Tại buổi Tọa đàm, đại diện Chi cục Thi hành án dân sự và phòng chuyên môn thuộc Cục đã trình bày tham luận với các nội dung: Thực trạng tư tưởng, đạo đức của CBCC trong làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tại các cơ quan THADS trong tỉnh; Tinh thần trách nhiệm của cán bộ công chức, người đứng đầu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Công tác quản lý, giáo dục đạo đức đối với cán bộ công chức trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với đạo đức nghề nghiệp của cán bộ công chức; Những nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng công tác thi hành án dân sự; Việc vận dụng tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong công tác quản lý, thực thi nhiệm vụ của công chức; Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thi hành án, khắc phục các vi phạm quy định pháp luật trong công tác tổ chức thi hành án. Đây là những nội dung rất thiết thực, gần gũi với hoạt động thi hành án dân sự và công việc hàng ngày của mỗi công chức, người lao động Thi hành án dân sự nên đã được các đại biểu tham dự Tọa đàm tích cực, sôi nổi tham gia thảo luận. Các ý kiến thảo luận cho thấy còn nhiều hạn chế trong công tác chỉ đạo, điều hành, giáo dục tư tưởng, chính trị, ý thức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm của công chức, người lao động trong các cơ quan Thi hành án dân sự trong tỉnh.
Phát biểu tại buổi Tọa đàm, đồng chí Võ Xuân Biên – Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự yêu cầu Lãnh đạo đơn vị và công chức, người lao động các cơ quan Thi hành án dân sự phải luôn thấm nhuần lời dạy của Bác với cán bộ Tư pháp phải “Phụng công thủ pháp, chí công vô tư”: phải công bằng, giữ gìn công lý, bảo vệ lẽ phải, bảo vệ pháp luật. Đây là phẩm chất đạo đức, thể hiện tính dân chủ, công bằng, luôn đặt lợi ích của tập thể lên trên lợi ích cá nhân, góp phần xây dựng xã hội công bằng, văn minh. Để làm tốt yêu cầu đó, với vai trò người đứng đầu đơn vị phải chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động của cơ quan, phân công trách nhiệm cho cấp phó và công chức, người lao động trong đơn vị. Phải thường xuyên nêu gương trong việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương. Quyết liệt, sâu sát kiểm tra đôn đốc, nhắc nhở công chức, người lao động đơn vị thực hiện nhiệm vụ để đạt kết quả tốt nhất, hạn chế mức thấp nhất việc để xảy ra sai sót ở tất cả các lĩnh vực. Với mỗi công chức, người lao động, phải tăng cường kỷ cương, đạo đức nghề nghiệp, nâng cao trách nhiệm giải quyết các vụ việc có điều kiện thi hành, phấn đấu hoàn thành vượt chỉ tiêu được giao. Thực hiện tốt việc rà soát, xác minh phân loại án đúng quy định. Đề ra các biện pháp hữu hiệu trong công tác xác minh, kê biên, xử lý tài sản, nhất là các vụ việc có giá trị phải thi hành án lớn. Tích cực, chủ động thực hiện vai trò Thường trực Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự; chú trọng công tác phối hợp trong hoạt động thi hành án, Lãnh đạo đơn vị phải quan tâm, hỗ trợ Chấp hành viên trong quá trình liên hệ công tác tại cơ sở. Thụ lý, giải quyết kịp thời, đúng quy định các đơn khiếu nại, tố cáo; thực hiện tốt công tác quản lý vật chứng; rà soát hồ sơ đề nghị xét miễn giảm nghĩa vụ thi hành án để giảm lượng án tồn.
Tọa đàm “Cán bộ, công chức Thi hành án dân sự thực hiện Di chúc, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” là việc làm hết sức thiết thực, có ý nghĩa quan trọng, góp phần khẳng định tầm vóc, ý nghĩa lịch sử, giá trị lý luận, thực tiễn của bản Di chúc; là đợt sinh hoạt để cán bộ, công chức các cơ quan Thi hành án dân sự trong tỉnh nghiên cứu, học tập về cuộc đời, sự nghiệp của Bác, thông qua nội dung Di chúc để nhìn nhận lại bản thân đã thực hiện được những gì, từ đó tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, ý chí, nghị lực, quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao.
Trương Thị Hồng Hoa