Sign In

Kế toán nghiệp vụ Thi hành án dân sự - Sự ra đời và phát triển

11/07/2023

Kế toán nghiệp vụ Thi hành án dân sự - Sự ra đời và phát triển
Cơ quan thi hành án dân sự là cơ quan nhà nước có chức năng tổ chức việc thi hành các bản án, quyết định dân sự. Khi bản án, quyết định được đưa ra thi hành, các cơ quan thi hành án có trách nhiệm thi hành đầy đủ, kịp thời, đúng đắn những bản án, quyết định đó. Tổ chức thi hành án là việc hiện thực hóa các phán quyết của Tòa án, đảm bảo sự tôn nghiêm của pháp luật.
 
- Để theo dõi việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của các đối tượng được thi hành án, phải thi hành án, các tổ chức, cá nhân có liên quan trong tổ chức thi hành các bản án về mặt kinh tế dưới hình thức giá trị, hiện vật. Theo dõi  về tình hình thu, chi thi hành án gồm: tiền, tài sản phải thi hành án, đã thi hành án và còn phải thi hành án theo từng quyết định thi hành án, tình hình quản lý tiền, tài sản tạm giữ; tình hình thu nộp phí thi hành án, nộp tiền, tài sản tuyên tịch thu, sung công…;
Căn cứ Luật Kế toán số 03/2003/QH11 đã được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam Khóa XI thông qua ngày 17/6/2003; Căn cứ Pháp lệnh Thi hành án dân sự số 13/2004/PL-UBTVQH ngày 14/01/2004; Căn cứ Nghị đinh số 62/2003/NĐ-CP ngày 06/6/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp; Căn cứ Nghị định số 173/2004/NĐ-CP ngày 30/912004 của Chính phủ quy định về thủ tục, cưỡng chế và xử phạt vi phạm hành chính trong thi hành án dân sự; Căn cứ Chế độ kế toán hành chính sự nghiệp ban hành theo Quyết định số 999/TC-QĐ- CĐKT ngày 02/11/1996 và các Thông tư hướng dẫn, sửa đổi, bổ sung Chế độ kế toán hành chính sự nghiệp của Bộ Tài chính; Căn cứ Công văn số 12020/TC-CĐKT ngày 22 tháng 10 năm 2004 của Bộ Tài chính về việc chấp thuận Chế độ kế toán nghiệp vụ thi hành án và đề nghị Bộ Tư pháp ban hành Chế độ kế toán nghiệp vụ thi hành án. Ngày 25/10/2004 Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 572/2004/QĐ-BTP về việc ban hành Chế độ kế toán nghiệp vụ Thi hành án.
 Chế độ kế toán nghiệp vụ THA ra đời làm cơ sở cho cơ quan Thi hành án dân sự các cấp theo dõi công tác thu, chi và quản lý tiền, tài sản thi hành án, là cơ sở để các cơ quan THADS thực hiện tổ chức bộ máy kế toán và người làm kế toán, thực hiện các nhiệm vụ về kế toán nghiệp vụ THADS.
- Ngày 14/11/2008, Quốc Hội đã thông qua Luật Thi hành án dân sự, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2019. So với Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004, Luật Thi hành án dân sự là bước phát triển mới về thể chế nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác thi hành án dân sự. Sau khi Luật Thi hành án dân sự được ban hành, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự; Nghị định số 74/2009/NĐ-CP ngày 9/9/2009 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về cơ quan quản lý thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự và công chức làm công tác thi hành án dân sự.
Trên cơ sở các quy định của Luật thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, ngày 17/6/2010 Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 91/2010/TT-BTC hướng dẫn kế toán nghiệp vụ thi hành án dân sự có hiệu lực từ ngày 01/10/2010 để thay thế cho Quyết định số 572/2004/QĐ-BTP về việc ban hành Chế độ kế toán nghiệp vụ Thi hành án,  Quyết định số 09/2007/QĐ-BTP ngày 8/10/2007 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 571/2004/QĐ-BTP.
Bên cạnh việc hướng dẫn thực hiện kế toán nghiệp vụ thi hành án dân sự thống nhất từ Tổng cục Thi hành án dân sự đến các Chi cục Thi hành án dân sự về chứng từ kế toán, tài khoản kế toán, số kế toán và báo cáo tài chính, Thông tư 91/2010/TT-BTC còn quy định nhiệm vụ của Chấp hành viên, cán bộ thi hành án dân sự trong việc lập chứng từ thu-chi tiền, xuất-nhập kho, giao nhận vật chứng tài sản trong thi hành án dân sự, lập báo cáo đối chiếu và lưu trữ chứng từ kế toán trong hồ sơ thi hành án, quy định các nguyên tắc, chế độ, thủ tục và các nghiệp vụ kế toán trong hoạt động THADS cần phải tuân thủ.
- Sau gần 10 năm thực hiện, Thông tư 91/2010/TT-BTC đã bộc lộ những bất cập, hạn chế và một số văn bản quy phạm pháp luật về tài chính kế toán, về công tác THADS có liên quan đến công tác kế toán là căn cứ, cơ sở để xây dựng, ban hành Thông tư  91/2010/TT-BTC đã được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.
Để phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành và thực tiễn công tác kế toán tại các cơ quan THADS, ngày 14/8/2020 Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 78/2020/TT-BTC hướng dẫn kế toán nghiệp vụ THADS thay thế Thông tư 91/2010/TT-BTC.
So với Thông tư 91/2010/TT-BTC, Thông tư 78/2020/TT-BTC có những nội dung thay đổi chính:
1.Chỉ quy định trong Thông tư 78/2020/TT-BTC những nội dung đặc thù của chế độ kế toán nghiệp vụ THADS, không quy định những nội dung đã được quy định trong Luật Kế toán, Nghị định 174/2016/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thi hành như: tổ chức bộ máy kế toán, bổ nhiệm kế toán trưởng, phụ trách kế toán, hướng dẫn cách lập chứng từ, trình tự xử lý chứng từ bị mất, hư hỏng,…
2. Thay đổi hệ thống tài khoản kế toán và chế độ hạch toán cho phù hợp với quy định hiện hành của Luật ngân sách, Luật kế toán và các văn bản hướng dẫn: Hủy bỏ một số tài khoản, thay đổi số hiệu một số tài khoản, một số tài khoản giữ nguyên số hiệu nhưng thay đổi nội dung tài khoản, bổ sung một số tài khoản mới.
3. Kế toán nghiệp vụ THA sẽ không theo dõi số phải thi hành án, số còn phải thi hành án mà chỉ theo dõi thu, chi tiền; xuất, nhập tài sản, vật chứng. Kế toán chỉ theo dõi thực thu, chi tiền và nhập, xuất tài sản, vật chứng. Số liệu phải thi hành  án, số còn phải thi hành án do bộ phận thống kê theo dõi.
4. Quy định trong Thông tư 78/2020/TT-BTC những biểu mẫu chứng từ bắt buộc do Bộ Tài chính ban hành. Đối với một số biểu mẫu chứng từ, sổ sách, báo cáo tài chính, báo cáo quản trị,… theo yêu cầu quản lý do do Bộ Tư pháp ban hành thống nhất trong toàn hệ thống THADS.
Như vậy, từ khi ra đời đến nay, chế độ kế toán nghiệp vụ thi hành án dân sự đã có những sửa đổi, bổ sung, thay thế để phù hợp với tình hình thực tế, nhiệm vụ của cơ quan THADS trong từng giai đoạn. Các thông tin, số liệu kế toán THADS giúp cho Thủ trưởng cơ quan THADS và cơ quan quản lý cấp trên nắm được tình hình thu, chi cũng như hoạt động thi hành án của đơn vị, giúp Lãnh đạo Bộ Tư pháp nắm được tình hình thu, chi cũng như hoạt động thi hành án dân sự trong toàn hệ thống để có các giải pháp, quyết định điều hành, quản lý công tác THADS ngày càng hiệu quả, hoàn thành tốt nhiệm vụ Đảng, nhà nước phân công.
Tin bài: Tào Thị Khánh, Trưởng phòng Tài chính Kế toán

Các tin khác
Các tin đã đưa ngày: