Sign In

Đảm bảo tinh gọn, hiệu quả khi sắp xếp Hệ thống tổ chức Thi hành án dân sự

15/11/2021

Bộ Tư pháp đang xây dựng Đề án đổi mới, sắp xếp Hệ thống tổ chức Thi hành án dân sự (THADS). Theo đó, sẽ đề xuất giải thể và lập mới một số đơn vị tại Tổng cục THADS và sắp xếp lại các Chi cục theo hướng tinh gọn, nhưng vẫn bảo đảm hiệu lực, hiệu quả.

Đề án nhằm sắp xếp, kiện toàn các đơn vị trong hệ thống tổ chức THADS theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu cải cách, hiện đại hóa, đảm bảo thực hiện đúng quan điểm, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước; phù hợp tình hình thực tiễn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; gắn tinh giản biên chế với sắp xếp, cơ cấu lại đội ngũ công chức và người lao động; tiết kiệm chi phí. Phấn đấu đến năm 2030, hoàn thành mục tiêu xây dựng bộ máy Hệ thống THADS chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả. Trước mắt (đến năm 2023) sẽ giải thể Trung tâm Thống kê, Quản lý dữ liệu và Ứng dụng công nghệ thông tin; thành lập Tạp chí Thi hành án dân sự điện tử trực thuộc Tổng cục THADS; sắp xếp các phòng và tương đương thuộc Cục THADS ; sắp xếp Chi cục THADS phù hợp với phương án sắp xếp của Tòa án nhân dân cấp huyện; bố trí, sắp xếp đủ số lượng cấp trưởng, số lượng cấp phó các đơn vị trong Hệ thống tổ chức THADS theo đúng quy định, bảo đảm sự ổn định, kế thừa, có lộ trình, bảo đảm chế độ, chính sách đối với công chức lãnh đạo, quản lý.

Theo Bộ Tư pháp, qua rà soát cho thấy, tính đến 30/6/2021, về cơ cấu tổ chức, biên chế 53 Cục THADS còn chưa đáp ứng tiêu chí biên chế theo quy định (chưa được phân bổ từ 30 biên chế trở lên), không có Cục có số lượng cấp phó vượt quá quy định.

Đề án đưa ra phương án sắp xếp theo hướng tiếp tục củng cố, kiện toàn các Cục THADS theo định hướng cải cách hành chính, cải cách tư pháp. Cấp tỉnh có Cục THADS, đồng bộ với Tòa án nhân dân cấp tỉnh. Bổ sung biên, bảo đảm mỗi cục có từ 24 biên chế để đủ bố trí tối thiểu 03 phòng và 03 Lãnh đạo Cục - Lãnh đạo Cục THADS: Về tổng thể bảo đảm mỗi Cục THADS có không quá 03 cấp phó. Về đội ngũ lãnh đạo, Bộ Tư pháp sẽ kiện toàn cấp trưởng, quy định cố lượng cấp phó theo hướng: Cục THADS thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh được bố trí không quá 04 cấp phó; 59 Cục THADS được bố trí không quá 03 cấp phó; 02 Cục THADS được bố trí không quá 02 cấp phó.

Đối với cấp Chi cục, qua rà soát cho thấy có sự chênh lệch rất lớn về số việc, số tiền phải thi hành giữa các Chi cục THADS. Tính đến tháng 6/2021, cả nước có có 702 Chi cục THADS, trung bình mỗi Chi cục THADS có 10,05 biên chế. Có 601 Chi cục có dưới 15 biên chế (chiếm khoảng 85,6%.), không đáp ứng tiêu chí biên chế theo quy định. Về số lượng cấp phó, trong cả nước có 1011 Phó Chi cục trưởng/702 Chi cục THADS, trung bình mỗi Cục có 1,44 Phó Chi cục Trưởng. Đối chiếu cho thấy, có 02 Chi cục THADS vượt quá số lượng cấp phó theo quy định của Bộ Tư pháp do mới sắp xếp, sáp nhập theo Nghị quyết của UBTVQH, 31 Chi cục có số lượng cấp phó vượt quá quy định của Nghị định số 123/2016/NĐ-CP.

Dự thảo Đề án xác định, tiếp tục củng cố, kiện toàn các Chi cục THADS theo định hướng cải cách hành chính, cải cách tư pháp. Các huyện có Chi cục THADS, đồng bộ với Tòa án nhân dân cấp huyện. Thực hiện sắp xếp, giải thể, sáp nhập các Chi cục THADS cấp huyện theo hướng: Tiếp tục giải thể, sáp nhập các Chi cục THADS cấp huyện để sáp nhập vào với Chi cục THADS có địa bàn liền kề theo Nghị quyết sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; giải thể, sáp nhập các Chi cục THADS cấp huyện để sáp nhập vào với Chi cục THADS có địa bàn liền kề, có số lượng biên chế ít, số lượng việc, tiền phải thi hành hàng năm ít, phù hợp với mô hình, phương án sắp xếp của TAND tối cao./.


Theo https://dangcongsan.vn/

Các tin khác
Các tin đã đưa ngày: