giải pháp đánh vào nguyên nhân thực tế tác động lên vấn đề.
Bên cạnh những nguyên nhân khách quan chung mà hầu như đơn vị nào cũng gặp phải đó là: các quy định của pháp luật liên quan đến công tác thi hành án dân sự chưa thống nhất, đồng bộ, cụ thể, chi tiết nên gây khó khăn trong quá trình áp dụng; tình hình an ninh chính trị ở mỗi địa phương có đặc điểm khác nhau nên có nhiều biến động tạo nên những tác động không tốt đến tư tưởng và khả năng tự nguyện thi hành án của đương sự; nền kinh tế chưa có những chuyển biến tích cực nhất là sau khi bùng phát dịch bệnh Covid – 19 khiến cho việc kê biên, bán đấu giá tài sản gặp nhiều khó khăn, thực tế có rất nhiều tài sản đã được kê biên, giảm giá rất nhiều lần vẫn không có người đăng ký mua tài sản; ý thức chấp hành pháp luật của người phải thi hành án còn chưa tốt; người phải thi hành án bị mất tích, không xác định rõ nơi cứ trú hoặc không có tài sản…thì còn tồn tại rất nhiều các nguyên nhân chủ quan khác mà các cơ quan Thi hành án dân sự cần lưu ý để có biện pháp giải quyết phù hợp bao gồm:
- Chưa thật sự phát huy tốt vai trò, tính chủ động của mình trong việc giải quyết các vụ án tồn đọng bằng nhiều biện pháp tích cực khác nhau hoặc tổng hợp các biện pháp để mang lại hiệu quả cao nhất; chưa tranh thủ được sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể trong quá trình giải quyết vụ việc, đặc biệt là chưa chủ động kiến nghị, đề xuất những vụ việc THADS khó khăn, vướng mắc, kéo dài… cho Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự lãnh đạo, chỉ đạo dứt điểm.
- Vẫn tồn tại một bộ phận không nhỏ đội ngũ chấp hành viên, cán bộ, công chức có trình độ chuyên môn còn hạn chế, kỹ năng xử lý tình huống, giải quyết công việc chưa cao, thiếu tính chủ động, sáng tạo và chưa thật sự nêu cao tinh thần trách nhiệm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ;
- Việc kiểm tra, đôn đốc giải quyết việc thi hành án chưa được thực hiện tốt, thiếu tính quyết liệt, chưa tạo được động lực cơ bản để các chấp hành viên, công chức cố gắng, nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, đẩy nhanh tiến trình giải quyết án tồn đọng;
Hai là, cần tiến hành ngay việc kiểm tra, rà soát, xác minh, phân loại án một cách chính xác hơn, cụ thể hơn, chi tiết hơn
Đặc biệt, ở mỗi vụ việc tồn đọng, bên cạnh phân loại án có điều kiện thi hành hay chưa có điều kiện thi hành cần xác định rõ một số nội dung cơ bản để giải quyết vụ việc hiệu quả hơn như:
- Khả năng giải quyết vụ việc như thế nào, thời gian bao lâu.
- Những căn cứ pháp luật nào là cơ sở để có thể đưa vụ việc vào diện miễn, giảm, chưa có điều kiện, ủy thác, hoãn, đình chỉ…theo đúng quy định.
- Những khó khăn cơ bản trong quá trình tổ chức thi hành án và hướng giải quyết hiệu quả nhất, hợp lý nhất.
- Đối với những vụ việc khó khăn, phức tạp để giải quyết dứt điểm vụ việc cần những điều kiện gì như: Họp liên ngành, xin ý kiến chỉ đạo nghiệp vụ của cấp trên hoặc xin ý kiến của Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự; quá trình thực hiện cần phối hợp với những cơ quan, đơn vị, tổ chức nào.  
Có như thế, tiến trình giải quyết án tồn đọng mới có những bước tiến nhất định và đạt kết quả cao hơn.
Ba là, thực hiện tốt công tác phối hợp trong quá trình giải quyết án tồn đọng
Ký kết các Quy chế phối hợp với các cơ quan, Ban, Ngành khác tại địa phương, cần làm tốt hơn nữa công tác phối hợp để giải quyết vụ việc thi hành án dân sự còn tồn đọng, đặc biệt cần phát huy tốt vai trò, chức năng của Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự, làm tốt công tác này sẽ tạo nên rất nhiều điều kiện thuận lợi cho cơ quan Thi hành án dân sự giải quyết tốt những vụ án phức tạp, kéo dài tại địa phương.
Bốn là, làm tốt công tác thi đua khen thưởng về công tác giảm án tồn đọng
Công tác thi đua khen thưởng đóng một vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy, tạo nên động lực, khí thế để các cán cộ, công chức, các đơn vị Thi hành án dân sự nỗ lực, quyết tâm hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao. Chính vì vậy, có thể xem đây là “Công cụ” cơ bản nhằm tạo “Đòn bẩy” cơ bản để đẩy nhanh tiến độ giải quyết án tồn đọng. Để làm được điều đó, cần làm tốt công tác thi đua khen thưởng nói chung và công tác thi đua khen thưởng về giảm án tồn đọng nói riêng, cụ thể:
- Phải đảm bảo công tác thi đua khen thưởng thật sự mang tính thực chất, biểu dương, ghi nhận những tập thể, cá nhân đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, đạt được nhiều thành tích quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ, đồng thời cần nghiêm khắc phê bình, xử lý kỷ luật bằng hình thức thích hợp những đơn vị, cá nhân chưa làm tốt vai trò của mình, chưa phát huy tốt tinh thần trách nhiệm dẫn đến ăn tồn đọng, kéo dài, làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của đương sự, khiến dư luận bức xúc nảy sinh khiếu kiện, khiếu nại về thi hành án dân sự;
- Đưa chỉ tiêu “Giảm án tồn đọng” hiệu quả trở thành tiêu chí quan trọng để bình xét thi đua khen thưởng cuối năm nhằm tạo động lực thúc đẩy các cơ quan Thi hành án dân sự, các cán bộ, công chức của Ngành nỗ lực, cố gắng hơn nữa để hoàn thành nhiệm vụ được giao;
- Tổ chức phát động phong trào thi đua giảm án tồn đọng theo từng giai đoạn cụ thể, mỗi năm có thể tổ chức từ 1-2 đợt để góp phần tạo nên những hiệu ứng tốt về tư tưởng, tinh thần, đẩy nhanh kết quả giải quyết án tồn đọng. Trên cơ sở đó cần chú trọng biểu dương, khen thưởng, nhân rộng những điển hỉnh tiên tiến, những cách làm hay để các đơn vị học tập, noi theo, đồng thời nên xây dựng danh hiệu “Lá cờ đầu” về công tác giảm án tồn đọng theo từng năm để các đơn vị cố gắng phấn đấu đạt được danh hiệu này. Động lực thi đua sẽ là yếu tố thúc đẩy hết sức cơ bản để công tác giải quyết án tồn đọng đạt được kết quả tốt./.
 


Theo Huỳnh Công Thành - Chi cục THADS huyện Sơn Hòa

Các tin đã đưa ngày: