Theo quy định tại điểm i khoản 2 Điều 35 Luật THADS năm 2008 sửa đổi bổ sung năm 2014 thì Cơ quan THADS cấp tỉnh thi hành bản án, quyết định của tòa án mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp về thi hành án. Còn Điều 181 Luật THADS cũng chỉ quy định viện dẫn sang quy định của pháp luật về tương trợ tư pháp.
Hiện nay, Điều 50 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP là điều khoản duy nhất điều chỉnh vấn đề THADS có yếu tố nước ngoài thông qua các quy định về tương trợ tư pháp trong thi hành án. Tuy nhiên, Điều 50 mới chỉ quy định về thẩm quyền, thời hạn thực hiện ủy thác tư pháp.
Còn tại Điều 13 Luật Tương trợ tư pháp quy định: “Cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam trong quá trình giải quyết các vụ việc dân sự có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thực hiện tương trợ tư pháp trong các trường hợp sau đây: Tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu cho người đang ở nước được yêu cầu…”. Như vậy, chưa có một quy định cụ thể để xác định trường hợp cơ quan THADS cần thực hiện việc ủy thác tư pháp và căn cứ để xác định vụ việc “có yếu tố nước ngoài”, “đương sự ở nước ngoài”?
Trong khi đó, theo quy định tại Điều 663 Bộ luật dân sự 2015, quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài là quan hệ dân sự thuộc một trong các trường hợp sau đây: Có ít nhất một trong các bên tham gia là cá nhân, pháp nhân nước ngoài; các bên tham gia đều là công dân Việt Nam, pháp nhân Việt Nam nhưng việc xác lập, thay đổi, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ đó xảy ra tại nước ngoài; các bên tham gia đều là công dân Việt Nam, pháp nhân Việt Nam nhưng đối tượng của quan hệ dân sự đó ở nước ngoài.
Còn Điều 464 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 chỉ có quy định về vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài là vụ việc dân sự thuộc một trong các trường hợp sau đây: có ít nhất một trong các bên tham gia là cá nhân, cơ quan, tổ chức nước ngoài; các bên tham gia đều là công dân, cơ quan, tổ chức Việt Nam nhưng việc xác lập, thay đổi, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ đó xảy ra tại nước ngoài; các bên tham gia đều là công dân, cơ quan, tổ chức Việt Nam nhưng đối tượng của quan hệ dân sự đó ở nước ngoài.
Một trong những bất cập của pháp luật về THADS hiện này là không có khái niệm “việc THADS có yếu tố nước ngoài” nhưng lại bổ sung thêm khái niệm “đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp”. Vậy, khái niệm “ở nước ngoài” này được hiểu như thế nào? “Ở” là thường trú, tạm trú hay bao gồm cả những trường hợp đi du lịch, đi công tác tại thời điểm thi hành án?
Hơn nữa, không phải tất cả những trường hợp “có yếu tố nước ngoài” theo quy định của Bộ luật Dân sự đều cần phải thực hiện việc ủy thác tư pháp. Vì có trường hợp người nước ngoài là chủ một doanh nghiệp tại Việt Nam phải thi hành án, người đó vẫn tiếp tục cư trú và làm việc tại Việt Nam nên không cần phải thực hiện việc ủy thác tư pháp để tống đạt văn bản, giấy tờ về thi hành án. Có trường hợp các đương sự đều là người Việt Nam, phát sinh tranh chấp và được giải quyết bởi Tòa án Việt Nam, nhưng thời điểm thi hành án, người đó lại đi học hoặc đi lao động tại nước ngoài hoặc trường hợp người nước ngoài đã về nước không còn cư trú tại Việt Nam nhưng trước đó đương sự có đăng ký địa chỉ thường trú tại Việt Nam.
Do vậy, thực tiễn tổ chức thi hành đối với một số vụ việc như Vụ Bùi Thị Huy Lý (Cần Thơ), vụ Nguyễn Tùng Lâm (Hà Nội)…., cơ quan thi hành án đã phối hợp với cơ quan Công an để xác định thời điểm xuất cảnh và nơi đến của người phải thi hành án, để có cơ sở ủy thác tư pháp. Tuy nhiên, không có kết quả, dẫn đến vụ việc thi hành án kéo dài.
Vì vậy, cần tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật về tương trợ tư pháp trong THADS, đặc biệt là bổ sung các quy định về căn cứ thực hiện ủy thác tư pháp, làm rõ các cơ sở để xác định trường hợp cơ quan THADS cần thực hiện ủy thác tư pháp. Từ đó đảm bảo việc ủy thác được thực hiện đúng trình tự, thủ tục và rút ngắn thời gian tổ chức thi hành án.
Lê Hồng
Theo báo pháp luật việt nam