Hội nghị đã nghe báo cáo Sơ kết việc thực hiện Quy chế phối hợp giữa Cục THADS tỉnh và NHNN Chi nhánh tỉnh Sơn La. Qua gần 8 năm triển khai, thực hiện Quy chế phối hợp, các cơ quan THADS trong tỉnh đã thi hành xong loại án tín dụng, ngân hàng tổng số 51/144 việc có điều kiện thi hành tương ứng với số tiền đã thi hành xong 246.029.848.000,đ/732.541.260.000,đ có điều kiện thi hành (đạt tỷ lệ 35,41% về việc và 33,69% về tiền). Tất cả các đề nghị cung cấp thông tin của cơ quan THADS đều được ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn cung cấp đầy đủ (đạt 100%); các quyết định phong tỏa tài khoản, quyết định khấu trừ tiền trong tài khoản của Chấp hành viên cơ quan THADS đều được ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn phối hợp thực hiện. Trong đó, đã phối hợp khấu trừ 36/36 quyết định tương ứng với số tiền 1.055.779.000,đ (đạt 100%)…
Tại Hội nghị, các đại biểu đã có nhiều ý kiến phát biểu tham luận, thảo luận, phân tích về kết quả đã đạt được, những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm rút ra, giải pháp khắc phục và đề ra phương hướng phối hợp trong thời gian tiếp theo.
Kết luận Hội nghị, đồng chí Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Sơn La đã phát biểu đề nghị cơ quan THADS hai cấp trong tỉnh, NHNN Chi nhánh tỉnh Sơn La, các tổ chức tín dụng, các tổ chức tài chính vi mô trên địa bàn phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế. Để nâng cao hiệu quả công tác phối hợp trong thời gian tới cần:
(1) Rà soát, kiện toàn tổ chỉ đạo, xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; sửa đổi, bổ sung quy chế hoạt động đảm bảo thiết thực, hiệu quả, định kỳ tổ chức họp để đánh giá kết quả hoạt động và thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc án tín dụng ngân hàng; (2) Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Sơn La và các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh cần nghiên cứu kỹ các quy định pháp luật về tín dụng, ngân hàng nhằm tìm ra các giải pháp hạn chế những rủi ro do việc kinh doanh từ khi ký kết hợp đồng tín dụng, trong việc nhận thế chấp tài sản, cần cân nhắc nhận cầm cố tài sản bảo đảm thực hiện nghĩa vụ; tổ chức thẩm định hồ sơ chặt chẽ về tình trạng tài sản thế chấp, bảo lãnh, thẩm định giá theo đúng giá trị thực tế ... Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan THADS trong việc tiến hành rà soát các vụ việc thi hành án, lập kế hoạch để tổ chức thực hiện; xử lý các vướng mắc về chuyên môn nghiệp vụ, kiểm tra việc triển khai và thực hiện Quy chế phối hợp từ đó rút kinh nghiệm chỉ đạo chung. Mặt khác, cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan thi hành án dân sự trong việc cung cấp đầy đủ các thông tin và các tài liệu liên quan đến tài sản thế chấp để việc xử lý tài sản được nhanh chóng, đảm bảo đúng quy định pháp luật; kịp thời phản ánh các khó khăn vướng mắc để được cùng tháo gỡ, giải quyết; (3) Trong quá trình tổ chức thực hiện hợp đồng, tổ chức tín dụng, ngân hàng cần có biện pháp theo dõi, kiểm tra tài sản đảm bảo, kịp thời có biện pháp xử lý khi có vấn đề vướng mắc xảy ra. Đồng thời, nếu vụ việc đã khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết thì tổ chức tín dụng, ngân hàng cần chủ động tham gia phiên tòa, phối hợp chặt chẽ với Tòa án và cơ quan có thẩm quyền trong quá trình tố tụng để đảm bảo bản án, quyết định có tính khả thi. Phối hợp chặt chẽ hơn nữa với cơ quan thi hành án dân sự trong việc giải quyết thi hành án; đẩy mạnh phối hợp trong công tác xác minh, thông báo thi hành án, kê biên và thẩm định giá, bán đấu giá tài sản.
Việc phối hợp tốt với các cơ quan ngân hàng, tổ chức tín dụng liên quan trong thi hành án dân sự có ý nghĩa vô cùng quan trọng, góp phần giúp các cơ quan thi hành án dân sự và các ngân hàng nhà nước, tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao./.
Lò Văn Ngoan – Cục THADS tỉnh Sơn La