Để đạt được kết quả trên, theo Cục trưởng Cục THADS tỉnh Hoàng Văn Truyền, cơ quan THADS tỉnh đã có nhiều giải pháp đồng bộ với quyết tâm chính trị cao nhất của toàn thể cán bộ, công chức trong việc bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh.
Đặc biệt là ngay từ khi thụ lý các bản án, quyết định của tòa án Nhân dân (TAND), cơ quan THADS trong tỉnh đã phân công nhiệm vụ cho cán bộ tiến hành tổ chức xác minh và phân loại việc để tổ chức thi hành án, không để dồn việc, thụ lý đến đâu phải xử lý đến đó. Đối với những việc có điều kiện thi hành, tiến hành đôn đốc người phải thi hành tự nguyện thi hành án, một số trường hợp cố tình chây ỳ không tự nguyện, xét thấy cần thiết thì triển khai áp dụng biện pháp cưỡng chế. Do vậy, về cơ bản các bản án, quyết định có điều kiện thi hành đều được đưa ra thi hành theo đúng quy định pháp luật, nhiều vụ việc phức tạp đã được giải quyết, bảo đảm quyền, lợi ích của Nhà nước, tập thể và công dân.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác THADS vẫn còn tồn tại một số hạn chế, như: Số vụ, việc có điều kiện nhưng chưa thi hành xong còn nhiều, số việc phải thi hành chuyển sang kỳ sau, năm sau cao hơn năm trước; số vụ việc phức tạp, kéo dài trên 2 năm có điều kiện thi hành nhưng tồn đọng chưa thi hành được còn nhiều; trong đó nhiều vụ việc liên quan đến tín dụng ngân hàng chưa được giải quyết dứt điểm, để kéo dài, ảnh hưởng đến tính nghiêm minh của pháp luật và quyền, lợi ích của Nhà nước, tập thể và công dân.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tồn tại, trong đó có nguyên nhân do bản án, quyết định của tòa án chưa rõ ràng, còn có sai sót, nhất là những bản án liên quan đến tài sản là quyền sử dụng đất; có vụ việc trong quá trình xác minh để tiến hành kê biên tài sản thi hành án phát hiện bản án tuyên không đúng với hiện trạng đất, sai lệch diện tích giữa bản án và thực tế nên không thể tiến hành giao đất, giao nhà như bản án đã tuyên.
Đơn cử như, Bản án số 19/2019/DSST, ngày 9 và 13-9-2019 của TAND tỉnh Thanh Hóa về việc chia di sản thừa kế, trong đó có 1 ngôi nhà 3 gian; diện tích khu đất bản án xác định là 464,625m2, nhưng thực tế khu đất có diện tích 576m2; do trong bản án xác định sai mốc giới nên không tiến hành phân chia được, vì nếu tiến hành giao theo bản án thì ngôi nhà gỗ 3 gian sẽ bị cắt xéo, không còn nguyên nhà để giao lại cho các đương sự. Ngày 25-2-2022, tòa án cấp cao có quyết định giám đốc thẩm đối với bản án nêu trên với nội dung hủy Bản án số 19/2019/DSST, ngày 9 và 13-9-2019 của TAND tỉnh Thanh Hóa.
Theo thống kê, tính từ năm 2017 đến nay toàn tỉnh có 41 vụ việc bản án, quyết định của tòa án tuyên không rõ, khó thi hành. Trong đó, án hình sự 13 vụ, án dân sự 17 vụ, án kinh doanh thương mại 10 vụ, án hôn nhân gia đình 1 vụ. Phân loại các bản án, quyết định theo cấp tòa xét xử gồm: Tòa phúc thẩm tối cao 1 vụ, TAND tỉnh 13 vụ, TAND huyện 17 vụ.
Thực hiện các quy định của pháp luật, thời gian qua cơ quan THADS hai cấp trong tỉnh đã phối hợp với TAND hai cấp thực hiện đề nghị và giải thích để cơ quan THADS có cơ sở tổ chức thi hành án. Về cơ bản, các bản án, quyết định của TAND hai cấp trong tỉnh đã được giải thích và cơ quan THADS đã tổ chức thi hành xong. Cho đến nay, trên phạm vi toàn tỉnh còn 5 vụ việc mặc dù đã có văn bản giải thích của tòa án nhưng cơ quan THADS chưa tổ chức thi hành do còn một số vướng mắc từ thực tế so với bản án, quyết định. Điển hình như hồ sơ thi hành án theo Quyết định THADS số 23, 24/QĐCCTHADS, ngày 11-10-2016 của Chi cục THADS huyện Thạch Thành thi hành Bản án số 30/DSPT, ngày 13-5-2016: Người phải thi hành án phải giao lại 3.867m2 đất lấn chiếm. Quá trình xác minh thực tế hiện trạng thấy phần diện tích đất ghi trong bản án và sơ đồ đất lấn chiếm đang có sự chênh lệch. Các cạnh của diện tích đất lấn chiếm trong bản án tuyên không có mốc giới bắt đầu từ đâu đến đâu, gây khó khăn cho chấp hành viên trong quá trình giao đất cho người được thi hành án.
Trao đổi về những khó khăn trong công tác thi hành án, Cục trưởng Cục THADS tỉnh Hoàng Văn Truyền, cho biết: “Việc án tuyên không rõ đã làm giảm hiệu quả công tác THADS đối với một số vụ án cụ thể. Vì vậy, để đảm bảo cho các bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật phải được thi hành nghiêm, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và công dân, thời gian tới các cơ quan tư pháp, trong đó có Viện Kiểm sát Nhân dân, TAND bằng chức năng, nhiệm vụ của mình cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa để hạn chế, giải quyết tồn tại của việc án tuyên không rõ, khó thi hành. Làm tốt công tác này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan THADS giải quyết tốt những vụ án phức tạp, kéo dài”.
Nguồn: theo Ngân Hà, baothanhhoa.vn