Thực tế có vụ việc công ty A phải thi hành cho ngân hàng B một khoản tiền lớn. Do công ty này không trả được nợ nên ngân hàng đã yêu cầu cơ quan thi hành án xử lý các tài sản thế chấp để thu hồi nợ, trong đó có tài sản quyền khai thác thiên nhiên (than) thuộc quyền sở hữu của công ty này. Quá trình tổ chức thi hành án, Cơ quan THADS tiến hành xác minh tài sản bảo đảm thì được biết quyền khai thác khoáng sản thiên nhiên (than) của công ty A thuộc danh mục khu vực không đấu giá quyền khai thác của địa phương.
Đối với vụ việc thi hành án này, mặc dù việc thế chấp của công ty A đúng quy định pháp luật, nhưng việc xử lý tài sản bị hạn chế bởi quy định của địa phương về quyền kê biên, bán đấu giá tài sản là quyền khai thác khoáng sản. Do đó, cơ quan THADS không chủ động trong việc xử lý tài sản mà phải dựa trên các quy định của Luật THADS và Luật Khoáng sản để báo cáo địa phương có biện pháp xử lý tài sản này vì UBND cấp tỉnh mới là cơ quan có thẩm quyền quyết định tổ chức đấu giá hay chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản theo pháp luật về khoáng sản.
Trong một trường hợp khác, theo bản án quy định buộc công ty X phải có nghĩa vụ trả cho Ngân hàng Y một khoản tiền. Nếu Công ty X không trả hoặc trả không hết khoản nợ trên thì Ngân hàng Z có nghĩa vụ trả khoản nợ đã tuyên nêu trên trong phạm vi bảo lãnh đã cam kết cho Ngân hàng Y theo các chứng thư bảo lãnh của Ngân hàng Z. Tuy nhiên, nguồn thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh là từ quỹ dự phòng rủi ro bảo lãnh của Ngân hàng Z do Ngân sách Nhà nước cấp. Hiện nay, nguồn quỹ này không còn, nên Ngân hàng Z chưa có nguồn để thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh theo quy định pháp luật. Như vậy trong vụ việc này, mặc dù việc nhận thế chấp bảo lãnh của các ngân hàng là đúng quy định pháp luật tuy nhiên việc tổ chức thi hành án gặp khó khăn, vướng mắc từ nhiều cơ quan, ban ngành khác.
Bên cạnh đó, cũng có nhiều trường hợp TCTD nhận thế chấp tài sản không xử lý để thi hành án được như việc nhận thế chấp động sản đến giai đoạn tổ chức thi hành án thì không xác định được động sản ở đâu nên không thể xử lý hoặc nhận thế chấp đất trên giấy tờ đến khi xác minh thì tài sản không đo vẽ và không xác định được.
Ngoài ra, công tác thi hành án tín dụng ngân hàng còn gặp khó khăn trong công tác phối hợp liên ngành. Tại một số địa phương, công tác này vẫn mang tính hình thức, đạt hiệu quả chưa cao. Nhiều vụ việc phải ban hành nhiều văn bản đề nghị, thậm chí báo cáo Ban chỉ đạo THADS mới phối hợp được để thực hiện việc cưỡng chế. Công tác phối hợp xác minh điều kiện thi hành án còn chậm, nhất là với cơ quan nắm giữ thông tin về đất đai, tài khoản của người phải thi hành án, cơ quan nắm giữ thông tin của doanh nghiệp. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả thực hiện nhiệm vụ của Chấp hành viên và kéo dài thời gian tổ chức thi hành án.
Để công tác thi hành án tín dụng ngân hàng trong thời gian tới hiệu quả hơn, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo các Bộ, Ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc ban hành các văn bản, chỉ đạo hướng dẫn cụ thể nhằm triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 42 và chỉ đạo các cấp hỗ trợ tối đa cho cơ quan THADS cũng như các TCTD. Đối với Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP, cần nghiên cứu cơ chế uỷ thác thi hành án phù hợp, cơ chế xử lý tài sản bảo đảm có tính chất đặc thù nhằm rút ngắn thời gian xử lý tài sản, tổ chức thi hành án.
Cùng với đó, Tổng cục THADS cần chỉ đạo các cơ quan THADS tiếp tục thực hiện nghiêm túc các quy định tại Nghị quyết số 42/2017/QH14; Chỉ thị số 32/CT-TTg và các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của các cơ quan có thẩm quyền. Phối hợp có hiệu quả với Vụ pháp chế - Ngân hàng nhà nước, các TCTD để tổ chức các đoàn kiểm tra, phúc tra việc thi hành án liên quan đến tín dụng, ngân hàng tại những địa phương có lượng án tín dụng ngân hàng lớn, có khó khăn, vướng mắc.
Tại các cơ quan THADS địa phương, cần tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành. Chủ động phối hợp với các cơ quan, ban, ngành có liên quan tại địa phương để kịp thời có biện pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành án. Nâng cao tính hiệu quả thực chất của Tổ xử lý nợ xấu tại các Cục THADS, đổi mới phương thức thực hiện, làm việc để kịp thời giải quyết vướng mắc phát sinh.
Lê Hồng
Theo báo pháp luật việt nam