Xây dựng và trưởng thành
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, đến ngày 24/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành Sắc lệnh 13 quy định về tổ chức của tòa án và các ngạch thẩm phán; trong đó, tại khoản 3 Điều 3 Sắc lệnh quy định: “Ban Tư pháp xã có quyền thi hành những mệnh lệnh của thẩm phán cấp trên, bao gồm các bản án, quyết định của tòa án”. Do đó, Sắc lệnh 13 chính là văn bản pháp lý đầu tiên đánh dấu sự ra đời về tổ chức và hoạt động của ngành THADS trong chế độ mới.
Tiếp đó, ngày 19/7/1946, Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa ban hành Sắc lệnh 130/SL quy định về thể thức thi hành mệnh lệnh hoặc bản án của tòa án. Có thể nói, đây là văn bản của Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa quy định riêng về công tác thi hành án, thẩm quyền và thể thức thi hành bản án.
Theo quy định tại các văn bản trên, từ năm 1946-1950, hoạt động THADS đã trở thành một lĩnh vực công tác của ngành Tư pháp, do thừa phát lại và ban tư pháp xã - một đơn vị, tổ chức của chính quyền cách mạng, gắn liền với tòa án và hoạt động xét xử thực hiện. Việc THADS thể hiện quyền lực nhà nước và được bảo đảm bằng sức mạnh cưỡng chế.
Thời kỳ này, mặc dù cơ cấu tổ chức còn rất đơn giản, số lượng cán bộ ít và nghiệp vụ còn nhiều hạn chế, song ban tư pháp xã và thừa phát lại đã có nhiều cố gắng trong việc thi hành những bản án, mệnh lệnh của thẩm phán, góp phần bảo đảm pháp chế của Nhà nước Cách mạng Việt Nam, đặt nền móng cho công tác THADS sau này.
Và đến nay, hệ thống THADS được tách khỏi tòa án thành cơ quan độc lập theo cơ cấu ngành dọc từ Trung ương đến cấp huyện. Riêng ở Phú Yên, đến ngày 10/7/1993, toàn tỉnh đã thực hiện xong công tác bàn giao và hệ thống các cơ quan THADS trên địa bàn tỉnh được thành lập. Ở cấp tỉnh có phòng THADS thuộc Sở Tư pháp, ở cấp huyện, thị xã có các đội THADS thuộc phòng tư pháp cấp huyện, thị xã.
Trong thời điểm khó khăn đó, với đội ngũ cán bộ chỉ có 11 người, trong đó có 4 chấp hành viên, nhưng THADS tỉnh đã gồng gánh khối lượng công việc khá lớn, thụ lý 1.250 việc, với tổng số tiền phải thi hành trên 5,5 tỉ đồng; số việc và số tiền phải thi hành hàng năm đều tăng hơn so với năm trước. Do đó, để hoàn thành nhiệm vụ được giao đòi hỏi cơ quan THADS phải áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp, giải pháp.
Trách nhiệm giải quyết tỉ lệ án
Trước hết phải xác định công tác tổ chức cán bộ, tuyển dụng, đào tạo bồi dưỡng kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, kỹ năng nghề nghiệp cho cán bộ công chức trong toàn ngành là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, quyết định sự thành công hay thất bại.
Bên cạnh đó là xây dựng chương trình, kế hoạch công tác hàng năm và đề ra các biện pháp, giải pháp cụ thể để thực hiện, phân công trách nhiệm rõ người, rõ việc, rõ thời gian hoàn thành. Hàng năm xác định nhiệm vụ trọng tâm về THADS để tập trung chỉ đạo quyết liệt, cùng với sự nỗ lực phấn đấu của từng cán bộ công chức, kết hợp với công tác quản lý, chỉ đạo điều hành sát sao, thường xuyên kiểm tra, phát hiện, xử lý, chấn chỉnh, chỉ đạo kịp thời, nhằm góp phần tích cực vào việc thực hiện tốt các chỉ tiêu nhiệm vụ của ngành đề ra.
Ngành thực hiện tiêu chuẩn hóa đội ngũ cán bộ để đủ chuẩn theo quy định, xây dựng quy hoạch gắn với luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng và bổ nhiệm tương xứng với nhiệm vụ được giao và phù hợp yêu cầu cải cách tư pháp. Đến nay, về cơ cấu tổ chức, các cơ quan THADS trên địa bàn tỉnh có Cục THADS và 9 chi cục trực thuộc với 105 biên chế và 33 hợp đồng lao động; 42 chấp hành viên, 8 thẩm tra viên và 20 thư ký thi hành án…
Những năm gần đây, đặc biệt là trong năm 2018, số việc thi hành án và giá trị phải thi hành thụ lý mới tăng đột biến, nhất là tăng về giá trị (tăng 10,1% về việc và tăng 275,1% về tiền so với năm 2017), tính chất vụ việc ngày càng phức tạp, giá trị thi hành lớn, liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp, trong khi đó biên chế của ngành ít, lại bị cắt giảm dần theo từng năm. Do đó, để hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao là một vấn đề hết sức khó khăn, đòi hỏi các cơ quan THADS trên địa bàn tỉnh phải hết sức nỗ lực cố gắng, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, sâu sát và kịp thời.
Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng trong những năm qua, công tác THADS, hành chính trên địa bàn tỉnh tiếp tục có những chuyển biến tích cực; trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành sâu sát hơn; công tác tổ chức cán bộ tiếp tục được kiện toàn; công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo hiệu quả, không để phát sinh đơn thư phức tạp, kéo dài; việc đăng tải thông tin của người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành trên Trang thông tin điện tử của Cục THADS tỉnh được thực hiện đầy đủ; công tác phối hợp trong THADS ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn; kỷ luật, kỷ cương hành chính được siết chặt hơn, nề nếp làm việc tại các cơ quan THADS ngày càng tốt hơn.
Bên cạnh đó, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, công tác THADS trong những năm qua vẫn còn những tồn tại, thiếu sót, vẫn còn một số cán bộ công chức vi phạm phải xử lý kỷ luật, vẫn còn sai sót trong thực hiện trình tự, thủ tục thi hành án, chưa thật sự quan tâm công tác tiếp xúc đối thoại với công dân; việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân có lúc chưa kịp thời, chưa kiên quyết kê biên cưỡng chế thi hành các việc có điều kiện thi hành nhưng đương sự chây ỳ.
Để công tác THADS trong năm 2019 và những năm tiếp theo đạt hiệu quả cao, hoàn thành nhiệm vụ mà Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS giao, đòi hỏi cán bộ công chức ngành THADS trong toàn tỉnh phải nêu cao ý thức trách nhiệm, tu dưỡng rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, công tâm, bản lĩnh, nghiêm túc, nhìn nhận, đánh giá và chỉ ra những tồn tại, thiếu sót, tìm ra nguyên nhân, từ đó đưa ra các biện pháp, giải pháp đột phá nhằm nâng cao tỉ lệ giải quyết thi hành án, có biện pháp tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, phát huy tinh thần đoàn kết, tự giác chấp hành kỷ luật kỷ cương hành chính…
Một số hình ảnh tại Hội nghị sơ kết công tác THADS, hành chính 9 tháng đầu năm 2019
và Tọa đàm kỷ niệm 73 năm Ngày truyền thống Thi hành án dân sự
Theo Đặng Quang Anh - Cục trưởng Cục THADS tỉnh Phú Yên