Sign In

Một số quy định còn vướng mắc của Luật THADS về quyền và nghĩa vụ của người có quyền và nghĩa vụ liên quan trong trường hợp kê biên, bán đấu giá tài sản đảm bảo của bên bảo lãnh cho khoản tiền vay

05/03/2021

Một số quy định còn vướng mắc của Luật THADS về quyền và nghĩa vụ của người có quyền và nghĩa vụ liên quan trong trường hợp kê biên, bán đấu giá tài sản đảm bảo của bên bảo lãnh cho khoản tiền vay
Bên bảo lãnh cho khoản tiền vay được hiểu là bên bảo lãnh dùng tài sản của mình thế chấp, đảm bảo cho khoản vay của bên vay tiền đối với bên cho vay tiền. Trường hợp đến thời hạn trả tiền mà bên vay tiền không trả được nợ thì bên bảo lãnh có nghĩa vụ trả nợ thay cho bên vay tiền. (Điều 335 BLDS năm 2015). Mối quan hệ bảo lãnh thông thường phát sinh trong quá trình các cá nhân, tổ chức xác lập quan hệ vay tiền đối với các tổ chức tín dụng (Ngân hàng).
Trong những năm gần việc thi hành án liên quan đến các tổ chức tín dụng, ngân hàng ngày càng tăng về số việc, số tiền và mức độ phức tạp của vụ việc. Thủ tục xử lý tài sản thế chấp cho khoản tiền vay được Luật THADS và các văn bản dưới luật hướng dẫn cụ thể, chi tiết. Tuy nhiên trong trường hợp xử lý tài sản thế chấp của bên bảo lãnh cho khoản tiền vay phát sinh một số vướng mắc, chưa được giải quyết về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của bên bảo lãnh. Trong trường hợp này bên bảo lãnh được xác định là người có quyền và nghĩa vụ liên quan theo khoản 4, điều 3 Luật THADS. Một số vướng mắc về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của bên bảo lãnh được phân tích qua việc thi hành án cụ thể sau:
Trong phần quyết định của Bản án số: 01/KDTMST ngày 09/09/2020 của Tòa án nhân dân huyện S tuyên buộc A phải trả cho Ngân hàng AG tổng số tiền nợ theo hợp đồng tín dụng là 292.000.000 đồng. Trường hợp A không thực hiện nghĩa vụ trả nợ hoặc thực hiện không đầy đủ thì Ngân hàng AG có quyền yêu cầu Cơ quan THADS xử lý, kê biên tài sản thế chấp để thu hồi nợ. Tài sản thế chấp cho khoản vay là nhà đất của B, B dùng tài sản của mình để đảm bảo cho khoản vay của A với Ngân hàng AG. Cơ quan THADS huyện S ban hành QĐ thi hành án theo đơn yêu cầu, tổ chức thi hành theo quy định. Hết thời hạn tự nguyện, Chấp hành viên tiến hành kê biên xử lý nhà đất của B, thông báo cho hai bên đương sự thỏa thuận về giá và lựa chọn tổ chức thẩm định giá tài sản kê biên, hai bên đương sự thống nhất thỏa thuận xác định giá nhà đất kê biên là 180.000.000 đồng. B biết được thông tin đã khiếu nại cho rằng giá trị nhà đất của B lớn hơn nhiều so với giá hai bên đương sự thỏa thuận và yêu cầu định giá lại, đồng thời đề nghị được tham gia thỏa thuận về giá tài sản kê biên. B cho rằng nhà đất thuộc quyền sở hữu của B, B đang trực tiếp quản lý, sử dụng nên biết rõ giá trị của nhà đất. Khiếu nại của B được CHV giải quyết theo quy định, căn cứ điều 98,99 Luật THADS thì chỉ có đương sự (Người phải thi hành án, người được thi hành án, được quy định tại khoản 1 điều 3 Luật THADS) mới có quyền thỏa thuận về giá tài sản và yêu cầu định giá lại. B không phải là đương mà được xác định là người có quyền và nghĩa vụ liên quan. Việc xử lý kê biên tài sản nhà đất của B là trực tiếp ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chính đáng của B, vì vậy việc quy định về chủ thể có quyền thỏa thuận về giá tài sản kê biên cũng như quyền yêu cầu định giá lại trong trường hợp này chỉ bao gồm chủ thể là đương sự là không khách quan, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của B, đồng thời chồng chéo, mâu thuẫn với quy định tại điểm a, khoản 1 điều 7b luật THADS. Điểm a, khoản 1, điều 7b quy định: “Người có quyền và nghĩa vụ liên quan có quyền được thông báo, tham gia vào việc thực hiện biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án mà mình liên quan”. Trong trường hợp này cần bổ sung quy định, mở rộng chủ thể không chỉ giới hạn ở đương sự mà cần phải có cả người có quyền và nghĩa vụ liên quan đến tài sản bị kê biên được quyền tham gia thỏa thuận về giá tài sản kê biên, yêu cầu định giá lại, thỏa thuận lựa chọn tổ chức bán đấu giá (Khoản 2, điều 101 Luật THADS).
      Trong giai đoạn bán đấu giá tài sản, tại khoản 5 điều 101 Luật THADS quy định: “Trước khi mở cuộc bán đấu giá 01 ngày, người phải thi hành án có quyền nhận lại tài sản nếu nộp đủ tiền thi hành án và các chi phí phát sinh trong quá trình cưỡng chế, bán đấu giá…” . Trong trường hợp này chỉ có A là người phải thi hành án mới có quyền chuộc lại tài sản, trong khi đó B là người có quyền và nghĩa vụ liên quan, đang trực tiếp quản lý, sử dụng nhà đất kê biên muốn chuộc lại tài sản thì không có quyền chuộc lại. Như vậy với quy định trên làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của B. Trên thực tế để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của B trong trường hợp này CHV thường vận dụng quy định của pháp luật để B thỏa thuận chuộc lại tài sản hoặc tự nguyện nộp tiền thay cho người phải thi hành án để chuộc lại tài sản.  Để phù hợp với thực tiễn cần bổ sung quy định tại khoản 5 điều 101 Luật THADS theo hướng bổ sung thêm chủ thể người có quyền và nghĩa vụ liên quan đến tài sản bị kê biên có quyền chuộc lại tài sản.
Thỏa thuận trong thi hành án dân sự được nhà nước khuyến khích và bảo vệ, trong các văn bản của pháp luật THADS quy định rõ và chi tiết về việc thỏa thuận thi hành án. Việc quy định về thỏa thuận thi hành án tại điều 6 Luật THADS chỉ giới hạn trong chủ thể là đương sự, tức chỉ bao gồm người phải thi hành án và người được thi hành án. Tại điều 7,7a Luật THADS quy định về quyền thỏa thuận của người phải thi hành án, người được thi hành án với người có quyền và nghĩa vụ liên quan. Trong khi đó tại điều 7b lại không quy định về quyền thỏa thuận thi hành án của người có quyền và nghĩa vụ liên quan. Bản chất của việc thỏa thuận bắt buộc phải có sự tham gia của từ 2 chủ thể trở lên, vì vậy việc quy định như trên không đồng nhất giữa các điều luật. Cần bổ sung về quyền thỏa thuận thi hành án của người có quyền và nghĩa vụ liên quan trong trường hợp việc thi hành án ảnh hưởng trực tiếp tới quyền và nghĩa vụ của họ.
Việc quy định về quyền và nghĩa vụ, xác lập tư cách của người có quyền và nghĩa vụ liên quan trong trường hợp kê biên, bán đấu giá tài sản đảm bảo của bên bảo lãnh cho khoản tiền vay không chỉ có ý nghĩa về mặt lý luận mà còn có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc, góp phần hoàn thiện pháp luật thi hành án dân sự.
Tin bài: Lương Ánh Minh, Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Quan Sơn

 

Các tin đã đưa ngày: