Sign In

Cần sửa đổi quy định về thanh toán tiền thi hành án

09/09/2019

(PLVN) - Do chưa có sự thống nhất giữa các quy định của Luật Thi hành án dân sự (THADS), Nghị định số 62/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THADS và Thông tư liên tịch số 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC về thanh toán tiền thi hành án, dẫn đến trong thực tiễn thi hành gặp rất nhiều khó khăn.
Khoản 1 Điều 49 Nghị định 62/2015/NĐ-CP quy định “Trường hợp thanh toán tiền thi hành án theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 47 Luật THADS thì Chấp hành viên xác định số tiền được thanh toán của những người được thi hành án đã yêu cầu thi hành án tính đến thời điểm có quyết định cưỡng chế”. Tuy nhiên, quy định này chưa thể hiện rõ mục đích của việc xác định người được thi hành án đã có đơn yêu cầu cũng như không quy định rõ người được thi hành án trong một hay nhiều bản án, quyết định của Tòa án tính đến thời điểm thanh toán tiền.

 Mặt khác, đoạn 2 khoản này lại quy định “Trường hợp bản án, quyết định đang do cơ quan THADS tổ chức thi hành xác định nhiều người được thi hành án nhưng chỉ một hoặc một số người yêu cầu thi hành án mà tài sản của người phải thi hành án không đủ để thi hành nghĩa vụ tài sản theo bản án, quyết định thì cơ quan THADS thanh toán cho người đã yêu cầu thi hành án theo tỉ lệ mà họ được nhận, số tiền còn lại gửi vào ngân hàng theo loại tiền gửi kỳ hạn 01 tháng, đồng thời thông báo và ấn định thời hạn không quá 01 tháng cho những người được thi hành án chưa yêu cầu về quyền yêu cầu thi hành án, trừ trường hợp đã hết thời hiệu” và khoản 2 Điều 6 Thông tư số 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 01/8/2016 Quy định một số vấn đề về thủ tục THADS và phối hợp liên ngành trong THADS thì “…cơ quan THADS xác định rõ những bản án, quyết định đang trực tiếp tổ chức thi hành có trước thời điểm có quyết định cưỡng chế thi hành án mà có nhiều người được thi hành án để xác định người đã yêu cầu thi hành án, người chưa yêu cầu thi hành án; số tiền được thanh toán của người đã yêu cầu thi hành án và của người chưa yêu cầu thi hành án theo các bản án, quyết định đó”. 

Như vậy, chưa có sự thống nhất giữa các quy định của Luật, Nghị định số 62/NĐ-CP và Thông tư liên tịch số 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC về thanh toán tiền thi hành án, dẫn đến trong thực tiễn thi hành gặp rất nhiều khó khăn.

Bộ Tư pháp cho rằng Theo quy định tại Điều 11 (về các phương thức bảo vệ quyền dân sự) Bộ luật Dân sự về phương thức bảo vệ quyền dân sự thì khi quyền dân sự của một người bị xâm phạm, đã được Tòa án bảo vệ (bằng một bản án, quyết định) thì họ có quyền tự bảo vệ hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền (cơ quan THADS) để tổ chức thi hành bản án, quyết định đó để bảo vệ quyền lợi cho họ. Trách nhiệm của cơ quan THADS chỉ phát sinh kể từ thời điểm đương sự có yêu cầu thi hành án (trừ trường hợp chủ động). Chỉ khi có yêu cầu thì mới có tư cách của người được thi hành án và bảo đảm nguyên tắc áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án tương ứng với nghĩa vụ của người phải thi hành án mà người được thi hành án đã yêu cầu và những nghĩa vụ thuộc diện chủ động và các chi phí cần thiết. Việc cơ quan THADS phải thông báo và phân chia số tiền thu được cho cả những người chưa có yêu cầu thi hành án như hiện nay vừa ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của những người được thi hành án đã yêu cầu thi hành án (vì đã theo toàn bộ quá trình thi hành án từ khi ra quyết định thi hành án, kê biên, bán đấu giá tài sản, giao tài sản cho người trúng đấu giá…nhưng đến khi thanh toán tiền thi hành án thì lại xuất hiện “người được thi hành án” khác và phải chia tỷ lệ cho họ. Có những trường hợp người đã yêu cầu thi hành án ban đầu chỉ được thanh toán số tiền rất nhỏ vì số tiền được thi hành án của người được thi hành án yêu cầu sau nhiều hơn. Do đó, không khuyến khích việc người được thi hành án yêu cầu thi hành án sớm để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình), vừa phát sinh thêm trách nhiệm của cơ quan THADS (cơ quan THADS không thể biết ở địa bàn khác người phải thi hành án còn có nghĩa vụ đối với người khác hay không.). 

Do đó, khoản 1 Điều 49 được sửa đổi theo hướng: “Trường hợp thanh toán tiền thi hành án theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 47 Luật thi hành án dân sự thì Chấp hành viên xác định số tiền được thanh toán của những người được thi hành án đã yêu cầu thi hành án theo các bản án, quyết định đang do cơ quan thi hành án đó tổ chức thi hành tính đến thời điểm có quyết định cưỡng chế hoặc có biên bản về việc tự nguyện giao tài sản để ưu tiên thanh toán cho họ”.

Thanh Nhàn


Theo báo pháp luật việt nam

Các tin đã đưa ngày: