Sign In

Cục Thi hành án dân sự tỉnh Tây Ninh tổ chức Lễ ký kết Quy chế phối hợp trong công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính

06/09/2019

Cục Thi hành án dân sự tỉnh Tây Ninh tổ chức Lễ ký kết Quy chế phối hợp trong công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính
              Để tăng cường sự phối hợp trong công tác thi hành án dân sự, tăng cường trách nhiệm, năng lực tổ chức thực hiện và sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan, bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác thi hành án dân sự, hành chính trên địa bàn tỉnh, chiều ngày 03/9/2019, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Tây Ninh tổ chức Lễ ký kết Quy chế phối hợp liên ngành trong công tác thi hành án dân sự giữa 04 cơ quan: Cục Thi hành án dân sự, Tòa án nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh và Công an tỉnh. Tham dự buổi Lễ ký kết, về phía lãnh đạo địa phương có đồng chí Phạm Hùng Thái - Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, đồng chí Nguyễn Văn Hùng - Phó trưởng Ban pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh; về phía các ngành tham gia ký kết có đồng chí Lê Văn Lành, Tỉnh ủy viên - Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, đồng chí Đỗ Văn Thinh - Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, đồng chí Nguyễn Hiệp Sơn - Phó Giám đốc Công an tỉnh; đồng chí Võ Xuân Biên - Cục trưởng, các đồng chí Phó Cục trưởng, lãnh đạo các phòng chuyên môn Cục THADS tỉnh Tây Ninh.
Quy chế phối hợp liên ngành giữa Cục Thi hành án dân sự, Tòa án nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh và Công an tỉnh được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở quy chế đã được ký kết năm 2014, gồm 03 chương, 19 Điều gồm các nội dung: Phạm vi phối hợp, mục đích, nguyên tắc, phương thức phối hợp, nội dung phối hợp. Theo Quy chế, công tác phối hợp giữa 04 cơ quan Thi hành án dân sự, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân và Công an tỉnh tập trung vào các nội dung sau:

- Phối hợp trong việc hướng dẫn quyền yêu cầu thi hành án dân sự, cấp và chuyển giao bản án, quyết định;
- Phối hợp trong giải thích, sửa chữa, bổ sung bản án, quyết định; trả lời kiến nghị; thụ lý và giải quyết yêu cầu của cơ quan Thi hành án dân sự;
- Phối hợp trong công tác thu tiền, tài sản phục vụ công tác đặc xá;
- Phối hợp trong công tác cưỡng chế thi hành án dân sự;
- Phối hợp trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về thi hành án dân sự, thi hành án hành chính;
- Phối hợp trong cung cấp, trao đổi thông tin phục vụ công tác thi hành án dân sự, thi hành án hành chính;
- Phối hợp trong việc kiểm sát hoạt động thi hành án dân sự, thi hành án hành chính;
- Phối hợp trong việc chuyển giao vật chứng;
- Phối hợp trong việc thi hành các vụ án lớn, phức tạp, khó thi hành.

Quy chế phối hợp cũng quy định trách nhiệm tổ chức thực hiện của các cơ quan, trong đó Cục Thi hành án dân sự là cơ quan chủ trì, làm đầu mối trong việc tổ chức thực hiện Quy chế, đôn đốc, theo dõi, đánh giá về công tác phối hợp; định kỳ tổ chức họp đánh giá kết quả việc thực hiện Quy chế, rút kinh nghiệm, những vướng mắc, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác THADS trong thời gian tới.

Quy chế phối hợp trong công tác giữa Cục Thi hành án dân sự, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân và Công an tỉnh được sửa đổi, bổ sung sẽ là cơ sở để các cơ quan tăng cường hơn nữa công tác phối hợp trong hoạt động thi hành án dân sự, góp phần đưa công tác phối hợp giữa các ngành đi vào nề nếp, chất lượng, hiệu quả; tạo điều kiện để mỗi ngành thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, đồng thời, bảo đảm công tác thi hành án dân sự được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, hạn chế phát sinh khiếu nại, tố cáo, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.

 
Trương Thị Hồng Hoa

Các tin đã đưa ngày: