Tuy nhiên, trong thực tiễn thủ tục xử phạt vi phạm hành chính đối với trường hợp này gặp rất nhiều vướng mắc. Theo quy định tại khoản 3 Điều 52 và khoản 4 Điều 68 Nghị định số 110/2013/NĐ-CP thì hành vi “Không thực hiện công việc phải làm, không chấm dứt thực hiện công việc không được làm theo bản án, quyết định” sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng và thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp này là của Cục trưởng Cục THADS, Trưởng phòng Phòng thi hành án cấp quân khu. Chấp hành viên phải đề xuất Cục trưởng Cục THADS cấp tỉnh hoặc Trưởng phòng Phòng thi hành án cấp quân khu ra quyết định xử phạt. Đây là một trình tự chiếm rất nhiều thời gian tác nghiệp của chấp hành viên và kéo dài thời gian tổ chức thi hành án.
Đa số quan điểm cho rằng, việc xử phạt hành chính và ấn định thời hạn để xử phạt hành chính đối với những trường hợp này là không cần thiết. Bởi vì, về nguyên tắc Bản án, quyết định của Toà án nhân dân có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành. Việc xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp này không mang lại hiệu quả răn đe mà còn làm kéo dài thêm thủ tục thi hành án. Mặt khác, việc thu các khoản tiền sau khi xử phạt vi phạm hành chính cũng là một vấn đề nan giản khi mà người phải thi hành án không tự nguyện chấp hành hoặc không có tài sản để thi hành án. Do đó đề nghị quy định nâng thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với Chấp hành viên để chấp hành viên chủ động xử phạt vi phạm hành chính trong những trường hợp này; hoặc xem xét bỏ thủ tục xử phạt vi phạm hành chính đối với việc thực hiện biện pháp cưỡng chế này để rút ngắn quá trình tổ chức thi hành án.
Theo Điều 118 Luật THADS, hết thời hạn đã ấn định mà người phải thi hành án không thực hiện nghĩa vụ thi hành án mà công việc đó có thể giao cho người khác thực hiện thay thì Chấp hành viên giao cho người có điều kiện thực hiện; chi phí thực hiện do người phải thi hành án chịu. Trường hợp công việc đó phải do chính người phải thi hành án thực hiện thì Chấp hành viên đề nghị cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không chấp hành án theo Điều 380 BLHS năm 2015.
Luật THADS và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa có quy định cụ thể về các loại văn bản cần phải chuyển giao cho cơ quan Công an trong quá trình đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự. Điều này dẫn đến việc áp dụng pháp luật tại mỗi nơi lại khác nhau. Do đó pháp luật THADS cần có hướng dẫn cụ thể hơn về thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phải thi hành án trong những trường hợp này (các loại văn bản mà cơ quan THADS cần chuyển giao đến cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự) để các cơ quan THADS thống nhất thực hiện trong việc thi hành án cưỡng chế buộc thực hiện công việc nhất định nói riêng và các việc thi hành án liên quan đến truy cứu trách nhiệm hình sự nói chung.
Trên thực tế, việc đề nghị cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không chấp hành án đối với người phải thi hành án vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Chấp hành viên phải thực hiện rất nhiều thủ tục để lập hồ sơ đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng chưa chắc được cơ quan Công an, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp thống nhất giải quyết. Do đó, cần phải quan tâm hơn nữa đến việc phối hợp giữa cơ quan Công an với cơ quan THADS trong việc điều tra, truy tố các tội phạm trong hoạt động THADS, nhất là trong bối cảnh Bộ luật Hình sự năm 2015 đã có những sửa đổi bổ sung rất quan trọng về các tội phạm trong hoạt động THADS.