Sign In

Còn cách hiểu khác nhau trong việc thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính có nội dung tuyên hủy toàn bộ quyết định hành chính, buộc ban hành lại quyết định hành chính mới theo quy định của pháp luật

24/05/2022

Điểm b khoản 1 Điều 311 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 quy định: “Trường hợp bản án, quyết định của Tòa án đã hủy toàn bộ hoặc một phần quyết định hành chính, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh thì quyết định hoặc phần quyết định bị hủy không còn hiệu lực. Các bên đương sự căn cứ vào quyền và nghĩa vụ đã được xác định trong bản án, quyết định của Tòa án để thi hành”. Cụ thể hóa quy định nêu trên, tại khoản 1 Điều 16 Nghị định số 71/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 quy định thời hạn, trình tự, thủ tục thi hành án hành chính và xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án, quyết định của Tòa án quy định: Trường hợp bản án, quyết định của Tòa án tuyên hủy toàn bộ quyết định hành chính, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, người phải thi hành án phải thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo nội dung bản án, quyết định của Tòa án và theo quy định của pháp luật; thực hiện kiến nghị của Tòa án về việc xử lý đối với quyết định hành chính trái pháp luật đã bị hủy; trường hợp quyết định đó đã được thi hành toàn bộ hoặc một phần thì cơ quan đã ban hành quyết định hành chính phải thực hiện các thủ tục, biện pháp để khôi phục quyền và lợi ích hợp pháp của các bên theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, thực tiễn tổ chức thi hành án, theo dõi thi hành án hành chính đối với những bản án, quyết định này, vẫn còn những cách hiểu khác nhau cần được thống nhất.
Sau đây, tác giả xin minh họa một vụ việc cụ thể như sau:
Bản án số 393/2018/HC-PT ngày 21/9/2018 của TAND cấp cao tại Thành phố A tuyên: “Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Võ Thị Hiếu và ông Võ Văn Trung, bà Võ Thị Năm, bà Võ Thị Hà, bà Võ Thị Lùn, ông Võ Văn Nuôi; Hủy các Quyết định số 365/QĐ-UBND ngày 15/6/2015 của Chủ tịch UBND thành phố C; Quyết định số 775/QĐ-UBND ngày 14/12/2015 của Chủ tịch UBND thành phố C; Quyết định số 406/QĐ-UBND ngày 20/7/2016 của Chủ tịch UBND thành phố C; Chủ tịch UBND thành phố C phải ban hành lại Quyết định theo quy định của pháp luật”.
Quá trình tổ chức thi hành án, UBND thành phố C cho rằng nội dung Bản án hành chính số 393/2018/HC-PT tuyên chưa rõ nên đã có văn bản đề nghị Tòa án hướng dẫn để làm căn cứ tổ chức thi hành án. Ngày 11/02/2020, TAND cấp cao tại Thành phố A có Công văn số 247/2020/CV-TACC giải thích, hướng dẫn: ...việc Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố A tuyên buộc “Chủ tịch UBND thành phố C phải ban hành lại Quyết định theo quy định của pháp luật” là phù hợp với quy định của pháp luật. Trong phạm vi xét xử của vụ án hành chính, Tòa án chỉ xem xét đối với các đối tượng bị khởi kiện. Việc giải quyết bồi thường, hỗ trợ và giải quyết khiếu nại lại thuộc thẩm quyền của UBND thành phố C và Chủ tịch UBND thành phố C theo Điều 66, Điều 69 Luật Đất đai và Điều 17 Luật khiếu nại. Đề nghị UBND thành phố C và Chủ tịch UBND thành phố C căn cứ thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật”.
Căn cứ Bản án hành chính số 393/2018/HC-PT; Công văn giải thích số 247/2020/CV-TACC và hồ sơ giải quyết khiếu nại, ngày 16/4/2021 Chủ tịch UBND thành phố C đã ban hành Quyết định giải quyết khiếu nại số 1675/QĐ-UBND với nội dung không chấp nhận khiếu nại của bà Võ Thị Hiếu.
Việc Chủ tịch UBND thành phố C ban hành Quyết định giải quyết khiếu nại số 1675/QĐ-UBND với nội dung không chấp nhận khiếu nại của bà Võ Thị Hiếu còn có 02 quan điểm khác nhau:
Quan điểm thứ nhất: việc Chủ tịch UBND thành phố C ban hành lại Quyết định giải quyết khiếu nại số 1675/QĐ-UBND với nội dung không chấp nhận khiếu nại của bà Võ Thị Hiếu là đã thi hành xong nội dung tuyên xử tại Bản án số 393/2018/HC-PT. Lý do: Căn cứ phần quyết định của Bản án số 393/2018/HC-PT; Văn bản giải thích số 247/2020/CV-TACC của Tòa án nhân dân cấp cao tại thành phố A và hồ sơ giải quyết khiếu nại, Chủ tịch UBND thành phố C đã xem xét, ban hành lại Quyết định giải quyết khiếu nại số 1675/QĐ-UBND là đã thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo đúng quy định của Luật Khiếu nại và đã thi hành Bản án số 393/2018/HC-PT. Việc xem xét chấp nhận hay không chấp nhận khiếu nại phải căn cứ vào hồ sơ giải quyết khiếu nại và phải được thực hiện theo trình tự, thủ tục của Luật Khiếu nại, phần nhận định của Tòa án là cơ sở để xem xét, đối chiếu, đánh giá kết luận chứ không phải là căn cứ duy nhất để giải quyết khiếu nại. Trong trường hợp này, Chủ tịch UBND thành phố C phải hoàn toàn chịu trách nhiệm đối với quyết định hành chính do mình ban hành (có đúng hay trái với quy định của pháp luật). Trường hợp bà Hiếu vẫn không đồng ý với Quyết định giải quyết khiếu nại số 1675/QĐ-UBND, vì cho rằng quyết định đó là trái pháp luật thì bà Hiếu có quyền khiếu nại tiếp đến Chủ tịch UBND tỉnh B hoặc khởi kiện vụ án hành chính (mới) tại Tòa án có thẩm quyền để được xem xét, giải quyết.
Quan điểm thứ hai: việc Chủ tịch UBND thành phố C ban hành lại Quyết định giải quyết khiếu nại số 1675/QĐ-UBND với nội dung không chấp nhận khiếu nại của bà Võ Thị Hiếu là thi hành không đúng nội dung của Bản án số 393/2018/HC-PT. Lý do: Để thi hành Bản án số 393/2018/HC-PT, về nguyên tắc, người phải thi hành án phải căn cứ vào phần phán quyết và phần nhận định của Bản án để giải quyết khiếu nại lại đối với bà Võ Thị Hiếu theo đúng quy định, trong khi, tại phần nhận định của Bản án số 393/2018/HC-PT thì, căn cứ để Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bà Võ Thị Hiếu, tuyên hủy Quyết định số 365/QĐ-UBND ngày 15/6/2015 của Chủ tịch UBND thành phố C và Chủ tịch UBND thành phố C phải ban hành lại Quyết định theo quy định của pháp luật đó là: (1) Người bị kiện (Chủ tịch UBND thành phố C) không xuất trình được quyết định trưng thu phần diện tích đất 4.511,7m2 của hộ gia đình bà Hiếu; (2) phần đất trên thuộc ruộng nước ngọt mà không phải ruộng nước mặn và gia đình bà Hiếu vẫn sử dụng, canh tác diện tích đất này cho đến khi thực hiện dự án, Hợp tác xã muối Hải Phong không sử dụng như nhận định của Quyết định số 365/QĐ-UBND.
Vì vậy, việc Chủ tịch UBND thành phố C ban hành Quyết định số 1675/QĐ-UBND ngày 16/4/2021 có nội dung không chấp thuận nội dung khiếu nại của bà Hiếu trong khi kết quả xác minh, đối thoại chưa khắc phục được thiếu sót, bất hợp lý (là căn cứ để Tòa án hủy Quyết định số 365/QĐ-UBND) là chưa thi hành đúng nội dung Bản án số 393/2018/HC-PT của Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố A.
Do còn có quan điểm khác nhau trong việc tổ chức thi hành án hành chính, trong việc xác định như thế nào được xem là đã thi hành xong đối với những bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính có nội dung tương tự như vụ việc được minh họa nêu trên, đã gây lúng túng cho các cơ quan có liên quan, nhất là đối với người phải thi hành án trong việc tổ chức thi hành án, người đứng đầu cơ quan cấp trên của người phải thi hành án trong việc chỉ đạo tổ chức thi hành án, viện kiểm sát trong việc kiểm sát việc thi hành án hành chính và cơ quan thi hành án dân sự trong việc theo dõi thi hành án hành chính, vì vậy, cần thiết phải có sự hướng dẫn, thống nhất áp dụng chung của liên ngành trung ương hoặc cấp có thẩm quyền trong việc tổ chức thi hành án hành chính, theo dõi thi hành án hành chính đối với dạng bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính này.
Nguyễn Thanh Nam, Vụ Nghiệp vụ 3, Tổng cục Thi hành án dân sự


Theo cổng thông tin điện tử tổng cục thi hành án dân sự

Các tin đã đưa ngày: