Việc xử lý vật chứng, tài sản là một trong những nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên của các Cơ THADS được quy định cụ thể tại các điều luật thuộc Chương V Luật THADS. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thi hành án trên thực tế, việc xử lý vật chứng là giấy tờ liên quan đến thân thân của đương sự mà bản án, quyết định của Tòa án tuyên trả lại cho đương sự có những bất cập nhất định.
Ví dụ: Tại Bản án hình sự sơ thẩm số xx/2019/HSST ngày 10/4/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Lạng Sơn tuyên trả lại giấy tờ tùy thân cho những người người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án, gồm:
- Trả lại cho chị Trần Thị Thanh (Nơi đăng ký HKTT và chỗ ở: xóm A, xã Danh Thắng, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) 01 giấy thông hành số H662607 mang tên Trần Thị Thanh do công an tỉnh Lạng Sơn cấp ngày 05/4/2018.
- Trả lại cho anh Nguyễn Văn Ca (Nơi đăng ký HKTT và chỗ ở: xóm B, xã Danh Thắng, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) 01(một) giấy thông hành số H662609 mang tên Nguyễn Văn Ca do công an tỉnh Lạng Sơn cấp ngày 05/4/2019.
- Trả lại cho chị Chu Thị Thu Thủy (Nơi đăng ký HKTT và chỗ ở: Số 01, khu phố Nội Trì I, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) 01(một) giấy thông hành số H662610 mang tên Chu Thị Thu Thủy do công an tỉnh Lạng Sơn cấp ngày 05/4/2019.
- Trả lại cho chị Quàng Thị Thơ (Nơi đăng ký HKTT và chỗ ở: Bản Huổi Chan I, xã Mường Pồn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) 01(một) giấy thông hành số H662608 mang tên Quàng Thị Thơ do công an tỉnh Lạng Sơn cấp ngày 05/4/2019.
- Trả lại cho chị Cà Thị Hạnh (Nơi đăng ký HKTT: Bản Huổi Chan I, xã Mường Pồn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên; chỗ ở: thôn Bất Lự, xã Hoàn Sơn, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) 01(một) giấy thông hành số H662610 mang tên Cà Thị Hạnh do công an tỉnh Lạng Sơn cấp ngày 05/4/2019.
Sau khi tiếp nhận bản án, căn cứ theo quy định tại Điều 36 Luật THADS, Điều 6 Nghị định 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật THADS, Cơ quan THADS đã ra 05 quyết định chủ động thi hành án đối với các khoản trả lại tài sản là giấy tờ tùy thân cho đương sự theo đúng nội dung bản án đã tuyên và phân công Chấp hành viên tổ chức thi hành án theo quy định. Trong quá trình tổ chức thi hành án, Chấp hành viên nhận thấy một số bất cập như sau:
Thứ nhất: Về thời hạn các giấy thông hành được tuyên trả lại cho đương sự đều có thời hạn hơn 2 tháng (từ 05/4/2018 đến 20/7/2018), tại thời điểm xét xử cũng như thời điểm ra quyết định thi hành án, cả 05 giấy thông hành nêu trên đều đã hết thời hạn sử dụng. Mặt khác, tại Điều 4 Thông tư 67/2013/TT-BCA quy định việc cấp giấy thông hành xuất, nhập cảnh vùng biên giới cho công dân Việt Nam qua lại biên giới Việt Nam - Trung Quốc do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành quy định:
1. Giấy thông hành xuất, nhập cảnh theo quy định của Thông tư này có thời hạn không quá 12 tháng kể từ ngày cấp và không được gia hạn; được sử dụng nhiều lần trong phạm vi vùng biên giới.
2. Công dân Việt Nam xuất cảnh sang Trung Quốc bằng giấy thông hành xuất, nhập cảnh được hoạt động trong phạm vi vùng biên giới đối diện của Trung Quốc tiếp giáp Việt Nam.
Theo quy định trên, thời hạn sử dụng giấy thông hành xuất, nhập cảnh qua lại biên giới Việt Nam - Trung Quốc là không quá 12 tháng và không được gia hạn. Như vậy, việc Cơ quan THADS ra quyết định thi hành án căn cứ theo nội dung bản án tuyên và lập hồ sơ tổ chức thi hành án để thi hành khoản trả lại tài sản cho đương sự là giấy tờ tùy thân đã hết thời hạn sử dụng vô hình chung đã gây lãng phí về thời gian, kinh phí để tổ chức thi hành án. Mặt khác, việc tổ chức thi hành án không mang lại quyền, lợi ích hợp pháp cho đương sự, cũng như không mang lại hiệu quả cho bất kỳ cơ quan tổ chức nào.
Thứ hai: Đối với vụ việc trên, các đương sự được trả lại giấy tờ tùy thân đều có nơi đăng ký hộ khẩu và chỗ ở tại địa phương khác, Cơ quan THADS thông báo nhiều lần để đến nhận lại giấy tờ trên đã không có hiệu quả, nhưng cũng không có biện pháp xử lý dứt điểm hồ sơ vì tại khoản 3 Điều 126 Luật THADS quy định:" Đối với giấy tờ liên quan đến tài sản, nhân thân của đương sự thì hết thời hạn 01 năm, kể từ ngày thông báo nếu đương sự không đến nhận,Chấp hành viên làm thủ tục chuyển giao cho cơ quan đã ban hành giấy tờ đó xử lý theo quy định”.
Như vậy, phải sau 01 năm kể từ ngày thông báo nếu đương sự không đến nhận lại giấy tờ tùy thân, Chấp hành viên mới được làm thủ tục chuyển giao cho cơ quan ban hành giấy tờ đó, hồ sơ sẽ để tồn đọng kéo dài, gây ảnh hưởng đến hiệu quả công tác của Chấp hành viên và Cơ quan THADS.
Trên thực tế, không chỉ có 01 bản án nêu trên mà có rất nhiều bản án tuyên về khoản trả lại tài sản cho đương sự là giấy tờ tùy thân đã hết thời hạn sử dụng, gây nên nhiều lãng phí và không ít khó khăn cho việc tổ chức thi hành án.
Từ những bất cập trên, thiết nghĩ việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật THADS cần nghiên cứu bổ sung quy định hướng dẫn cụ thể về Điều 126 Luật THADS đối với việc trả lại giấy tờ tùy thân đã hết thời hạn sử dụng, không còn giá trị sử dụng. Hướng sửa đổi bổ sung nên tương tự như quy định tại đoạn 1 khoản 3 Điều 126 Luật THADS quy định đối với tài sản không bán được hoặc bị hư hỏng không còn giá trị sử dụng, cụ thể: "Đối với những giấy tờ tùy thân bản án tuyên trả lại cho đương sự nhưng hết thời hạn sử dụng, không còn giá trị sử dụng thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định tiêu hủy và tổ chức tiêu hủy theo quy định tại Điều 125 của Luật thi hành án dân sự".
Phạm Thị Thoa
Cục Thi hành án dân sự tỉnh Lạng Sơn