Sign In

Vai trò của công tác THADS trong góp phần cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI)

14/05/2020

Vai trò của công tác THADS trong góp phần cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI)
Chỉ số PCI là tên viết tắt tiếng Anh của Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (Provincial Competitiveness Index) – Chỉ số đo lường và đánh giá thực tiễn chất lượng điều hành kinh tế của các tỉnh, thành, qua đó thúc đẩy sự phát triển khu vực kinh tế tư nhân của 63 tỉnh, thành. Chỉ số PCI có thể coi như “tập hợp tiếng nói” của cộng đồng doanh nghiệp dân doanh về môi trường kinh doanh tại các tỉnh, thành phố ở Việt Nam. Do đó, Chỉ số PCI góp phần tìm hiểu và lý giải vì sao một số tỉnh, thành vượt lên các tỉnh, thành khác về phát triển kinh tế tư nhân, tạo việc làm và tăng trưởng kinh tế, từ đó cung cấp thông tin hữu ích cho lãnh đạo các tỉnh, thành phố để xác định những lĩnh vực và cách thức để thực hiện những cải cách điều hành kinh tế một cách hiệu quả nhất.

Chỉ số PCI hiện do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID).  Chỉ số PCI có cách tiếp cận xuất phát từ chính thực tiễn của Việt Nam và thiết kế theo hướng các tỉnh có thể dễ dàng áp dụng các biện pháp cải cách trong điều hành kinh tế, cụ thể như sau: Thứ nhất, bằng cách loại trừ ảnh hưởng của các điều kiện truyền thống ban đầu tới sự tăng trưởng kinh tế của một tỉnh (vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng, quy mô của thị trường và nguồn nhân lực), nghiên cứu PCI chỉ ra rằng thực tiễn điều hành kinh tế tốt ở cấp tỉnh có vai trò quan trọng đối với sự tăng trưởng tại Việt Nam.  Thứ hai, thông qua việc chuẩn hóa điểm số từ các thực tiễn tốt đã có ở Việt Nam, chỉ số PCI khuyến khích chính quyền các tỉnh cải thiện chất lượng công tác điều hành trên cơ sở các thực tiễn điều hành kinh tế tốt, sẵn có tại Việt Nam mà không dựa trên một mô hình lý tưởng nào cả. Thứ ba, bằng cách so sánh đối chiếu giữa các thực tiễn điều hành với kết quả phát triển kinh tế, chỉ số PCI giúp lượng hóa tầm quan trọng của các thực tiễn điều hành kinh tế tốt đối với thu hút đầu tư và tăng trưởng. Thứ tư, các chỉ tiêu cấu thành chỉ số PCI được thiết kế theo hướng dễ hành động, đây là những chỉ tiêu cụ thể cho phép công chức các tỉnh đưa ra các mục tiêu phấn đấu và theo dõi được tiến bộ trong thực hiện.
 Với 12 năm hoạt động, PCI đã đạt được bốn tác động lớn bao gồm: (i) PCI thay đổi tư duy về điều hành: Nếu trước đây các địa phương vẫn cho rằng vị trí địa lý, sự phát triển về cơ sở hạ tầng… mới là quan trọng thì PCI đã khẳng định tăng cường chất lượng điều hành sẽ tạo ra động lực phát triển của khu vực doanh nghiệp và thu hút đầu tư. (ii) PCI tạo công cụ giám sát hiệu quả: Tiếng nói của doanh nghiệp được đề cao. Mục tiêu quan trọng của chính quyền là phải hướng đến sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp. Đây là mục tiêu tối thượng của mọi cuộc cải cách. (iii) PCI là động lực cho sự thay đổi: PCI thúc đẩy sự thay đổi không chỉ thái độ mà còn là hoạt động cụ thể của chính quyền, nhiều sáng kiến mới cải cách đã được các địa phương thực hiện từ PCI. (iv) PCI thúc đẩy hợp tác và chia sẻ những kinh nghiệm tốt và bài học cải cách thành công giữa các địa phương, qua đó thúc đẩy kinh tế của đất nước phát triển.
Phương pháp tính PCI: Chỉ số PCI bao gồm 10 chỉ số thành phần, bao quát những lĩnh vực chính của điều hành kinh tế của các tỉnh, thành phố có liên quan tới sự phát triển của doanh nghiệp. Một địa phương được coi là có chất lượng điều hành tốt khi có: 1) Chi phí gia nhập thị trường thấp; 2) Tiếp cận đất đai dễ dàng và sử dụng đất ổn định; 3) Môi trường kinh doanh minh bạch và thông tin kinh doanh công khai; 4) Chi phí không chính thức thấp; 5) Thời gian thanh tra, kiểm tra và thực hiện các quy định, thủ tục hành chính nhanh chóng; 6) Môi trường cạnh tranh bình đẳng; 7) Lãnh đạo tỉnh năng động, sáng tạo trong giải quyết vấn đề cho doanh nghiệp; 8) Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, chất lượng cao; 9) Chính sách đào tạo lao động tốt và 10) Thủ tục giải quyết tranh chấp công bằng, hiệu quả.
Vai trò của cơ quan THADS trong góp phần cải thiện Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI: Trong 10 chỉ số thành phần để xem xét xếp hạng Chỉ số PCI của từng tỉnh, thành, có Chỉ số Thiết chế pháp lý. Đây là chỉ số thành phần phản ánh lòng tin của doanh nghiệp dân doanh đối với các thiết chế pháp lý của địa phương, việc doanh nghiệp có xem các thiết chế tại địa phương này như là công cụ hiệu quả để giải quyết tranh chấp hoặc là nơi mà doanh nghiệp có thể khiếu nại những hành vi nhũng nhiễu của cán bộ công quyền tại địa phương hay không.
THADS là khâu cuối cuối của quá trình tố tụng, là quá trình hiện thực hóa bản án, quyết định của Tòa án, qua đó bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ các quyền sở hữu của nhà đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và từng địa phương. Chính vì vậy, trong thời gian tới các cơ quan THADS cần tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, tiếp tục nâng cao niềm tin của các doanh nghiệp trong bảo vệ các quyền sở hữu của của các nhà đầu tư, góp phần cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của từng địa phương.
Phiếu khảo sát doanh nghiệp


Theo văn phòng Cục THADS tỉnh

Các tin đã đưa ngày: